Thật khó dung thứ cho những kẻ tri thức rởm. Bạn muốn bảo vệ lý lẽ bạn đã luôn tin tưởng, vì thế bạn bắt đầu bước vào cuộc tranh luận. Bạn cần một cuộc tranh luận thích đáng để thánh hóa tất cả mọi sự. Kinh nghiệm tranh luận đã giúp tôi rút ra được một số nguyên tắc căn bản để tôi bắt đầu bước vào cuộc tranh luận.
Đó là chuyện dẹp bỏ sĩ diện và không còn quan trọng hơn thua. Đừng bao giờ tạo ra những kiểu bất công bình như tôi hậu bối nên phải nghe lời bậc tiền bối. Anh là người có tiếng nói trước đám đông nên lời anh nói phải là chân lý… Đừng làm tôi phải điên tiết khi phải cắn họng ngậm lời bởi những lý lẽ vô nghĩa. Đừng mang những lời lẽ vớ vẩn không liên quan của anh vào để phức tạp hóa vấn đề và khiến cho cuộc tranh luận trở nên rối ren. Đừng bao giờ tranh luận với lý sự cùn và kiến thức vay mượn từ lời đồn đại chốn giang hồ. Tôi không muốn cãi nhau với những con cua cùng lý lẽ hời hợt. Nếu chưa hiểu rõ vấn đề thì đừng sớm vội lên tiếng. Đừng mang gia đình cha mẹ họ hàng tổ tiên của tôi đặt lên bàn thờ và khạc nhổ vào họ những lời lẽ thô tục. Anh có thể vô văn hóa nhưng xin đừng làm dơ bẩn.
Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra tôi không cần cố gắng để thuyết phục người khác tin vào những điều mà họ không muốn tin. Vì liệu đó có phải là một điều tốt để làm?
Tôi đã nghĩ gì khi tranh luận? Thể hiện sự vượt trội về trí tuệ của mình với người khác? Dùng lý lẽ để bắt ai đó từ bỏ tình cảm hay thay đổi trải nghiệm của họ? Tôi biết rằng thích hay ghét một vấn đề luôn chỉ nằm ở tính chủ quan nhưng tôi lại không thể chấp nhận việc người khác tin yêu vào điều trái ngược, tôi có đi vào cuộc tranh luận với mục đích áp đặt?
Chúng ta luôn nói về chân lý, nhưng kẻ đi tìm chân lý phải là kẻ có cái nhìn khách quan. Và nếu tôi bảo rằng tôi rất khách quan trong tất cả các cuộc phán xét, thật ra tôi cũng chỉ đang bảo vệ cái chủ quan riêng tôi.
Khi chúng ta bắt đầu bước vào tranh luận, mối hận thù và lòng khao khát đã bắt đầu nung nấu tâm can. Tôi không đủ vĩ đại để không mong muốn một chiến thắng về cho chân lý của mình. Vậy thì phải đủ cao đại để thừa nhận chúng.
Thừa nhận mình đã luôn ngụy biện tranh luận là một cơ hội để học hỏi, và thôi dùng chiêu kế hèn bẩn để đối phương phải điên tiết lên? Không thiếu người tỏ ra cao thượng bỏ cuộc giữa chừng vì cho rằng đối phương không đủ trình độ đẳng cấp để tranh luận. Hoặc dùng lời xúc phạm và mỉa mai. Tôi biết rằng làm hạ nhục người khác cũng chẳng khiến tôi cao nhã hơn. Sỉ nhục người khác không chứng tỏ tôi đang đúng.
Tôi biết tôi muốn chiến thắng kẻ thù, cương quyết phải đánh trận chiến này, cho những lý tưởng của tôi. Nhưng nếu tư tưởng của tôi thất trận thì mọi sự sẽ ra sao? Lòng liêm khiết có hát bài ca khải hoàn trong cuộc thất bại?
Chúng ta là những chiến sĩ tri thức. Chúng ta khoác lên mình một thứ đồng phục gọi là tri thức. Dùng chúng để bảo vệ cho chúng ta. Nhưng thật tiếc thay những gì che giấu dưới bộ đồng phục đó, nó chưa bao giờ đồng hình được với nhau. Anh nói nam tôi nói bắc, anh nghĩ nên rẽ phải thì tôi lại muốn rẽ trái. Chúng ta có phải là đồng minh?
Chỉ khi nào tôi phải là một kẻ có đôi mắt luôn tìm kiếm chân lý, chứ không phải là lòng hận thù, cái tôi ti tiện bé nhỏ. Thoạt nhìn sẽ rất khó phân biệt được ranh giới, đó là một khoảng cách mong manh và tôi phải thật thông thái thì mới có thể nhìn ra.
Đã vậy, dù có dành phần thắng trong cuộc tranh luận thì đó cũng chỉ là cảm giác làm cho đối phương đuối lý để tận hưởng chiến thắng? Dù gì thì đó cũng là điều vô ích. Tôi không bao giờ đủ cao thượng để xem những kẻ tranh luận cùng mình là đồng minh. Không thể có những đồng minh cùng chiến đấu bảo vệ cho hai lý tưởng.
Đó là quan điểm của tôi, còn nếu bạn yêu quý những cuộc tranh luận. Vậy thì phải chăng các bạn phải yêu hòa bình như một phương tiện. Tôi không khuyên các bạn ngừng tranh luận. Nhưng tranh luận thế nào mới gọi là văn minh, để cuộc tranh luận đó không phải chỉ ba hoa ồn ào và cãi cọ lăng nhăng. Tranh luận thế nào để vốn kiến thức phong phú của mình không biến thành sự hổ thẹn.
Càng ngày, tôi càng muốn chấp nhận mình là người thua cuộc. Hèn yếu trong sự im lặng. Bởi lẽ sự khắt khe cũng chỉ là những điều dối trá. Tôi muốn cố gắng tôn trọng sự khác biệt nhưng không có nghĩa là tôi đang thờ ơ với chân lý.
Tác giả: Ni Chi