30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Mục đích quan trọng nhất của tâm linh và các tôn giáo lớn là gì?

Mục đích quan trọng nhất của tâm linh và các tôn giáo lớn là gì? Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi như vậy và tìm cách trả lời, hoặc đơn giản là để định hướng bản thân đi vào chánh đạo? Cá nhân mình bước chân vào con đường tâm linh từ năm 2012 nhưng đến tận 2015 mình mới có thể bắt đầu thực hành một số phương pháp tu tập và đến 2018 mình mới tìm thấy một con đường phù hợp để duy trì mỗi ngày. Mình từng quay lại nhìn cả một cuộc hành trình đó và tự hỏi rằng vì sao mình lại tiến bộ chậm chạp và dễ bị lan man như vậy. Đồng thời, mình cũng quan sát những người xung quanh, những cộng đồng tu tập tâm linh khác xem họ bước đi như thế nào. Từ đây, mình đã rút ra được một nguyên nhân của sự mất tập trung, sai lạc, và dễ bị đánh lạc hướng của hành giả trên con đường cầu đạo đó là chúng ta không nhắm đến mục đích quan trọng nhất của tâm linh.

Nếu không nhắm đến mục đích quan trọng nhất đó thì chúng ta quan tâm đến điều gì khi bước vào tu tập? Ta muốn chữa lành một tổn thương, ta muốn biết về tiền kiếp, ta muốn có một cảm giác hạnh phúc nào đó (không được định nghĩa rõ ràng), ta muốn đu theo trào lưu, ta muốn danh tiếng và của cải theo một hình thức mới, ta muốn tỏ vẻ thông minh, ta muốn thoát khỏi việc đời, v.v… Nên từ những nhu cầu khác nhau đó, thị trường tâm linh sản sinh ra đủ các hình thức tu tập và những nội dung khác nhau để đáp ứng. Nhưng trong số đó, 99% các nội dung không có sự đồng nhịp với mục đích quan trọng nhất của tâm linh. Chúng khiến cho con người lan man, lạc lối, hoặc tự hài lòng với lớp vỏ bản ngã của chính mình.

Vậy mục đích quan trọng nhất của tâm linh là gì? Câu trả lời là: Giác ngộ (Enlightenment). Giác ngộ là gì? Giác ngộ là ngộ ra, hiểu ra. Giác ngộ điều gì? Giác ngộ Chân Ngã (Self-Realization) / Thượng Đế / Tình Yêu / Phật tánh / Niết bàn / Bản chất duy tâm/thức cốt lõi tuyệt đối của thực tại. Giác ngộ là trả lời đúng câu hỏi quan trọng nhất (theo kinh sách Vệ-đà): “Ta là ai? Ta là gì?” Hay nói cách khác là nhớ lại bản chất tâm linh chân thực của chính mình rằng bạn là linh hồn / tâm thức (consciousness) đang trải nghiệm thế giới vật chất.

>> Một số câu hỏi quan trọng sau khi giác ngộ bạn sẽ trả lời (đúng) được
>> Tat Tvam Asi: BẠN chính là NÓ — BẠN cũng chính là điều bạn đang tìm kiếm

Đây là mục đích quan trọng nhất vì nó mang tới trí tuệ và sự viên mãn tuyệt đối cho con người. Và khi đạt tới mục đích này, mọi mục đích nhỏ hơn sẽ đều được chinh phục. Như Đức Krishna đã nói trong Chí Tôn Ca rằng:

“Mọi nhu cầu cái giếng nhỏ đang đáp ứng có thể được cái hồ lớn thỏa mãn ngay lập tức. Tương tự như vậy, người biết mục đích tột đỉnh của các tập kinh Vệ Đà có thể đạt mọi mục đích.” (2:46)

Còn đại thi hào Rumi thì nói:

“Khao khát được biết linh hồn của chính mình sẽ chấm dứt mọi khao khát khác.”

>> [THĐP Translation™] 39 thông điệp trí tuệ từ đại thi hào Rumi

Đọc về các thời đại lịch sử tâm linh của con người có giúp bạn giác ngộ Chân Ngã không? Nghiên cứu về người ngoài hành tinh có giúp bạn thoát khỏi ảo tưởng của tâm trí không? Xem bản đồ sao trong năm nay có giúp bạn tẩy rửa mọi tham lam không? Bất kỳ một phương pháp tu tập hay một nội dung tâm linh nào, nếu là Chánh Đạo và Chánh Pháp thì sẽ đều dẫn bạn tới gần hơn với bản chất con người thật của bạn, tới các nguyên lý chung về bản chất của thực tại, hoặc ít nhất tới gần hơn với các phẩm hạnh thiêng liêng bên trong. Còn nếu không, nó sẽ kéo bạn ra xa hơn những điều tốt đẹp ấy.

>> 7 Nguyên lý Hermetic vĩ đại – Giáo huấn của Thoth
>> 20 phẩm hạnh cao quý nhất của con người và cách nuôi dưỡng chúng

Khi một người tu tập không đặt câu hỏi về mục đích quan trọng nhất của tâm linh thì sẽ không xác định được mục đích tận cùng cho việc tu tập của chính mình. Giống như khi bạn được đưa cho một con dao nhưng bạn không xác định mình sẽ dùng dao để làm gì cho phải. Rồi bạn dùng dao ngồi chọc chọc vào tường cho có việc, rồi bạn cắt cây phá cành, tệ hơn, bạn tự cứa vào tay mình và vào người khác. Như vậy chẳng phải là rất khổ hay sao? Tương tự như vậy, người tu không xác định được mục đích tâm linh quan trọng nhất thì sẽ dễ bị lan man, đi lòng vòng luẩn quẩn để rồi rối trí và thối chí. Tệ hơn nữa là họ có nguy cơ lún vào tà đạo, làm tổn thương chính mình và gây hệ lụy đến xã hội.

>> 5 con đường tu tập tâm linh nên tránh

Trong quá trình tìm hiểu, thực hành và đúc rút thì mình đã đi đến kết luận rằng mọi nguyên tắc hay quy luật tâm linh đều có nền tảng “tất cả là tâm thức”. Mọi bậc Thánh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người đều nói về nguyên lý này, như Krishna, Shankara, Đức Phật, Ramana Maharshi, Hermes, v.v… Thậm chí, các nội dung đúng đắn về Luật Hấp Dẫn, giấc mơ và ngôn ngữ biểu tượng, Tarot đều có nền tảng dựa trên tính tuyệt đối của tâm thức. Nói cách khác, nếu không có nền tảng này thì mọi nguyên lý tâm linh mở rộng khác đều bị khập khiễng và rơi vào mâu thuẫn. Ngày nay, các nhà khoa học lượng tử cũng đang dần tiến đến được bản chất phi vật lý của thực tại.

>> [THĐP Translation™] Các nhà vật lý lượng tử nói gì về chủ nghĩa duy vật (materialism)
>> [THĐP Translation™] Thuyết lượng tử đã chứng minh: Sự quan sát (ý thức) tác động đến thực tại
>> [THĐP Translation™] Vật lý lượng tử nói gì về bản chất của thực tại?

Ngoài ra, mọi tôn giáo đều dẫn đến một cội nguồn: Chân Ngã (Self / Atman / Soul / Spirit). Nó được gọi dưới nhiều cái tên khác nhau như Thượng Đế, Đại Ngã, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Ý Thức Thuần Khiết, Chân Linh, Chân Tâm (Citta), Tâm thức (Consciousness), Tâm Hồn, Sat-Chit-Ananda v.v… Mỗi tôn giáo lại diễn đạt một góc độ khác nhau của cội nguồn thiêng liêng này, hòng dẫn dắt con người tới gần hơn với nó, thông qua hành động, đức tin, trí tuệ và thiền định.

>> [THĐP Translation™] Chân Ngã (Atman) vs. “Vô Ngã” (Anatman) — “Vô Ngã” có phải là không có Chân Ngã không?
>> Personal God (cá nhân) vs. Impersonal God (phi cá nhân)

Mình thiết nghĩ rằng mỗi người trước khi bắt đầu tu tập nên đặt ra câu hỏi về mục đích quan trọng nhất của tâm linh để có định hướng đúng đắn, không bị xao nhãng lạc lối. Còn những ai hiện đang trên hành trình thì cũng nên thường xuyên nhắc chính mình về điều này để có được sự tập trung, không sa ngã vào những thông tin lệch lạc, hoa lá cành phần ngọn. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng “ôi dào, đọc cho vui một chút thì mất mát gì đâu” hay như “trải nghiệm đại đi chết gì đâu mà sợ.” Quan điểm cá nhân của mình đó là khi bạn lựa chọn cái này, bạn đồng thời mất một cái khác – thứ đáng lẽ bạn sẽ có được nếu bắt lấy nó ngay từ ban đầu. Một người càng có nhận thức cao thì càng có sự tinh lọc thông tin và hành động, có sự quản lý đời sống một cách ý thức. Họ biết rằng một phút giây chưa thấy ánh sáng là một phút giây khổ ải, một lần đưa mắt đọc thông tin lá cải tiêu cực là một lần mất đi cơ hội được đọc một lời của thánh nhân, vào cùng thời điểm đó. Người có nhận thức càng cao thì càng khao khát chân lý và một lòng hướng về chân lý. Còn người có nhận thức càng thấp thì càng ưa thích quyến luyến những nội dung tiêu cực, vô minh, không đi thẳng vào trọng tâm.

Việc đặt câu hỏi định hướng về mục đích quan trọng nhất của tâm linh không chỉ đúng cho những ai tu tập giác ngộ Chân Ngã mà còn đúng cho bất kỳ ai muốn sống hạnh phúc, bình an, sáng tạo và ý nghĩa trong cuộc đời. Nếu người nông dân không biết đến mục đích và bản chất cao nhất của đất đai, thiên nhiên thì sẽ trở thành người nông dân hủy hoại tự nhiên, đầu độc con người và các loài sinh vật. Nếu người giáo viên không biết đến mục đích cao nhất của giáo dục và tri thức thì sẽ trở thành những người dạy người khác trở nên ngu dốt, yếu đuối và phụ thuộc. Nếu người nghệ sĩ không biết đến mục đích cao nhất của ngôn từ và những nốt nhạc thì cũng chỉ là người nghệ sĩ nửa mùa, sáng tác ra những bài nhạc màu mè mất chất, dụ dỗ con người đâm ra hư hỏng. Tương tự như vậy với người bác sĩ, kỹ sư, người thợ mộc, thợ xây, người cha, người mẹ, người bạn, người hàng xóm, người ăn, người ngủ, người nói chuyện, người đi lại, v.v… Tất cả con người trên thế gian này, nếu không có ý thức tìm kiếm và không nhận biết về mục đích cao cả nhất cho sự tồn tại của chính mình thì sẽ luôn sống trong những hành vi lệch lạc.

Nói tóm lại, dù bạn là ai, sinh ra từ đâu, đang làm nghề gì, đã trải qua những biến cố nào trong cuộc đời, nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc, hãy đặt câu hỏi về mục đích sống, mục đích cuộc đời của con người. Và điều đặc biệt ở đây đó là, câu trả lời cho những câu hỏi này nên hoàn toàn trùng khớp với mục đích quan trọng nhất của tâm linh và các tôn giáo lớn trên đời.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Biên tập: Huy Yogi

Ảnh: Ashley Batz | Unplash

💪 (New) [THĐP EBOOK] Cẩm Nang Nofap – Cách trở thành người đàn ông ĐÍCH THỰC ➡️ https://bit.ly/camnangnofap
💥 Gia nhập THĐP DEEP CLUB ➡️ https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
🗂 Danh sách các bài viết đã chia sẻ trong Deep Club ➡️ https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
🎯 Đặt mua tạp chí Aloha ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
🎯 Mục lục TẤT CẢ nội dung volume 1-27 (Google Sheet) ➡️ http://bit.ly/mucluc_ALOHA
🎯 Mục lục ảnh bìa all volumes ➡️ http://bit.ly/THDP_ALOHA
🎯 Aloha Volume 1-2-3 FREE ➡️ http://bit.ly/33u4hkX
🎯 Donate ủng hộ các hoạt động của THĐP ➡️ http://bit.ly/donateTHDP

spot_img
Vũ Thanh Hòa
Vũ Thanh Hòa
"Thiên Nhiên không vội mà việc gì cũng thành." — Lão Tử

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI