(2361 chữ, 9 phút đọc)
Jean-Paul Sartre, nhà văn, nhà viết kịch, nhà triết học Pháp nổi danh nhất thế giới từng cố tình quay lưng đánh rơi giải Nobel văn học năm 1964, từng dựng lên làn sóng chấn động tốn không ít giấy bút của các nhà phê bình và ký giả trên toàn thế giới. Một dấu chấm hỏi lớn đặt ra cho hành động kỳ quặc với nghi vấn liệu đó có phải là sự khinh bỉ của một nhà đạo đức quý tộc hay đó chỉ là một chiêu trò kinh tởm của một kẻ đi buôn trong sự toan tính khéo léo. Người nhận giải xưa nay chẳng thiếu, nhưng kẻ khinh bỉ muốn chối từ lại chẳng có mấy người. Ai mới nổi tiếng vĩ đại hơn?
Jean-Paul Sartre, một triết gia hiện sinh, tư tưởng vô thần thống trị trên con đường tìm kiếm ánh sáng tự do. Tự do trong ý chí của Sartre đơn thuần chỉ là tự do lựa chọn. Mỗi con người cô độc tự tạo ra thế giới của gã, hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân, tự khai sinh ra những lề lối phép tắc, tự tạo quan tòa phán xử và đưa ra án phạt cho chính gã. Sartre không tin vào sự hiện diện của Thượng Đế với hỏa ngục cùng những hình phạt nếu con người sống sa đọa buông thả và làm bạn với ác quỷ. Đối với ông, thế giới của con người được tạo ra bằng chính những vật liệu bắt nguồn từ hành vi ý chí của gã. Một gã bất lương hèn mọn cũng có thể ngay lập tức thánh hóa thành người hùng nếu ý chí của gã có nguyện vọng. Cuộc đời mỗi người là một ngôi nhà đã có sẵn những vật dụng đầy đủ và cần thiết, cấp bách chỉ diễn ra khi chủ nhà ngu ngốc cố tình mở cửa chào đón tên trộm hiên ngang bước vào.
Một kẻ tự do như Sartre không chỉ khước từ một giải Nobel mà còn lãnh cảm phủ nhận mọi liên hệ với đạo đức gia đình xã hội. Bất kể ai dù sinh ra trong một quốc gia, tôn giáo nào cũng có thể đạp đổ chúng để đi theo tiếng gọi con người, được sống trọn vẹn nỗi cay đắng tủi khổ cho đến hạnh phúc vui sướng, dù cho đó là đêm tối ghẻ lạnh với tuyết trắng băng giá, dù cho nỗi cô đơn thường trực vẫn đeo bám không chịu rời xa. Đời sống mãi lênh đênh trôi dạt không một chốn dừng chân, sống mù mờ đuôi điếc không có lấy một điểm tựa. Đó vẫn sẽ là một đời sống xứng đáng để dấn thân.
Ông không chịu bất động tư tưởng trong một hình dáng. Bao giờ cũng cần những sự thay đổi để bắt kịp với ánh sáng tự do. Chính vì thế mà ông không muốn người ta đóng đinh ông vào cây thập tự Nobel. Ông không muốn người ta xây dựng cho ông một tượng đài rồi khắc vào bia đá cái tên Jean-Paul Sartre. Ông sợ rằng cuộc đời mình sẽ mãi vĩnh viễn bị pho tượng ấy đè nặng.
Đối với ông, tự do phải là một cuộc sống không phụ thuộc. Chúng ta không thể tự do trong những ràng buộc, trong mối quan hệ, cuộc sống bị chi phối bởi những thứ bên ngoài mà không phải là thế giới bên trong.
Giả dụ con người không thể lập gia đình với ý chí cuộc sống hôn nhân sau đó vẫn ung dung tự tại khi trên vai giờ đây đã cồng kềnh hơn với những đứa con và gánh nặng cuộc sống. Một người đàn ông độc thân cùng một người đàn ông đã lập gia đình. Điều đó chằng khác nào một Sartre nhà văn và một Sartre là nhà văn đoạt giải Nobel.
Theo quan điểm riêng tôi, quyết định từ chối giải chỉ là câu trả lời cho ý chí trung thành với tự do, không muốn xã hội biến mình thành con lạc đà quỳ gối tự nguyện để người ta chất đầy lưng mình rồi kéo lê qua những sa mạc khô cằn không lối giải thoát. Xã hội loài người, nơi ý chí đám đông đã cất công tạo dựng mãi không thể biến đời sống ông thành sa mạc. Họ không thể dùng những giá trị xa lạ để đánh lừa ông. Vậy nên có những kẻ ngu xuẩn đã tự dựng lên lời lẽ bêu rếu trước quyết định cao đại đáng kính.
Tất nhiên đây chỉ là một vài dòng cảm nhận cá nhân riêng tư của tôi khi đọc xong lá thư. Bài viết với mục đích sau cùng cũng chỉ muốn độc giả có cơ hội đọc qua lá thư từ chối giải Nobel của Jean-Paul Sartre (1964) mà tôi rất tâm đắc.
Tôi rất tiếc là sự việc đã thành ra như một vụ bê bối: giải thưởng được trao và tôi từ chối. Nguyên nhân chỉ là do tôi đã không được cho biết ngay khi việc này đang chuẩn bị. Khi tôi đọc thấy trong tờ Le Figaro văn học (Le Figaro littéraire) ra ngày 15/10/1964, dưới ngòi bút một phóng viên Thụy Điển của bản báo, rằng sự lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ nhằm vào tôi, nhưng việc này vẫn chưa được quyết định, tôi đã nghĩ là bằng cách viết một bức thư cho Viện Hàn lâm và gửi đi vào ngày hôm sau thì tôi sẽ có thể dừng lại được việc này và người ta sẽ thôi nói đến nó.
Khi đó tôi không biết rằng giải Nobel được trao không cần hỏi ý kiến của người được giải nên nghĩ là vẫn còn kịp thời ngăn nó lại. Nhưng rồi tôi hiểu một khi Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra sự lựa chọn thì nó không thể rút lại nữa.
Những lý do tôi từ chối giải thưởng không liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển, đến bản thân giải Nobel, như tôi đã nói trong thư gửi Viện Hàn lâm. Tôi đã nêu lên trong đó hai loại lý do: lý do cá nhân và lý do khách quan.
Những lý do cá nhân là như sau: sự từ chối của tôi không phải là hành động bốc đồng, tôi luôn khước từ mọi sự biệt đãi chính thức. Sau chiến tranh, năm 1945, khi người ta định trao cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tôi đã từ chối, mặc dù tôi có những bạn bè trong chính phủ. Cũng vậy, tôi không bao giờ muốn vào Collège de France (Pháp quốc Học viện), như một số bạn bè gợi ý.
Thái độ này của tôi dựa trên quan niệm của tôi về lao động nghề văn. Một nhà văn có các quan điểm chính trị, xã hội hay văn học chỉ cần phải hành động với phương tiện của hắn, tức là lời viết ra. Tất cả những sự biệt đãi mà hắn có thể nhận sẽ gây cho độc giả một áp lực mà tôi cho là không đáng mong muốn. Tôi ký Jean-Paul Sartre hay tôi ký Jean-Paul Sartre người được giải Nobel là hoàn toàn khác nhau.
Nhà văn chấp nhận một sự biệt đãi như vậy là cũng đã nhập vào hội đoàn hay thiết chế đã vinh danh hắn: thiện cảm của tôi đối với quân du kích Venezuela chỉ liên quan đến tôi, trong khi nếu người được giải Nobel Jean-Paul Sartre ủng hộ phong trào kháng chiến ở Venezuela thì hắn sẽ kéo theo mình cả giải thưởng Nobel như một thiết chế.
Như vậy nhà văn cần phải từ chối việc biến mình thành một thiết chế, ngay cả nếu điều này diễn ra dưới những hình thức vinh dự nhất như trong trường hợp này.
Thái độ này hoàn toàn rõ ràng là của tôi và không hề có ý phê phán những người đã được trao giải. Tôi kính trọng và khâm phục nhiều người được giải mà tôi hân hạnh quen biết.
Những lý do khách quan để tôi phản đối là như sau:
Cuộc chiến đấu duy nhất hiện nay có thể diễn ra trên mặt trận văn hóa là cuộc chiến đấu cho sự cùng tồn tại hòa bình giữa hai nền văn hóa, Đông và Tây. Tôi không muốn nói rằng như thế là cần phải có sự bắt tay của chúng. Tôi biết rõ rằng sự đụng độ giữa hai nền văn hóa tất yếu sẽ có hình thức xung đột, nhưng nó nên diễn ra giữa những con người và giữa những nền văn hóa mà không có sự can thiệp của các thiết chế tổ chức.
Tôi cảm nhận sâu sắc sự đối lập giữa hai nền văn hóa: tôi chính là sản phẩm của sự đối lập ấy. Thiện cảm của tôi hiển nhiên là dành cho phe xã hội chủ nghĩa và cái gọi là khối Đông, nhưng tôi sinh ra và được học hành trong một gia đình tư sản và nền văn hóa tư sản. Điều này cho phép tôi cộng tác với tất cả những người muốn xích gần hai nền văn hóa. Nhưng tôi hy vọng, tất nhiên, “bên tốt nhất sẽ thắng”, tức là chủ nghĩa xã hội.
Chính vì thế tôi không thể chấp nhận một sự biệt đãi nào do các thiết chế văn hóa bậc cao, cả ở Đông lẫn Tây, trao cho, ngay cả khi tôi hiểu rõ sự tồn tại của chúng. Dù cho thiện cảm của tôi là ở về phía chủ nghĩa xã hội, tôi cũng không thể chấp nhận giải thưởng Lenin chẳng hạn, nếu có người muốn trao nó cho tôi. Tôi biết rõ bản thân giải Nobel không phải là một giải thưởng văn học của khối Tây, nhưng theo cách người ta làm như vậy thì sẽ có thể đưa đến những sự kiện mà các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển không quyết định được.
Do đó, trong tình hình hiện nay, giải Nobel về khách quan hiện ra như một sự biệt đãi dành cho các nhà văn phía Tây hoặc những người nổi loạn ở phía Đông. Người ta đã không trao nó cho chẳng hạn Neruda, một trong những nhà thơ lớn nhất ở Nam Mỹ. Người ta cũng không bao giờ nghiêm túc nói đến Louis Aragon, một người rất đáng được nhận giải. Cũng đáng tiếc là người ta đã trao giải cho Pasternak trước khi trao nó cho Sholokhov và tác phẩm Xô-Viết duy nhất được trao lại in ở nước ngoài và bị cấm ở nước mình. Sự cân bằng này cũng có thể được xác lập theo cách tương tự nhưng theo hướng ngược lại. Trong cuộc chiến tranh Algeria, khi chúng tôi ký “Tuyên bố 121”, tôi sẽ chấp nhận giải thưởng với lòng biết ơn bởi vì đó không chỉ là vinh danh cho riêng mình tôi, mà còn cho nền tự do mà chúng tôi đấu tranh. Nhưng điều này đã không diễn ra và chỉ sau khi kết thúc cuộc chiến người ta mới trao cho tôi giải thưởng. Trong lời vinh danh của Viện Hàn lâm Thụy Điển có nói đến tự do: đó là một từ có nhiều cách hiểu. Ở phía Tây, người ta hiểu chỉ là tự do nói chung: đối với tôi, tôi nghe từ tự do có nghĩa cụ thể hơn, nó ở trong quyền có nhiều hơn một đôi giày và được ăn khi đói. Tôi cảm thấy từ chối giải thưởng ít nguy hiểm hơn là nhận nó. Nếu tôi nhận, tôi sẽ bị gán cho cái mà tôi gọi là “thu hồi một cách khách quan.” Tôi đọc bài trên báo Figaro littéraire thấy nói “quá khứ chính trị gây tranh cãi của tôi sẽ không gây hại cho tôi.” Tôi biết bài báo đó không thể hiện ý kiến của Viện Hàn lâm, nhưng nó cho thấy rõ ràng trong phái tả người ta hiểu sự chấp nhận của tôi theo nghĩa nào. Tôi coi “quá khứ chính trị gây tranh cãi” này vẫn còn hiệu lực như trước đây, ngay cả nếu tôi có sẵn sàng thừa nhận trong nhóm đồng chí của mình một số sai lầm ở quá khứ. Như thế không phải là tôi muốn nói rằng giải Nobel là một giải thưởng “tư sản”, nhưng đó là cách diễn giải theo lối tư sản mà những giới tôi biết rõ sẽ nhất định đưa ra.
Cuối cùng tôi muốn nói đến vấn đề tiền bạc: Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đặt một gánh nặng lên vai những người được giải khi kèm theo sự tôn vinh một số tiền lớn và vấn đề này đã làm tôi khó nghĩ. Hoặc là nhận giải và dùng số tiền nhận được ủng hộ cho những tổ chức hoặc phong trào mà hoạt động được coi là quan trọng: phần tôi, tôi nghĩ đến Ủy ban Apartheid ở London. Hoặc là từ chối giải vì những nguyên tắc chung và như thế là tước đi của phong trào này một sự ủng hộ nó đang cần. Nhưng tôi tin rằng đây là một vấn đề giả. Tôi lẽ tất nhiên từ chối 250,000 couron bởi vì tôi không muốn bị ràng buộc tổ chức ở cả Đông và Tây. Nhưng đồng thời cũng không thể đòi hỏi để vì 250,000 couron mà từ bỏ những nguyên tắc không chỉ là của anh mà còn được tất cả các đồng chí của anh chia sẻ.
Tất cả những điều này đã làm cho việc nhận giải hay từ chối giải trở nên nặng nề đối với tôi mà tôi buộc phải đưa ra.
Tôi muốn kết thúc lời tuyên bố này bằng sự bày tỏ thiện cảm đối với công chúng Thụy Điển.
JEAN-PAUL SARTRE (1964)
Tác giả: Ni Chi
Ảnh minh hoạ: Bess-Hamiti
📌 Ủng hộ tác giả và Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/donateTHDP
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2