Featured Image: Wikipedia Commons
Tiểu thuyết là câu chuyện kể mang tính nghệ thuật ngôn ngữ và ẩn màu sắc tư tưởng. Khi chưa có chữ viết thì kể bằng miệng. Lúc kể chuyện, muốn cho hấp dẫn; nghệ sĩ dùng một số bộ điệu đóng thế một số vai để câu chuyện trở nên sống động hơn. Đó là tiền thân của bộ môn kịch về sau. Và bộ môn kịch sớm được đưa vào văn học, và ngay ở buổi ban đầu, gần như nó chiếm lĩnh trên văn đàn đầy uy lực hơn so với tiểu thuyết văn chương chữ viết.
Bi kịch – hài kịch trên văn đàn Phương tây là một ví dụ. Các tác giả bi kịch Hy Lạp như Euripide, Sophocle, và hài kịch Latinh như Sénèque, Térence, Aristophane… (Hy Lạp) được kính trọng trong nền văn học Pháp.
Kịch là loại hình mô tả bằng động tác nên gặp nhiều khó khăn trong phổ biến, nhưng lại có nhiều lợi thế trong cảm nhận nơi người xem hơn là tiểu thuyết chữ viết. Nhân vật của kịch bày tỏ cảm xúc dễ gây phản ứng trực tiếp nơi khán giả do tâm lý xúc động trước tình huống cụ thể hơn là độc giả cảm nhận một cách riêng tư khi đọc.
Nhưng cái trở ngại của kịch hôm nay dược khắc phục rất nhiều và đạt đến lợi thế hơn tiểu thuyết nhờ vào kỹ thuật, bằng cách chuyển tải qua “phim”. Lợi thế của phim so với kịch chính là “kỹ thuật”. Nhân vật trong phim cũng hiện diện trực tiếp/đối mặt với người xem, cho nên sự truyền thụ cảm xúc cũng kích động hệ thần kinh làm cho phản ứng xung động tình cảm bị kích thích trực tiếp như kịch, mà còn hơn thế nữa, hiệu quả còn mạnh hơn là nhờ các frames cận ảnh (gros plan) lột tả cảm xúc chi tiết và tế nhị hơn.
Người xem phim có thể cảm nhận một diễn biến tâm lý, suy nghĩ của nhân vật qua từng nét mặt, đến tận từng chi tiết ánh mắt, nếp nhăn trên trán hoặc một cử động nho nhỏ của ngón tay, bàn chân…(gros plan).
Do đó, về luật “ba duy nhất” (thời gian, địa điểm và hành động) của kịch chuyển qua điện ảnh thì được rộng mở hơn, uyển chuyển hơn; giúp cho đạo diễn thể hiện cái mật ngữ của tác giả gởi gắm để người xem dễ dàng cảm thụ đến sâu sắc hơn.
Tính cách rộng mở và uyển chuyển của phim được nhà đạo diễn Nga Sergei Eisentein (1898 – 1948) khai triển thành ý niệm “ montage”: để những images với nhiều xung đột (collision) ở cạnh nhau làm cho điện ảnh thêm hấp lực hơn. Nhờ cái montage đó mà có thể xáo trộn thời gian cho việc diễn tả cái “Thời – Không” [temps – espace] trong tâm lý hiệu nghiệm hơn kịch và tiểu thuyết (tiểu thuyết cũng áp dụng cái montage đó như: “Chuyện đó không nói nữa… hồi sau sẽ rõ.” Hoặc “Trong khi đó…”; nhưng thiếu cái uyển chuyển của phim).
Dầu phim với kỹ thuật hiện đại cũng không thể ra ngoài cái luật “không – thời hợp nhất ấy”, nó chỉ có thể “chuyển cảnh (scène) lẹ hơn thôi. Mỗi “scène” của phim rộng hơn thôi! “Phim là kịch được nối dài” là vậy: cũng nhờ vào kỹ thuật mà nghệ thuật diễn đạt với được tới tầm cao có thể, qua mặt được bộ môn kịch. Phim cũng gần với tiểu thuyết hơn kịch ở chỗ nó có thể mượn cảnh để diễn tả tâm sự “người buồn… cảnh có vui đâu bao giờ.”[ND]
Kể cả kịch và phim đều có âm nhạc hỗ trợ hiệu quả trong sự gợi mở sức tưởng tượng cho người xem hơn là người đọc.
Do đó, kể về mặt ưu thế truyền cảm xúc, đẩy mạnh sức tưởng tượng thì phim trội hẳn hơn kịch và tiểu thuyết; nên người xem phim “sống” với nhân vật thực hơn. Và trên phương diện nghệ thuật, phim tổng hợp được các ưu thế của kịch và tiểu thuyết… và khắc phục được nhiều hạn chế hơn hai bộ môn trên.
Chính vì sức mạnh ấy của phim nên tác dụng của nó cũng hết sức cường liệt. Tốt thì ảnh hưởng tốt ngay, mà xấu thì cũng sẽ xấu tức thì. Một tác phẩm văn chương (tiểu thuyết – kịch) được chuyển thể sang phim thì hình như sức mạnh của thông điệp có tác dụng hữu hiệu hơn.
Sức quyến rũ, tính phổ biến chính là lợi thế của điện ảnh, giúp điện ảnh chuyển tải cái hoài bảo của kịch và tiểu thuyết bị chặn đứng trước ngưỡng cửa của những người ít chữ. Cái thú đọc sách của người biết chữ chia sẻ cùng người ít chữ nhờ cái thú thưởng thức phim; cũng như cái khoảng cách văn học… Điện ảnh sẽ mang họ xích lại gần nhau hơn. Cái tế nhị, cái ẩn ý mà tiểu thuyết muốn gợi mở, báo động làm cho độc giả phải suy gẫm… thì điện ảnh sẽ đền bù lại cho người không đọc tiều thuyết.
Người Viêt Nam hôm nay “đọc” Thủy Hữ, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký… Le Cid, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà Paris, Cuốn Theo Chiều Gió, 1001 Đêm… Don Qiuchotte… nhiều hơn cha anh họ. Và rồi đây, có thể người ta (không phải tất cả) sẽ “nghe/xem tiểu thuyết” hơn là đọc tiểu thuyết.
Sự tương tác giữa kịch, tiểu thuyết và phim đã trở nên máu thịt. Fr. Sagan chuyển cái không khí mơn man buồn ở tiểu thuyết của bà sang kịch hết sức thành công; cũng như B.M. Koltès tạo ra không khí tiểu thuyết đen trong các vở kịch vậy. Và Dương Khiết đưa cái giả tưởng vào hiện thực mà người xem phim thì tìm lại được chính mình trong Tây Du Ký.
Một chiếc lông chim phiêu bạt trong không gian – hay là một thân phận nổi trôi trên giòng đời; “Số phận là thế ấy!” được đạo diễn trình bày trong phim “Forrest Gump”. Một tượng trưng gợi mở ở văn chương là “từ một tập hợp từ tới một mạng lưới các ý tưởng”(*) mà trong phim là hình ảnh: “Chiếc lông chim!” Một tượng trưng. Một ẩn dụ!
Kịch – Tiểu thuyết – Phim chỉ là ba phong cách nghệ thuật thể hiện của văn chương, và cùng đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ, khai mở tư tưởng và làm giàu thêm cho tâm tình nhân loại hơn lên.
Và điện ảnh: một phương tiện mới, một cảm nhận mới; chúng ta có thể có một ý niệm mới hay không? Cái mới chưa kịp tạo được danh nghĩa chính thống liệu nó có nguy cơ bị gạt ra ngoài cái chính đáng hay không?
Vâng, dẫu cho điện ảnh có khoảng chừng hơn 100 năm nay (kể từ ngày anh em nhà Lumière (Pháp) phát minh ra chiếc cinématographe quay và chiếu phim lần đầu tiên năm 1895)… so với tuổi đời của hai bộ môn kịch và tiểu thuyết thì chỉ là hàng hậu duệ khá xa… và hai bộ môn này đã đi vào tiềm thức nhân loại như một truyền thống cố cựu rồi. Do đó, điện ảnh khó chạnh tranh cái vị trí “truyền thống” với các tổ phụ của nó. Cho nên vấn đề được đặt ra là: cái mới chưa tạo được danh nghĩa chính thống liệu nó có nguy cơ bị gạt ra ngoài cái chính đáng không?
Thậm chí tạp chí UNESCO khi đặt vấn đề về “ĐIỆN ẢNH” cũng chỉ xem điện ảnh như một báu vật văn hóa cần phải bảo tồn chứ không hề quan tâm đến chức năng “văn chương” trong điện ảnh.
[Người đưa tin UNESCO số tháng 8-1984 – Bản Việt ngữ] Trong số báo này tập trung khá nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh: Raymond Borde, nhà sử học và phê bình điện ảnh Pháp – Paulin Soumanou Vieyra, nhà điện ảnh và phê bình điện ảnh Sénégale – Italo Manz, nhà phê bình và chuyên gia điện ảnh Argentina – Vladimir Dmitrev, nhà lưu trữ, phê bình và nghiên cứu lịch sử điện ảnh Liên Sô – Manuel Pepeira là nhà văn và nhà báo Cuba, và ông còn là nhà phê bình điện ảnh và viết kịch bản phim…cũng chỉ bênh vực khái niệm tài sản văn hóa cốt nhằm vào mục đích: quân sự, pháp lý, giáo dục, tôn giáo, nghệ thuật, khoa học, lịch sử, sư phạm, công nghệ, y học, sân khấu… thậm chí cả mục đích triết học… nhưng không hề nghe nói đến “văn chương” hay mục đích “văn học” của điện ảnh.
Và nhiệm vụ phê bình (criticisme) qua những bài phê bình trên các báo, tv, radio…- đều tập trung vào trọng điểm: kỹ thuật, nghệ thuật và văn hóa – mà phần văn chương được âm thầm như không hiện diện khi phân tích một cuốn phim; dẫu cho cuốn phim đó được chuyển tải từ một áng văn học như Tây Du Ký, Don Qiuchotte, Cuốn Theo Chiều Gió, Quo Vadis, Doctor Jivago…
Ở đây, người viết xin mạn phép không đặt lại vấn đề hay đưa ra thêm định nghĩa: thế nào là văn học? Thế nào là văn chương? Vì hai từ “văn học” và “văn chương” nó đã sẵn sàng trong tri thức người đọc rồi; luận thêm e loạn! Cái “văn chương”, nếu có trong một tác phẩm điện ảnh hoặc nói một cách khác là trong kịch bản phim thì “nó” không nằm ngoài “văn bản – xin được hiểu là lời văn trong kịch bản (chủ yếu là lời thoại).
Và “văn học” trong phim là gì? Hoặc nói một cách nhẹ nhàng hơn: “văn chương” là gì trong điện ảnh? Như câu hỏi này cũng được đặt ra cho kịch: “văn chương” là gì trong kịch?
Khảo sát văn chương của kịch không ngoài các lời thoại. Chắc hẳn văn chương của điện ảnh cũng không ngoài các lời thoại! Và chúng ta khảo sát văn chương chính văn chương của tác phẩm (điện ảnh được xem là tác phẩm nghệ thuật). Kịch Molière, Racine, Corneille, Shakespeare… chắc chắn lời của Hamlet được đưa vào văn học.
Các giải thưởng uy tín điện ảnh như Sư Tử Vàng, Cành Cọ Vàng, Oscar… đều có một giải cho “kịch bản” thì có lẽ ban giám khảo cho rằng “kịch bản là một tác phẩm” chăng? Giá trị của kịch bản phim được thừa nhận hẳn nhiên là gồm: cấu trúc câu chuyện, sắp xếp dàn dựng làm tiền đề cho đạo diễn, lời văn (chủ yếu là lời thoại) và tư tưởng được lồng vào cả ba phạm trù trên. Nhưng nhà văn học có ngắt ra được bông hoa “văn chương” nào trong đó không… như nhà phê bình văn học tỉa ra cái “văn chương” trong kịch và tiểu thuyết vậy.
Kịch đã được vào văn học, thì sao văn đàn lại đóng sầm cánh cửa trước mặt điện ảnh khi mà phim xét về tất cả mọi mặt nghệ thuật thì nó là một thứ kịch nghệ thứ hai, tức “kịch được nối dài” đó.
Cuộc tranh luận về tiểu thuyết và phim của nhà văn trước sức mạnh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy này cho ta thấy nỗi lo lắng của họ không phải là không có cơ sở. Vì cái thú đọc sách là ở sự thưởng ngoạn văn chương chứ không phải là thứ ngoạn cảnh như người xem phim. Thú khám phá cái huyền ngôn mật ngữ mới là cái nhã của người đọc. Tác giả khi đắc một từ, một câu, một ý cũng là cái thú của người đọc thưởng thức cái kho trời chung mà vô tận của mình riêng.
Cái thú ấy, người xem phim cũng tận hưởng được cái vị mặn mà của câu nói ý nhị, cái chất ngọt ngào của ngôn ngữ phong nhã, cái hương thơm của tư tưởng đượm tình: với người, với thiên nhiên, với những người anh em nhỏ bé cùng chia xẻ sự sống với chúng ta trên cái giọt bùn bé nhỏ mong manh này.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ!
Vũ Ngọc Anh
Không biết trước khi xem một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết thì bạn có đọc cuốn tiểu thuyết ấy chưa? Nếu bạn đã đọc thì bạn sẽ nhận ra rằng phim xem không hay bằng đọc tiểu thuyết vì phim chuyển tải không hết nội dung trong tiểu thuyết, với những tiểu thuyết giá trị thì tôi nghĩ chuyển tải không đến 1%. Tôi lấy ví dụ là 2 bộ phim Doctor Zhivago và Suối Nguồn. sau khi đọc 2 cuốn tiểu thuyết đó tôi không xem phim quá 15 phút. Vốn không thể mang tiểu thuyết so sánh với điện ảnh cho được. khi đọc tiểu thuyết, những dòng chữ đi trực tiếp vào suy nghĩ của ta, bản chất của nó là tư tưởng, nhờ vậy nó cho ta thấy toàn vẹn quá trình diễn ra, từ hoàn cảnh, thời gian, không gian, cảm xúc, lời nói…mọi thứ như ý đồ của tác giả. còn phim thì bị cắt mất một phần rất lớn về cảm xúc của không gian thời gian cũng như của nhân vật. đọc là cảm nhận trực tiếp còn xem là cảm nhận gián tiếp qua diễn xuất của nhân vật. cái mà tiểu thuyết không có chính là một không gian thực diễn ra trước mắt, nhưng cũng chính vì điều này mà đôi khi nội dung phim bị hình ảnh che lắp để có thể cảm nhận tất cả nội dung mà bộ phim muốn truyền tải. Cái này giống như nghe nhạc, nếu muốn cảm thụ âm nhạc một cách chính xác thì nghe audio chứ không phải xem video. Phim chỉ có lợi thế ở chỗ “nhìn”, nếu nội dung được xây dựng trên nền tảng không gian (ví như tận thế), thì tác động của phim cao hơn là tiểu thuyết, hay những tác phẩm có nội dung thiên về hành động. Tiểu thuyết có thể truyền tải được hầu hết nội dung mà tác giả muốn nhưng phim thì vô cùng khó khăn, phim chỉ truyền tải những nội dung chính mà tác giả muốn chứ không mang tính toàn diện và chi tiết.
Về kịch, tôi nghĩ kịch có lợi thế hơn phim trong việc truyền tải nội dung, vì kịch thể hiện qua cảm xúc cơ thể và giọng nói, nghĩa là diễn viên sẽ cường điệu cảm xúc của mình để cho khán giả dễ dàng cảm nhận, từ đó truyền tải nội dung tốt hơn. Phim thì không như thế, phim gắn liền với hiện thực đời sống, cường điệu cảm xúc cũng có nhưng rất ít. Chính vì vậy chỉ những người tinh tế mới nhận ra nội dung phim, càng tinh tế thì cảm nhận càng trọn vẹn. Phim bắt dựa trên “nhìn” nên nó được khai thác tính hình ảnh hơn là nội dung, có những bộ phim được gọi là xuất sắc nhưng chẳng ai thèm coi, cũng có những bộ phim nội dung cùi bắp nhưng hàng trăm triệu người coi.
Với tiểu thuyết thì nội dung là quan trọng nhất, với kịch thì nội dung và diễn xuất, với phim thì hình ảnh – nội dung – diễn xuất. Ngoài ra phim còn mắc phải một nhược điểm rất lớn, đó là công nghệ. vì công nghệ luôn luôn phát triển nên tuổi thọ của một bộ phim không cao, tiểu thuyết có thể tồn tại mãi mãi nhưng phim thì tồn tại khoản 10-20 năm là cùng. Có những bộ phim xuất sắc trong quá khứ nhưng ít được người ta xem hoặc xem lại. những loại hình nghệ thuật khác không bị thời gian chi phối nhưng điện ảnh lại có, mà đây lại là yếu tố quan trọng nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Cảm ơn bạn Mắt Đời đã để lại những nhận định và ý kiến rất tích cực và xác thực.
Có lẽ cái nỗi vui của người viết là được trò chuyện với người đọc một cách chân tình và thẳng thắng. Riêng tôi, tôi thích nhất là những phản biện…và chắc các bạn cũng hiểu: nhờ và qua những tranh luận; cả hai bên và nhất là người đọc tiếp nhận thêm những hiểu biết – có khi là bất ngờ –
Bạn đã đi sâu vào từng vấn đề một cách chu đáo: Kịch – Tiểu thuyết – Điện ảnh.
Mỗi một bộ môn đều có thế mạnh riêng mà bộ môn khác khó bề thay thế. Chắc vậy.
Tuy nhiên bài viết đặt ra là:
– Tại sao Điện ảnh (Phim) lại không được xét như một “tác phẩm văn học?” – Kịch thì lại được đưa vào văn học! (chỉ những lời thoại)
– Phim được chuyển thể từ một tác phẩm văn học được nhắc đến ở bài này chỉ là một ví dụ chứ “không xét cuốn phim đó như một áng văn học”. Văn học đã được xét trong tác phẩm đó rồi…qua phim, hay hoặc dở là do đạo diễn…tài tử…(các giải thưởng đặt ra để xác định vấn đề hay dở này)
– Bài viết mong muốn một cuốn phim hoàn toàn không phải chuyển thể mà là một sáng tác mới như “Danh sách ông Scheiler” hay như “Forrest Gump” hoặc như ” Cầu Sông Kwai” (Pont de rivìere Kwaai)…được khảo sát cái tính văn học của tác phẩm đó (phim là một tác phẩm…được trao giải kịch bản).
Chúc bạn một đêm cuối tuần ngon giấc và một tuần mới nhiều niềm vui.
Điều mà bạn mong mỏi đang trên đà phát triển, vì khi văn minh nhân loại đi lên thì những giá trị cốt lõi bên trong (nội dung) sẽ được ưa chuộng thay vì hình thức bên ngoài (hình ảnh, hành động). Ví như lúc 20t tôi thích phim bắn giết, 28t tôi thích các phim khoa học viễn tưởng, nhưng hiện tại tôi lại thích những phim có nội dung sâu sắc.
Để có một kịch bản tốt thì người viết phải trang bị khá nhiều kiến thức chuyên môn về điện ảnh, đồng thời để kịch bản thành phim phải trải qua khá nhiều giai đoạn, rất nhiều kịch bản hay bị loại bỏ trong các giai đoạn này. Giờ tôi giả sử mọi nhà văn đều có chuyên môn về viết kịch bản phim, mọi nhà đầu tư bà đạo diễn đều có tâm hồn như nhà văn để đánh giá đúng giá trị kịch bản, thì sẽ có rất nhiều bộ phim như 1 tác phẩm văn học như bạn mong muốn. Nhưng điều này tương đối khó khăn, dù có thỏa mãn thì cuối cùng cũng còn phụ thuộc vào khán giả. Vì điện ảnh là một ngành kinh doanh trong khi các môn nghệ thuật khác thì không phải.
Bao giờ để tạo ra một bộ phim trở nên đơn giản như vẽ một bức tranh, viết 1 cuốn nhật ký, một khối đá và búa đục… thì khi đó sẽ có thêm nhiều bộ phim ý nghĩa. Nhưng rất khó vì phim đòi hỏi công nghệ cao và chi phí lớn. Đây cũng là một giới hạn của nó.
Một lần nữa gặp gỡ bạn lai bạn Mặt Đời một cách muộn màng vì những ngày qua mình bận nhiều việc nên không lên Net. Cảm ơn bạn quan tâm.
Cứ tính 1 ngày 1 trang Web văn học hay một Tạp chí Văn chương có biết bao nhiêu bài thơ gửi đến…chọn được bao nhiêu?…và 50 năm sau “ai sẽ được người đọc nhìn nhận là thi sĩ?” Chắc không hơn 1 người. Mỗi năm các nhà xb phát hành mấy trăm cuốn truyện, tiểu thuyết…50 năm sau “có mấy ai được người đọc nhìn nhận là văn sĩ?”. Chắc cũng không hơn 1 người (trừ trường hợp phe, băng, nhóm …tự ca tụng nhau là “nhà văn”…”nhà thơ”).
Vấn đề là…không phải “làm sao để một cuốn phim thành một tác phẩm văn học”…mà là “cuốn phim xứng đáng là một tác phẩm văn học mà sao không đưa vào văn học”. (?)
Các nhà phê bình…thẩm định văn học chưa bao giờ đề cập tính văn học trong một cuốn phim xứng đáng tầm cỡ văn học (đích thức là văn học). ĐÓ LÀ VẤN ĐỀ.
Mong nhận thêm ý kiến của các bạn.
Chúc bạn mọi điều tốt lành.
Tôi thấy hiện nay, rất rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học, và cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các khán thình giả. Thiết nghĩ, văn học và nghệ thuật phim ảnh có mối quan hệ cơ học và bền chặt với nhau. Nhưng có những vấn đề mà chúng ta cần phải tránh đó chính là khi chuyển hóa thành phim, chạy theo yếu tố thị trường mà làm thay đổi đi nội dung cốt lõi cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm văn học.
Nhận định của bạn Cá Sấu rất nghiêm túc về mối quan hệ cơ học giữa Phim và Văn học. Rất cảm ơn ý kiến của bạn.
Đúng như bạn nói: có những cuốn phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, mà đọc sách còn hay hơn xem phim. Có đấy!
Trong trường hợp chuyển thể, nếu có tính văn học (trong phim) thì nó đã có trong tác phẩn văn chương kia rồi, cho nên chúng ta không đặt thành vấn đề trong trường hợp này.
Chúng ta chỉ tắc mắc: hỏi rằng các: “nhà phê bình phim” (Điện Ảnh) sao không đánh giá phim đó có mang tính văn học không…và nếu có sao không tỉa ra cái mảng văn học đó và sách giáo khoa văn học có đề cập đến không như đã đề cập đến “Nghêu Só Ốc hến” + “Sãi Vải” …v.v….