27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản mạn về chiến thắng

Photo: Sfc. Al Chang, U.S. Army

 

Tôi sinh vào tháng 5 năm 1975, vài ngày sau ngày thống nhất đất nước. Bố tôi là quân nhân chuyên nghiệp, giải ngũ năm 1982 khi tôi bắt đầu đi học. Tôi lớn lên trong những năm tháng khó khăn của đất nước, của gia đình. Mặc dù vậy, trong tiềm thức, chiến tranh đối với tôi vẫn là điều gì đó xa vời, được biết đến nhiều hơn qua sách vở.

Bố tôi, một cựu binh, đã qua nhiều chiến trường, không bao giờ nhắc với các con về thời kì ấy. Khi tôi tò mò hỏi về các vết thương bố có, hay chiến tranh như thế nào, bố tôi thường tránh trả lời, rất trầm ngâm. Có lần bố bảo, những câu chuyện về chiến tranh trẻ con không nên biết, chiến tranh dù là với mục đích gì thì cũng là điều phi lý và tàn khốc đối với số phận một con người. Trong chiến tranh, sinh mạng con người không là gì cả, người ta sống sót chỉ vì may mắn mà thôi. Lúc đó còn quá nhỏ, tôi chưa hiểu hết những điều bố nói, trí óc non nớt chỉ thắc mắc rằng vậy có cách nào đó để người lớn giải quyết các vấn đề mà không cần phát động chiến tranh hay không.

Được biết rằng ngày trước, bố được tuyển vào phi công năm 18 tuổi để huấn luyện bay chiến đấu. Khoá huấn luyện thời chiến chỉ diễn ra trong 3 tháng tại sân bay Cát Bi, sau đó, những người lính trẻ còn chưa thành thạo vũ khí, khí tài đax lên đường bay. Mất mát nhiều ko kể xiết. Bố tôi “may mắn” trước khi kiểm tra sức khoẻ lần cuối để bay, bác sĩ phát hiện một chiếc răng sâu, thế là bố phải ở lại mặt đất :)) Có lần bố bảo, sợ nhất là những lần về phép đến khi phải lên đơn vị, mẹ và cô Út tiễn lên bến phà Chèm, lúc qua phà, quay lại nhìn thấy vợ và em ôm nhau khóc rưng rức, chỉ muốn vứt ba lô lội sông quay lại, nhưng biết rằng làm thế là tuyệt đường sống của cả nhà.

Tôi đã lớn lên mà không biết đến chiến tranh, những năm bao cấp kinh tế khó khăn nhưng nhờ sự tháo vát của mẹ, tuổi thơ của anh em tôi vẫn trôi qua khá đầy đủ và êm đềm. Trong những bài học ở trường, tôi đã từng tự hào về lịch sử dày đặc các cuộc chiến tranh của dân tộc mình.

Nhưng rồi có những sự việc diễn ra khiến tôi nhớ đến những câu chuyện cũ. Những chuyến đi đưa tôi đến những nơi còn dấu tích chiến tranh, những nghĩa trang với bạt ngàn bia mộ: nghĩa trang Điện Biên Phủ, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng trị…Nếu bạn đến những nơi mà sự chết còn nhiều hơn sự sống, bạt ngàn, hằng hà sa số bia mộ, khắc tên hay vô danh, lấp loá trắng như những vỏ sò trải rộng bên bờ biển thì bạn sẽ hiểu được cảm giác ớn lạnh khi đối mặt với những mất mát của chiến tranh. Nhớ khi ở thành cổ Quảng Trị, trước khi vào nghĩa trang, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng, những bức ảnh chụp những người lính mới ra trận, những nụ cười của những chàng trai 18 tuổi, họ ngồi ăn cơm hay quây quần hút thuốc. Họ trẻ lắm, tươi tắn lắm, còn trẻ hơn cả lứa sinh viên viên chúng tôi lúc đó. Vậy mà chỉ sau ít ngày, tất cả họ đã không còn. Khi tôi đứng trước những hàng bia mộ tít tắp ấy, tôi tự hỏi nằm ở đây là những nụ cười nào mình đã nhìn thấy lúc trước, cảm giác chua xót và mất mát quá lớn. Đến bao giờ, đất nước mới có được một lớp người trẻ trung, tươi mới như thế- 18 năm sau ư? Người mẹ nào sinh con ra, chăm bẵm rồi đứng nhìn những đưa con ra đi như thế? Tôi nhớ đến những thước phim tư liệu mình xem về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, những đoàn quân trùng điệp ra trận, cũng những người lính trẻ, kiêu hãnh và tươi tắn trong hàng ngũ, dù là Hồng quân hay SS, sau một trận đánh, hàng loạt người trong số họ ngã xuống trên chiến trường. Chiến tranh cuốn họ đi vào vòng xoáy khủng khiếp và tàn khốc. Kết cục là những nỗi đau cá nhân của hàng vạn người có thể đong đếm được ấy trở nên vô nghĩa trước những động cơ hay ý chí của một người hay một nhóm người. Đến giờ, khi đã là một người mẹ, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, không có chiến thắng nào xứng được với sinh mệnh của những đứa con- không có chiến thắng nếu điều đó được trả giá bằng hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn sinh mạng.

Vậy, người ta có thể giải quyết vấn đề mà không cần phát động chiến tranh hay không? Chế độ xã hội này bị lật đổ, thay thế bằng chế đọ khác mà không cần thông qua bạo lực cách mạng không? Câu trả lời là có. Ngày 17.11.1989, đã diễn ra buổi tuần hành của giới sinh viên tại Prague, châm ngòi cho những cuộc biểu tình kéo dài trong 10 ngày yêu cầu chấm dứt chế độ Cộng sản tại Czech. Kết quả là những người CS phải rút lui, nhà nc dân chủ được thiết lập, cảnh sát có đàn áp trong ngày đầu nhưng toàn bộ diễn biến của cuộc Cách mạng Nhung nổi tiếng này không hề có thương vong. Thật là một điều kì diệu. Đối với tôi, đó là chiến thắng tuyệt đối. Và đây không là ví dụ duy nhất.

 

Hoa Dang

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI