Featured Image: Braden Gunem
“Chuyện kể rằng, vào một buổi sáng tinh mơ tại một ngôi Chùa nọ, lúc sư trụ trì vừa mở cổng ra đã thấy dưới chân mình hình hài một sinh linh bé bỏng. Sự kinh ngạc ban đầu nhanh chóng trôi qua, sư trụ trì như “ngộ” ra một điều: Có lẽ đây là sự “ký thác” của người đời về trách nhiệm làm cha làm mẹ bất đắc dĩ đối với nhà Chùa. Nghĩ vậy, nên sư vội vàng cúi xuống nhặt sinh linh bé bỏng ấy lên, ôm nó vào lòng để truyền hơi ấm, sư khép cổng lại và trở vào chánh điện. Không biết là “nhân duyên” hay “nghiệp báo”, kể từ ấy đến nay nhà Chùa không chỉ là nơi phát tâm tu hành của các Phật tử mà còn là nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Theo thời gian, những sinh linh bé bỏng (không biết vì lý do gì) lại bị người đời “ký thác” cho nhà Chùa ngày một nhiều hơn. Trước tình hình ấy, sư trụ trì phải “cậy” đến lòng từ bi, sự thiện nguyện của các thiện nam tín nữ xa gần nhằm chung tay với nhà Chùa chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp. Một trong số các thiện nam tín nữa đó là Trang Thị. Được sự cho phép của sư, Trang Thị và một vài người khác nữa đã ở lại hẳn trong Chùa để tiện bề coi sóc cho những đứa trẻ.
Thế rồi, một biến cố đã xảy ra. Ngày nọ, một đứa trẻ trong Chùa đột nhiên mất tích một cách kỳ lạ và khó hiểu. Tin này nhanh chóng đến tai chính quyền sở tại. Sau quá trình điều tra, Trang Thị đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và khởi tố vì tội “mua bán trẻ em trái phép”. Lẽ thường tình, sư trụ trì đương nhiên cũng bị cơ quan chức năng triệu tập nhằm làm rõ hơn một số vấn đề có liên quan. Bởi dù muốn dù không sư cũng là người trực tiếp coi quản và điều hành mọi hoạt động ở Chùa từ trước tới nay.
Sự việc xảy ra đúng vào mùa “Vu Lan báo hiếu” – đây vốn được coi là ngày “lễ” truyền thống của dân chúng nhất là với các Phật tử mộ đạo. Tương truyền “lễ” này có nguồn gốc từ chuyện về ngài Mục Kiền Liên Bồ tát (trong kho tàng truyện cổ Phật giáo) – một đệ tử của đức Phật muốn báo hiếu cho Mẹ mình là bà Mục Liên Thanh Đề đang bị đọa dưới địa ngục vì những tội lỗi mà bà đã gây ra từ “kiếp” trước.”
***
Tôi muốn tóm tắt lại sự việc liên quan đến chùa Bồ Đề (mà ai cũng biết) thành câu chuyện nhẹ nhàng như trên, trước hết là để nhắc nhở bản thân về một sự việc vốn đang tạo ra vố số những suy nghĩ trái chiều; sau nữa là góp thêm một góc nhìn về mối quan hệ giữa “đạo” và “đời” của người Việt ở xã hội ta hiện nay.
Xin một lời đính chính
Có lẽ, không nhất thiết phải là Phật tử, những ai có tìm hiểu ít nhiều về Phật giáo đều biết hạt nhân cơ bản của tôn giáo này là quan niệm về lòng từ bi của con người. Tuy vậy, với Phật giáo thì lòng từ bi không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa người với người mà là với tất thảy mọi chúng sinh. Lòng từ bi trong tư tưởng Phật giáo không chỉ hiện diện ở cõi dương gian mà còn hiện diện ngay ở một nơi rất ghê rợn: Địa ngục. Chứng kiến chúng sinh vì tội lỗi mà bị đọa vào địa ngục, bằng tất cả lòng từ bi, tình yêu thương của mình, ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát – một đệ tử của đức Phật đã nguyện rằng:
“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ Đề.”
Tạm hiểu là: “Khi nào chốn địa ngục chưa hết kẻ bị đọa đày sẽ không thành Phật, tất thảy mọi chúng sinh được giải thoát mới chứng quả Bồ Đề.”
Đây cũng là lý do vì sao trong một nơi u tối, ghê rợn của địa ngục nhưng vẫn có hơi ấm của mùa xuân lan tỏa vào. “Mùa xuân trong địa ngục” [1] – một cách nói, cách lý giải rất hay của giáo sư Cao Huy Thuần về tinh thần từ bi, bác ái, phổ độ tất thảy mọi chúng sinh trong tư tưởng Phật giáo.
Để những hạt mầm từ bi đâm chồi, nẩy nở; để cây từ bi đơm hoa kết trái trong lòng mỗi người, giáo lý Phật giáo đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề “nhân quả và nghiệp báo”.
Đặc biệt, “nhân quả và nghiệp báo” trong tư tưởng Phật giáo được “tính” ngay cả trong mỗi suy nghĩ, trong mỗi lời nói của con người. Vì suy nghĩ là khởi nguồn cho hành động. Suy nghĩ đúng sẽ đưa đến hành động đúng, suy nghĩ sai tất sẽ dẫn đến hành động sai. Trong giáo lý nhà Phật, những suy nghĩ sai được gọi là “tà niệm” “tà kiến” (đối lập với suy nghĩ đúng – “chánh niệm” “chánh kiến”). Trong“tà niệm” “tà kiến” thì nói dối, nói không đúng sự thật là điều đáng chê trách nhất. Đó cũng là lý do vì sao “không sát sinh” (chứ không phải không “giết người”) và “không nói dối” là hai trong 5 giới cấm mà bất kỳ ai đã quy y nơi cửa Phật đều phải thề nguyện không vi phạm.
Trở lại vụ việc ở chùa Bồ đề, có thể nói, những người nào thật sự có liên quan đến chuyện “mua bán trẻ em” mà cơ quan chức năng đang điều tra, hơn ai hết bản thân họ biết rất rõ mình sẽ bị báo ứng như thế nào. Đây là “bản án” mà theo tôi, những người có liên quan trong vụ này đang phải đối mặt hàng ngày trước cái nhìn của Phật tổ nơi chánh điện, trong từng lời kinh câu kệ, từng cái chấp tay, từng động tác quỳ lạy, từng tiếng chuông mỗi phút mỗi giây vọng về trong tâm tưởng…
Điều đó cũng có nghĩa, trong mối quan hệ với “đạo” thì “bản án” có tên gọi “lương tâm” đã được tuyên từ rất lâu rồi, còn trong mối quan hệ với “đời” thì như mọi người đã và đang nhìn thấy, các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ và chắc chắn sẽ có những bản án được tuyên. Đây phải chăng là “báo ứng nhãn tiền” (ngay trong “kiếp” này chứ không đợi “kiếp” sau) cho những suy nghĩ và hành động lỗi đạo của những Phật tử đang hành đạo ở ngôi chùa này?
Thế thì, với tư cách là những người “ngoài cuộc”, chúng ta có nên tự cho mình quyền đứng cao hơn hai “bộ luật” kia để tuyên thêm một bản án nào nữa không? Cá nhân tôi nghĩ là không nhưng nếu ai đó cho rằng mình có quyền phán xét chuyện này thì về mặt tự do ngôn luận tôi xin tôn trọng nhưng với điều kiện: có lẽ mỗi người cũng nên biết đâu là bản chất thật và giới hạn của vấn đề.
Mùa Vu Lan ở chùa Bồ Đề năm nay đã không còn cái khí nhộn nhịp của dòng người đến hành lễ và cúng dường, “bố thí” như những năm trước đây. Điều này đã nói lên tất cả sự hoài nghi, sự đổ vỡ niềm tin, đổ vỡ đức tin trong lòng mỗi người dân từ khi vụ việc xảy ra. Nhưng phải chăng một trong những nguyên nhân đưa đến sự đổ vỡ niềm tin này là do sự tác động từ những bản án được tuyên quá vội vàng và quá khắc khe của dư luận? Phải chăng đây chính là sự “khủng hoảng của truyền thông”[2]?
Ai đó qua vụ việc ở này đã khái quát đây là “bức tranh đời lệch chùa nghiêng” [3]. Hoàn toàn không phải chuyện bắt bẽ chữ nghĩa nhưng có lẽ theo tôi, chúng ta cần định danh sự việc đúng với bản chất thật của nó (cũng là tránh một cái nhìn thiên lệch sẽ vô tình “tạo nghiệp” về sau theo tinh thần của Phật giáo). Cho nên nếu chính xác thì đây không phải “đời lệch” mà là “lòng người lệch”; không phải “chùa nghiêng” mà là “lòng người (đang hành đạo dưới mái Chùa) nghiêng”.
Nói như vậy để thấy rằng trong cuộc sống, chúng ta chỉ chống lại những hành động (gây nên hậu quả tiêu cực) của con người chứ không phải và không nên chống lại con người. Cái ranh giới giữa hai vấn đề này nhất định phải được vẽ và phân định thật rạch ròi chứ không nên nhập nhằng, lẫn lộn.
Đến đây có thể thấy, phải chăng trong nhiều trường hợp (dù vô tình hay có ý) dư luận đã không có cái nhìn bao dung và lòng từ bi như ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát? Vì vậy, hơi ấm của mùa xuân đã không thể lan tỏa đến những người có lẽ đang rất sầu não trong cái địa ngục của “bản án lương tâm”? Nếu cứ tiếp tục như vậy thì thật là nguy hiểm cho xã hội vì những hạt mầm từ bi có nguy cơ không thể nẩy mầm; những cây từ bi không thể đơm hoa, kết trái.
Hãy bố thí cho đời một cái nhìn từ tâm
Trong cái nhìn của chúng ta hiện nay, từ “bố thí” nghe có vẻ không được hay cho lắm. Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật, từ này được hiểu với nghĩa tích cực. “Bố thí” là hành động cụ thể rõ ràng nhất chứng nhận cho lòng từ bi của con người. Nói như giáo sư Cao Huy Thuần là:
“Phật giáo đề cao tận cùng công đức của bố thí. Đừng tưởng bố thí chỉ là cúng dường. Cũng đừng tưởng bố thí chỉ là làm việc từ thiện. Bố thí phải hiểu cho đúng nghĩa: Là cho nhưng là cho không thấy người cho, không thấy người nhận, không thấy vật cho. Cho như vậy, nghèo giàu gì cũng cho được vì đâu phải chỉ có tiền, có tài vật mới gọi là cho. Cho một tiếng cười cũng là bố thí. Một lời nói dịu dàng. Một cái nhìn trìu mến. Một lời cảm ơn. Một cái chắp tay. Một tiếng chào. Một lời xin lỗi. Một lời tha lỗi. Một cái cúi đầu. Một bóng mát từ cây cao tỏa xuống ven đường. Vấn đề là đừng nghĩ rằng mình cho, đừng nghĩ ai có lợi, cho với một cái tâm trống không như bóng mát kia tự nhiên tỏa xuống không biết nó là bóng mát hay không biết ai ngồi hưởng mát giữa bóng mình.”[4]
Trước bất kỳ một vấn đề của cuộc sống, mọi người đều có quyền bình đẳng, tự do phát biểu suy nghĩ của riêng mình. Đó là lẽ đương nhiên không ai có quyền ngăn cấm (mà dẫu có muốn ngăn cấm cũng không được). Tuy vậy, có lẽ trước những sự việc liên quan đến niềm tin, hay đức tin về tôn giáo của con người thiết nghĩ, mọi phát biểu của chúng ta cần phải hết sức cẩn trọng. Vì lời nói cũng giống như một mũi tên, một khi đã bay đi thì không có cách nào cản lại được. Nên không khéo, có khi vì muốn sửa cái sai này, chúng ta lại rơi vào cái sai khác.
Có lẽ, ai đó cho rằng, tôi – kẻ viết bài này là một Phật tử nên mới có những lời “mộ đạo” như trên để chiêu tuyết cho những kẻ phạm sai lầm chăng? Rất thành tâm tôi xin trả lời tôi không phải là Phật tử, tôi chưa từng đến cửa Phật để quy y, trong chứng minh thư của tôi hiện vẫn ghi rất rõ một từ “không” ngay phía sau dấu hai chấm của mục kê khai về tôn giáo.
Trước đây, nhà thơ Kiên Giang trong bài thơ “Hoa trắng thối cài trên áo tím” có viết:
“Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời.”
Bắt chước người xưa, tôi xin phép được kết thúc bài viết của mình tại đây với suy nghĩ tương tự:
“Lạy Phật con là người ngoại đạo
Nhưng tin có nhân-quả trên đời.”
Nguyễn Trọng Bình
Sự thật chỉ có người trong cuộc mới biết được.
Trang thị bị chính quyền khởi tố, đó là nghiệp báo. Bị dư luận chỉ trích, bị người đời xa lánh, chửi rủa, đó không phải là nghiệp báo sao?
Chùa Bồ Đề nhận Trang thị vào tu tập làm công quả, nhà Chùa đã gieo một hạt giống (nhân)
Chùa Bồ Đề nhận nuôi đứa trẻ bị bán, nhà Chùa đã gieo một hạt giống
Trang thị đem những đứa trẻ đó bán đi. Đây là lúc Chùa Bồ Đề nhận quả, và quả là gì thì mọi người cũng đã thấy.
Chuyện này không nắm rõ nội tình nên không dám phán xét. Chỉ muốn nói về cách giải quyết vấn đề. Vì nhà nước không làm xuể công tác chăm nuôi này nên phải trông cậy thêm vào tư nhân. Chúng ta không thể gạt bỏ thực tế rằng vẫn phải cần tư nhân trợ giúp công việc này. Quan trọng là làm thế nào để hiệu quả tốt nhất, kiểm soát rủi ro và xử lý kịp thời.
Về mặt chính quyền: Với vai trò quản lý, nhà nước không phải ngồi yên một chỗ chờ người ta đến đăng ký, xin phép hoặc nhờ trợ giúp. Nhà nước cũng không thể ngồi chờ người ta báo cáo định kỳ. Nhà nước phải chủ động hỗ trợ, chỉ dẫn cho người ta đáp ứng đủ thủ tục cần thiết. Đồng thời thăm nom thường xuyên để trợ giúp hoặc chấn chỉnh kịp thời. Nói chung nhà nước cần hành động trên tinh thần giúp người ta làm được và làm tốt chứ không phải đợi tới lúc sự cố xảy ra thì hùng hổ điều tra, kết tội và dẹp bỏ. Nên nhớ rằng công việc chăm nuôi này là trách nhiệm của nhà nước vì nhà nước quản lý xã hội và phải xử lý các việc này. Tư nhân đã có thiện chí gánh vác phụ thì nhà nước phải tích cực hỗ trợ và còn phải cám ơn người ta.
Về phía tư nhân: Trước tiên rất hoan nghênh những nghĩa cử và thiện tâm. Những người làm việc này thường phải hy sinh rất nhiều. Thời gian và của cải không dùng cho cá nhân mình mà giúp đỡ xã hội là vô cùng quý và đáng kính phục. Nhưng nên lưu ý rằng công việc gì cũng có trách nhiệm kèm theo. Dù cho mình làm không vì tư lợi, không được trả công nhưng một khi đã nhận làm thì vẫn phát sinh trách nhiệm. Nhiều người hiểu nhầm rằng khi được trả công và hưởng lợi thì làm mới có trách nhiệm còn khi tự nguyện và làm từ thiện thì sao cũng được. Hãy biết khả năng mình tới đâu và nhận vừa đúng công việc để bảo đảm trách nhiệm và kết quả tốt nhất. Đã làm thì phải chu đáo, có kế hoạch, quản lý, giám sát thường xuyên và đầy đủ chuẩn mực chất lượng. Vì tuy mình không hưởng lợi gì nhưng khi hậu quả xảy ra thì mình vẫn phải chịu trách nhiệm với nạn nhân mà còn với lương tâm chính mình.
Riêng về phía nhà chùa và sư cô trụ trì: Tôi rất thông cảm với sư cô vì công việc Phật sự hàng ngày rất nhiều. Việc chăm sóc người già và trẻ em, người bệnh có rất nhiều thứ linh tinh và đôi khi không chủ động được. Hơn nữa đây lại là công việc tự nguyện và mọi người đều không ai được huấn luyện hay có “tay nghề” trong việc quản lý cả. Công việc này làm các vị quay như chong chóng và nhiều khi ảnh hưởng đến chuyện tịnh tâm, tu tập. Chưa kể áp lực xã hội nhìn vào. Vì đây là nhà chùa nên rất dễ mang tiếng và ảnh hưởng chốn Phật môn. Nhận được của quyên góp nếu xét về đạo thì trách nhiệm vô cùng lớn vì đó là của tam bảo, của bá tánh gửi gắm. Sử dụng sai hoặc lãng phí là tạo nghiệp vô cùng nặng.
Tuy nhiên như đã nói sức tới đâu thì làm tới đó. Đành rằng do gốc tu hành không rành lẽ đời trong việc thủ tục, giấy tờ, quản lý, giám sát nhân sự… nhưng đã đảm nhận công việc thì buộc phải làm tròn. Chuyện đời có nguyên tắc của nó chứ không hỷ xả, tùy duyên như chuyện tu hành được. Hơn nữa còn có nhiều người tham gia, không thể bảo đảm họ luôn luôn làm tốt mọi việc nên buộc phải giám sát thường xuyên. Sư cô nên chủ động đến chính quyền để tìm hiểu thủ tục. Nghiên cứu các tiêu chuẩn để quản lý, điều hành công việc hiệu quả nhất. Phòng tránh rủi ro và cũng xử lý kịp thời khi có sự cố. Một bài học là nên công khai, minh bạch trong thu chi, khẩu phần ăn, có quy định chăm sóc và sổ sách đầy đủ để khỏi bị gièm pha, vu khống và đỡ thị phi.
Tóm lại chúng ta phải hợp tác trên tinh thần thiện chí là làm sao chăm sóc người già, trẻ em, người bệnh cơ nhỡ một cách tốt nhất. Chứ không phải tránh né trách nhiệm hoặc thả nổi để đến khi hậu quả xảy ra thì người thiệt thòi chính là những người đang cần bảo trợ. Trong công việc không mong luôn luôn suôn sẻ được, mà chỉ mong có cơ chế, quy trình để phòng ngừa rủi ro và khi sự cố xảy ra thì xử lý kịp thời.
Thật sự sự việc này nếu theo dõi kĩ càng báo trí + động não tý thì mọi người sẽ thấy rõ thôi. Chẳng qua văn hóa đọc ngày càng xuống cấp 1 số đọc mỗi tiêu đề và những dòng in hoa rồi hình ảnh sau đó ngay lập tức nhảy xuống bàn luận như 1 kẻ hiểu tường tận vậy. Nếu xét về pháp lý thì sư thầy không có liên can nhưng xét về tình thì sư thầy có chút không quan tâm nhưng cũng phải hiểu cho sư thầy bởi lẽ chúng ta 1 gia đình cao lắm 4 5 người rồi công việc đi làm rồi chăm sóc thì đã tất bật rồi. Trong khi đó sư thầy vừa làm việc trong giáo hội, vừa xây chùa, vừa tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng, vừa chăm sóc hơn 100 mạng sống trong ngần ấy năm. Thử hỏi khối lượng công việc như thế trong chúng ta mấy ai đảm đương không chút thiếu sót được. Dư luận đc quyền đánh giá, đc quyền bàn luận nhưng tiêu chuẩn phải dự trên mỗi ngừoi chúng ta,chứ không phải tiêu chuẩn dựa trên mình mẫu “con nhà người ta”. Mong mọi ngừoi hãy dành chút thời gian suy nghĩ về những bình luận mình sắp viết, sẽ viết như câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” vậy !
tính toán như thế thì tuyệt vời, nhưng tôi nghĩ đạo lý nhà Phật làm gì tính toán kỹ như vậy. Người nào tốt tính thì cứ thấy có nạn là cứu giúp thôi, chẳng toan tính gì nhiều.