“Hãy học hỏi những bông hoa, tự khoe sắc tỏa hương để người ta biết đến mà không cần nói một lời.”
“Show, Don’t Tell” là gì?
“Show, Don’t Tell” là một nguyên tắc cốt lõi trong báo chí. Nguyên tắc này đòi hỏi người viết báo khi trình bày một vấn đề phải sử dụng kĩ năng của mình sao cho người đọc thấy “thể hiện” ra được một khung cảnh, một câu chuyện, một nội dung rõ ràng và để người đọc tự đánh giá, tự kết luận chứ không “nói”, không dùng tính từ, lối nói sáo rỗng để mô tả vấn đề.
Khi người viết muốn mô tả một bông hoa đẹp chẳng hạn, thì anh ta không thể nói rằng: “một bông hoa đẹp quá” hay tương tự vì người đọc không thể cảm nhận được cái đẹp của bông hoa đó, không biết nó đẹp như thế nào. Anh ta phải dùng kĩ năng, trình độ viết của mình, mô tả bông hoa đẹp như thế nào, cánh hoa màu gì, nhụy hoa ra sao, có mùi hương gì không… Từ đó, anh ta có thể giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp, hình dáng của bông hoa.
Nguyên tắc “Show, Don’t Tell” không chỉ ứng dụng gói gọn trong khuôn khổ hoạt động báo chí mà trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nó đều đóng vai trò quan trọng. Tuân theo nguyên tắc “Show, Don’t Tell”, người ta sẽ biết rằng mọi lời chém gió đều không có giá trị, chỉ khi thể hiện bằng hành động, bằng kết quả, bằng sự công nhận của người khác, họ mới khẳng định được giá trị bản thân.
Ảnh: mploscar
“Show, Don’t Tell” và kĩ năng thời thượng “chém gió”
“Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.” (Tiến sĩ Alan Phan)
So với thế giới, “chém gió” là một thế mạnh nổi bật của giới trẻ Việt Nam. Chỉ cần dạo một vòng trên Facebook, đọc các status và theo dõi những nội dung khác, chúng ta sẽ thấy đủ các thể loại “triết gia”, các bạn trẻ đa phần đều tỏ ra ăn nói giỏi, hiểu biết rộng, lý tưởng lớn, đam mê nhiều. Nếu giá trị của họ nằm ở lời nói, thì chắc chắn Việt Nam đã là cường quốc số 1 thế giới từ lâu. Nhưng có ai biết rằng, những lời nói của họ đều là “chém gió”, nói mà không hiểu, nói không làm, họ tưởng sẽ khẳng định được giá trị bằng lời nói, thế nên đầu tư tất cả vào lời nói, hình thức bề ngoài mà quên những thứ cốt lõi, quên hành động.
“Tự sướng”, “show hàng” trên Facebook là “nghề” của các bạn, chúng ta thỉnh thoảng thấy các bạn ấy chụp hình khi đang đọc một cuốn sách thời thượng nào đó, chụp các bạn ôm đàn ghi-ta, chụp chung với những người nổi tiếng trong các cuộc hội thảo… Thế nhưng, nhiều khi chụp xong những bức hình đó, những cuốn sách tội nghiệp lại bị vứt vào xó, không được đọc lấy một chữ. Các bạn chỉ “quen biết” cây đàn trong lúc chụp hình chứ không hề biết bẻ đôi một nốt nhạc. Trong các cuộc hội thảo đó, họ chỉ chờ kết thúc chương trình để chụp chung với các nhân vật chủ chốt làm “kỉ niệm” chứ không hấp thụ được chút nội dung, ý nghĩa gì, chưa nói đến việc học hỏi lâu dài từ các nhân vật đó.
Các bạn đề ra các mục tiêu “vĩ đại”, say sưa nói về nó, làm sao để càng nhiều người biết càng tốt, thế nhưng việc đưa ra các phương án, kế hoạch thực hiện là một điều xa xỉ. Các bạn đi học các khóa kĩ năng giao tiếp, kĩ năng mềm để tạo ra vẻ ngoài dễ mến, tin cậy, có thể dễ dàng thuyết phục người khác nhưng không hề tập trung đầu tư xây dung cho mình một kĩ năng, kiến thức chuyên sâu để làm việc, để tạo ra giá trị. Các bạn làm như vậy để làm gì? Các bạn lòe thiên hạ được bao lâu?
Bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao các giáo sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính trên thế giới lại không thể trở thành những tỷ phú, không thể trở thành những người giàu nhất thế giới? Tại vì cái họ biết chỉ là lý thuyết suông, công việc của họ là truyền đạt lý thuyết, kiến thức chứ không thể áp dụng những lý thuyết đó để tạo ra của cải cho chính mình. Đó là câu chuyện của các giáo sư, chuyên gia, vậy những câu “chém gió” của bạn sẽ mang lại giá trị gì, nếu không đi kèm với hành động?
Ảnh: sasint
Một họa sĩ, chân giá trị của họ nằm ở các bức tranh họ vẽ. Một nhạc sĩ, chân giá trị của họ nằm ở các bản nhạc, bài hát. Một nhà quản lý doanh nghiệp, quản lý quốc gia, chân giá trị của họ nằm ở sự lớn mạnh, thịnh vượng và bền vững của các tổ chức họ quản lý. Như vậy, giá trị của con người nằm ở những gì họ làm được, họ đạt được, họ thể hiện ra chứ không nằm ở những lời nói.
Nghĩ tới Steve Jobs, người ta nghĩ tới Apple, tới I-Phone, I-Pad… Nghĩ tới Micheal Jackson, người ta nhớ tới những ca khúc in đậm trong tâm thức hàng triệu người như: Billie Jean, Beat It, Heal The World… Nghĩ tới Mark Zuckenberg, người ta nghĩ tới Facebook. Nghĩ tới Đặng Lê Nguyên Vũ, người ta nghĩ tới Trung Nguyên. Nghĩ tới vợ chồng Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân, người ta nghĩ tới tranh thuê X-Q Việt Nam. Và nghĩ tới bạn, người ta sẽ nghĩ tới cái gì? Chắc chắn không phải là những lời “chém gió” của bạn.
Khi bạn dồn tất cả năng lực của bạn đầu tư vào lời nói, vào hình thức, vào bề ngoài. Bên trong bạn là một thực thể trống rỗng và bất lực có phải điều gì đáng ngạc nhiên?
“Show, Don’t Tell” đi, các bạn trẻ!
Tất cả mọi thứ tồn tại trên thế gian này đều có hai mặt của nó. Không ai phủ nhận vai trò của kĩ năng mềm, của giao tiếp, cách ăn nói. Thế nhưng nếu bạn lạm dụng nó mà quên đi việc tạo dựng cho mình và xã hội những giá trị cốt lõi, những thứ khẳng định chân giá trị của bạn, bạn sẽ khó có thể để lại dấu ấn trên thế giới này, và vỏ bọc của bạn cũng sẽ nhanh chóng bị lột bỏ.
Ảnh: Free-Photos
Các bạn hãy tự đặt ra mục tiêu, theo đuổi đến cùng đam mê, không cần phô trương, không cần ai ủng hộ mà hãy âm thầm thực hiện. Bạn muốn người khác công nhận một điều gì đó, bạn hãy cố gắng làm cho bằng được, để người ta thấy rằng bạn đã đặt ra mục tiêu đó. Bạn muốn xây dựng bản thân thành một người thế này thế kia, một sự nghiệp như ý của riêng bạn, hãy tự đặt ra mục tiêu, triển khai các kế hoạch, đừng để ý tới suy nghĩ của người khác. Sau đó, bằng một quyết tâm sắt đá, bạn hãy chinh phục các mục tiêu đó. Khi đó, bạn mới thực sự tạo ra giá trị cho bản thân.
Bạn không cần phải nói với người khác mình hiểu biết này nọ, mà bạn hãy thể hiện sao cho người ta tự công nhận sự hiểu biết, các phẩm chất của bạn. Đó mới là lời khẳng định thuyết phục nhất.
Hãy để “chém gió” là đặc quyền và sở trường của các chính trị gia. Hãy học hỏi những bông hoa, tự khoe sắc tỏa hương để người ta biết đến mà không cần nói một lời. “Show, Don’t Tell” hay thể hiện đi, đừng nói nhiều hỡi các bạn trẻ!
Tác giả: Ngựa Hoang
Con người ta nên nói it và làm nhiều , tại sao ư ? Bản thân quá trình tiến hóa và hình thành loài người cũng đã trả lời câu hỏi đó , chúng ta thử ôn lại đôi chút về nhân chủng học , con người thời tiền sử , lúc giao tiếp , lời nói chưa được xuất hiện, họ chỉ giao tiếp bằng hành động , bằng cử chỉ , khi trình độ sản xuất nông nghiệp , xã hội loài người phát triển lên 1 tầm cao hơn thì việc trao đổi hàng hóa , kinh nghiệm sản xuất bằng cử chỉ hành động ko thể đáp ứng nổi cái yêu cầu ngày 1 cao của khối lượng thông tin không ngừng tang , vì thế sự hình thành ngôn ngữ học bắt đầu từ đây , và tất nhiên lời nói , 1 sản phẩm tuyệt vời của quá trình tiến hóa con người được sản sinh , Nếu nói theo khía cạnh đạo Thiên chúa : ” Thượng đế sản sinh ra con người ” thì không phải Thượng đế cũng đã tạo ra con người trước rồi mới ban phát tiếng nói sau hay sao ?
Làm ơn nếu không hiểu và không học kinh tế thì bạn đừng lấy nó ra làm ví dụ. Bạn thấp hơn các nhà kinh tế học và cũng chẳng hiểu công việc họ làm. Nói đơn giản kinh tế phát triển không ngừng theo lịch sử loài người và không có nhiều khoảnh khắc giống nhau lặp lại, nó là kinh nghiệm và áp dụng còn đòi hỏi sự nhạy bén. Một phần việc của các nhà kinh tế là giải thích hiện tượng kinh tế cơ sở lượng hóa được nó và cố gắng dự đoán xu hướng tương lai không phải là đầu tư. Nên biết John Maynard Keynes là kinh tế gia rất giầu nhờ đầu tư cũng nổi tiếng về lý thuyết kinh tế. Và những lời chém gió từng khuynh đảo được cả phố Wall (xem Con sói phố Wall). Bạn nên thử tìm hiểu.
Cảm ơn bạn đã góp ý! ^^
Về vấn đề này, một là bài viết của mình viết chưa tới, hai là có thể các bạn chưa hiểu rõ ý của mình. Mình không có ý phủ nhận giá trị của các chuyên gia kinh tế. Cái mình muốn nói đến ở đây là tự lý thuyết nó không tạo ra gì cả nếu thiếu hành động, thiếu thực hành.
Rất tiếc đã làm các bạn hiểu lầm!
Tác giả cũng đang “chém gió” đấy thôi.
Giá trị của người viết báo nằm ở chất lượng của các bài báo, nếu chúng tôi có những bài báo hay, chúng tôi cũng đang “Show” đó chứ bạn! ^^
Mình có 1 câu hỏi:
Bạn định nghĩa chém gió là gì ?
Chém gió là một từ mới, tiếng lóng của giới trẻ. Thực tế có rất nhiều cách hiểu về hai từ “chém gió”. Tốt có, xấu có. Trong bài viết bạn dùng chem gió theo nghĩa xấu nhưng với một số người họ lại cho rằng chém gió đồng nghĩa với việc tốt như tranh luận hay phản biện.!
Tác giả đang đề cập tới mặt xấu của chém gió 🙂
Tự thấy cũng có những lúc mình chém gió mà quên đi mục tiêu của riêng mình. Bài viết như một lời nhắc nhở.
Cảm ơn bác!
Thanks chú! ^^
Một thực tế đáng buồn của chúng ta là “năng lực trăn trở” quá nhiều, còn “năng lực hành động” thì chả thấy mấy.
Mình thích bài viết của bạn
nhưng mình ko đồng ý đoạn này cho lắm:
“Bạn có bao giờ đặt câu hỏi tại sao các giáo sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính trên thế giới lại không thể trở thành những tỷ phú, không thể trở thành những người giàu nhất thế giới? Tại vì cái họ biết chỉ là lý thuyết suông, công việc của họ là truyền đạt lý thuyết, kiến thức chứ không thể áp dụng những lý thuyết đó để tạo ra của cải cho chính mình. Đó là câu chuyện của các giáo sư, chuyên gia, vậy những câu “chém gió” của bạn sẽ mang lại giá trị gì, nếu không đi kèm với hành động?”
Ko hẳn vì họ ko có khả năng đâu bạn, có thể vì họ ko muốn theo đuổi việc kinh doanh, vì đối với họ việc trở thành tỉ phú ko mang lại niềm vui bằng công việc giảng dạy hay nghiên cứu, hoặc việc giảng dạy, nghiên cứu của họ đã chiếm hết thời gian nên họ ko tham gia trực tiếp vào việc kinh doanh(mình cũng đồng ý là có nhiều ng ko có khả năng thực tiễn thật, nhưng ko phải là tất cả, nếu lấy đó làm dẫn chứng hay chứng minh gì đó thì thấy có vẻ ko hay lắm).
Bạn cũng có thể thấy rất nhiều diễn giả, tác giả sách nổi tiếng cũng đang hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực mà họ nghiên cứu (như diễn giả Quách Tuấn Khanh, hay tác giả của những quyển sách về tâm lý,…)
Tóm lại là mình ủng hộ ý kiến của bạn về việc nói ít lại và làm nhiều hơn, chỉ có ko đồng ý về cách nhìn hơi phiến diện 1 chút xíu của bạn 🙂
Mỗi người có một nghề nghiệp, đam mê riêng và giá trị riêng. Mình không phủ nhận giá trị của các giáo sư, chuyên gia kinh tế. Nhưng mình chắc chắn một điều, nếu họ tham gia làm kinh tế, họ cũng không bao giờ trở thành những người giàu nhất thế giới. Vì cái họ có chỉ là lý thuyết. Cảm ơn lời góp ý của bạn! ^^
Libra đúng đấy, mình hoàn toàn ủng hộ bài viết này trừ đoạn trích đó. Trong trường ĐH mình đã thấy những thầy giáo cày đầu vào phòng thí nghiệm đến tối khuya, vùi đầu tra cứu trong thư viện chỉ vì 1 hiện tượng khó hiểu, có những người mất bao công sức đi lại, nhờ vả để tìm 1 cuốn sách cũ kĩ từ đời nào. Những nhà khoa học thực sự ko bao giờ tính toán thiệt hơn. Có lần trong giờ mình thắc mắc 1 chút thôi và sau giờ học thầy giáo đích thân đến gặp, đưa mình đi, xin cho mình vào thư viện (ko phải thư viện nào mình cũng dc vào) và cho mình xem toàn bộ tài liệu liên quan. Họ chẳng quan tâm đến tiền bạc, với họ thì kiến thức mới là cái quí giá nhất. Vì vậy họ ko cần giàu, họ chỉ thầm lặng thu nạp và phát triển những gì tinh túy nhất mà nhân loại đã đúc kết được.
Đoạn phân tích đó của tác giả cũng có phần đúng, mình cũng đã thấy những nhà khoa học lý thuyết suông, họ chẳng phải là nhà khoa học thực sự, họ chỉ mượn cái danh khoa học để kiếm 1 chỗ đứng trong xã hội. Họ ôm lấy 1 mớ lý thuyết mơ hồ ko có ý nghĩa thực tiễn gì và trang bị cho mình 1 đống bằng cấp. Thật tiếc là những người như vậy có không ít nhưng không nên đem họ ra làm đại diện cho những người làm khoa học.
Bạn chắc chắn ? Mình thấy bạn hơi tự tin quá về kiến thức của mình rồi. Có thể bạn chỉ thấy được ở môi trường VN hạn hẹp, chứ nếu lấy 1 ví dụ điển hình thì các giáo sư của các trường đại học Mỹ, 1 ví dụ cụ thể là Stanford, luôn thương mại hóa những nghiên cứu của mình ngay tại thung lũng Silicon
Thiết nghĩ bạn cũng chưa đủ chín chắn hoặc không tìm hiểu rộng lắm về nền giáo dục hoặc được tiếp xúc với nền giáo dục thế giới
Nên cẩn thận hơn.
Mình cũng đồng ý với ý kiến của bạn. Lý thuyết mà họ đạt được là lý thuyết được tổng kết lại sau quá trình lao động đầu óc và chân tay của con người trong hàng nghìn năm, mình không nghĩ đó là lý thuyết suông. Chỉ là mỗi người có một niềm đam mê khác nhau va bạn không thể nào chắc chắn việc nếu họ có tham gia thì cũng không thể trở thành người giàu nhất thế giới được.