(1614 chữ, 6.5 phút đọc)
Fight Club ra đời năm 1999, bên cạnh việc được đánh giá cao về mặt nội dung với nhiều lời thoại triết lý, các hình ảnh biểu tượng sâu sắc và nội dung kích thích tư duy thì nó cũng nhận về không ít những lời chỉ trích gay gắt về tính bạo lực và khả năng khuyến khích các thanh niên trẻ thành lập các câu lạc bộ đánh nhau hệt như trong phim. Nếu chỉ nhìn bề nổi thì Fight Club hiện ra với nội dung về những người đàn ông tìm kiếm sức mạnh của chính mình trên sàn đấu, truy cầu mục đích sống khi đối diện với đau đớn và cái chết. Trong thời đại hòa bình với chủ nghĩa tiêu thụ lên ngôi cùng sự an toàn, tẻ nhạt trong đời sống, người nam dần mất đi cảm giác về chính bản thân mình và ý nghĩa cuộc đời. Cộng thêm sự cạnh tranh của nữ giới, sức mạnh/giá trị của người đàn ông ngày càng đi xuống.
“How much can you know about yourself, if you’ve never been in a fight?” – Tyler Durden
💎 5 giai đoạn trên đạo lộ đến Nam Tính Thiêng Liêng
Fight Club là một sàn đấu dưới căn hầm của một quán rượu dành cho đám mày râu, ở đó họ được sử dụng tối đa sức mạnh cơ bắp và tinh thần cho những cuộc đấm đá vật lộn đến kiệt sức. Không tranh cãi, vũ khí hay thù hận, những người đàn ông lao vào một trận đấu để thách thức giới hạn và tìm lại chính mình.
Người tạo ra Fight Club là một gã không tên (tác giả chỉ gọi là “người kể chuyện”) và một gã khác mang tên Tyler Durden, cả hai vô tình gặp trên một chuyến bay. Hai người họ đã trở thành thủ lĩnh của rất nhiều đàn ông trên nước Mỹ trong cuộc hành trình tìm lại giá trị, sự tự tin. Đồng thời họ cũng lập ra một đội quân thế giới ngầm nổi loạn với hàng loạt kế hoạch phá hoại thành tựu của đất nước, đặc biệt liên quan đến ngành kinh tế. Theo tôi, nhân vật chính không có tên là một sự hàm ý rằng hắn đã quên mất chính bản thân mình hoặc hắn có thể là bất kỳ người nào trong số chúng ta, hoặc cả hai.
Xuyên suốt bộ phim, hình tượng của tính nam được xuất hiện nhiều lần: Cơ bắp, dương vật, sự kỷ luật, sự bạo lực và nổi loạn. Sự mỉa mai về sức sức mạnh của đàn ông được nhấn mạnh trong sự xuất hiện hội ung thư tinh hoàn và những lời đe dọa “cắt bi.” Ngoài ra sự đối lập giữa Fight Club với các câu lạc bộ ung thư cũng là điểm đáng chú ý. Một nơi, đàn ông tìm thấy sức mạnh của chính mình bằng việc chiến đấu với một người khác; còn một nơi, họ tìm thấy niềm an ủi cho bản thân khi chứng kiến nỗi bất hạnh của kẻ khác.
Fight Club đã lột tả rất trần trụi sự suy thoái, tàn tạ của con người đắm chìm trong thế giới vật chất mà lãng quên tâm hồn trong hình ảnh nhân vật chính (Edward Norton thủ vai) với gương mặt đờ đẫn vô cảm, đôi mắt thâm quầng nhìn về khoảng không trống rỗng phía trước cùng những bước đi uể oải thẫn thờ. Chính sự mệt mỏi trong tinh thần đã kéo tới sự kiệt quệ của thể xác.
Đây không phải là một bộ phim dễ nuốt vì mọi thứ trở nên phức tạp khi nó hé mở ra mối quan hệ giữa người kể chuyện và Tyler Durden (Brad Pitt thủ vai). Nội dung về đàn ông lắng xuống để những ý nghĩa về cuộc đấu tranh giữa con người thực và con người giả tạo, giữa ý thức và vô thức được lên ngôi. Câu chuyện từ thế giới vật lý nay chuyển sang thế giới tinh thần (tâm linh).
Ngay từ ban đầu, người kể chuyện là một kẻ mắc chứng mất ngủ và ở trong tình trạng mơ màng nửa thức nửa mê. Căn bệnh này có nguyên nhân từ đời sống nhàm chán, rập khuôn máy móc, đầy đủ tiện nghi nhưng xa rời đam mê và mục đích sống. Và trong trạng thái vô thức, người kể chuyện đã tự thay đổi cuộc sống của chính mình bằng cách hủy hoại tất cả và làm những điều chưa từng làm trước đó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây đó là dù một kẻ sống ngoan ngoãn như một con cừu hay nổi loạn như sư tử mà vẫn trong trạng thái vô thức về những gì mình làm thì hai điều đó có gì khác nhau đối với hắn hay không? Bộ phim thành công ở việc đã khéo léo đưa vào nội dung về sự thức tỉnh của người kể chuyện để hắn có thể nhìn thấy được cả hai thái cực mình đã vô thức trải qua. Và chỉ khi nào có ý thức thì hắn mới thực sự có tự do (khỏi thế giới vật chất và thế giới mơ ước tưởng tượng.)
“If you wake up at a different time, in a different place, could you wake up as a different person?”
Song song với việc nói về quá trình thức tỉnh của người kể chuyện, bộ phim cũng chỉ ra tận mặt những góc tối của xã hội cuồng loạn vì đồng tiền thông qua những câu thoại trần trụi, gay gắt, thậm chí ngông cuồng của nhân vật Tyler Durden. Càng ngày, con người càng bị truyền thông dắt mũi và sống một cuộc đời ảo tưởng về chính bản thân mình và thế giới. Họ ngày đêm vun đắp, truy đuổi những ước mơ xa hoa phù phiếm để cuối cùng chỉ chuốc về đau khổ và thất vọng. Sự tư hữu của con người với tài sản vật chất hay với bất kỳ ý tưởng nào chỉ khiến họ trở thành nô lệ của chúng.
“Advertising has us chasing cars and clothes, working jobs we hate so we can buy shit we don’t need.” – Tyler Durden
Trong phim, Tyler Durden hiện ra là nhân vật sống hết mình cho hiện tại, dù nó có đau đớn và kinh hoàng đến cỡ nào. Hiện tại là thứ duy nhất có thật và nếu phải vứt bỏ đi ý tưởng đẹp đẽ nhất về Chúa để sống hiện tại ấy thì hắn cũng sẵn sàng. Có thể nói, tác giả xây dựng hình tượng Tyler Durden khiến nhiều người thèm khát và ngưỡng mộ khi hắn mang một sức sống cuộn trào và sự chú tâm sâu sắc dành cho cuộc đời.
Tính bạo lực thể hiện trong Fight Club với các cảnh đánh đấm bê bết máu, mặt mũi nát bươm thảm hại có thể gây hiểu lầm đây là bộ phim vô trách nhiệm tiêm nhiễm sự tàn bạo vào tâm trí khán giả. Còn theo tôi thì sự trần trụi, dữ dội trong cách thể hiện sức mạnh thể chất/cơ bắp giúp tăng cảm giác “thật” về sự đau đớn thể xác, từ đó người xem đồng cảm sâu sắc hơn với những xung động mãnh liệt trong các hành động của nhân vật. Máu là hình ảnh đại diện cho sức sống. Cảnh đánh nhau tung tóe máu như một sự hàm ý về việc đập vỡ các giới hạn của chính mình để tìm ra nguồn sống sinh động ẩn giấu phía sau.
Những người đàn ông trong phim tìm thấy khoái cảm trong sự đau đớn thể xác. Nỗi đau khiến họ kết nối sâu sắc hơn với cơ thể của chính mình. Khi ấy, họ cảm thấy mình được sống – đây là một niềm hạnh phúc to lớn nhưng dễ bị bỏ qua trong sự tất bật vội vàng của cuộc sống hàng ngày.
Bộ phim dung chứa rất nhiều cảnh tượng về sự tan nát, hủy diệt, hủy hoại, phá hoại như một hàm ý về sự đập vỡ đi các giới hạn trong tư tưởng về chính bản thân mình để có thể kiến tạo nên một con người tự do theo ý muốn. Ở đây, sự phát triển không nằm trong sự gây dựng mà nằm trong sự sụp đổ.
“It’s only after we’ve lost everything that we’re free to do anything.” – Tyler Durden
Về mặt hình thức, kỹ xảo điện ảnh của phim Fight Club được đầu tư rất công phu khiến khán giả được thỏa mãn con mắt, ví dụ cảnh mở đầu của bộ phim biểu diễn xung động sợ hãi của người kể chuyện qua các sợi dây thần kinh, sau đó là các cảnh quay biểu diễn ảo giác của người kể chuyện khi anh ta ở trong trạng thái mất ngủ, hay cảnh sụp đổ của các tòa nhà tài chính khổng lồ.
Tóm lại, Fight Club là một tác phẩm điện ảnh không thể bỏ qua. Sự khó nuốt và kén người xem của nó là một thách thức và một nét quyến rũ riêng. 8.8/10 là điểm dành cho bộ phim này.
“We’re the middle children of history, man. No purpose or place. We have no Great War. No Great Depression. Our great war is a spiritual war. Our great depression is our lives. We’ve all been raised on television to believe that one day we’d all be millionaires, and movie gods, and rock stars, but we won’t. And we’re slowly learning that fact. And we’re very, very pissed off.” – Tyler Durden
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: Sadie Pices
@ Vũ Thanh Hòa : Không phải chỉ là sự ghi nhớ lại cảnh anh ta tự đánh mình đâu, mà thực ra cuối phim anh ta tự đánh mình xong rồi có camera tòa nhà ghi lại, thậm chí có cảnh anh ta bị lôi đi nhưng không rõ người lôi đi là ai, nếu chỉ để truyền tải như bạn nói thì đâu phải làm phức tạp như vậy, tại sao lại có camera tòa nhà ghi lại, tại sao không chỉ ghi anh ta tự đánh mình mà còn bị một “kẻ vô hình” kéo đi? Mình nghĩ mãi mới ra một suy luận là “kể cả đời sống có những chuyện siêu nhiên đi nữa thì tác nhân vẫn là chính mình, nhưng không nghĩ tác giả có thể đưa ra ý tưởng đến mức quá ẩn dụ bnhuw vậy đâu. Mong chờ ý kiến đóng góp của các bạn.
Bạn có biết cảnh cuối lúc camera ở tòa nhà ghi lại cảnh nhân vật như bị một kẻ vô hình đánh là như thế nào không. Cách tôi hiểu ẩn dụ thì nhân vật chính bị hoang tưởng bị chứng tạm gọi là hai nhân cách nên tự đánh mình nhưng kẻ quan sát những người hoang tưởng thì cũng chẳng tìm được gì, nhưng tại sao camera ghi lại như là bị kẻ vô hình đánh là sao ? cảnh chiếu trong camera trông như bị một người vô hình đánh thật và bị văng xa ? Tôi tò mò nhất cảnh này nhưng không tìm được giải đáp phân tích ở bất kỳ website nào.
Chào bạn, theo mình thì nên hiểu câu chuyện và nhân vật trong phim theo cách ẩn dụ, đó là sự đấu tranh giữa con người thật và con người ảo tưởng (ego) của một người. Phim chiếu những cảnh nhân vật như bị kẻ vô hình đánh đó là theo góc nhìn khán giả, người đứng từ bên ngoài nhìn vào. Chỉ có một người duy nhất và cuộc vật lộn là bên trong nội tâm anh ta.
Bài viết hay quá, cảm ơn tác giả! Đọc xong khiến mình muốn xem phim luôn. Có lẽ sẽ dành cuối tuần này để xem Fight Club và suy ngẫm những điều đã đọc từ bài viết này!