30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[THĐP Translation™] Ramana Maharshi và phương pháp truy vấn Chân Ngã (1/2)

Hỏi: Ngài nói một người có thể giác ngộ chân Ngã thông qua một cuộc truy tầm. Đặc tính của cuộc truy tầm này là gì?

Bhagavan: [Giả sử] Anh là tâm trí, hoặc nghĩ mình là tâm trí. Tâm trí chẳng là gì ngoài những suy nghĩ. Bây giờ, đằng sau mỗi suy nghĩ cụ thể đều có một suy nghĩ phổ quát, đó là ‘Tôi’, là bản thân anh. Chúng ta hãy gọi ‘Tôi’ này là suy nghĩ đầu tiên. Bám sát cái suy nghĩ về ‘Tôi’ này (the I-thought) và truy vấn nó để tìm hiểu xem nó là gì. Khi sự truy vấn này bám chặt vào anh, anh không thể nghĩ đến những suy nghĩ khác.

Hỏi: Khi tôi thực hành như vậy và bám vào bản thân của tôi, chính là, suy nghĩ về ‘Tôi’, những suy nghĩ khác đến và đi, nhưng tôi nói với bản thân mình ‘Tôi là ai?’ và không có câu trả lời nào. Việc thực hành là để ở trong trạng thái này. Có phải vậy không?

Bhagavan: Đây là một sai lầm người ta thường mắc phải. Khi anh nghiêm túc trong việc truy vấn chân Ngã, sẽ xảy ra một chuyện, đó là suy nghĩ về ‘Tôi’ biến mất và một cái gì đó từ sâu thẳm sẽ giữ lấy anh và cái đó đã khởi động sự truy vấn, chứ không phải cái ‘Tôi’.

Hỏi: Cái gì đó là cái gì?

Bhagavan: Cái đó là chân Ngã, bản thể của ‘Tôi’. Nó không phải cái tôi. Nó chính là Bản thể Tối cao.

Hỏi: Ngài vẫn thường nói rằng một người phải chối từ những suy nghĩ khác khi người đó bắt đầu truy vấn, nhưng những suy nghĩ là vô tận. Nếu suy nghĩ này bị chối từ, thì suy nghĩ khác sẽ đến và dường như không thể chấm dứt.

Bhagavan: Tôi không nói rằng anh phải liên tục chối từ những suy nghĩ. Hãy nắm chắc bản thân mình, đó là, suy nghĩ về ‘Tôi’. Khi anh chỉ quan tâm đến một ý niệm duy nhất, những suy nghĩ khác sẽ tự động bị chối từ và chúng sẽ biến mất.

Hỏi: Vậy sự chối từ những suy nghĩ là điều không cần thiết?

Bhagavan: Không. Nó có thể sẽ cần thiết trong một khoảng thời gian hoặc cho một số người. Anh tưởng rằng sẽ không có sự chấm dứt nếu một người cứ tiếp tục chối từ mọi suy nghĩ khi nó nổi lên. Điều này không đúng; có một sự chấm dứt. Nếu anh cảnh giác và nghiêm túc nỗ lực chối từ mọi suy nghĩ khi nó nổi lên, anh sẽ sớm nhận thấy rằng anh đang ngày càng đi sâu vào trong nội tâm. Ở cấp độ đó thì không cần phải nỗ lực để chối từ những suy nghĩ nữa.

Hỏi: Vậy thì có thể chấm dứt suy nghĩ mà không cần nỗ lực, không cần căng thẳng.

Bhagavan: Không những vậy, anh không thể nỗ lực vượt quá một mức độ nhất định.

Hỏi: Tôi muốn được khai sáng hơn nữa. Liệu tôi có nên ngừng nỗ lực không?

Bhagavan: Tại thời điểm này anh không thể được khai sáng mà không cần nỗ lực. Khi anh vào sâu hơn, anh không thể tạo ra bất kỳ nỗ lực nào nữa. Nếu tâm trí trở nên hướng nội thông qua việc truy vấn nguồn gốc của aham-vritti [suy nghĩ về ‘Tôi’ / (the I-thought)], các vasana [ham muốn ngầm ẩn] sẽ bị tuyệt diệt. Ánh sáng của chân Ngã soi rọi vào các vasana và sinh ra một hiện tượng phản chiếu mà chúng ta gọi là tâm trí. Do đó, khi các vasana bị tuyệt diệt, tâm trí cũng biến mất, bị hấp thụ vào ánh sáng của thực tại duy nhất, Tâm (the Heart). Đây là tổng quát và đại ý của tất cả những gì mà một người tầm đạo cần phải biết. Điều bắt buộc phải có ở anh ta là một sự truy vấn nghiêm túc và nhất tâm về nguồn gốc của aham-vritti.

