27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tôn giáo và bán hàng đa cấp

Photo: Xanh Thẳm

Ở cách xa trung tâm thành phố, nên cũng ít đi đâu ra khỏi phạm vi 1km, bữa có cái voucher đi ăn, xách xe với bạn lên quận 1 ăn mà giống như gái nhà quê lớ ngớ lên thành phố vậy, mới đây thôi mà cuộc sống thay đổi nhiều quá. Hàng ngày cũng mấy việc nhà lặt vặt, đọc sách, đi chợ nấu nướng, viết blog, ghi chép nọ kia, thế là xong hết ngày này qua ngày khác.

Bữa nào lòng hoang hoải quá, thì xách xe chạy xuống chùa Phổ Quang, cũng chẳng nghĩ ra nơi nào khác để đi, ngồi trên tầng 1, trong một xó xỉnh đen ngòm không ai nhìn thấy, để nhìn xuống dưới và thấy người ta đang di chuyển, cầu nguyện, làm như vậy, mình có cảm giác mình là con người, cũng hòa nhập với người ta theo kiểu nào đấy, chứ không hoàn toàn cô độc.

Tầng 1 của chùa họa khi cũng có một vài người gì đấy, nhưng hiếm, còn tầng 2 thì hình như hoàn toàn không có ai. Mình ngồi đấy, để thấy cái thế giới này, đầy rẫy những con người hoang mang, lạc lối trước hướng đi cuộc đời, ngờ vực với tất thảy những gì mình đã chọn lựa, cố biện bạch cho con đường mình đang đi rằng nó là con đường đúng đắn và chính xác, nhưng trong lòng đầy rẫy những câu hỏi nghi vấn.

Những con người trong tôn giáo, đa số họ, chẳng khác nào một thành viên của hệ thống bán hàng đa cấp, thời gian đầu họ mừng rỡ như tìm ra được hướng đi cuộc đời, họ thao thao bất tuyệt, khuôn mặt họ sáng rực rỡ như cuộc đời đã không bất công mà đưa đến cho họ một con đường đi đến tương lai mà có lẽ họ đã luôn ao ước, rồi sau đó, dần dà họ hoang mang, họ nghi vấn, khuôn mặt họ ánh lên sự sợ hãi, họ không biết mình lựa chọn đúng không, tại sao rất nhiều thứ họ không vượt qua được, tại sao lại khó khăn như thế, và tại sao có những phản bác họ lại có lý như thế, như thế.

Những con người đó, mặc cho những hoang mang trong lòng, hiện rõ lên trên khuôn mặt, họ vẫn cứ thao thao bất tuyệt, họ nói càng nhiều hơn nữa, để bảo vệ cho con đường họ đã lỡ lựa chọn của mình, họ sợ, họ sợ, họ không có khả năng tự phản bác chính với những định kiến lúc trước của mình, họ phải bảo vệ nó bằng mọi giá, dù đúng dù sai, rồi họ dụ dỗ người khác vào, họ rêu rao những giá trị mà họ nghi vấn, họ rêu rao tất cả những câu hỏi của họ, rồi biến nó như một lời khẳng định.

Mạng lưới như thế ngày càng được nhân rộng, họ có sự hậu thuẫn của đám đông, cho dù họ không hiểu một tí gì về những gì họ rao giảng, họ không hiểu tí gì về bản chất của chúng, nhưng không sao, họ có sự hậu thuẫn của đám đông, họ có cả triệu người đang giống như họ, hoang mang như nhau, nhưng lại hợp tác để nói ra những lời không làm tổn thương nhau.

Họ điên thật rồi, làm sao có thể tin vào một điều gì đó chỉ vì người khác cũng tin như vậy, làm sao họ lại khùng điên như thế.

Tội nghiệp họ, tội nghiệp tất thảy những con người, tội nghiệp chính mình.

 

Xanh Thẳm

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

22 BÌNH LUẬN

  1. Bạn thấy , bạn suy nghĩ và mạnh dạn viết ra những dòng chữ như vậy để cho mọi người kiến thức, điều này thật là quý báu vô cùng.đặc biệt là vấn đề tôn giáo, vì khi nhắc đến tôn giáo, bạn sẽ có những tranh luận mà không ai chịu ai cả. Nhưng bạn à! Bạn chỉ thấy 1 phần nhỏ nhoi trong thế giới tôn giáo này.Bài viết của bạn đúng, không sai, nhưng nó chỉ thể hiện 1 bộ phận nhỏ của con người trong màn hạ ngươn mạt pháp này.Chính Đức Phật cũng có nói, màn này tất cả các đạo, không riêng gì đạo Phật sẽ suy tàn,tam sao thất bổn, không đúng với nguyên thể của nó.tà sư thì nhiều, người tu thì vô số mà ít ai đắc đạo.Nếu bạn muốn tìm hiểu về đạo Phật sâu hơn trước tiên bạn nên tìm tới những người mà đã từng trải qua muôn ngàn khó khăn, chết đi sống dậy, bệnh nan y mà được cứu sống,..và đương nhiên những người này theo đạo. họ sẽ cho bạn thấy niềm tin mãnh liệt của họ, họ tin tuyệt đối vào ơn trên, vì họ đã từng trải, họ không còn gì để mất nên họ có 1 niềm tin mãnh liệt,và họ đã được ơn trên gia hộ vì niềm tin đấy.”tin là có, không tin không có”.mình có rất nhiều điều muon chia sẻ nhưng thời gian có hạn. Thân Chào

  2. tác giả bài viết này chỉ hiểu 1 phần thôi.
    đối với những người tu luyện thật sự thì điều đó hoàn toàn sai.
    vì sao sai. là vì tác giả chỉ đứng ở góc độ người quan sát. nên sẽ không thể biết được tâm ý của những người tu chân chính.
    t2: nếu như trong Phật giáo thì điều đó có thể đúng.
    vì sao đúng ? là vì những vị sư bây giờ họ đa phần không phải người chân tu. vì sao? là vị sư bây giờ phải có bằng cấp mới được công nhận.
    hơn nữa đây là thời kỳ Mạt Pháp nên những chuyện đó rất nhiều. họ vào chùa cũng là vì kiếm tiền, vì sự sung túc, an nhàn chứ k phải tu Phật.
    năm xưa ngay cả Đức Thích Ca cũng đi vân du xin ăn vậy mà bây giờ họ giám cải biến hết cả những gì Phật để lại.

    • Cám ơn vì đã hiểu.
      Mình không nói tất cả, mình chỉ nói là đa số thôi, mình không nói tất cả.
      Với mình, niềm tin hay đức tin, là thứ mà xung quanh, hiện tại bây giờ, đa số điều mù quáng, điều lạc lối. Mình thấy những điều này rõ ràng trước mắt, rõ ràng xung quanh, rõ ràng trên từng khuôn mặt.
      Tôn giáo bây giờ, đối với nhiều người, là lạc lối, hoang hoang, mù quáng, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục rao giảng.

  3. Bạn là một trong số đông người đứng bên ngoài vòng tròn và bảo đó là đa giác ko tâm.
    Hãy can đảm bước vào, nắm lấy bản chất -giá trị lúc ấy kết luận cũng chưa muộn.

  4. Tôn giáo đi kèm với đức tin, là thứ có thể quyết định hành động của hàng triệu con người. Tôn giáo có ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống tâm linh con người, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Người đạo hồi có thể cảm tử vì niềm tin của họ; chiến tranh tôn giáo đã đẩy châu âu vào đêm trường trung cổ hằng thế kỷ…Nên đừng “vội vàng” đưa ra đánh giá hay so sánh đụng chạm về tôn giáo.

  5. Những điều nhận thức được từ những cái được gọi là hình thức bên ngoài nhiều hơn, Từ giác quan: mắt, tai… của con người bản thân nó đã bị giới hạn bởi không gian thời gian. Những điều ấy không mang tới một nhận định tới tận gốc vấn đề được. Suy nghĩ, nhận thức nào đến chỉ đến từ những điều hạn chế trên, tất yếu suy nghĩ cũng bị giới hạn. Đa phần do Tâm biến hiện, rồi cảm giác thỏa mãn để rồi chụp mũ đưa đến phân tích và kết luận. Càng phân tích thì sẽ xa rời sự thống nhất, sẽ mâu thuẫn và khó nhận thức được đúng đắn. Nếu cảm nhận với tâm yêu thương, không phân biệt, không so sánh, tâm bình an. Thì đó là nền tảng giúp cho mỗi cá nhân đóng góp được điều giá trị hơn. Biết nó còn hạn chế. Nhưng những nhận định, ý kiến, nhận thức với những cái Tâm kia , thì những ngôn từ chữ viết sẽ toát lên cái hồn cao đẹp ấy. Thì cũng là điều rất đáng ghi nhận, quý trọng rồi!.

  6. Góp ý vì mục đích chung!. Vấn đề Tôn giáo có lẽ bạn nên tìm hiểu kĩ càng, qua lịch sử quá khứ – hiện tại. Và Đạo Phật không được gọi tương đương là Tôn giáo như nhiều người đã nghe. Tôn giáo là một phần trong Đạo Phật. Tất cả đều là một, đều giống nhau, không sai khác. Cái sai khác Do Tâm phân biệt mà thành. Bạn sống trong Nhân Quả!. Trong luật tự nhiên. Điều này bạn nên suy xét kĩ càng. kẻo hấp thụ những điều giống với Tàng thức bên trong bạn tạo ra. Mong hoan hỉ tiếp nhận.

  7. Bạn cũng mơ hồ khi đang nhận định những giá trị của tôn giáo. Bạn ngơ ngác, ko hiểu được, bạn đã bao giờ ngồi xuống tìm cho mình một lối đi ngoài cái lý trí hay ko?
    Tôi tò mò vì cái tiêu đề bạn đặt ra, nhưng khi đọc rồi thực sự thất vọng với lý luận bạn đề ra. Vừa mơ hồ, vừa hời hợt, lại chẳng có chút trải nghiệm nào ngoài việc ngồi ở tầng hai, ngắm nhìn thế giới, thấy những con người hoang mang lạc lối.
    Bạn đã suy ngẫm đủ thấu như đa số các nhà Phật dành cả đời để làm việc đó chưa? Bạn có thử thực hành những suy ngẫm của mình chưa?
    Tôn giáo ko phải là ko thể đụng đến, nhưng hãy cân nhắc khi viết, tranh luận. Mọi điều bạn nói ra đều có thể bị bẻ gãy bằng lý luận phi tôn giáo, chưa nói là lý luận tôn giáo, nếu bạn chưa đủ chính chắn.
    Thận trọng, suy ngẫm sâu hơn để có những bài viết hay hơn bạn nhe.

  8. Ý kiến cá nhân, mình nghĩ ad không nên đăng một bài như thế này. Ngay từ tiêu đề đã thấy bài này dễ gây ra xung đột, nhất là với những người theo Đạo. Riêng về người viết bài Xanh Thẳm, có lẽ bạn chỉ nhìn nhận cái bề ngoài từ một bộ phận để rồi viết ra những dòng như trên, tiếc là “mẫu” bạn lấy ra toàn tiêu cực và cả suy nghĩ tiêu cực của bạn gắn tôn giáo và bán hàng đa cấp. 2 chủ đề không liên quan gì đến nhau, thực sự là như vậy. Tôn giáo không phải là chủ đề để bạn viết những bài như trên đâu, mình hoàn toàn không đồng ý với những luận ý của bạn. Hy vọng là bạn lần sau nên tìm hiểu kĩ và suy nghĩ kĩ trước khi viết, tránh việc để người khác chê trách, như mình chẳng hạn.

  9. Tôi nghĩ bạn chưa có tầm nhìn qua khỏi sống mũi mà bàn về vấn đề tôn giáo rộng lớn và có những nhận định kiểu như đinh đóng vào thân…cây chuối vậy…

  10. It đi đâu ra khỏi phạm vi 1km…mới tới Chùa Phổ Quang,,, và bạn đã đưa ra nhận định của mình như vậy. Bạn đúng là “thánh phán”. Nếu muốn cảm nhận về tôn giáo chúng ta k thể dùng con mắt và cái đầu và tôi nghĩ bạn cần thêm một cảm nghiệm từ trái tim của chính bạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI