*Photo: Telstra Corp
Một ngày nhìn lại, bạn sẽ thấy công nghệ mang đến những đổi thay quá dễ sợ trong cuộc sống của chúng ta. Sự phát triển của các ứng dụng (apps) trên điện thoại, máy tính bảng và những thiết bị điện tử khác làm cho đời (có vẻ như) dễ dàng hơn nhiều. Với ứng dụng, ta có thể đọc hàng nghìn tờ báo cùng lúc; có thể mua hàng sale trước cả những đứa đang xếp hàng trước shop; có thể điều khiển máy tính ở công ty ngay cả khi mình đang nằm dưới bóng dừa ở Boracay; có thể biết rõ ràng cách mình mấy mét có ai đó thích nhạc Johnny Flynn, yêu màu tím nhưng ghét thủy chung….
Hôm nọ tôi vừa xem một cái video rất dễ sợ. Nó vẽ ra một viễn cảnh, mà có vẻ không khó khăn gì để trở thành hiện thực nay mai. Buổi sáng bạn thức dậy, đứng trước gương thông minh chạm chạm một hồi, nó sẽ nhắc bạn hết: hôm nay sinh nhật em A cùng lớp tiếng Ý, hãng thời trang B đang sale… Bạn bấm nút cái bụp, sẽ kết nối được với em A, nói chúc mừng sinh nhật.
Rồi bạn đến trung tâm thương mại. Sau một hồi bấm nút trên màn hình thông minh để tìm chỗ đậu xe, bạn vào shop quần áo. Bạn đặt smartphone của mình lên một cái bục, thông tin sản phẩm trong cửa hàng sẽ mau chóng được truyền vào điện thoại, và bạn chỉ việc chạm để chọn. Trên mặt gương của phòng thử đồ có nút camera. Bạn bấm chụp hình sau khi thử áo, post lên Facebook, hỏi “ê nên lấy cái nào?” rồi thì bạn bè sẽ comment ngay lập tức để cho lời khuyên.
Mua đồ xong, bạn chỉ cần bấm điện thoại để biết cách mình năm mét về hướng đông có một cửa hàng bánh ngọt mới ra một mẻ nóng hổi, mười bảy mét về hướng Tây Nam có tiệm cà phê đang giảm giá 25% cho cô gái nào mặc áo hồng… Nói chung tôi kể ra nghe không hoành tráng, có đoạn nhớ nhớ quên quên. Bạn phải coi hết cái clip đó mới thấy đường đi nước bước cách nghĩ của con người đã bị ứng dụng thông minh “bắt bài” kiểu gì.
Nhưng càng nhớ lại để kể tôi càng thấy kinh hãi. Nhân vật chính trong video đó từ đầu đến cuối chỉ một mình. Cô ta chơi hết với điện thoại đến những màn hình tương tác, không có ai bên cạnh, vậy mà vẫn vui. Kỳ không?
Mỗi khi đi công tác, vào tàu điện ngầm, tôi hay đứng kín đáo quan sát mọi người (ồ xin lỗi về cái tật nhiều chuyện này). Tàu điện ngầm là nơi có nhiều người đứng tụ lại một chỗ, không thể làm gì khác ngoài chờ đợi, nên nếu để ý, bạn sẽ có vài kết luận về hành vi của đám đông trong một hoàn cảnh nhất định. Tôi đã từng rút ra kết luận cho riêng mình, rằng người ta có hai thứ chủ yếu để cầm khi đi tàu điện: một là bàn tay ai đó, hai là một thiết bị điện tử. Sau vài năm, tôi cảm giác điều mình quan sát được đã ít nhiều thay đổi. Hiếm hoi lắm trong đám người đang hí húi cầm điện thoại/máy tính bảng, tôi mới thấy có người cầm một bàn tay.
Tôi không hề là một kẻ cổ lỗ sĩ phản đối công nghệ và những bước tiến kinh hãi của nhân loại nhờ vào khoa học kỹ thuật. Thỉnh thoảng tôi chỉ tự hỏi, không biết làm thế nào để chúng ta có thể cân bằng giữa hai điều: Cuộc sống được che chở bởi những ứng dụng thông minh thoải mái và cuộc sống đòi hỏi nhiều nỗ lực tự thân mà không phải ai cũng can đảm và vui lòng đối mặt.
Chúng ta ngày càng cô đơn hơn, không phải vì cuộc sống này lạnh lùng hơn. Mà chắc bởi vì chúng ta đang dần thấy yên ổn khi chơi với một cái máy hơn là với một con người.
Bạn có thể tìm lại link clip đó và share lên đây cho mọi người xem được không bạn? Mình xin cảm ơn.
Cái máy ĐT đã trở thành người bạn của người đó? Giá như người đó có một người bạn thật sự!
Em muốn xin clip bác kể trong bài ạ
Qua internet, về mối quan hệ người-người, mình đã có thể:
1) Kết bạn với một người bạn Nhật, và bạn ấy đã rủ thêm 7 bạn sv Nhật khác đến VN và về quê mình chơi.
2) Biết thêm về những người bạn đang tổ chức các chuyến phượt tình nguyện và cùng tham gia với họ.
3) Kêu gọi bạn bè cùng tham gia một dự án vì cộng đồng, hoặc một dự án…nhậu thả ga chẳng hạn. :))
và nhiều chuyện khác nữa…
Thế giới loài người luôn tiến tới, chúng ta phải thay đổi để thích nghi thôi.
Đơn giản nhất theo mình thấy là: hãy cứ quan sát các nước phát triển trước họ đang giải quyết các vấn đề (mà một xã hội đi sau như Việt Nam đang và sắp đối mặt) ra sao. Từ đó mình có thể tự chọn lọc, và học hỏi bài học từ họ.
Thay vì ở nhà tự vấn "Vì sao chúng ta dần cô đơn?" thì bạn lên facebook post status gọi mọi người đi cafe hay trà quán đàm đạp về đề tài "Cô đơn thời đại Internet" thử xem, sẽ có nhiều người thích thú muốn chia sẻ cùng bạn đó. ^_^
Oh, first person I know like Johnny Flynn .
hình như đã đọc bài này ở đâu rồi thì phải