Featured image: Mr. Fayad
Văn hóa vốn là một đề tài nhạy cảm. Đụng đến nó giống như đụng đến một kho vũ khí, bất cứ ý kiến nào, dù hay dù dở tới đâu cũng sẽ luôn nhận được những ý kiến trái chiều “mãnh liệt”. Đôi khi gây ra những trận chiến kinh hoàng và sức sát thương khủng khiếp cho những người tham gia, dù chỉ qua lời viết trên màn hình. Chúng ta đều có những nhận thức riêng và những niềm tin không muốn ai thay đổi, không muốn người khác đụng đến như kiểu đó là một thế giới bất khả xâm phạm. Chính cái niềm tin, đôi khi mù quáng đó khiến chúng ta ghét sự thay đổi, luôn nghi ngờ những lối đi mới mẻ và đóng chặt tim mình trong vấn đề mở rộng nhận thức. Mà một khi nhận thức không thể thay đổi, thì cuộc đời chúng ta, tương lai chúng ta sẽ không bao giờ khác đi hay khá lên được.
Ai cũng biết về “văn hóa” nhưng để hiểu chính xác thế nào là “văn hóa” như một định nghĩa cụ thể, xin đừng đọc trong wikipedia, nhức đầu lắm. Tôi đã tìm giúp bạn một khái niệm tổng quát và dễ hiểu thế này: “Văn hóa là sản phẩm của con người được tạo ra trong qua trình lao động (từ trí óc đến chân tay), được chi phối bởi môi trường (tự nhiên và xã hội) xung quanh và tính cách của từng tộc người. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên khác biệt so với các loài động vật khác; và do được chi phối bởi môi trường xung quanh và tính cách tộc người nên văn hóa ở mỗi tộc người sẽ có những đặc trưng riêng. Với cách hiểu này thì văn hóa chính là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài động vật khác; và văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động nhằm mục đích sinh tồn.”
Xin bổ sung thêm vài suy nghĩ của tôi, văn hóa là sản phẩm của con người, là tài sản chung cần được bảo vệ và phát triển. Con người tiến hóa thì văn hóa cũng phải tiến hóa. Chúng ta dường như quên mất chính chúng ta là người tạo ra nền văn hóa, chứ không chỉ sống và chấp nhận nó muôn đời. Cũng giống như việc người dân tạo ra chính quyền với mong muốn chính quyền làm đúng bổn phận giữ gìn cuộc sống và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người dân cũng như làm cho đất nước phồn thịnh, giàu mạnh. Khi chính quyền đó không làm tốt nhiệm vụ, người dân có quyền tìm cách thay đổi nó cho phù hợp thời đại. Chứ không nhất thiết phải chịu đựng những sai trái đó trong im lặng rồi chờ cho nó tự biến mất. Một lần nữa, chúng ta quên mất rằng chính chúng ta tạo dựng nên chính quyền, chính chúng ta tạo dựng lên nền văn hóa. Chúng ta có thể thay đổi nó cho phù hợp với tình hình hiện đại.
Nền văn hóa Việt Nam vốn đầy bản sắc và giàu tính nhân văn. Điều này không ai có thể phủ nhận hay chối cãi, nhưng cùng với thời gian, rất nhiều những quan niệm, cách nghĩ trở nên sai lầm và không còn phù hợp với thời đại nữa. Học hỏi những nét văn hóa hay ho và không quên rời bỏ những nét văn hóa cũ kĩ. Chúng ta cần phải nghĩ về nó, để làm gì, để thay đổi, trước là cách nghĩ, sau là cách hành động và cuối cùng là thay đổi nếp sống hàng ngày ta đang chấp nhận như một cách bỏ phiếu cho một nền văn hóa tiến hóa tốt đẹp hơn.
Sau đây là một vài quan niệm văn hóa mà chúng ta đang hiểu sai, hiểu không đủ hoặc không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại, tất nhiên chỉ là góc nhìn cá nhân, các bạn đừng quá nặng nề chuyện đánh giá hoặc tiếp thu nó.
An cư lạc nghiệp – đừng hiểu sai hiểu thiếu
Ai nghe cũng hiểu câu này nhưng xin hãy đọc lời giải thích khá cụ thể hay ho tôi lấy được từ trang tudienthanhngu.com. Hãy đọc để nhìn lại xem chúng ta đã thường nghĩ về câu này theo hướng phiến diện thế nào.
- Có người hiểu rằng: An Cư và Lạc Nghiệp chỉ là hai vế trong một câu, giống như câu “Mẹ tròn, con vuông” hay “Vợ đẹp, con khôn”. Cách sắp xếp thành ngữ của cha ông ta thường vẫn đối nhau như vậy. Nếu hiểu như thế, thì “An cư lạc nghiệp” chỉ mang ý nghĩa diễn tả cuộc sống thanh bình, người người vui với công việc của mình, như ý câu thơ:
“ Thời thịnh trị an cư lạc nghiệp
Khắp muôn nhà đều hát khúc hoan ca.” - Cách hiểu thứ hai hơi khác một chút, cho rằng: Có ‘an cư’ thì mới ‘lạc nghiệp’. Nghĩa là, có ổn định chỗ ăn chỗ ở thì mới an lòng mà lo công việc sinh kế hoặc phát triển thương mại.
Chúng ta thường nghe câu “an cư lạc nghiệp”, ý nói trước khi bắt tay vào một công việc làm ăn thì nên ổn định nơi ăn chốn ở. Đây là một lời nhắc nhở hay một kế hoạch để an tâm vì một khi đời sống gia đình ổn định thì tất cả thời gian và tâm huyết sẽ được dành cho công việc làm ăn. Từ “An cư” lâu nay vẫn thường chỉ nơi cư chú của thế xác là những ngôi nhà, mỗi người đều cần một ngôi nhà mới yên tâm. Khi đó ta mới ổn định và thoát khỏi cảnh nay đây mai đó. Điều này thấy rất rõ trong thời bao cấp, vào thời đó hộ khẩu cư trú là một mối lo quá lớn đối với mỗi người dân, nó là điều đầu tiên quan trọng và cần thiết để có cuộc sống ổn định. Khi đã “An cư” rồi thì cần “Lạc nghiệp”.
“Lạc nghiệp” muốn nói: có nghiệp thì mới lạc, mới sung sướng. Nhiều khi ta đi làm chỉ với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền, chứ chưa phải xây dựng sự nghiệp cho mình. Không chỉ có vậy, nhiều người vì đồng tiền trước mắt, mà liên tục thay đổi công việc với những mức lương cao hơn và quên lo xây dựng sự nghiệp, quên những thú vui khi được làm việc. Họ không quan tâm tới năng khiếu bản thân, quên đi mất con người thật của mình và đánh mất bản thân lúc nào không biết, họ chỉ cần công việc đó cho họ thu nhập cao. Nhưng đó có phải thực sự là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn hay không. Ta có tiền để làm gì, có xe để làm gì, có nhà để làm gì….?
Tất cả những điều đó đều nhằm một mục đích cuối cùng là để an tâm và vui sướng. Nhưng ta không biết rằng cái vui sướng nhất là cái vui khi được làm việc đúng năng khiếu, đúng đam mê, đúng sứ mệnh của mình. Chỉ có điều đó mới giúp ta có cảm giác sung sướng lâu dài và bền vững. Tiền bạc mới chỉ là tạo tiền đề để sung sướng và thường đó chỉ là cảm xúc tức thời (nhậu, mua đồ vật….). Cái sướng tức thời không sung mãn, không kéo dài, nhiều khi còn để lại hậu quả xấu. Ta không thể sống với những sung sướng hạnh phúc tức thời như vậy mà cái ta luôn hướng đến là cảm giác sung sướng và hạnh phúc liên tục, lâu dài. Chính vì vậy, “An cư” ngoài ý nghĩa có một nơi cư trú cho thể xác còn cần một nơi cư trú cho tâm hồn mình. Nhiều khi cái xác đã có nơi cư trú nhưng cái tâm vẫn chưa được an vì chưa tìm ra cái mệnh của mình để mà trú ngụ, để mà phấn đấu suốt đời. An cư cần được hiểu theo nghĩa tâm linh, đó là tìm được nơi cư trú cho linh hồn. Và nơi cư trú cho tâm hồn của chúng ta chính là “sứ mệnh” và “giá trị cốt lõi” của ta. Khi chúng ta tìm ra sứ mệnh của mình, tìm ra được ý nghĩa đích thực của bản thân, ta biết mình làm gì để gia tăng giá trị cho cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho xã hội, lúc ấy chúng ta mới thực sự tìm được nơi cư trú cho tâm hồn mình, điều đó giúp cho ta bình an. “An cư” cao nhất là an mệnh, tìm được sứ mệnh cho mình. Khi đó chúng ta sẽ an tâm làm việc, lúc ấy sự an vui mới là đích thực nhất ta mới có thể ổn định suốt đời và mãi mãi an vui.
“An cư – Lạc nghiệp” cũng như việc chúng ta khám phá ra sứ mệnh, tài năng của mình và khẳng định sự nghiệp của mình, khi đó ta sẽ đạt được hạnh phúc và thành công đích thực. Khi chúng ta “an cư lạc nghiệp” là ta có ngôi nhà vững chắc, an lành cho chính con người mình, chắc chắn ta sẽ lạc nghiệp làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức, hạnh phúc và thành công.”
Ấy vậy mà, từ khi nào, chúng ta lại luôn chỉ dùng câu này để nói về một vấn đề duy nhất “phải sở hữu cho bằng được một ngôi nhà”. “An cư” nghĩa đen là một nơi ở ổn định từ khi nào lại biến thành “buộc phải có một mảnh đất cắm dùi”. Theo tôi, quan niệm này bắt nguồn từ ngày xưa, khi việc mỗi gia đình có một mảnh đất là vô cùng quan trọng, vì đó là miếng cơm manh áo, là nơi để mọi gia đình trồng trọt chăn nuôi. Mọi người muốn đủ ăn phải trồng cấy gì đó, điều này khiến cho đất đai trở nên tối quan trọng. Nhưng hiện nay, bạn biết đấy, ngay cả việc làm nông nghiệp cũng không quá quan trọng phải có đất đai. Bằng chứng là Israel có thể nuôi trồng nông sản ngay trong sa mạc, nhiều tỉ phú Việt Nam giàu có nhờ làm nông nghiệp trên đất đi… thuê. Vậy nếu như ngày nay nông nghiệp không làm cho đất trở nên quý thì do đâu? Không còn nghi ngờ gì chính là do tâm lý người dân khi nghĩ “người thì đẻ được nhưng đất thì không đẻ được, đất chỉ có lên giá chứ không xuống giá” khiến cho người ta ai ai cũng muốn có một mảnh đất để dành. Điều này là một mong muốn chính đáng nhưng vô tình lại làm đảo lộn mọi thứ, nó khiến cho đất đai trở nên đắt đỏ khủng khiếp, giá ngày một đội lên cao và quá ảo so với giá trị thực. Khiến cho người thực có nhu cầu không thể tiếp cận và rất nhiều người trở lên giàu có nhờ đầu cơ vào đất chứ không phải nhờ sản xuất hàng hóa. Một nền kinh tế ảo. Mọi thứ đều trở nên ảo. Câu nói “an cư lạc nghiệp” cũng trở nên ảo nốt. Nó đánh lạc hướng mọi người từ nhu cầu một chỗ ở ổn định sang nhu cầu sở hữu một miếng đất và từ đó làm đảo lộn mọi thứ.
Giờ bạn hãy tưởng tượng thế này. Khi mọi người chỉ cần một chỗ ở ổn định mà không cần phải sở hữu đất đai. Ắt hẳn người ta sẽ phải đi thuê nhà. Từ đó những khu chung cư, những căn nhà cho thuê sẽ mọc lên như nấm và chất lượng chắc chắn sẽ không ngừng nâng cao để thu hút người thuê. Người ta sẽ dễ dàng sở hữu và ở trong những ngôi nhà thuê vừa vặn với nhu cầu, tiền bạc có thể trích ra để trang trí nhà cửa cho xinh xắn hoặc làm những công việc khác theo sở thích. Khi người ta không cần phải mua một miếng đất thì chắc hẳn giá đất sẽ giảm xuống theo đúng giá trị thực. Một khi đất đai giảm đúng giá trị, bất cứ ai có nhu cầu thực và khả năng tài chính phù hợp đều có thể sở hữu một miếng đất như mong muốn. Tài nguyên đất đai lúc này được phân bổ đều và công bằng, điều này không phải quá tuyệt sao?
Nhiều chung cư và căn hộ cho thuê mọc lên thì đương nhiên dịch vụ cũng sẽ phải nâng cao cho phù hợp và thu hút người thuê. Chúng ta sẽ ở trong những căn nhà thuê một cách thoải mái và dễ chịu như chính nhà của mình. Tất cả áp lực về việc mua một căn nhà sẽ được san bằng ra. Thay vì bạn đi làm ngày đêm vất vả cực khổ kiếm tiền mua một căn nhà để dành cho con cháu, bạn có thể dùng thời gian đó để ở bên con mình nhiều hơn mà dạy dỗ chúng. Dạy cho con tính tự lập, dạy cho chúng cách để tự đứng trên đôi chân của chính mình. Chung quy là đừng quá đặt nặng vấn đề tích cóp cho con cái. Thay vì mong muốn mai sau chúng giàu có vật chất. Sao bạn không thử làm cho chúng giàu có về tinh thần và nghị lực phấn đấu. Bạn có thể dành bớt thời gian làm việc để dạy dỗ chúng tốt hơn, dạy chúng về tiền bạc, về kinh doanh, dạy chúng sáng tạo và tự lập. Nếu con bạn đủ tài giỏi và thông minh, chúng sẽ tự mua được mọi thứ chúng muốn, kể cả ngôi nhà, chúng sẽ không cần những gì bạn để lại. Nhưng nếu con bạn ngờ nghệch hoặc hư hỏng, bạn có để lại bao nhiêu chúng sẽ phá đi bấy nhiêu. Vì người ta thường không quý những gì mình không làm ra. Điều đó không phải thật uổng phí công sức cả đời của bạn sao?
Nên, hãy cho con cái bạn cần câu cơm, thay vì con cá. Hãy dạy dỗ chúng kiếm được điều chúng muốn, thay vì để lại cho chúng công sức cả cuộc đời mình mà không biết sẽ tới đâu. Và ngôi nhà, miếng đất, chính là một trong những con cá đó. Đừng quá áp lực việc phải có đất cắm dùi. Thay vì đó, chỉ cần đảm bảo con cái bạn có một chỗ ở ổn định, đẹp đẽ cho tới lúc chúng đủ lông cánh tự bay ra khỏi nhà tìm kiếm một cái tổ mới theo nhu cầu. Căn nhà và đất đai thường là áp lực lớn nhất của mọi người. Kể cả những cặp vợ chồng mới cưới, những chàng độc thân và cả những bậc cha mẹ sống vì con cái quá nhiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian và tiền bạc bạn làm ra để sống một cuộc sống tốt hơn. Đi du lịch đây đó, trang hoàng bài trí nhà cửa như đó là nơi chốn thiên đàng sau ngày dài mỏi mệt và dành thời gian dạy dỗ con cái nhiều hơn nữa. Đặc biệt là, bạn có thể dành nguồn lực, thời gian và tiền bạc để sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn. Làm những điều bạn ấp ủ, những thứ bạn đam mê.
Rất nhiều việc bạn có thể làm, nếu như cất được gánh nặng ngôi nhà. Và nếu như mọi người đều có thể cất đi gánh nặng mua nhà, giá đất hẳn sẽ giảm đúng giá trị thực cùng lúc với các dịch vụ cho thuê nhà đất, căn hộ sẽ không ngừng được nâng cao. Nỗi ám ảnh thuê nhà sẽ không còn tồn tại nữa và mọi người sẽ có điều kiện tập trung vào những điều khiến họ hạnh phúc. Quan trọng hơn cả, thế hệ con cái tương lai chúng ta thay vì tự hào “nhà mặt phố, bố làm to” sẽ phải tìm những con đường khác để mà tự hào, mà khoe với chúng bạn. Những con đường như là tự thân lập nghiệp, cố gắng tới cùng để đi tìm kiếm những gì chúng muốn có. Thế hệ đó hẳn sẽ năng động, dồi dào sinh lực và tự tin hơn rất nhiều so với thế hệ chúng ta. Nếu như xã hội có hai lớp người: những người nói “tôi có một căn nhà, tôi đã tự mua nó” và một lớp người “tôi cũng có một căn nhà, cha mẹ để lại cho tôi”. Bạn muốn con cái mình thuộc lớp nào hơn? (được cả 2 thì thật là tốt)
Vậy nên, có thể nói, chính quan niệm cố sống chết để sở hữu một miếng đất nhằm “an cư lạc nghiệp” đang khiến bạn tự áp lực lên cuộc sống của mình rất rất nhiều. Từ đó áp lực lên cả một xã hội, một đất nước với nền kinh tế ảo tưởng. Khiến cho mọi thứ hoặc mất dần đi giá trị hoặc giá trị không hề tương xứng với giá cả. Một mặt, hai bên áp lực qua lại lên nhau. Không thể nào ngừng lại. Mặt khác, khi tự áp lực lên xã hội và bản thân bao nhiêu, bạn lại gỡ bỏ chúng khỏi con cái bấy nhiêu. Điều này khiến cho các thế hệ trẻ ngày càng mất đi đề kháng và sự cố gắng cần thiết, mất đi sự tự lập cũng như cơ hội chứng thực khả năng của bản thân. Đó là điều không nên chút nào.
Đọc tới đây, ắt hẳn chúng ta đều đã có cách nhìn khác về câu “an cư lạc nghiệp”. Không còn đi theo lối mòn suy nghĩ về cái nghĩa “nhất định phải có một căn nhà, một miếng đất” nữa. Hay chính xác hơn, ai muốn có nhà có đất thì nên tự đi mà phấn đấu, cha mẹ không nên phấn đấu dùm cho con cái nữa. Đất đai nhà cửa chỉ nên là một phương tiện, không nên là đích đến. Câu nói “An cư lạc nghiệp” của cha ông thật hay và thật đúng, chỉ tiếc là chúng ta lại hiểu sai về nó và rồi mọi hành động của ta đều cố chứng minh điều sai ấy trở thành điều đúng đắn, điều buộc phải làm.
An cư không có nghĩa là mua được đất, được nhà mà là tìm được một nơi bình an và ổn định, không phải chỉ cho cơ thể mà còn phải cho tâm hồn.
Lạc nghiệp không chỉ là sự giàu có về sự nghiệp, mà còn là việc tìm ra được ý nghĩa và mục đích sống của bản thân. Tìm được niềm vui và lòng yêu thích trong mọi việc ta làm mỗi ngày. Đó mới là cái đích cao nhất của cuộc sống. Sống để tạo niềm vui, chứ không phải để mua nhà đâu nhé.
Dù sao, xin làm rõ đôi điều, ý tôi khi viết bài này, chỉ muốn khuyên mọi người đừng quá đặt áp lực nhà cửa lên vai mình. Nhất là các bậc phụ huynh đừng áp lực chuyện này lên bản thân mình thay cho con cái. Và những người con, chính các bạn mới là người cần tự đặt áp lực nhà cửa với bản thân mình. Tôi không nói việc mua nhà là không quan trọng, nhưng cần hiểu đúng tầm quan trọng của nó trong cuộc đời bạn. Việc tự mua được một căn nhà, một tài sản, là một cảm giác tuyệt vời. Tôi là con gái nhưng rất thích bất động sản và luôn nghĩ tới việc tự mua nhà, mua đất cho chính mình. Tôi thích ở nhà thuê một mình và không thích gọi nhà ba mẹ là nhà mình khi ai đó hỏi nhà bạn ở đâu. Hơi lạ nhưng cũng có đôi chút tự hào. Mua một bất động sản luôn là một trong những mục tiêu yêu thích của tôi cho tương lai. Nếu bạn là con trai, kể cả xin hãy bắt đầu suy nghĩ đến chuyện tự mình mua nhà mua đất, kể cả khi cha mẹ có sẵn nhà đất để lại cho bạn. Nếu bạn là con gái, cũng hãy bắt đầu suy nghĩ như thế, tại sao không chứ. Tự mua một căn nhà trước cả khi lấy chồng, bạn sẽ tự tin hơn, có thêm nguồn thu nhập hoặc đơn giản là một nơi khác để đi khi giận chồng. Nếu như bạn là một người con, hãy nhấc gánh nặng nhà cửa cho mình ra khỏi vai cha mẹ, để cho họ có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống khi còn có thể. Và nếu như bạn là cha mẹ, hãy bắt đầu dạy con cái tự mình tìm kiếm những gì mình muốn, không chỉ bớt được gánh nặng cho bản thân, mà còn bớt được gánh nặng cho xã hội và giúp chúng có được một tương lai ổn định và vững chắc hơn rất nhiều.
Phi Tuyết
Bài viết chưa đề cập tới một khía cạnh khác tiếp theo cái sự ‘an cư lạc nghiệp’ của văn hoá người Việt, là việc cha mẹ mong muốn tới tuổi già có con cái phụng dưỡng. Một số bậc phụ huynh nghĩ rằng tài sản họ làm ra cả đời và dành dụm lại mua nhà để lại cho con cái, một phần là để sau này được sống cùng một nhà với con mà không mang tiếng là ăn bám con cái, vì họ đang ở nhà của họ. Con cái có thể chọn cách ở riêng nhưng chỉ khi phụ huynh còn tự thể lo cho bản thân họ được, chứ đến lúc phụ huynh quá già, cần người thân bên cạnh, thì con cái cũng buộc phải nghĩ đến việc sống chung thôi. Sống chung và phụng dưỡng cha mẹ được coi như là báo hiếu, một điểm khác trong văn hoá Việt Nam. Do đó chuyện đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão cũng không hề phổ biến. Bời vậy chữ “nhà” mang cả nghĩa là ngôi nhà, và cả gia định nữa. Dù người Việt trẻ có thay đổi và khác các thế hệ trước như sao đi nữa, tôi vẫn nghĩ đây là một văn hoá rất hay của người Việt. Còn chuyện bất đồng trong ứng xử khi sống chung một nhà, thì không phải nhà nào cũng vậy, chủ yếu do cách cha mẹ dạy con. Người phương Tây khi 18 tuổi ra khỏi nhà, không có nhiều mối liên hệ mật thiết với gia đình, nên lại dẫn đến tình trạng người già hết sức cô độc.
BAN VIET QUA HAY !
Giá mà bạn giới thiệu về văn hóa Việt Nam trước khi nhìn nó ở góc độ khác thì tốt quá.
nè bạn
“Xin bổ sung thêm vài suy nghĩ của tôi, văn hóa là sản phẩm của con người, là tài sản chung cần được bảo vệ và phát triển. Con người tiến hóa thì văn hóa cũng phải tiến hóa. Chúng ta dường như quên mất chính chúng ta là người tạo ra nền văn hóa, chứ không chỉ sống và chấp nhận nó muôn đời. Cũng giống như việc người dân tạo ra chính quyền với mong muốn chính quyền làm đúng bổn phận giữ gìn cuộc sống và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người dân cũng như làm cho đất nước phồn thịnh, giàu mạnh. Khi chính quyền đó không làm tốt nhiệm vụ, người dân có quyền tìm cách thay đổi nó cho phù hợp thời đại. Chứ không nhất thiết phải chịu đựng những sai trái đó trong im lặng rồi chờ cho nó tự biến mất. Một lần nữa, chúng ta quên mất rằng chính chúng ta tạo dựng nên chính quyền, chính chúng ta tạo dựng lên nền văn hóa. Chúng ta có thể thay đổi nó cho phù hợp với tình hình hiện đại.
Nền văn hóa Việt Nam vốn đầy bản sắc và giàu tính nhân văn. Điều này không ai có thể phủ nhận hay chối cãi, nhưng cùng với thời gian, rất nhiều những quan niệm, cách nghĩ trở nên sai lầm và không còn phù hợp với thời đại nữa. Học hỏi những nét văn hóa hay ho và không quên rời bỏ những nét văn hóa cũ kĩ. Chúng ta cần phải nghĩ về nó, để làm gì, để thay đổi, trước là cách nghĩ, sau là cách hành động và cuối cùng là thay đổi nếp sống hàng ngày ta đang chấp nhận như một cách bỏ phiếu cho một nền văn hóa tiến hóa tốt đẹp hơn.”
Ví dụ cụ thể thế này: Văn hóa phương Đơngo là sống cho ngày mai
VH phương Tây là sống cho hôm nay
VHPĐ là mua đất xây nhà
VHPT là thuê nhà
VHPĐ là đề cao sự gắn bó
VHPT là đề cao sự độc lập…
dễ hiểu hơn r chứ bạn!
Hoàn toàn đồng ý quan điểm về câu thành ngữ. Nhưng đầu đề bài viết là Văn hóa Việt Nam, bạn nên giới thiệu về nó. Có thể bạn và mình đã biết nhưng ai đó đọc bài viết này lại chưa biết nên bạn thêm nó vào thì bài viết sẽ càng hay hơn.
Xin lỗi bạn vì không nói rõ để bạn hiểu. Mình cũng rất quan tâm đến Văn hóa Việt Nam. Mong được bạn chia sẻ tài liệu về vấn đề này và sẽ được đọc nhiều bài viết nữa của bạn.
mình có nói về nó ngay đầu bài kìa bạn
đoạn trích ở trên là từ đầu bài mà
Cảm ơn bài viết rất có ích :3
Với mình góp ý tí, vì mình cũng thích viết những bài về văn hoá sống. Chả là mình thấy nhiều comment thật là hài, một bài viết của người khác viết ra để chia sẻ kinh nghiệm, đâu cần người khác nhảy phải phân tích cái đúng cái sai một cách tỉ mỉ đâu nhỉ, mình nghĩ nếu suy nghĩ đủ rộng thì có thể hiểu được ý của đề bài thông qua một ví dụ mà người viết bài đưa ra rồi. Nhiều người chẳng quan tâm người viết muốn nói gì, chỉ quan tâm là họ viết sai chỗ nào. 🙂
tại dạo này mình hay viết kiểu nhiều chủ đề nhỏ trong 1 đề tài lớn
mà chưa kịp đnăg tải hết
nên dễ khiến người ta cảm thấy hiểu lầm hoặc lạc đề
nhưng dù sao mình cũng cám ơn cm của bạn
nó khiến mình cảm thấy … ấm lòng! hihi
Có ngã 3 An Cư nên cũng có Vòng xoay An Lạc. Đó là ước mơ của Ông cha ta,… những nông dân chân chất quen mần ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cái nhà, cái nghiệp là 2 cái lớn và nặng trong cuộc đời mỗi con người chúng ta. Làm sao để Việt Nam trở nên giàu có và thoát khỏi 2 cái bẫy lớn: Bẫy Trung Hoa và Bẫy Thu nhập thấp ???
cái bẫy Trung Hoa thì liên quan tới chính trị-chính sách và chế độ
cái bẫy Thu nhập thấp thì ngược lại, liên quan tới chế độ và chính trị/chính sách
:v
theo e là vậy
giải quyết cái gốc, ngọn sẽ phục hồi chăng?
không liên quan nhưng mà thật sự là e thích cái hình minh họa này quá quá quá a Hoàng Huy <3
Cũng có cùng suy nghĩ với bạn, tương tự như vấn đề nhà cửa. Mình từng nghĩ về công việc, ai cũng mong có một công việc ” ổn định” . Ổn định trong suy nghĩ của nhiều người là có 1 công việc lương tốt, chế độ tốt và không có nguy cơ bị …đuổi việc. Còn đối với mình, ” ổn định” là trong chính bản thân mình, tức là mình có đủ kỹ năng và khả năng để sống ở bất kì đâu, đảm nhận bất kì công việc nào ít nhất là trong lĩnh vực của mình. đơn giản thế thôi.
1. Tôi nghĩ bạn có chút áp đặt quan điểm hiện đại cho những thứ cũ hơn. Tôi có một quan điểm khác. Hãy để ý đến hoàn cảnh của dân ta – một nước thuần nông. Vì vậy, đất đai, vàng bạc là những thứ của cải tích lũy an toàn nhất. Gần hơn một chút, thời bao cấp hay cả hiện nay, nhà đất vẫn là kênh đầu tư ít hạn chế nhất (vàng và ngoại tệ đều bị kiểm soát). Vì vậy, cũng không có gì sai khi một thời điểm, một nhóm người (lớn) hiểu câu “An cư, lạc nghiệp” theo nghĩa gánh nặng ấy. Rồi thời thế thay đổi, nó vẫn có thể được hiểu khác đi thôi.
2. Với quan điểm đầu tư, có thị trường là có giá trị thị trường (Market value) và giá trị nội tại/thực (Intrinsic value). Sự khác biệt là không nhất thiết phải loại bỏ và không tránh khỏi giữa hai giá trị này, nó là phần “giá trị ảo” mà bạn nói. Bản thân nó không có lỗi gì với nền kinh tế cả. Có chăng, nhưng người quản lý để nó đi quá giới hạn đe dọa bền vững của cấu trúc kinh tế thì mới đáng ngại.
Một chút chia sẻ trên góc nhìn kinh tế. Mong bạn thảo luận thêm
thảo luận gì bây giờ
vì mình đồng ý vs bạn ạ!
Lúc nào đọc cũng biết là Phi Tuyết, hơi lan man, thậm chí hơi lạc đề tuy nhiên có nhận định rất tốt về các triết lý sống hợp thời đại
đây là một vấn đề đầu tiên thôi trong chuỗi các vấn đề khác nữa ạ
khúc đầu tiên là mở bài của cả chuỗi chứ k chỉ của mỗi bài này nha a!
một ý tưởng hay, nếu như giới trẻ đều có thể nghĩ như thế này, tương lai của đất nước này thật đáng mong đợi.
Tiêu đề của em là Văn Hoá rồi tiếp theo là giải thích về văn hoá. Nhưng nội dung chủ yếu chỉ phân tích về hai từ “an cư lạc nghiệp” (từ kép). Còn kết luận thì lại nói về bất động sản. Thú thật là anh thấy nó lan man và lạc đề thế nào ấy. Nhưng về phân tích “an cư lạc nghiệp” thì khá tốt 🙂
văn hóa bao gồm nhiều thứ, trong đó có các quan niệm và triết lý sống được lưu truyền
e muốn viết về nhiều đề tài khác nhau trong nền văn hóa
đây chỉ là bài đầu tiên thôi ạ
sau sẽ là các chủ đề khác nữa
trong phạm vi bài viết này thì chỉ muốn nói về câu “an cư lạc nghiệp” thôi a
Uh, văn hoá là một chủ đề rộng, gồm văn hoá cá nhân, văn hoá cộng đoìng, văn hoá dân tộc. Ở đó mỗi chủ thể đều mang một bản sắc riêng. Và ý anh đang so sánh giữ cái tiêu đề và nội dung em viết thì thấy nó lạc nhau. Anh nghĩ quan điểm về “an cư lạc nghiệp” chỉ đơn giản là lối mòn tư duy chứ ko thể gán cho nó là “văn hoá” được.
Mình cũng đồng quan điểm với bạn. Quan niệm có nhà có xe có công việc ổn định đã ăn sâu vào tâm lí người VN. Nếu có quen biết người bạn nào, cha mẹ nào cũn đều hỏi mấy thứ đó đầu tiên. Biết là cha mẹ lo cho con, sợ con khổ, nhưng cũng đừng quan trọng hóa cái vật chất thiên biến vạn hóa đó. Vật chất là do con người tạo ra, cũn chính do con người làm mất đi. Chỉ có tâm hồn là tồn tại mãi. Mình cũng đặt mục tiêu, mua nhà trước khi lấy chồng. Mình không muốn phụ thuộc vào bất kì ai. Mình đã trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống của mình. 🙂