29 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Vietsub] Baruch Spinoza — Triết gia người Hà Lan thế kỷ 17, người đã cố gắng định nghĩa lại “Thượng Đế” với triết thuyết Phiếm Thần

https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/3931112650273943/

Xem trên Facebook >>> https://www.facebook.com/TrietHocDuongPho2.0/videos/3931112650273943/

Text Transcript

Baruch Spinoza là một triết gia người Hà Lan ở thế kỷ 17, người đã cố gắng phát minh lại tôn giáo – đưa nó ra khỏi thứ dựa trên sự mê tín và những quan niệm về sự can thiệp trực tiếp của thần thánh, để nó trở thành một nguyên tắc phi cá nhân hơn, gần như khoa học và đồng thời vẫn luôn chân thành an ủi.

Baruch – chữ này có nghĩa là ‘được chúc phúc’ (Blessed) trong tiếng Do Thái – được sinh ra ở khu Do Thái của Amsterdam vào năm 1632, một trung tâm phồn thịnh về thương mại và tư tưởng của người Do Thái.

Tổ tiên của ông là những người Do Thái gốc Tây Ban Nha, họ đã chạy trốn khỏi bán đảo Iberia sau khi bị Quân Chủ Công giáo trục xuất năm 1492.

Baruch, một đứa trẻ rất thông minh hiếu học, đã nhận được một nền giáo dục Do Thái truyền thống mạnh mẽ: ông đã học ở trường Do Thái địa phương, Chủng Viện Do Thái và tuân theo các ngày lễ và nghi lễ cấp cao của người Do Thái.

Nhưng dần dần, ông bắt đầu xa rời tín ngưỡng của tổ tiên mình:

“Mặc dù tôi đã được giáo dục từ thời niên thiếu về những niềm tin đã được chấp nhận liên quan đến Kinh thánh,” sau đó ông đã viết với sự cẩn trọng đặc trưng, “cuối cùng thì tôi cảm thấy bị hạn chế khi phải chấp nhận những quan điểm khác.”

Những quan điểm đầy đủ toàn bộ của ông đã được thể hiện trong tác phẩm vĩ đại: Đạo Đức Học (Ethics), được viết hoàn toàn bằng tiếng Latin và xuất bản năm 1677. Trong cuốn Đạo Đức Học, Spinoza đã trực tiếp thách thức các giáo lý chính của đạo Do Thái nói riêng và tôn giáo có tổ chức nói chung:

– Thượng Đế (God) không phải là người đứng bên ngoài tự nhiên

– Không có ai nghe thấy lời cầu nguyện của chúng ta

– Hoặc để tạo ra những phép màu

– Hoặc để trừng phạt chúng ta vì những hành vi sai trái

– Không có thế giới bên kia

– Con người không phải là tạo vật được Thượng Đế chọn

– Kinh Thánh chỉ được viết bởi những người bình thường

Thượng Đế không phải là thợ thủ công hay kiến trúc sư. “Ông” cũng không phải là một vị vua hay một nhà chiến lược quân sự kêu gọi các tín đồ cầm lấy Thánh Kiếm. Thượng Đế không thấy gì, cũng không trông mong điều gì. “Ông ấy” không phán xét. “Ông ta” thậm chí không ban thưởng cho người có đức hạnh một cuộc sống sau khi chết. Mọi sự miêu tả của Thượng Đế với tư cách là một con người đều là sự phóng chiếu của trí tưởng tượng.

– Mọi thứ trong Lịch Phụng Vụ truyền thống hoàn toàn là mê tín dị đoan và vô nghĩa.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, điều đáng chú ý là Spinoza không tuyên bố mình là một người vô thần. Ông khẳng định rằng ông vẫn là một người bảo vệ trung thành của Thượng Đế.

Thượng Đế đóng một vai trò trung tâm tuyệt đối trong Đạo Đức Học của Spinoza, nhưng không phải giống như một Đức Chúa Trời ám ảnh các trang kinh Cựu Ước.

Thượng Đế của Spinoza là hoàn toàn phi cá nhân và không thể phân biệt được với những gì chúng ta có thể gọi bằng những cách khác nhau như là thiên nhiên hay sự tồn tại hay linh hồn thế giới; Thượng Đế là vũ trụ và các quy luật của nó; Thượng Đế là lý trí và chân lý; Thượng Đế là động lực sống trong mọi thứ đang và có thể. Thượng Đế là nguyên nhân của mọi sự, nhưng Người là nguyên nhân vĩnh cửu. Thượng Đế không tham gia vào sự thay đổi. Thượng Đế không ở trong dòng thời gian. Thượng Đế không thể bị cá thể hóa.

Spinoza viết:

“Bất cứ điều gì, cũng đều ở trong Thượng Đế, và không có thứ gì có thể tồn tại hoặc được hình thành mà không có Thượng Đế.”

Xuyên suốt cuốn sách của mình, Spinoza đã quyết tâm bào mòn quan niệm về sự cầu nguyện. Trong sự cầu nguyện, một cá nhân cầu xin Thượng Đế thay đổi cách vũ trụ vận hành. Nhưng Spinoza lý lẽ rằng đây là một cách hoàn toàn sai lầm. Nhiệm vụ của con người là cố gắng hiểu làm thế nào và tại sao mọi thứ lại như vậy – và sau đó chấp nhận nó, hơn là chống lại việc vận hành của thực tại bằng cách gửi những thông điệp nhỏ lên trời xanh.

Như Spinoza diễn tả, một cách đẹp đẽ nhưng khá khắc nghiệt:

“Bất cứ ai yêu Thượng Đế đều không thể đòi hỏi rằng Thượng Đế nên yêu lại mình.”

Nói cách khác, chỉ có lòng tự ái (narcissism) ngây thơ đã quá biến dạng mới khiến ai đó ngay lập tức tin vào một Thượng Đế đã tạo ra các định luật vật lý vĩnh cửu và sau đó tưởng tượng rằng chính Thượng Đế này sẽ quan tâm đến việc bẻ cong các quy luật của vũ trụ để cải thiện cuộc sống của anh ấy hay cô ấy theo một hướng nào đó.

Spinoza chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học Khắc Kỷ của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Họ đã lập luận rằng sự khôn ngoan không phải nằm ở việc phản đối cách mọi thứ vận hành, mà nằm ở những nỗ lực liên tục để hiểu được cách thức của thế giới – và sau đó cúi đầu hòa bình trước điều tất yếu.

Bức Tranh “Philosopher in Meditation” (Triết gia trong Thiền Định) (1632) – Họa Sĩ Rembrandt

Seneca, triết gia yêu thích của Spinoza, đã so sánh con người với những con chó đang bị trói buộc bởi những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống theo nhiều hướng khác nhau. Người nào càng chống lại những gì cần thiết, thì người đó càng bị thắt cổ – và do đó, người khôn ngoan phải luôn cố gắng hiểu chuyện trước khi nó xảy ra – ví dụ, tình yêu là gì hoặc cách chính trị hoạt động ra sao – và sau đó thay đổi hướng đi cho phù hợp để không bị bóp nghẹt một cách không cần thiết. Chính loại thái độ Khắc Kỷ này thường xuyên ngấm vào triết học của Spinoza.

Để hiểu về Thượng Đế theo cách truyền thống có nghĩa là học Kinh Thánh và các Thánh Thư khác. Nhưng Spinoza bây giờ giới thiệu một ý tưởng khác. Cách tốt nhất để biết Thượng Đế là hiểu cách thức hoạt động của cuộc sống và vũ trụ: thông qua kiến thức về tâm lý học, triết học và khoa học tự nhiên, người ta mới hiểu được Thượng Đế.

Trong các tôn giáo truyền thống, các tín đồ sẽ cầu xin sự ưu ái đặc biệt của Thượng Đế. Thay vào đó, Spinoza đề xuất rằng chúng ta nên hiểu những gì Thượng Đế muốn và chúng ta có thể làm như vậy theo một cách cao hơn hết: bằng cách nghiên cứu mọi thứ. Bằng cách suy luận, chúng ta có thể đi đến một góc nhìn thiêng liêng, vĩnh cửu.

Spinoza tạo ra sự khác biệt nổi tiếng giữa hai cách nhìn cuộc sống, chúng ta có thể nhìn nhận nó một cách vị kỷ, từ quan điểm hạn chế của chính mình, như ông đã viết:

1. Sub specie durationis – dưới góc độ thời gian

Hoặc chúng ta có thể nhìn mọi thứ một cách tổng thể và vĩnh cửu:

2. Sub specie aeternitatis – dưới góc độ vĩnh hằng

Bản tính tự nhiên của chúng ta luôn bị chia rẽ giữa hai góc nhìn này. Cuộc sống dựa theo cảm giác kéo chúng ta đến một cái nhìn phiến diện, giới hạn về thời gian. Nhưng năng lực trí tuệ có thể cho chúng ta khả năng tiếp cận độc đáo tới một nhận thức khác – theo nghĩa đen, nó có thể hoàn toàn cho phép chúng ta tham gia vào cái toàn thể vĩnh hằng.

Thông thường, thứ chúng ta gọi là ‘xấu’ là bất cứ những gì xấu đối với chúng ta, và tốt là bất cứ thứ gì làm tăng quyền lực và lợi thế của chúng ta, nhưng để thực sự sống đức hạnh nghĩa là vượt lên trên những mối quan tâm cục bộ này. Tất cả nghe có vẻ khó ưa, nhưng Spinoza đã xem xét triết lý của mình như một con đường dẫn đến một cuộc sống dựa trên sự tự do khỏi tội lỗi, khỏi nỗi buồn, khỏi sự tiếc nuối hay điều ô nhục.

Hạnh phúc liên quan đến việc sắp xếp nguyện vọng của chúng ta hợp với ý muốn của vũ trụ. Vũ trụ – Thượng Đế – có những dự án riêng và nhiệm vụ của chúng ta là hiểu biết thay vì chống lại những dự án này. Người tự do là người biết rõ về những nhu cầu cần thiết bắt buộc tất thảy.

Spinoza viết, người thông thái, là người hiểu được cách thức và lý do tại sao mọi thứ diễn ra, “vĩnh viễn sở hữu sự thỏa mãn thực sự của tinh thần.”

Hiển nhiên là những ý tưởng này đã khiến Spinoza gặp rắc rối rất lớn. Ông đã bị rút phép hiệp thông khỏi cộng đồng Do Thái ở Amsterdam vào năm 1656. Các giáo sĩ Do Thái đã ban hành một chỉ dụ được gọi là Herem (tru hiến) để chống lại nhà triết gia:

“Bằng sắc lệnh của các thiên thần và bằng mệnh lệnh của các bậc thánh nhân, chúng ta rút phép hiệp thông, trục xuất, lên án và nguyền rủa Baruch de Espinoza, với tất cả những lời nguyền đã được ghi trong Sách Luật. Cả ngày lẫn đêm y sẽ bị nguyền rủa, khi y nằm xuống cũng như khi y đứng lên…”

Spinoza buộc phải chạy trốn khỏi Amsterdam và cuối cùng định cư ở Hague, nơi ông sống lặng lẽ và yên bình với nghề thợ mài ống kính và gia sư riêng cho đến khi qua đời vào năm 1677.

Spinoza bị buộc rời khỏi cộng đồng

Sách của Spinoza phần lớn đã bị ngó lơ, sau này mới được Hegel quan tâm tìm hiểu, cũng như Wittgenstein – và một số học giả thế kỷ 20.

Nhưng nhìn chung Spinoza đưa ra cho chúng ta một lời cảnh báo về những thất bại của triết học.

Đạo Đức Học là một trong những cuốn sách tuyệt mỹ nhất thế giới. Nó chứa đựng một góc nhìn bình lặng, có khả năng phục hồi nhận thức về cuộc sống. Nó thay thế Thượng Đế của sự mê tín bằng một phiếm thần luận* thông thái và ủi an.

*pantheism: triết thuyết cho rằng mọi thứ đều là God

Tuy nhiên, sách của Spinoza đã thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục bất kỳ ai, trừ một số người từ bỏ tôn giáo truyền thống và hướng tới một hệ thống niềm tin khôn ngoan và duy lý.

Một lý do đơn giản và tầm thường là Spinoza đã không hiểu – giống như rất nhiều triết gia trước đây và sau này – rằng điều dẫn mọi người đến với tôn giáo không chỉ là lý trí, mà quan trọng hơn là cảm xúc, niềm tin, nỗi sợ hãi và truyền thống.

Mộ phần của Spinoza

Mọi người gắn bó với tín ngưỡng của họ bởi vì họ thích các nghi lễ, bữa ăn chung, truyền thống hàng năm, kiến trúc đẹp, âm nhạc và ngôn ngữ âm vang được đọc trong hội đường hoặc nhà thờ.

Đạo Đức Học của Spinoza có thể nói là chứa đựng nhiều trí tuệ hơn cả Kinh thánh – nhưng vì nó ra đời mà không có bất kỳ sự sắp đặt hỗ trợ nào của Kinh thánh, nên nó vẫn là một tác phẩm bên lề, được nghiên cứu đó đây tại các trường đại học ở phương Tây – trong khi tôn giáo truyền thống mà ông cho là đã lỗi thời trong những năm 1670 vẫn tiếp tục phát triển mạnh và mọi người vẫn tin theo.

Nếu chúng ta muốn thay thế các tín ngưỡng truyền thống, chúng ta phải nhớ rằng tôn giáo được các nghi lễ, truyền thống, nghệ thuật và mong-muốn-được-thuộc-về xúc tiến hỗ trợ nhiều như thế nào: tất cả những điều mà Spinoza, mặc dù với trí tuệ tuyệt vời, đã phớt lờ trong nỗ lực táo bạo và đầy nguy hiểm để thay thế Kinh Thánh.

“Tôi vào Thượng Đế của Spinoza, một Thượng Đế hiển lộ chính Người trong sự hài hòa có trật tự của thế giới, chứ không phải một Thượng Đế quan tâm đến vận mệnh và hành vi của loài người.” — Albert Einstein

• • •

Source: theschooloflife.com
Biên dịch: Trần Đình Quân
Hiệu đính: Prana – THĐP
Vietsub: Lê Gia Khiêm


💪 [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI