28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết học đáng nhớ

Featured Image: Zim Zam Zulu

 

Hai ngày trôi qua, tôi cũng đã học được những bài học chính trị sâu sắc từ những nhân chứng sống tại Việt Nam. Tất nhiên tôi là người Việt Nam và tôi yêu đất nước mình, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng dân ta đang nghèo….

Ngày thứ nhất tán gẫu thâu đêm với hai ông chú ở khu phố, hai chú nói rất nhiều về thời 1975 là thời kỳ bao cấp của dân tộc ta.Lúc đó vừa được giải phóng xong dân mình rất khổ, tụi Bắc Kỳ xuống miền nam thực hiện chế độ bao cấp ăn chia đồng đều. Đều này thì tôi cũng nghe khá nhiều người nói rồi, nào là gạo làm ra thì phải gom lại rồi phát đồng đều cho mọi người, dầu cũng vậy. Nhưng cái tôi chưa nghe chính là đây!

Ông chú kia lúc trước ở Bình Thủy, còn chú kia thì ở Bình Mỹ cách nhau 1 con rạch.“Hồi đó ‘tụi nó’ vô ‘tụi nó’ lấy hết đất của dân, của chú có 10 mẫu đất nó lấy hết nó chia cho con cháu nó không chứ ai đâu, rồi còn dư chút xíu nó mới cho mình, không dư thì nó lấy luôn. Tới cái thời 1979 ông Nguyễn Văn Linh lên rồi dân mới được sướng, ổng lấy đất của dân chia lại cho dân hết, ai có sổ bao nhiêu mẫu đất là được chia đúng không sai một tấc. Đúng là dân nhờ được ông Linh cứu, không có ông Linh là mất trắng đất luôn. Mà ông Nguyễn Văn Linh lên có 1 năm rồi bãi nhiệm à. Dân hồi đó biết ơn ổng lắm.’’

Cho đến cái chuyện mà chú kia kể đi phát số rồi ngồi ăn vạ để lấy thức ăn rồi dầu quần áo này nọ. Cái thời kỳ đó ai đến trước lấy số trước, mấy bà già có khi ngồi ở đó ăn uống tắm ngủ nghỉ ở đó luôn chờ đến sáng mai xí nghiệp mở cửa lấy trước. Mẹ thì lúc trước có kể có người để cục đá ở đó vằn lại về nhà nghỉ ngơi rồi sớm quay lại. Tôi đùa là chắc chắn mất cục đá luôn. Ông chú khác lại kể hồi xưa đi gặt lúa bỏ lên xe đẩy xe mà không dám gây ra một tiếng động luôn, “tụi nó” mà nghe được là tịch thu hết luôn, mà lúa mình trồng chớ có phải của ai trồng đâu.

Có những sự kiện chỉ có những nhân chứng sống thời đó kể ra mới biết chứ trong sách Sử hồi học phổ thông cũng chã đề cập tới, mà có đề cập thì chỉ nghe được cụm từ ‘họp tác xã’, rồi vậy xong. Chỉ hiểu là làm ra thu lại chia đồng đều, tới bây giờ tôi cũng đâu có ngờ “tụi nó” tịch thu là cho con ông cháu cha nó ăn chứ có chia cho dân đều đâu. Nếu mấy ổng mà không kể chắc đó giờ tôi chỉ hiểu vọn vẹn là tài sản bị tịch thu rồi chia đều cho dân hết.

Ngày thứ nhất chỉ là kể chuyện em nghe thôi, ngày thứ hai mới thấm nặng. Tôi đi trợ giảng cho một công ty. Hôm đó tôi ngồi nghe thầy tôi dạy môn ‘tổ trưởng sản xuất’. Phong cách thầy từ cái ừ hựm, rồi dáng đi, rồi cách nói rất ấn tượng. Hôm đó thầy giảng cho các tổ trưởng của nhiều công ty khác nhau cử đi học để lấy chứng chỉ. Thầy không cho học viên của thầy nói những công nhân tại các công ty của họ là “công nhân”, thầy cấm và chỉ được nói là “nhân viên”. Thầy giảng tới cái khúc “tổ trưởng là phải phục vụ nhân viên”, lúc đó lớp mới rôm lên vì có 1 học sinh cứ hỏi, kiểu như là phản bác lại cái ý của thầy. Tôi nhớ những lời thầy nói như vầy:

“Các em có biết tại sao thầy lại nói là các em phải phục vụ nhân viên không? Nếu các em quản lý nhân viên mình mà không phục vụ họ, họ khó khăn mà không giúp đỡ họ, công việc thì cứ đè đầu họ, họ làm sai thì quát tháo họ, thì ra đường bị tụi nó đập là không có gì lạ. Các em cứ làm quản lý các em tự cho mình cái quyền quát tháo họ, ai cho các em cái quyền đó, công ty cho hả? Không tự các em cho! Mà vì sao? Các em cứ nhìn ngoài đường kìa, các em thấy mấy ông công an, mấy thằng cha chức to quát nhân viên như con của mình, rồi các em đem cái thói xấu vô trong công ty các em áp dụng lên nhân viên của các em. Cái đó là xấu lắm các em ạ!

Thầy nói công ty Việt Nam khác với công ty nước ngoài lắm. Các em thử nhìn bên công ty mấy bạn nữ này đi (mấy bạn nữ làm công ty Sài Gòn Food) hỏi xem mấy bạn dám quát nhân viên mấy bạn đó không? Bên công ty Nhật đó mấy em, em mà quát nhân viên họ là họ đuổi việc em ngay. Em là trưởng phòng họ cũng đuổi cổ đi luôn chứ đừng nói. Bởi vậy mấy ông chủ Việt Nam cứ làm lãnh đạo, quản lý là ăn không ngồi rồi cho nhân viên làm cực luôn ổng ngồi ổng hưởng rồi ổng còn quát tháo nhân viên ổng nữa. Mấy em tưởng cái đó là hay sao không hay đâu. Mấy em muốn cho nhân viên mình quý mình thì mấy em phải tốt với họ, quát tháo họ sao tốt với họ được… Với lại công ty đâu cho các em cái quyền đè đầu nhân viên đâu, mấy em đè đầu nhân viên là tốn thêm chi phí nữa….”

Thầy nói về chi phí trong sản xuất, đại khái là thời gian sản xuất ra nhanh thì tốn chi phí ít, nhưng nếu đè đầu nhân viên là nó làm lâu thì chi phí lại tang. Nhà quản lý không muốn như vậy. Tiếp theo thầy kể một câu chuyện mà tôi cũng thấy kết kết cái câu chuyện ấy:

“Để thầy kể mấy em nghe một câu chuyện. Năm 1975 nước ta được giải phóng, cả thế giới phải kinh ngạc là tại sao dân Việt Nam ta nhỏ bé lại đánh thắng 2 nước lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như vậy, 2 nước đó vũ khí quá hiện đại mà dân ta lại đánh thắng. Các em có nhớ hồi xưa Bác Hồ nói là lãnh đạo là phải phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân không? Lúc nước mình thắng cả 2 nước mạnh như vậy, từ năm 1975 đến 1980, 5 năm trời các em ạ, tất cả giáo sư tiến sĩ trên thế giới họp lại với nhau để tìm ra lý do vì sao mà 2 nước mạnh như vậy lại thua một nước Việt Nam bé xíu.

Các em biết họ rút ra được gì không? Họ rút ra được chỉ một điều đó là ‘Nhà Nước muốn mạnh thì Nhà Nước phải phục vụ nhân dân’. Đó vậy thôi! Đó là lý do vì sao mà Bác Hồ được phong tặng là ‘Doanh Nhân Văn Hóa Thế Giới’ đó các em ạ, mặc dù thời đó cả thế giới ghét Việt Nam lắm, ghét lắm mà phải phong cho Bác cái danh hiệu đó đó là phải biết là Bác rất đúng khi đưa ra lý luận đó. Trước năm 1975 các em biết không? Trên thế giới mấy nước tư bản đều đàn áp công nhân của họ, họ đâu có phục vụ công nhân họ đâu, còn Việt Nam thì có Bác Hồ chỉ dẫn đường lối, vì thế mới thắng.

Sau năm 1980 các nước trên thế giới bắt đầu chính sách phục vụ nhân dân, còn Việt Nam thì đi ngược lại, cái năm 1975 Việt Nam thắng 2 nước lớn, chính phủ Việt Nam như con ngựa hiếu chiến, chỉ biết ngóc đầu lên trời thôi có coi trọng dân mình nữa đâu, lúc đó dân khổ lắm (tôi chợt nhớ về ngày trước được 2 chú kể về nỗi khổ năm 75). Bây giờ các em thử xem coi bên Sing hay Úc cũng tư bản mà nó phát triển như vậy, còn Việt Nam thì sao? Một nước xã hội chủ nghĩa mà dân đang khổ đang đói như vậy?” Một học viên lại hỏi

– “Em thấy Việt Nam mình cũng đâu khổ đâu thầy, em thấy cũng đang phát triển mà?’’

– ‘’Tại vì em không biết, bên Thái Lan qua đây đầu tư, em có biết là 60% lương thực mình ăn là của các công ty Thái Lan không. Chưa kể bây giờ thị trường Việt Nam cho các công ty nước ngoài vào đầu tư. Mấy em mà giữ cái cách quản lý mà quát tháo nhân viên, không phục vụ nhân viên là mấy em bị công ty nước ngoài sa thải chắc, thầy nói thật. Công ty nước ngoài không cần những quản lý như vậy, họ cần những người có năng lực. Bây giờ mấy em còn trẻ thì có thể thay đổi cách quản lý được phù hợp với hiện tại và tương lai, chứ thầy nói mốt thất nghiệp đầy, nhất là công ty Nhà Nước (thầy nhìn điêu). Mấy công ty nước ngoài không thích cách quản lý của công ty nhà nước đâu em ạ. Chưa kể là mấy công ty Trung Quốc, Đài Loan nữa.

Hồi đó thầy có làm cho một công ty Đài Loan. Nó trả lương cho quản lý cấp trung cao lắm em ạ, 3000 chứ không phải ít đâu. Mà nó bắt làm cái gì? Nó bắt phải đè đầu, chèn ép công nhân, không chèn ép là nó đuổi việc. Thấy nó hiểm chưa, nó lấy người Việt đánh người Việt, nó cũng áp dụng trả lương cho cấp trung cao nhưng nó lại chơi chiêu rất thâm độc. Giờ trên thế giới đang cô lập nó đó. Thầy rất mừng vì hồi đó có vụ biển đảo, nhờ vụ đó nên mình mới thoát ra ánh mắt nghi kỵ của cả thế giới đó. Chứ thế giới giờ nó cô lập Trung Quốc luôn rồi, không có vụ đó là mình dính với nó rồi. Nhờ vụ biển đông đó. Bởi vậy bên công ty nước ngoài người ta trả lương quản lý cấp trung cao lắm nhưng không phải để đè đầu nhân viên, mà phục vụ họ đó….’’

Một bạn hỏi nữa: “Mình phục vụ là làm gì thầy?’’

“Một câu hỏi rất hay, phục vụ là làm cái gì? Phục vụ đâu phải là kêu quản lý lấy tiền ra đãi mấy anh em đi nhậu đâu. Phục vụ là kiểm tra chất lượng máy móc, phải lắng nghe nhân viên nói, có khó khăn thì phải giúp đỡ họ, phải nghe tất cả các ý kiến phải nghe hết không được bỏ một người nào hết, giúp hết không có bỏ người nào hết, và cấm kỵ nhất là không được quát tháo họ.’’

Chỉ qua những bài triết học như vậy, tôi mới thấy được con người Việt Nam cần phải rất nỗ lực hơn nhiều nữa. Chỉ có những bài triết học sống như vậy mới thấy rằng dân ta bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn còn khổ. Và tương lai phía trước là phụ thuộc vào tuổi trẻ sức sống của những con người Việt Nam.

 

Nguyễn Tấn Đạt

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI