(1675 chữ, 7 phút đọc) (Dịch từ một câu trả lời trên Quora)
“Shankara bước vào một hội trường nơi Đức Phật đang ngồi cùng các đệ tử của Ngài. Ông cúi chào Đức Phật và gửi tới Ngài lời chúc sức khỏe. Sau đó ông giới thiệu bản thân mình là một vị Phật* đến từ một thiên niên kỉ trong tương lai, và xin phép được hỏi một vài câu hỏi.”
• • •
Đó là một câu hỏi giả tưởng thú vị.
Hãy tạo ra một tình huống và suy ngẫm xem chuyện gì sẽ xảy ra. Để không vượt quá phạm vi, không quá phóng đại, tôi đã in nghiêng những câu từ chính miệng Đức Phật nói ra, những câu này được trích từ kinh điển Phật giáo mà tôi đã đánh số thứ tự trong phần tham khảo. Những phần còn lại đều là hư cấu, một sự dàn dựng dẫn đến tình huống giả lập như được yêu cầu.
Như thế, tôi bắt đầu suy ngẫm:
Shankara bước vào một hội trường nơi Đức Phật đang ngồi cùng các đệ tử của Ngài. Ông cúi chào Đức Phật và gửi tới Ngài lời chúc sức khỏe. Sau đó ông giới thiệu bản thân mình là một vị Phật* đến từ một thiên niên kỉ trong tương lai, và xin phép được hỏi một vài câu hỏi.
*Translator: Chữ Buddha (Phật) là một chức vị dành cho những người đã chứng đạt giác ngộ (enlightenment), niết bàn, và đã hoàn toàn thấu triệt Tứ diệu đế.
Đức Phật chào đón Shankara và cho ông ngồi vào một vị trí thượng đẳng. Mọi người trong hội trường đều kinh ngạc khi thấy một người đàn ông đến từ tương lai và hồi hộp chờ đợi cuộc thảo luận sắp diễn ra. Nôn nao không kém là các vị thần (gods/devas) đã hạ thế từ các tầng trời để chứng kiến cuộc thảo luận này.
Shankara bắt đầu và đặt một câu hỏi,
“Xin hỏi, Ngài là ai?”
Đức Phật im lặng. Một sự im lặng sâu thẳm bao trùm hội trường. Không ai thốt ra một lời nào, tất cả đều đang chờ đợi một câu trả lời từ Đức Phật, nhưng nó không xảy ra.
Hiểu được rằng sẽ không có câu trả lời, Shankara bèn đưa ra một câu hỏi khác. Ngài hỏi,
“Thưa Ngài, Ngài không phải là ai?”
Đức Phật một lần nữa giữ im lặng. Ngài nhận ra người đặt câu hỏi cũng là một người có mức độ giác ngộ ngang ngửa. Ngài hiểu rõ cái bẫy của việc trả lời một câu hỏi như thế này sẽ dẫn tới chuyện gì.
Một sự thinh lặng tuyệt đối một lần nữa bao trùm hội trường. Biết là sẽ không có câu trả lời, Shankara bèn đưa ra câu hỏi thứ ba. Ngài hỏi,
“Thưa Ngài, Ngài có phải là một người nào đó, hay chỉ là một sự sắp xếp (permutation) và kết hợp của vật chất và ngẫu nhiên tình cờ có được ý thức (consciousness) và cảm giác? Liệu rằng việc rời bỏ ý thức này sẽ là cái kết của Đức Phật Thích Ca?”
Phật trả lời, “Shankara, Chính vì có nhân, có duyên, các ý tưởng của con người sinh và diệt [1]. (Thích Minh Châu dịch) Điều này cũng đúng với mọi sinh linh, không loại trừ ta.”
Shankara đáp, “Thưa Ngài, nhân duyên cho sự dẫn đến ý thức đó là gì?”
Phật trả lời, “Nó là những sự định hình có điều kiện. Cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. [2] (Tư Tâm Sở: Cetanā, Thích Minh Châu dịch)
Phấn khởi khi hiểu được nhân duyên chính của sự tồn tại, Shankara nói, “Thưa Ngài, vậy thì về cơ bản (chúng) ta là người chịu trách nhiệm cho bản thân ta. Tư niệm dẫn đến hành động, và trong quá trình đó ta gieo nhân cho những sự định hình tương lai!”
“Đúng thế Shankara,” Phật đáp. “Ta là cái ta mong cầu; ta trở thành cái ta mong cầu. Cuộc đời ta có định hướng, và định hướng đó được chi phối bởi những mong cầu và ghét bỏ… Cái một người đang mong cầu sẽ trở thành cá tính (atta-bhava) tương ứng, dù thuận lợi hay không thuận lợi. [3]”
Shankara bèn nói, “Vậy để tóm lại, ta có thể nói rằng một sinh linh trở nên có tri giác là bởi những định hình có điều kiện, cái được dựng lên bởi những mong cầu.”
“Ngươi có thể nói thế,” Phật nói.
“Vậy thưa Ngài,” Shankara nói, “điều gì dẫn đến mong cầu?”
“Nó cũng vẫn là những sự định hình có điều kiện,” Phật trả lời. “Ta tự xây nhà cho chính ta. “Lang thang bao kiếp sống. Ta tìm nhưng chẳng gặp. Người xây dựng nhà này. Khổ thay, phải tái sanh. [4]” (Thích Minh Châu dịch)
“Vậy ta là một mạng lưới của những định hình có điều kiện, nơi ý thức an trú?” Shankara nói theo một cách khác.
“Đúng thế.” Phật đáp.
Shankara hỏi tiếp, “Và từ khi nào, thưa Đức Thế Tôn, chu kì vòng lặp vô tận của sự tái sanh này diễn ra?”
“Về điều này một người cần phải đi vào những vùng cõi sâu hơn của ý thức.” Phật đáp. “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.” [5] (Thích Minh Châu dịch)
“Vậy thưa Ngài,” Shankara đáp, “Những định hình có điều kiện này đã khiến ta tái tạo lại bản thân, lặp đi lặp lại từ vô lượng kiếp dẫn đến ý thức có điều kiện trong mỗi kiếp?”
“Ngươi nói đúng, Shankara.” Phật đáp.
Shankara bèn hỏi, “Vậy thưa Ngài, vòng lặp luân hồi này có bao giờ chấm dứt không?”
“Có.” Phật đáp, và giải thích thêm rằng chìa khóa để chấm dứt vòng lặp này là sự nhận thức các mong cầu tạo nghiệp quả. “Ôi! Người làm nhà kia. Nay ta đã thấy ngươi! Ngươi không làm nhà nữa. Ðòn tay ngươi bị gẫy, Kèo cột ngươi bị tan. Tâm ta đạt tịch diệt, Tham ái thảy tiêu vong. [6]” (Thích Minh Châu dịch)
“Vậy thưa Ngài,” Shankara nói, “điều này có nghĩa là thật ra có hai loại ý thức. Một là loại ý thức có điều kiện an trú vào những định hình có điều kiện và nó thay đổi theo những định hình đó, và loại thứ hai là ‘ý thức không điều kiện’, nó tách biệt với những định hình có điều kiện và giữ nguyên không thay đổi và được khám phá ra một khi mọi định hình có điều kiện tan biến?”
Cả hội trường trở nên cực kì phấn khích. Shankara đã đưa Đức Phật tới đâu! Cuộc thảo luận này đang hướng đến đâu!
Đức Phật lại trở nên im bặt. Cả nhà nóng lòng chờ đợi. Đức Phật đã thuyết giảng chủ trương “vô ngã” (anatta). Họ đã nghĩ rằng Đức Phật phản đối lại khái niệm về một cái Ngã thường hằng bất biến. Và giờ đây, cuộc đàm luận đã hướng đến sự tồn tại của của một trạng thái tương tự như cái ngã đó, “cái Atta”.
Thấy rằng sẽ không có sự đáp trả, Shankara bèn hỏi một câu hỏi khác.
“Thưa Ngài, sự khác biệt giữa ý thức vô điều kiện và linh hồn là gì?”
Đức Phật một lần nữa không lên tiếng. Đức Phật không bao giờ trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến cái (chân) Ngã. Phật nói,
“Shankara, Ta thuyết pháp để diệt ngã chấp. Nếu các người thực hành theo pháp này thời nhiễm pháp được diệt trừ, tịnh pháp được tăng trưởng, và ngay hiện tại, tự mình giác ngộ, với thắng trí, chứng đạt và an trú trí tuệ sung mãn, quảng đại. [7]” (Thích Minh Châu dịch)
Shankara đã có câu trả lời của người. Cả hội trường mừng rỡ hân hoan. Từ trên cao các vị thần tung hoa ca múa và khi Shankara ra đi, ai nấy cũng đều xấp mình cúi chào Shankara, vị Phật đến từ tương lai.
Tham khảo
[1] Potthapàda sutta – Kinh Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu)
[2] Cetena Sutta (Tư Tâm Sở: Cetanā)
[3] Mahatanhasankhya Sutta (Đại Kinh Đoạn Tận Ái)
[4] Dhammapada 153 (Kinh pháp cú)
[5] Samannaphalla Sutta (Kinh Sa-môn Quả)
[6] Dhammapada 154 (Kinh pháp cú)
[7] Potthapada Sutta – Kinh Potthapàda (Bố-sá-bà-lâu)
Tác giả: Amit Jain, A curious seeker of world religions
Dịch và tra cứu: Prana
Về Adi Shankara: Một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Hinduism. Ông là một nhà triết học gia, thần học gia vào đầu thế kỉ thứ 8 tại Ấn Độ, người đã tổng hợp ra triết lý Advaita Vedanta. Ông được xem là người đã có công thống nhất và thiết lập củng cố những tư tưởng chính trong Hinduism.