29 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tìm bạn, làm bạn và mất bạn

*Photo: 

 

Trong cuộc sống….

Ớ có nên dừng lại tại đây không nhỉ? Vì cái mô típ này nghe cứ quen quen, phải rồi, đó là cụm từ “quen thuộc” mà thầy giáo chủ nhiệm lớp cấp 3 của tôi hay dùng để bắt đầu, mỗi lúc cần thuyết cho cái đám học trò đang chảy nước mắt vì buồn ngủ bên dưới bục giảng về một vấn đề gì đó cần phải chấn chỉnh. Nhưng có lẽ, tôi sẽ vẫn bắt đầu với cụm từ này, vì nó phổ thông quá, nó cũng như “bạn bè”.

Trong cuộc sống, đi tìm bạn bè, làm bạn với nhau và đánh mất nhau là một quá trình thường lặp lại. Tùy ở từng mối quan hệ mà chu trình đi từ tìm bạn đến làm bạn đến mất bạn dài hay ngắn khác nhau ở mỗi người. Có người thì để tìm được một người bạn thực sự cho mình rất khó, họ phải trải qua rất nhiều, rất nhiều những mối quan hệ phức tạp khác nhau, trải qua thời gian dài tìm hiểu thì mới nhận ra đâu là bạn của mình. Còn có những người thì quá trình tìm bạn, gặp bạn chỉ đơn thuần diễn ra gói gọn trong một khoảnh khắc, rất tình cờ và đầy bất ngờ.

Tôi không nói đến chuyện yêu đương ở đây, vì đã từng có một cậu bạn, nói với tôi rằng: “Tình yêu thì có thể mất đi, nhưng tình bạn thì sẽ còn lại mãi mãi.” Và quả thực đến giờ thì nghiệm lại câu này, tôi vẫn thấy nó đúng, tôi và nó đã làm bạn với nhau kể từ khi vào đại học, và cho đến giờ dù kẻ Nam người Bắc, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắn tin, trao đổi, khích lệ nhau học tập, động viên và chia sẻ nhiều chuyện cùng nhau.

Chuyện làm bạn ấy, nó rất kì lạ, có khi bạn đi tìm một người bạn ấy, rất khó khăn và trắc trở, nhưng rồi đùng một phát, người đó tự nhiên xuất hiện, và nhiều khi khiến thế giới của bạn có một chút chao đảo. Phải rồi, khi mà bạn đang quen sống trong cái thế giới chỉ có bản thân mình, rồi tự nhiên có một người nữa nhảy vào, chia sẻ mọi thứ với bạn, thì đương nhiên nó sẽ chao đảo rồi, đâu có thể bình thường được như trước.

Và khi đó, bạn vừa vui mừng, lại vừa có chút lo sợ, vì người bạn ấy là nơi mà bạn vừa có thể chia sẻ chút gì trong cuộc sống, lại sợ rằng bạn ta sẽ làm cho cuộc sống vốn yên bình của ta hỗn loạn. Ấy là khởi thủy của sự làm bạn, tình bạn nào rồi cũng đi qua chút e dè, chút ngại, chút sợ và chút khó khăn, có vậy thì sợi dây tình bạn mới bền chặt được.

Khi mà những gì trải qua bên nhau giữa hai con người đủ nhiều, đủ sâu sắc, họ sẽ trở thành một cặp bạn bè thân thiết. Ơ mà khoan, vậy thì sao lại có cái đoạn mất bạn kia?

Hừm, mất bạn, được hiểu là một quá trình mà khi một trong hai bên không có sự đồng thuận trở lại với bên còn lại, dẫn tới những xích mích, những cuộc cãi vã, cả những giận hờn. Và thế là tình bạn ấy tạm coi là bị gãy.

Vậy có bao giờ vết gãy ấy được nối lại? Có chứ, khoa học cũng đã chứng minh rằng một vết gãy được nối lại khi và chỉ khi trọng lượng ở đôi bên cái đoạn bị gãy khá tương đồng với nhau và không chênh lệch nhau quá nhiều. Điều này cũng tượng trưng cho tình bạn đối với hai phía. Khi xảy ra đứt gãy, mà một phía có trọng lượng nhiều hơn phía còn lại, đương nhiên phản lực gây ra cũng mạnh hơn.

Trong lúc ngã và gãy xương, nhất là xương chân, người gãy ở xương trụ (xương to) mà xương chưa đâm xuyên qua da thịt, vẫn còn nằm trong bao khớp thì vết thương ấy, chỉ cần bó bột, giữ nó tùy độ tuổi của người gãy, trẻ con thì 3-6 tháng, người lớn thì có khi đến cả năm, vết thương ấy theo năm tháng, sẽ liền lại, canxi sẽ tự bồi đắp. Nhưng nếu gãy xương, mà xương đã đâm thủng ra ngoài da thịt, thì chỉ còn cách mổ rồi khoan cố định lại mà thôi.

Gãy đứt trong tình bạn cũng vậy, cũng phải tùy vết gãy mà chữa trị. Có người sau khi gãy, do sự thay đổi trong lúc điều trị, phải mang theo cả cái chân nặng bó bột mà dần dần họ đi cà nhắc, hoặc có những dấu vết lúc phẫu thuật mà để lại sẹo. Tình bạn lúc gãy rồi, khi khôi phục lại khắc cũng sẽ có những vết sẹo, thâm, có người bị đau âm thầm trong tủy xương mỗi khi trái gió trở trời, có người lại chỉ có sẹo ngoài da thịt rồi thôi. Nếu ta tha thứ cho nhau thực sự, nhưng mà trong lòng vẫn để tâm thì dẫu có thể bên ngoài nhìn vào vẫn là một khoảng da trắng không vết tích, có ai biết rằng trong lòng ta vẫn âm thầm rỉ máu đau thương mỗi khi có sự việc khác xảy ra?

Và cái vòng tuần hoàn ấy, cứ lặp lại lặp lại từ đời này qua đời khác, từ tôi sang bạn, từ bạn sang những con người khác. Chúng ta mỗi người sẽ ở một tâm mạng nhện, cái mạng của chính mình, mà truyền đi những tín hiệu khác nhau? Câu hỏi là: Bao giờ thì ta mới biết được là ta đang dẫm phải cái mạng của một con nhện khác?

 

Thu Li

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. bài viết rất hay, mình thích câu ” Chúng ta mỗi người sẽ ở một tâm mạng nhện, cái mạng của chính mình, mà truyền đi những tín hiệu khác nhau?”. Theo mình hiểu là mỗi người chúng ta có thể lan truyền những điều tốt, xấu đến những người khác. Có đúng ko? Nhưng câu hỏi: “Bao giờ thì ta mới biết được là ta đang dẫm phải cái mạng của một con nhện khác?” thì mình chưa hiểu rõ cho lắm

    • Chào bạn, việc giẫm lên cái mạng của một con nhện khác nó có các kết cục sau:
      – Bạn có thể bình an đi ra khỏi cái mạng đấy, tuy nhiên vẫn để lại một tần số rung nhất định đối với cái mạng, con nhện ở mạng đó đương nhiên biết được và nảy sinh tâm lý phòng thủ. Lần sau mà bạn quay lại nó sẽ cảnh giác đó.
      – Bạn bị dính nọc độc của cái mạng đó và bị thương tổn 😀
      Hi vọng là câu trả lời này làm vừa lòng bạn. Mình nghĩ là giải thích theo nghĩa đen rồi để độc giả tự suy ra theo nghĩa bóng thì thấy thú vị hơn nhiều!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI