*Featured Image: Cameron Gardner Photography
Con người sợ tự do và trách nhiệm, do vậy họ tình nguyện ẩn thân trong cái nhà giam do chính mình tạo ra
Nếu nói về giá trị con người chúng ta không thể chỉ dựa trên hai chỉ tiêu vật chất và tinh thần? Bởi vì, sẽ có người được cái này, mất cái kia, hay cả hai. Thậm chí dựa trên hai tiêu chuẩn này cũng chưa toàn vẹn, bởi những giá trị này có thể thay đổi theo thời gian, bởi cuộc đời có lúc “lên voi, xuống chó”. Giá trị con người không tự người khác mặc định cho anh ta, được xu nịnh hay tân bốc lên với một giá trị ảo và thông qua một vụ scandal ầm ĩ tai tiếng nào đó.. Có người thì có giá trị đối với người này nhưng với người khác thì không có giá trị. Như vậy giá trị thật sự con người nằm ở đâu?
“Chân giá trị của mỗi người không nằm trong bản thân anh ta, mà nằm ở những sắc màu và đường nét đã trở nên sống động trong người khác.” – Albert Schweitzer
Chân giá trị thực sự nằm ở tố chất có sẵn ở mỗi người, ở khả năng phát huy tiềm năng con người của anh ta. Những tố chất này được hình thành thông qua rèn luyện, kiên trì nỗ lực, phát triển cá nhân. Sau đó mang lại sự ổn định, hạnh phúc, thịnh vượng cho xã hội, đó là sự đóng góp mang tính tổng thể cho cộng đồng xã hội.
Những giá trị này do chính tố chất và bản năng của một người tự xây dựng nên, anh ta không cần phô trương danh thế, địa vị, tiền của, chức tước quyền cao. Mà chính sức ảnh hưởng của anh ta đến với bạn bè, gia đình, xã hội, nó không được mặc định bởi một người mà là một cộng đồng. Bên cạnh đó khả năng yêu thương, chia sẻ, đồng cảm ảnh hưởng đến những thành viên trong tổ chức. Cũng như những đóng góp đối với xã hội của anh ta mà không cần báo chí PR, ca ngợi để biết đến “hữu xạ tự nhiên hương”. Giá trị của anh khiến cho người khác cũng phải kính trọng ở đức độ, đối nhân xử thế.
“Điều đếm được không nhất thiết đáng kể; điều đáng kể không nhất thiết đếm được.” – Albert Einstein
Chúng ta không thể dựa trên những gì có thể điếm được có ở một người rồi tự dán cho cái nhãn “người có giá trị”. Giá trị con người không thể đem ra để cân đo đong đếm mà nằm ở khả năng của anh ta phát huy được bản chất, tài năng để đem lại lợi ích cho xã hội. Nếu giá trị đem ra cân đo được thì nó sẽ xuống giá và leo thang thị trường như giá “xăng-dầu” khi đó giá trị được người khác ví như khói ống xe, cuối cùng chỉ là đồ thải đi sau khi đã hết hạn sử dụng.
“Không có giá trị nào trong cuộc sống trừ những gì bạn chọn đặt lên nó, và không có hạnh phúc ở bất cứ đâu trừ điều bạn mang đến cho bản thân mình.” – Henry David Thoreau
Bản thân một người có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an cho một cá nhân cũng là người có giá trị. Tình bạn của một người cũng là thước đo tốt nhất giá trị của anh ta.
Như vậy khi nói đến giá trị một người chính là nói đến bản năng hay tự tánh của một người, trở thành một con người với năm giá trị tiêu chuẩn: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” Đạo Phật gọi là “Phật Tánh”. Đây mới chính là cái gốc giá trị con người, cội nguồn của sự ổn định, phồn vinh, hòa bình, phát triển của xã hội “tự tánh bổn lai diện mục – nhân chi sơ tánh vốn thiện”. Gốc rễ nằm ở chữ “Tâm”.
“Chữ Tâm độc tự thế mà hay
Thành bại nên hư bởi chữ này
Tuổi trẻ gắn rèn, già cố giữ
Cuộc đời gắn trọn cả vào đây”
Hãy là con người có một trái tim biết ơn, trân trọng sinh mạng của mình, học hỏi càng nhiều, chia sẻ với người khác càng nhiều thì cuộc đời càng trở nên tươi đẹp.
Tuệ Phúc