Hỏi: Một người mới nên bắt đầu thực hành như thế nào?

Bhagavan: Tâm trí sẽ tĩnh lặng chỉ bằng cách tự vấn ‘Tôi là ai?’. Suy nghĩ ‘Tôi là ai?’, phá hủy mọi suy nghĩ khác, cuối cùng tự nó cũng bị tiêu hủy như khúc cây được dùng để khơi lửa giàn thiêu. Nếu những suy nghĩ khác trỗi dậy thì người này, không nên cố gắng hoàn tất chúng, hãy truy vấn ‘Chúng trỗi dậy với ai?’ Dù cho có nhiều suy nghĩ trỗi dậy chăng nữa thì có vấn đề gì? Ngay chính thời điểm mà mỗi suy nghĩ trỗi dậy, nếu người này thận trọng truy vấn ‘Suy nghĩ này trỗi dậy với ai?’, thì sẽ được hiểu là ‘Với tôi’. Sau đó, nếu người này tự vấn ‘Tôi là ai?’, tâm trí sẽ trở về cội nguồn của nó [chân Ngã] và chính cái suy nghĩ vừa trỗi dậy cũng sẽ lắng xuống. Nhờ thực hành lặp đi lặp lại như vậy, khả năng an trú của tâm trí trong cội nguồn của chính nó được gia tăng.

Mặc dù những xu hướng tới các đối tượng giác quan [vishaya vasanas], thứ đã lặp lại qua những thời đại, nổi lên nhiều vô kể như những con sóng trên đại dương, tất cả chúng sẽ tiêu vong khi sự chiêm nghiệm về bản chất của một người ngày càng trở nên mãnh liệt. Không có chỗ cho thậm chí là một suy nghĩ hoài nghi, ‘Liệu có thể tiêu hủy tất cả mọi xu hướng [vasanas] này và tiếp tục chỉ hiện hữu như chân Ngã không?’, ta nên kiên trì bám chắc sự quan sát bản thân.

Miễn là còn những xu hướng tới các đối tượng giác quan trong tâm trí, việc tự vấn ‘Tôi là ai?’ là điều cần thiết. Khi những suy nghĩ nổi lên, người này nên tiêu hủy tất cả chúng thông qua việc truy vấn ngay lúc đó và ngay tại nơi khởi nguồn của chúng. Không quan tâm đến cái-gì-khác [anya] là không chấp trước [vairagya] hay không còn ham muốn [nirasa]. Không rời khỏi chân Ngã là minh triết [jnana]. Sự thật là, cả hai cái [không còn ham muốn và minh triết] là một và như nhau. Cũng như một thợ lặn – ngọc trai, buộc một hòn đá vào thắt lưng, lặn xuống biển và đem về viên ngọc trai nằm dưới đáy, cũng như tất cả mọi người, lặn sâu trong chính mình với sự không chấp trước, đều có khả năng đạt được hòn ngọc chân Ngã. Nếu một người không ngừng nhớ lại bản chất chân thực [swarupasmarana] của mình cho đến khi người này đạt đến chân Ngã, thì chỉ như vậy là đủ.

Chỉ tự vấn ‘Tôi là ai trong sự trói buộc này?’ và hiểu thấu bản chất chân thực của mình, đó chính là giải thoát. Việc luôn giữ tâm trí cố định vào chân Ngã duy nhất được gọi là ‘truy vấn chân ngã’ (self-enquiry), còn thiền định [dhyana] là quán chiếu bản thân là Brahman (Đấng Tuyệt Đối), chính là hiện hữu – ý thức – phúc lạc [sat-chit-ananda].

(Trích từ sách Be As You Are: The Teachings of Sri Ramana Maharshi)

Biên dịch: Quang Lý
Hiệu đính: Prana


Join THĐP Discord: https://discord.gg/thdp
💪 (NEW – VERSION 2) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC: https://bit.ly/cnnofapver2
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB: https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách tất cả bài viết Deep Club: https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX

🎯 Đặt mua tạp chí Aloha: http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục tất cả nội dung Aloha volume 1-27: http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes: http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE: http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP: http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI