Featured image: Zi Nguyen
Vài dòng con trẻ mến tặng anh Mèo Đeo Nhạc.
“It Is Our Choices, Harry, That Show What We Truly Are, Far More Than Our Abilities” (Dumbledore)
I – Ưu tiên cốt lõi, chi phí cơ hội, và bạn
Có một lúc nào đó, hẳn người ta cũng bắt đầu tự hỏi mình muốn làm gì và muốn trở thành ai. Tôi cũng thế. Và bây giờ tôi 23 – độ tuổi quá trẻ để có khả năng nói đúng về hầu hết mọi thứ, nhưng lại không đủ trẻ để vô tư nói ra những thứ ấy theo lối, “Chắc chắn tôi đúng. Mấy người lớn không biết gì hết! Xùy!”
Rào trước đón sau như thế, chỉ vì hôm nay tôi rất rất muốn viết về các ưu tiên cốt lõi (core priority) của một con người; hay nói cụ thể hơn, của một cô gái 23 tuổi; hay nói rộng hơn, của tuổi 20 mà tôi chứng kiến. Vậy ưu tiên cốt lõi là gì? Bạn có thể hình dung đơn giản thế này: trước mặt bạn là một chiếc bánh Marie-Antoinette mâm xôi phủ macaron ướp kem hoa hồng được làm bởi đầu bếp hạng năm sao ở Paris. Người ta nói bạn hãy chọn đi: ăn chiếc bánh đó một mình, miễn phí thêm phần trà Earl Grey hảo hạng; hoặc đến một quán ăn rẻ tiền bất kỳ cùng với người bạn thân nhất; chọn cái nào cũng được người ta trả tiền trọn gói. Bạn sẽ chọn gì?
Không có câu trả lời đúng ở đây. Lựa chọn của bạn chỉ nói lên bạn là ai.
Bây giờ ta nói đến một thứ liên quan: chi phí cơ hội (opportunity cost). Ở đâu có lựa chọn, ở đó sẽ có chi phí cơ hội. Khi bạn chọn ăn bánh, chi phí cơ hội là việc cùng tận hưởng bữa ăn sơ sài với người bạn thân của mình, chém gió chém bão linh tinh. Khi bạn chọn đi cùng người đó, chi phí cơ hội là miếng bánh ngon lành hảo hạng được đặt theo tên vị nữ hoàng tai tiếng nhưng thập phần yêu kiều diễm lệ của nước Pháp. Tóm lại, khi bạn chọn một điều gì đó, chi phí cơ hội là những gì bạn đành phải bỏ qua. Chả bao giờ chúng ta có tất cả mọi thứ.
II- Chúng nói về bạn như thế nào?
Thế là ta luôn phải chọn, chọn lấy thứ này và chọn bỏ thứ khác. Với những gì tôi đã nhìn thấy, dường như việc ta chọn lấy thứ gì không có ý nghĩa bằng việc ta đã bỏ lại thứ gì, bởi vì bạn sẽ phải bỏ rất rất nhiều thứ trong cuộc đời mình. Nếu bạn chọn ăn phở, không hẳn bạn là fan hâm mộ của phở. Nhưng nếu bạn bỏ bún để ăn phở, bạn chắc chắn yêu phở nhiều hơn bún, ít nhất là ở ngay thời điểm đó. Thật ra thì Bill Gates và Mark Zuckerberg đã không hề (được phép) chọn trở thành tỉ phú, nhưng họ chọn bỏ đại học để tập trung vào ưu tiên cốt lõi của bản thân. Jonas Salk cũng từ chối đăng ký bản quyền vaccine bại liệt mặc dù ông chính là người đã nghiên cứu ra nó, bởi lẽ ưu tiên cốt lõi của ông là sức khỏe mọi người, không phải nguồn lợi nhuận khổng lồ. Và Lance Amstrong, ưu tiên cốt lõi của ông hẳn nằm ở cúp Tour de France chứ không phải tinh thần thể thao trung thực trong một cuộc đua mà chẳng mấy ai trung thực (thế thì ông ấy đúng hay sai? Ít ra ông ấy đã dùng danh tiếng của mình để hỗ trợ bệnh nhân ung thư, đúng không?) Einstein bỏ mặc gia đình để trở thành người đàn ông của khoa học và nhân loại (ông ấy kể ra là một người chồng người cha rất vô trách nhiệm). Andrew Carnegie – ông vua ngành sắt thép nước Mỹ – đã bỏ tiền ra xây dựng 2509 thư viện trên khắp thế giới cung cấp dịch vụ miễn phí cho mọi người trong khoảng thời gian từ 1883 đến 1926; đến khi qua đời để lại di chúc hiến toàn bộ gia sản cho công tác từ thiện, nhưng lại khăng khăng không chịu tăng lương và ép công nhân làm thêm giờ trong điều kiện kém an toàn.
Trong mắt mọi người, Carnegie vừa là một gã độc quyền tư bản keo kiệt, vừa là nhà từ thiện hào phóng với tầm nhìn xa trông rộng. Độ dài của quãng thời gian mà cuộc đời bạn nằm dưới ảnh hưởng của một quyết định cũng chính là độ dài thời gian con người bạn được định nghĩa bởi quyết định đó. Có những quyết định “phở bún” được một bữa no, và có những quyết định là cả một đời người.
Khi đứng ở ngưỡng cửa 20, nhìn thấy tuổi thơ khép lại sau lưng, trước mặt là thế giới của rất nhiều lựa chọn; tôi hiểu rằng đây là lúc sẽ định nghĩa gần như cả cuộc đời còn lại của mình. Và chúng tôi đã tìm cách định nghĩa như thế nào?
III – Nỗi khổ của một chú chim (hay của một người trẻ)
Hãy bắt đầu bằng việc nói về một chú chim.
Tôi nghĩ đến chú chim ấy cách đây vài ngày, vào một buổi chiều Chủ nhật đầy nắng lúc đang lười biếng nằm ườn trên giường lơ mơ nhìn từng khoảnh nắng rớt nhẹ vào phòng. Giá trị ưu tiên của một chú chim là gì? Hẳn là bay. Chú chim muốn bay và chú hết mực tin rằng cuộc đời của một sinh vật có cánh đã được định sẵn ở khoảng không bao la trên kia. Mỗi ngày, chú ngước mỏ lên nhìn và tự nhủ, “Đó là nơi tôi sẽ vươn đến.”
Rồi chuyện xảy ra, như chắc chắn kiểu gì cũng phải có một chuyện xảy ra.
Vì một tai nạn, chú chim mất khả năng bay lượn. Chú vẫn có thể giang cánh đấy, nhưng chỉ chạy lạch bạch được trên mặt đất thôi. Vừa khi ấy thị trường vận chuyển của các loài trên không đưa ra một phát minh mới: lồng bay. Đó là một cái lồng chật hẹp nhưng nó có thể bay theo định hướng của chú chim bên trong.
Lúc này thì chú chim bé nhỏ của chúng ta phải đối mặt với một mâu thuẫn ưu tiên cốt lõi, lớn hơn rất nhiều so với chuyện chiếc bánh Marie-Antoinette hay bữa ăn với bạn thân: chấp nhận giang rộng cánh dưới đất, hay gò bó nhưng được bay trên trời.
Nếu chú chim tỉnh táo không bị những giá trị hào nhoáng bên ngoài đánh lừa, hẳn chú sẽ nhớ ra: giá trị cốt lõi của chú là việc bay trên trời, chứ không phải việc giang rộng đôi cánh. Nếu chọn chiếc lồng, chú có thể bị một hai gã to mồm khác cười vào mặt, nhưng cơ bản là chú vẫn sẽ bay, thay vì đứng trên mặt đất đập cánh và cười nhạo những chú chim trong lồng khác, “Ôi, bọn đấy chả biết đến cảm giác tự do.”
Thế là chúng ta giải đáp được một câu hỏi đơn giản. Nhưng cuộc đời vốn không đơn giản. Là một sinh vật thông minh, chú chim của chúng ta bắt đầu điều tra, ngó nghiêng xung quanh và – quan trọng nhất – đặt câu hỏi:
- Y học vẫn đang phát triển. Nếu ta chấp nhận ở dưới đất mải miết giang cánh, có thể một ngày ta lại được bay. Nhỡ đến lúc bệnh của ta có thể chữa được, nhưng cánh của ta đã bị tiêu giảm sau thời gian dài dùng chiếc lồng thì tiếc lắm. Vậy chọn gì đây?
- Khoa học cũng đang phát triển. Một ngày nào đó, họ có thể cải tiến cái lồng rộng hơn, đủ cho ta sải cánh; thậm chí có thể điều khiển nhờ vào cảm ứng cánh. Ta vẫn có thể bay trong lúc đợi điều ấy thành sự thật. Vậy chọn gì đây?
Vấn đề của chúng ta trở nên phức tạp hơn, vì ưu tiên cốt lõi bây giờ không còn dễ nhìn thấy và định lượng như trước. Nó không còn là “chuyện bay”, thay vào đó, nó đã trở thành ưu tiên giữa hiện tại và tương lai, giữa cái có sẵn và cái có thể, giữa những ai-đó-mà-tôi-có-thể-trở-thành: một chú chim có thể bay được bằng cánh (hoặc không); hay một chú chim chắc chắn bay được bằng lồng.
IV – Câu hỏi và câu trả lời về ưu tiên cốt lõi
Đây là thời điểm mà tất cả những nhà tư vấn, những quân sư tuổi teen, những bài viết “100 điều bạn phải làm trước khi 100 tuổi” nên lui vào cánh gà, nhường ánh đèn sân khấu cho tác nhân quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta: hoàn cảnh riêng. Đây là lúc mà gã badass lâu nay đứng khuất lấp sau rèm nhung sẽ bước ra và đằng hắng, “Are you done with your crap, bitches?” Sau khi nhếch mép ném một nụ cười khinh miệt nhưng đầy cảm thông vào thân hình giải phẫu thẩm mỹ của ả “100 điều bạn phải làm trước khi 100 tuổi”, gã chỉnh lại trang phục và trang trọng giới thiệu ngôi sao chính của buổi biểu diễn.
Là bạn, chính bạn.
Gã sẽ hôn lên trán bạn, quỳ xuống, hôn cổ tay hoặc sẽ nắm cổ tay, hoặc sẽ bóp cổ, tát vào mặt, cuối cùng hỏi một câu quyền năng bậc nhất, “Bây giờ em sẽ chọn điều gì?” Bay hay sải cánh? Chờ đợi cơ hội sải cánh bay trong tương lai hay gắn đời mình vào chiếc lồng bay ngay hiện tại. Bạn sẽ chép miệng, “Miễn là đến nơi, thế nào chả được,” hay kiên quyết, “Mục tiêu không quan trọng bằng phương tiện”? Bạn sẽ dứt khoát, “Miễn là đến nơi, thế nào chả được,” hay ngần ngại, “Mục tiêu không quan trọng bằng phương tiện”?
Và bởi vì lúc này trên sân khấu chả còn ai nên tôi cũng rút lui đây. Lời lẽ thế này là đủ rồi. Hãy nhìn lại đi, dưới ánh đèn chỉ còn mỗi bạn mà thôi. Gã “hoàn cảnh riêng” cũng biến đâu mất tăm rồi (mặc dù ai cũng biết là gã vẫn còn lởn vởn quanh đấy). Câu hỏi gã đưa ra thật đơn giản, “Bây giờ em sẽ chọn điều gì?” nhưng bạn biết câu trả lời không đơn giản như thế. Giữa hàng trăm ưu tiên, đâu mới là cái cốt lõi, đâu mới là thứ bạn thật sự tin tưởng? Biết đâu sau lưng bác sĩ Jonas Salk là cả một gia đình để chăm lo, nhưng ông đã chọn chăm lo cho nhân loại. Biết đâu sau lưng Bill Gates là những lời đàm tiếu, “Bỏ học thì chỉ có đi lật hamburger trong McDonald thôi.” (ông ấy học Harvard nên chắc đỡ hơn, sẽ được đi lật hamburger ở Chick-fil-a.)
Chỉ có bạn mới tìm được câu trả lời cho lựa chọn của bản thân, cho những ưu tiên cốt lõi sẽ định hình nên con người bạn. Câu trả lời đó không hề dễ tìm, không hề nằm trong một cuốn sách hay một talkshow nào. Sẽ tốn của bạn hàng đêm không ngủ, hàng nghìn suy nghĩ trăn trở để biết mình muốn trở thành ai. Và sau tất cả những điều đó, điều đáng buồn là bạn vẫn có thể chọn sai. Bạn vẫn có thể chọn lấy một quyết định mà sau này sẽ khiến bạn hối tiếc.
V- Trữ tình ngoại đề
Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ, ngày ấy mà không đi du học hẳn bây giờ đã rất nhàn hạ. Ở nhà quây quần với ba mẹ, Trung thu đi chơi với Măng, Tết dọn nhà với mẹ, sinh nhật mẹ lại đi mua quà với ba, làm một công việc vừa phải, gắn bó với Đà Nẵng tôi thương nhất trên đời. Ai nói đó là cuộc sống nhàm chán chứ? Đó có thể là điều tuyệt vời nhất tôi có được. Đó là chi phí cơ hội của việc xách vali đến xứ cờ hoa.
Thế nên trong những buổi tối lái xe trên freeway, buột miệng tâm sự với Zi, “Nước Mỹ là nơi đã cho ta biết ta là ai và ta muốn gì,” nó chẳng phải hoàn toàn là sự đề cao nước Mỹ hay may mắn được đi du học. Nó thật ra là một lời ghi nhận cho những gì chúng tôi đã đành lòng bỏ lại. Chúng tôi không phải những học sinh đã đến Mỹ hay Anh hay Úc hay New Zeland; chúng tôi là những người đã dành tuổi 20 rời khỏi Việt Nam.
Và, dù buồn hay vui, đó cũng là một trong những định nghĩa chắc chắn nhất về tôi, Zi, Iris và một vài người khác. Dù sau này đi đến đâu, vòng quanh thế hay quay về đất nước, định nghĩa đó cũng sẽ không thay đổi, như tuổi 20 của chúng tôi cũng sẽ không thay đổi.
Arlington, 23 tháng 09, 2013
12 ngày trước khi khởi hành đi Caddo Lake
Hay quá … :3
~baka~