31 C
Nha Trang
Thứ hai, 25 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Ngã rẽ nào cho những vòng xoay?

*Photo: Wikimedia

“Khi lựa chọn trong cuộc sống, đừng quên sống.” – Samuel Johnson

Nếu ai thường xuyên di chuyển trong thành phố, ắt sẽ có đôi lần đối diện với những vòng xoay chia ra nhiều ngã khác nhau, từ đó chúng ta phải chọn một ngã để đi. Việc di chuyển trong cái vòng xoay ấy cũng chẳng dễ dàng gì, khi xe cộ ngày càng đông còn kích cỡ đường xá chẳng thay đổi được bao nhiêu, tạo cảm giác như thành phố này cứ ngày một co nhỏ lại. Mặt đường nứt nẻ. Khói bụi mịt mù muốn ho khùng khục. Những tiếng còi inh ỏi điếc con ráy. Người lạng trái kẻ quẹo phải. Ngoài cái chợ ra, vòng xoay chắc có lẽ là nơi ồn ào và náo nhiệt không kém của thành thị…

Cuộc đời mỗi con người chúng ta cũng từa tựa như vậy. Chúng ta đã, đang và sẽ còn đối diện với rất nhiều vòng xoay cuộc đời, phải tự mình chọn một con đường để đi. Tuy mỗi con đường sẽ dẫn ta đến một nơi khác nhau, nhưng nó đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời của mỗi người. Vì chúng ta còn trẻ, có tự do, có cả một cuộc đời trước mắt để mà tô vẽ nên bức tranh toàn cảnh, và bản thân bạn là người duy nhất có thể quyết định xem mình nên đi về hướng nào trong cái sự náo nhiệt và xô bồ ồn ả giữa những vòng xoay.

Tôi có tình cờ thấy một cái status của một cô bạn trên Facebook, nội dung đại loại nói về việc ở nhà chỉ có một cái tivi mà tối nào hai mẹ con cũng giành nhau miết. Người thì muốn xem thời sự để cập nhật tình hình giá cả sinh hoạt, người thì lại không muốn bỏ lỡ bất kỳ một tập nào của bộ phim truyền hình ưa thích. Chỉ vì một cái tivi mà hai mẹ con hục hặc với nhau kéo dài tới mấy tháng trời, cho đến khi cô bạn ấy sở hữu được một chiếc laptop riêng thì tình hình mới khả quan hơn. Mẹ cô đã có thể xem tivi để tính toán chi phí sinh hoạt phù hợp hơn cho gia đình, còn cô thoải mái lên mạng tải những bộ phim mình yêu thích về xem mà khỏi phải giành giựt với ai.

Chợt nghĩ nếu ví cái tivi là cuộc đời của mỗi người, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra khi cái điều khiển từ xa nó nằm trong tay người khác…

Có nhiều người đã phải nghe theo sự ép buộc của bố mẹ để lựa chọn nghề nghiệp – dù chính bản thân họ không hề yêu thích ngành đó, chỉ vì những lý do về tiền bạc và danh vọng. Rằng học bác sĩ sẽ được mọi người kính trọng, rằng học ngành công nghệ thông tin ra trường sẽ kiếm được nhiều tiền, bố mẹ có dịp nở mày nở mặt với người xung quanh. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa hai khái niệm “định hướng” và “ép buộc”.

Nói như vậy chẳng lẽ những ngành nghề còn lại không được kính trọng và không kiếm được nhiều tiền chăng? Kết quả thì có lẽ bạn đã thấy rồi đấy, đầu vào các ngành được cho là “hot” thì rầm rộ, nhưng đầu ra có kiếm được việc làm không lại là một chuyện khác. Bằng chứng là trên báo chí đã xuất hiện nhiều tin tức về việc sinh viên ra trường đi làm trái ngành rất nhiều. Học quản trị kinh doanh ra trường làm nhân viên tiếp thị bia, học kế toán xong ra lại đi làm công nhân. Nghe có vẻ buồn cười nhưng đó là sự thật phũ phàng đang diễn ra ngoài kia, và buồn thì nhiều chứ cười thì cười không có nổi!

Đó là chưa kể còn những câu chuyện mang tính ép buộc khác. Trong công sở chúng ta phải thường xuyên gặp gỡ những người mà chúng ta chẳng còn chút cảm tình gì. Nhiều người buộc phải giấu đi giới tính thật của mình chỉ vì sợ bị bố mẹ la mắng, sợ bị xã hội nhìn vào với ánh mắt kỳ thị. Con trẻ dù muốn dù không vẫn phải đi học thêm các lớp phụ đạo do chính thầy cô chủ nhiệm của mình phụ trách, nếu không muốn bị đì sói trán trong các giờ học chính khoá…

Có thể bố mẹ, bạn bè là những người tốt luôn quan tâm lo lắng cho chúng ta. Vấn đề ở chỗ là họ có những mối quan tâm hoàn toàn khác xa so với những điều ta muốn. Khi bạn mới mua thứ gì đó về, nếu bạn chưa biết cách xài thì có thể đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm theo sản phẩm, hoặc nhờ ai đó hướng dẫn thêm cho mình. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu ví cuộc đời bạn là một cái ti-vi, liệu bạn có muốn người khác cầm lấy cái điều khiển từ xa thoải mái tuỳ chỉnh cuộc đời của mình không?

Cũng có người cho rằng tương lai là chuyện xa vời, hiện tại mới là quan trọng và sống được tới đâu hay tới đó. Tôi hoàn toàn đồng ý cả hai tay hai chân với bạn rằng chuyện hiện tại đúng là chuyện quan trọng mà chúng ta cần phải suy nghĩ thật, nhưng còn chuyện sống tới đâu hay tới đó thì… chà, nó giống như mấy cái đám lục bình chỉ biết trôi nổi trên sông, sông chảy hướng nào thì nó chỉ biết trôi theo vậy thôi, chẳng biết tự lái đi theo ý mình giống như những người chèo đò trên sông. Tiếp tục một câu hỏi khác dành cho bạn: bạn muốn làm người chèo đò hướng cái đò đến nơi mình muốn, hay bạn muốn giống như đám lục bình để con sông cuốn trôi đến cái xó xỉnh nào đó mà mình còn chẳng biết đó là đâu?

Bản thân tôi cũng từng rất đau đầu khi trước mặt mình có quá nhiều ngã rẽ cuộc đời mà chẳng biết phải đi đâu. Lựa chọn học nghề gì và học trường nào. Bản thân mình nên cư xử ra sao với mọi người. Có muốn nhậu nhẹt, chơi bời và hút thuốc lá giống như bao người không. Có muốn “ăn cơm trước kẻng” hay chưa… ôi nhiều vô kể không biết đâu mà lần, suy nghĩ nhiều tới mức không biết đã có bao nhiêu cọng tóc rơi xuống sàn. (vì vò đầu mạnh tay quá đó mà!)

Việc lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình là một việc hệ trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này. Mà nhắc đến cái gì hệ trọng và khó khăn, đa phần tâm lý con người thường có xu hướng trốn tránh khỏi nó. Nhưng cứ tin tôi đi, sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải đối diện với nó dù bạn có muốn hay không! Chúng ta sẽ còn phải đối diện với nhiều vòng xoay cuộc đời như vậy nữa trong đời, sẽ còn phải đối diện với đủ thứ xô bồ tại những vòng xoay đó trước khi có thể tới được ngã đường mà mình mong muốn. Đối diện mãi rồi mới thấy rằng, à té ra việc tự lựa chọn như thế này cũng khá thú vị đó chứ. Những người khác chỉ có thể là những nhà tư vấn góp ý thêm cho công trình, không hơn không kém. Còn ta – kiến trúc sư, mới là người có toàn quyền thiết kế công trình cuộc đời của mình ra sao trên bản vẽ, cái nào thấy phù hợp với mình thì thêm vào còn không thì cứ lịch sự cảm ơn người ta đã tư vấn cho mình là được! Dù sao lời nói cũng không mất tiền mua mà!

Hãy chủ động lựa chọn, trước khi ông Trời bắt mình phải đi theo ý muốn của ổng. Thà mình tự cất bước, còn hơn là để người khác kéo mình đi. Có phải là con nít học mẫu giáo nữa đâu mà cứ phải để người khác cầm tay dắt đi hoài…

 

Nhật Niên

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI