28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Khủng hoảng ngầm

Photo: Magnus Hagdorn

 

Việt Nam ta, đất nước bốn nghìn năm lịch sử…
Việt Nam ta chiến thắng 3 lần giặc Mông – Nguyên và đánh tan mọi kẻ thù dám xâm phạm lên lãnh thổ đất nước.
Việt Nam ta với biết bao nhiêu trang sử hào hùng, bao nhiêu thành tựu, bao nhiêu điều đáng tự hào, bao nhiêu truyền thống đẹp đẽ, nhưng giờ còn lại được bao nhiêu ở thực tại?

Vừa qua có một bài viết gây sốt trên mạng về một người Nhật nói về nước Việt Nam với bao bất cập. Chúng ta không cảm thấy gì sao, hay chúng ta bị “vô cảm hóa” cả rồi, chúng ta lạnh lùng với quê hương đất mẹ nhiều năm liền? Chúng ta là người Việt nhưng chẳng ai dám viết nên hay nói lên một bài như thế, lại để bài của một người ngoại quốc trở nên nổi tiếng. Thiết nghĩ đã đến lúc cả dân tộc hãy nhìn lại toàn bộ cuộc hành trình của nước Việt trong quá khứ ngàn năm, và nhất là trong giai đoạn mở cửa 1986 cho đến ngày hôm nay.

Từ 1986, đất nước mở cửa chính thức bắt đầu từng bước hội nhập với thế giới. Bước ngoặt thúc đẩy phát triển kinh tế hẳn đã tạo nên những tiến bộ và thành tựu nhất định cho đất nước. Đất nước đã có ăn có mặc hơn, đất nước đã đẹp hơn, đất nước đã hòa bình hơn, thế hệ trẻ đi sau được sống sung sướng hơn bậc phụ huynh thời đói nhiều lắm. Hội nhập cho chúng ta cơ hội học hành và tiếp cận với tri thức ngày một dễ dàng, được tiếp xúc với thế giới đơn giản hơn… Chẳng thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà phát triển kinh tế đã mang về cho con người Việt Nam. Trước khi bước sang một ý khác, chúng ta cần phải thừa nhận điều này đã, thừa nhận những công sức mà cha ông – các thế hệ đi trước đã phải bỏ ra bằng máu để có được.

Thừa nhận là một chuyện, nhưng chúng ta đừng nên ngủ quên trên chiến thắng các bạn ạ, bởi vì với cùng thời gian như ta, dân tộc khác đã đi xa hơn rất nhiều. Thủ tướng đầu tiên của Singapore, Lý Quang Diệu năm 1968 có nói một câu: “Không biết bao giờ Singapore mới bằng được Sài Gòn.” Mỗi khi đọc lại câu này tôi lại thấy cảm xúc của mình thay đổi. Sài Gòn – hòn ngọc viễn đông giờ đã qua rồi.

Nếu so về độ ổn định và yên bình của đất nước thì chúng ta may mắn hơn tộc người Do Thái nhiều, vậy mà rốt cuộc Israel – đất nước của tộc Do Thái cũng làm nên những kỳ tích về công nghệ, những điều đó được viết trong cuốn sách Quốc Gia Khởi Nghiệp. Thực tế là chúng ta đã lỡ quá nhiều chuyến tàu, hết Nhật Bản, Singapore, giờ thì chuẩn bị đến Trung Quốc và ta thì vẫn chưa tạo nên được những trang lịch sử để cả thế giới thán phục từ thời chiến tranh cho đến bây giờ. Tôi đang không chỉ nói về kinh tế, mà là toàn bộ những bất cập và khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt như: Giáo dục, văn hóa, lối sống, tập quán, cùng nhiều thứ khác nữa.

Chúng ta đang sống trong một thời đại ô nhiễm về môi trường, âm thanh và sự quá tải của thông tin. Đó là lý do khó khăn mà tôi nghĩ là thuộc diện bậc nhất làm cho việc kêu gọi cả quốc gia cùng đồng lòng làm một việc nào đó. Chúng ta đang không thực sự tập trung vào những chủ đề quan trọng, chúng ta bị phân mảnh và rời rạc khỏi những vấn đề mang tầm vĩ mô của cả quốc gia. Hễ mỗi một thông tin quan trọng được đưa lên, nó nhanh chóng bị trôi tuột đi bởi một núi thông tin không quan trọng khác mà tôi gọi là “quá tải”.

Sự quá tải của thông tin, cũng như sự bận rộn của cá nhân hay quốc gia làm cho chúng ta không có thời gian để nhìn nhận và rà soát lại những lỗi hổng hốc, cái lỗ nhỏ ngày qua ngày trở nên to hơn như tầng ozon bị thủng, dần hình thành một vấn đề nghiêm trọng, nhưng nó lại như căn bệnh cao huyết áp ở người già, mệnh danh là: Kẻ giết người thầm lặng. Hẳn là chúng ta không chú tâm, điều này không liên can gì đến việc vấn đề (những bất cập) quanh ta ngày càng phình to lên. Vâng, chúng ta sẽ không quan tâm cho đến khi nó thực sự trở thành một mối đe dọa, đe dọa đến tầng nhu cầu thấp nhất của tháp nhu cầu Maslow: Tầng sinh học và bản năng tự nhiên.

Có lẽ, nói đúng ra, chúng ta đang gặp những khủng hoảng ngầm. Hiện giờ nó chỉ mới tác động ngược lại một ít lên chúng ta, điều này chưa đủ hề gì để làm chúng ta cảm thấy hoảng sợ. Nhưng cứ sống tiếp tục với những bất cập, chúng ta sẽ sớm thất bại không chỉ về mặt kinh tế, mà gặp thất bại trên lĩnh vực con người, nhân văn, chính trị và vô vàn những thứ khác. Tôi đang không nói khoác, thực sự là có rất nhiều người biết rõ điều này hơn tôi, nhưng họ không có thời gian để nói, vậy thì tôi sẽ nói, ai có tai thì nghe thấy. Tôi vẫn tin cả dân tộc mình không phải là tập hợp của những cá nhân bị khiếm khuyết, khiếm thị hay khiếm thính.

Bất cập ở Việt Nam được báo chí phanh phui mỗi ngày từ kinh tế, chính trị, giáo dục đến đời sống gia đình, ứng xử của người với người, công trình đường sá- cầu cống hư hại sập, gãy và bể, cướp bóc với những cụm từ “hiếp”,”giết”, ô nhiễm môi trường nước- không khí, đồ ăn chứa chất độc hại, tỷ lệ ung thư tăng cao…còn nhiều nữa. Vâng! Nhiều quá, có lẽ tôi cũng không cần phải đưa dẫn chứng vào đây nữa. Tôi đang không nói quá, điều này bạn cũng thấy, làm ơn hãy thừa nhận điều đó cùng tôi, tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt, nó thực sự là một vấn đề lớn của cả dân tộc.

Chờ đã, tôi muốn kể về tuổi thơ của mình một chút. Ngày tôi vào lớp một, tôi đã được nhìn thấy dòng chữ to ở bức tường nhà trường câu nói bất hủ của Bác Hồ như sau: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.” (*). Câu thứ 2 mà tôi cũng đọc hàng ngày là: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tôi chỉ muốn nhắc mọi người nhớ đến 2 câu nói đó thôi, không giải thích hay phân tích về ý nghĩa câu nói nữa.

Tại sao tôi lại nhắc đến 2 câu nói trên, bởi vì Châu Chấu – chủ nhân của video “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” trên youtube đã rất đúng khi nói rằng: Mọi bất cập đến từ sự bất lực của giáo dục. Giáo dục đã không làm tròn nhiệm vụ của mình, bởi vì sao thế? Bởi vì lương giáo viên quá thấp tạo nên hàng tá bất cập, mà tại sao lương giáo viên thấp, bởi vì nhiều điều không minh bạch, mà chính những người trên cao muốn lên đến chức đó cũng phải trải qua 12 năm đi học. Đó là một cái vòng tròn tác động tương hỗ lẫn nhau.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta đỗ lỗi hoàn toàn lên nhà trường. Giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng nhà trường, nó là trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình, của truyền thông truyền hình, của môi trường xung quanh và của bản thân mỗi người. Trong khi Nhật Bản dạy cho học sinh rằng đất nước của họ là một quốc gia nghèo nàn về tài nguyên, nhiều thiên tai, chỉ có tri thức mới có thể thay đổi Nhật Bản thì ở ta được tự do thừa nhận rằng: Nước Nam rừng vàng biển bạc! Hãy phân tích về nó để thấy rõ sự khác biệt.

Để ý một chút, chúng ta sẽ thấy giới trẻ đang phải đối mặt với hàng tỷ thứ khó khăn. Nhưng các em không tự nhận thức được điều đó và người lớn cũng quá bận bịu để nghĩ về việc này. Nhiều phụ huynh bước ra từ thời chiến tranh muốn con em được sống ấm no hạnh phúc mà trở nên nuông chiều quá đà, làm cho giới trẻ quen với nếp sống hưởng thụ, đó là một khó khăn mà các em “thụ động” bị tiếp nhận.

Hệ thống giáo dục cũng dạy cho các em biết rất nhiều thứ về khoa học, về kỹ thuật, về ngoại ngữ nhưng lại không dạy cho các em biết thế nào là “sống có giá trị”, sinh ra để làm gì, thế nào là hạnh phúc, thế nào là niềm vui, làm thế nào để hiểu về bản thân hay yêu thương những người xung quanh… Vâng, các em không được dạy những thứ thiết thực. Điều bây giờ tôi có thể thấy là các em học sinh cấp một cắp cặp nặng vài kí lô “sách” trên vai để đi học, bản thân tôi cầm lên còn thấy sợ.

Bây giờ các em phải học nhiều quá, học mẫu giáo, học anh văn, học tin học, học may vá, học phụ đạo, học ôn thi, học trên trường, học ở nhà, cắm đầu mà học, học đủ các kiểu ngay từ khi còn tiểu học, cái cốt chỉ đề sau này thi đỗ một trường đại học hay kiếm được một công việc ổn định. Có lẽ là quá sức với các em mất rồi, một hệ thống giáo dục quá nhiều lỗi trong quá nhiều năm. Xin đừng để các em chịu thêm nhiều áp lực, đừng đi trên vết xe đỗ của nước Nhật – Quốc gia tự sát nhiều nhất thế giới vì cuộc sống quá căng thẳng.

Giới trẻ Việt còn đang phải trải qua thời kỳ giao thoa giữa việc giằn co, giữ lấy những giá trị quý giá của dân tộc và tiếp nhận những giá trị khác của phương Tây. Nói đúng ra chúng ta đang bị tấn công văn hóa và kinh tế, giới trẻ đang bị ngộ độc bởi xu hướng tiếp nhận văn hóa Tây, cứ nghĩ cái gì của Tây cũng là “ngon”, chữ “sính ngoại” bắt đầu được hình thành từ đó. Để giữa cho “hòa nhập chứ không hòa tan” lại là một điều khó khăn, là thách đố lớn dành cho những trải nghiệm non nớt của giới trẻ.

Giới trẻ hiện nay không được hiểu, không được dạy cho những điều hay vì người lớn chỉ lo phát triển kinh tế. Quá ít các hoạt động xã hội, quá ít các câu lạc bộ, quá ít các hoạt động ngoài trời, quá ít các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, quá ít các cuộc trò chuyện (thực lòng) giữa giáo viên và học sinh, quá ít sự thấu hiểu, quá ít câu trả lời “tại sao” mà giới trẻ gửi đi. Lâu dần hình thành thói quen chấp nhận – văn hóa của người Việt. Giới trẻ đang bị bào mòn đi tính tò mò, hiếu động, yêu thương, đều là những bản chất sẵn có cả. Bởi vì chúng ta lúc nào cũng oang oang: Trẻ em là tương lai của đất nước.

Theo định luật bảo toàn năng lượng thì, năng lượng không tự sinh cũng không tự diệt, nó chuyển từ dạng này sang dạng khác. Chúng ta nên hiểu là, một khi giới trẻ đã không được đón nhận ở mặt trận này, chúng sẽ dẫn nhau đi chơi ở mặt trận khác, chắc chắn là chúng sẽ không ngồi im đó cho chúng ta sai khiến đâu. Đó là lúc chúng dẫn nhau đi karaoke “bay”, bắt chước đi hút chích, đua xe, tụ tập quậy phá, chơi game thâu đêm ngoài quán, nghĩ ra đủ trò không lành mạnh, lưu manh. Bởi vì sao? Bởi vì những điều đó vui! Vâng, vui lắm! Điều mà nhà trường, gia đình và xã hội không cho chúng, chúng tự mình giải thoát cho nhau. Chúng ta nên thông cảm vì điều đó thay vì bảo là giới trẻ ngày nay không được như xưa, điều đó là không đúng và cũng không công bằng cho các em.

Tại sao tôi nói về trẻ em nhiều vậy? Bởi vì, nghe rõ nhé, CHÚNG TA CŨNG TỪNG LÀ TRẺ EM. Tôi không đang nói đến một phần nhỏ của nhóm có học thức, nhóm đó không nói lên một Việt Nam, tôi đang muốn nói đến đại đa số con người Việt hiện nay, kết quả của giáo dục (vâng, khi nào chúng ta còn sống, chúng ta còn đang được giáo dục), những con người khó tính, dễ nổi giận, bất hạnh.

Vâng! Tôi đang chủ quan khi cho rằng đại đa số người Việt Nam thấy bất hạnh và đau khổ. Cái thông tin “Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ nhì thế giới” chỉ là thông tin ảo không có giá trị. Nếu bạn có thể hạnh phúc trong một môi trường mà ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm, đường sá kẹt xe lên kẹt xe xuống – ổ gà xuất hiện luân phiên, xem các tin tức về cướp, hiếp, giết, sập cầu, thì tôi hơi nghi ngờ về bạn đấy. Nếu bạn thấy “mọi thứ vẫn ổn ở mảnh đất này” thì vâng, bạn quá hạn hẹp và ích kỷ. Bạn đang hưởng thụ ở chỗ ngon lành nhất của đất nước để sung sướng, bao triệu người khác đã phải sống khổ cực khắp nơi.

Sập cầu Cần Thơ, sập cầu Lai Châu, cầu rồng Đà Nẵng lộ xi lanh, Lê Văn Luyện, cháu đâm bà vì không cho tiền chơi game, con đánh mẹ, cướp chặt tay người để giật xe SH, chồng làm rơi vợ chết trên đường không hay biết, chặt người yêu làm 5 mảnh, tai nạn giao thông thảm khốc, chích vắc xin mà không thử phản ứng làm chết trẻ em, vân vân… Đủ thứ chuyện trên đời! Tại sao tôi toàn nói tiêu cực trong bài này ư? Vì tôi đang nói đến những “khủng hoảng ngầm”, một khi khủng hoảng bùng nổ như nước tràn ly, Việt Nam sẽ lầm than chưa từng thấy. Tôi không đang trù đất nước mình, tôi là một phần tử của dân tộc, tôi thiết tha muốn thấy nó trở nên trong lành và bình yên hơn. Dĩ nhiên không cần hỏi thì tôi cũng tin bạn muốn như vậy.

Đừng tìm thêm một lý do nào để bào chữa cho những sai trái của mình nữa. Bạn có thể lý do, nhưng hãy nhớ bạn sẽ chịu trách nhiệm. Tôi không muốn bàn về lý do thuộc kiểu: Biết rồi, nhưng… bởi vì nó vô tận.

Làm sao để cải thiện mọi thứ này? Chỉ có một ý thôi: Tất cả mọi người hãy chung tay lại đi! Làm bất cứ thứ gì từ nhỏ đến lớn: Lượm rác, dừng lại đèn đỏ đúng vạch quy định, không bóp kèn khi đèn đỏ còn 3s, cười nhiều hơn với những người xung quanh, bỏ qua cho nhau khi lỡ va quẹt trên đường, kinh doanh khi đã đủ ăn thì hãy nghĩ cho khách hàng thêm một chút, cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau nhiều hơn, bỏ đi những quy tắc cổ hủ, mở mang tư duy, đọc thêm nhiều sách, tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, làm tốt nhiệm vụ của chính mình, hòa đồng với những người xung quanh, chào hỏi nhau nếu có thể, lái xe chậm lại và cẩn thận hơn, giúp đỡ nhau từ việc nhỏ đến việc lớn… Mỗi người làm một việc nhỏ mỗi ngày, chúng ta sẽ có 90 triệu việc hay để lên sóng TV thế chỗ cho những điều tiêu cực, tin tôi đi, nếu làm được, chúng ta sẽ cải thiện Việt Nam theo tốc độ của cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng đâu.

Nó sẽ không khó đâu, nếu bạn làm từ việc nhỏ trước.
Nó sẽ không khó đâu, nếu chúng ta làm nó cùng nhau.
Nó sẽ không khó đâu, nếu chúng ta biết được cách làm.
Nó sẽ không khó đâu, nếu chúng ta chịu cam kết cùng nhau.
Nó sẽ không khó đâu, nếu như bạn có trong mình một niềm tin.

Tôi đang không bốc phét, tôi đang nói sự thật. Tin hay không là việc của các bạn, dù gì thì chúng ta vẫn hít chung một bầu không khí, tắm chung một nguồn nước, nói chung một ngôn ngữ và có giống nhau những đôi mắt màu đen huyền.

————————-

(*): Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân ngày khai trường 1946 – Hồ Chí Minh toàn tập

 

-Lục Phong-

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

10 BÌNH LUẬN

  1. bài viết này giống như những gì mình nghĩ và mình muốn nói nhưng ko nói ra được vì xung quanh có nhiều người cho là ăn khoai lang lo chuyện thế giới …

  2. Hãy
    mơ đi! Tôi chỉ tiếc một điều là khi xưa vua Quang Trung mất sớm
    nên Việt Nam vẫn còn hèn mọn như bây giờ. Chắc là nhiều người
    đã từng nghĩ đến việc Việt Nam sáp nhập Campuchia, Lào rồi
    tiến chiếm Thái Lan, Malaysia và
    Myanma để mở rộng lãnh thổ trên đất liền, còn trên biển có
    thể đủ sức giữ Trường Sa, Hoàng Sa và cả sáp nhập Philippines
    và mở rộng sang cả Indonesia. Mọi chuyện không dừng lại ở giấc
    mơ. Asian đã là một khối và với xu thế hiện nay thì không sớm
    thì muộn để tồn tại giữa các nước lớn Trung Quốc, Ấn Độ,
    Liên Bang Nga, Liên Bang Hoa Kỳ và Âu Châu thì việc thành lập liên
    bang ASIAN là điều tất yếu!

    • vậy nhật bản, singapore cũng phải chiếm một nước nào đó hay cứ phải là nước lớn thì mới mạnh sao, theo tôi nghĩ vấn đề là cách quản lý đất nước thôi 🙂

    • “giải pháp hữu hiệu” có mãi tìm cũng chẳng bao giờ ra. Vậy sao không đơn giản là làm thế này:
      “Làm bất cứ thứ gì từ nhỏ đến lớn: Lượm rác, dừng lại đèn đỏ đúng vạch quy định, không bóp kèn khi đèn đỏ còn 3s, cười nhiều hơn với những người xung quanh, bỏ qua cho nhau khi lỡ va quẹt trên đường, kinh doanh khi đã đủ ăn thì hãy nghĩ cho khách hàng thêm một chút, cha mẹ và con cái trò chuyện với nhau nhiều hơn, bỏ đi những quy tắc cổ hủ, mở mang tư duy, đọc thêm nhiều sách, tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, làm tốt nhiệm vụ của chính mình, hòa đồng với những người xung quanh, chào hỏi nhau nếu có thể, lái xe chậm lại và cẩn thận hơn, giúp đỡ nhau từ việc nhỏ đến việc lớn… “

      • Hi,ví dụ đơn giản thế này giống như người bị bệnh, nếu chỉ nhìn biểu hiện bên ngoài để bốc thuốc mà ko tìm xem bệnh là gì, căn nguyên là do đâu, thì sao chữa khỏi được?Ung thư di căn roài mà còn đi chữa trị mấy biểu hiện bên ngoài thì hỏi có tác dụng được bao nhiêu? Logic nó đơn giản vậy thôi!Tất nhiên nguyên nhân ko dễ tìm nếu không tìm tòi, tư duy,phân tích. Cơ mà hỏi mấy bác lãnh đạo chắc biết đấy, vấn đề là có dám làm hay không thôi 🙂

  3. Lâu rồi mới được bài viết hay thế này! Lắm lúc cảm thấy khủng hoảng và vô vọng trong cái xã hội đang có dấu hiệu khủng hoảng về nhân phẩm con người, nhưng lại tự nhủ mình không được bi quan và đầu hàng trước nó, tự mình phải tạo lên sự khác biết với những người đang dần chìm vào những giá trị vật chất tầm thường mà bỏ qua những giá trị nhân cách cao đẹp của con người. Bài viết đã cho mình thêm động lực rồi đó 🙂

  4. Bài viết hay quá! Vừa có tâm vừa có tầm. Làm việc khó bắt đầu nơi chỗ dễ. Làm việc lớn bắt đầu nơi chỗ nhỏ. Rất giống với tâm niệm của mình: Mỗi một cá nhân sống tốt lên, cả xã hội này sẽ tốt lên.
    Cảm ơn tác giả 🙂

  5. Mình thích những bài viết có tâm như thế này. Nhưng phải công nhận rằng quá khó để thay đổi ngày một ngày hai, dù hàng ngàn người đã nói ra rồi nhưng ta vẫn cần phải nói, phải viết đến khi không thể nữa, còn hơn là mãi im lặng và chấp nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI