“Quý vị là ai? Và nếu quý vị nghĩ quý vị biết thì tại sao quý vị lại vẫn cứ nói dối thế?”
“Người ta không những mất hết ý thức về mục đích, người ta còn mất cả ngôn ngữ để nói về nó.”
Paul Auster là một nhà văn gốc Do Thái, sinh sống ở Mỹ, văn phong của ông độc đáo, lạ lùng, khó hiểu và đôi lúc kỳ quặc nhưng hoàn toàn không giống với phong cách của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Các tác phẩm của Paul Auster đa phần đều thấm đẫm tự sự nặng nề, đôi khi làm người đọc hoang mang vì không thể hiểu được ý định của tác giả (như trong cuốn Trần trụi với văn chương) hay mệt mỏi vì diễn biến tâm lý phức tạp, quái dị và trì trệ của nhân vật trong Moon Palace.
Dường như Phân tâm học là nền tảng chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm của Paul Auster, đó là một nhánh rẽ của Phân tâm học cho rằng con người tiếp cận thế giới thông qua từ ngữ. Con người chiêm nghiệm thế giới bằng các giác quan của mình, cảm nhận, suy nghĩ và tương tác với nhau bằng từ ngữ. Do vậy, chỉ cần đọc bất kỳ một cuốn sách nào của ông, ta sẽ bắt gặp ông chơi trò tung hứng với con chữ ở một vài đoạn nhằm mục đích làm nổi bật ý định của mình.
Trong mê cung của ngôn ngữ, một từ không chỉ đơn giản được sáng tạo ra một cách độc lập mà thường sẽ có sự vay mượn giữa các dân tộc với nhau bởi chiến tranh hoặc giao thương. Bằng cách so sánh từ vay mượn với từ gốc, con người có thể hiểu sâu sắc hơn về một định nghĩa, hay về bản chất của tình cảm con người. Có một ví dụ như sau: “Động từ suy đoán “Speculate” có nguồn gốc từ chữ “Speculatus” trong tiếng Latinh, có nghĩa là tấm gương.” (Paul Auster, Trần trụi với văn chương)
Khi ta suy đoán về ai đó, thực ra ta chỉ đang nói về chính mình, cách dân tộc Việt Nam hay nói “suy bụng ta ra bụng người”, trong phân tâm học gọi là phóng chiếu (projection). Giải thích cho quan điểm này, trong Trần trụi với văn chương, Paul Auster nói rằng:
“Không ai có thể vượt qua rào cản để thâm nhập vào người khác, bởi một lẽ giản đơn rằng, chẳng ai có thể tới được chính bản thân mình.”
Ông cho rằng từ ngữ tồn tại có chức năng như một cây cầu nối liền những yếu tố đối lập, tương phản trong thế giới. Có một ví dụ rất dễ hiểu như sau, “breath” và “death”, hoặc những chữ cái trong từ “live” có thể sắp xếp thành “evil”, những điều đối lập tồn tại cùng nhau. Ta cũng thường hay phân tích những từ như “believe” trong đó đã ẩn chứa sẵn “lie”, từ “friend” cuối cùng là chữ “end”, “lover” tiềm tàng một sự kết thúc “Over”.
Tôi có thể đưa ra hàng tá ví dụ khác như, “Listen” đảo ngược lại ta có từ “Silent”, điều này quá hiển nhiên để hiểu, lắng nghe đòi hỏi sự im lặng. Hoặc một vài từ mà tôi tự nghĩ ra, “Leave a note” để lại điều dặn dò gì đấy. “Leave” nghĩa là “ra đi”, nhưng trong ngữ cảnh này lại có nghĩa là “để lại”, ta cũng có thể dễ dàng đoán được rằng chỉ có người đã “ra đi” mới “để lại” một điều gì đó cho người ở lại. Không có sự “ra đi” thì việc ta nói một vật (hoặc kỷ niệm) nào đó được “để lại” là rất vô lý, cả hai chỉ có thể xuất hiện đồng thời.
“Miss a chance” bỏ lỡ một cơ hội, “miss” có nghĩa là “bỏ lỡ” hoặc là “nhớ”, trong câu trên có nghĩa là “bỏ lỡ”. Người ta chỉ cảm thấy “nhớ” một điều gì đó khôn nguôi khi chính mình đã ngu ngốc “bỏ lỡ” nó. Giải thích theo cách đơn giản hơn, chúng ta thường suy nghĩ mãi về một điều mình không kịp hoàn thành. Một kiểu giải thích khác dân dã hơn như “con cá bị vuột mất là con cá to”, ta sẽ nhớ mãi về nó thôi.
Không chỉ có Paul Auster hay những nhà phân tâm mới chơi trò lắp ghép với ngôn ngữ, chính tâm trí của chúng ta cũng đang làm điều đó nhưng với một cách tinh tế hơn, những giấc mơ. Tôi nhớ có lần mình để vuột mất cơ hội về chuyện tình cảm, để tự an ủi mình tôi vẫn tự nhủ rằng chuyện đã qua sẽ mở đường cho cái mới đến. Không lâu sau đó tôi có một giấc mơ về ngọn Núi Tuyết, tôi chỉ thấy độc một hình ảnh của ngọn Núi Tuyết mà thôi, rồi tôi chợt hiểu ra rằng thực ra tôi đang cảm thấy “nuối tiếc” được đọc trại đi của từ “núi tuyết”.
Quay lại với tác giả Paul Auster, ông xem trọng ngôn ngữ một cách nghiêm túc đến mức đau buồn vì con người đã biến ngôn ngữ trở thành thoái hoá, giả tạo và “bị cắt đứt khỏi Thượng Đế”. Con người đi đến mức nói những lời giả dối và xuyên tạc chính điều mà họ muốn nói. Ông lấy ví dụ về cái ô, một cái ô sẽ được gọi là gì nếu nó không có vải che? Nó chỉ còn trơ mỗi khung xương sắt và không thể sử dụng với chức năng như là một cái ô bình thường nữa. Ta sẽ gọi nó là cái gì đây? Mọi người vẫn sẽ gọi nó là cái ô, nhưng với Paul Auster ông cho rằng cách diễn đạt như vậy là sai với thực tại, là bước đầu dẫn con người đi đến mất hết ý thức về mục đích sử dụng ngôn ngữ.
“Đừng bao giờ nói dối, vì ngay cả sự thật vẫn còn chưa đủ.”
Ông nói điều này với ngụ ý rằng ngay cả với tâm hồn trong sạch cũng có thể nói sai sự thật, không phải là nói dối mà là nói sai. Người này có thể có một ý định tốt nhưng khi từ ngữ tuôn ra ngoài bỗng trở nên méo mó vì anh ta không ý thức đầy đủ về từ mà mình lựa chọn để truyền đạt.
Chẳng hạn như từ “cố gắng”, ta có thể thấy mọi người sử dụng từ “cố gắng” khắp mọi nơi để muốn nói rằng tôi sẽ làm tốt hơn thế nữa. Nhưng họ không hiểu rằng từ “cố gắng” thực sự rất không tự nhiên, đó là một từ để chỉ bạn phải gắng sức bơi ngược dòng để đến đích. Điều đó làm bạn kiệt sức và tất nhiên là không thể kéo dài. Khi bạn dùng từ “cố gắng” điều đó có nghĩa rằng bạn đang dự định làm điều gì đó trái với tự nhiên hoặc với chính bản thân mình.
Một ví dụ như sau, một người sẽ không thể nói rằng mình đang rất cố gắng thở, rất vô lý. Bạn chỉ có thể nói rằng mình đang cố gắng nhịn thở thôi. Bạn không nên nói rằng tôi cố gắng sống, đúng ra là tôi phải sống hoặc tôi đang sống mà thôi. Nếu bạn đang cố gắng thở tức là bạn đang hấp hối, nếu bạn đang “cố gắng” sống tức là bạn đang không muốn sống nữa rồi.
Tương tự, một người tuyên bố rằng “tôi sẽ cố gắng hoàn thành công việc”, điều đó có nghĩa là anh ta đã chán ngán lắm rồi. Đáng lẽ, anh ta chỉ cần đơn giản nói rằng “tôi sẽ hoàn thành công việc”, anh ta tin rằng anh ta làm được. Nhưng rất nhiều người không còn nhìn ra được đặc điểm này nữa, vì họ nói lời của của người khác, họ được dạy phải nói như thế này nghe mới hay, phải nói như thế nọ nghe mới sang. Họ không có khả năng sử dụng ngôn ngữ của chính mình như một cách thể hiện sự độc đáo của bản thân, thay vào đó họ sử dụng trang sức và hình xăm.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng cách quay về với Paul Auster. Với ông, đỉnh cao của việc sử dụng ngôn từ là càng ít lời càng hay. Trong Người trong bóng tối ông có viết rằng:
“Đã biết nghề thì không cần phải nói nhiều.”
Rằng phim ảnh cũng đặc sắc ngang với sách vở, chỉ khác nhau ở cách truyền đạt, hay thậm chí còn diễn đạt chính xác, đi thẳng vào tim người hơn cả sách qua những cảnh quay, hình ảnh, cảm nhận không lời. Không có lời nói thì ý định có thể không thể hiểu được nhưng không thể hiểu sai.
Tác giả: Quyên Quyên