*Photo: ewitsoe
Đừng trốn! Tôi nói bạn nghe, đừng bao giờ chạy trốn khỏi nỗi sợ, khoảng lặng của sự cô đơn, sự thất bại, nỗi buồn hay gì đi nữa!
Đã có qua nhiều người bỏ cuộc và thoát khỏi cuộc chơi cuộc đời họ trước khi trò chơi được chinh phục. Gọi tắt nôm na theo kiểu game thủ là: Game Over! Có quá nhiều người bỏ cuộc và chấp nhận thất bại. Thực ra là họ đang chạy trốn thất bại, nếu nói theo cách khác. Sợ thất bại, và không còn dám làm gì nữa. Sợ thất bại, và kiếm mọi cớ để biện minh cho việc ngừng cố gắng hay trở nên tầm thường. Và chẳng ai cần biết điều đó, cho đến khi họ nhận ra, biện minh “để phòng thủ”, “để cảm thấy an toàn” không có chút giá trị nào cho cuộc đời họ hết.
Cuộc đời là trò chơi, và nó y hệt một “game” vậy. Bất cứ ai lười biếng sẽ không thể đạt được cấp độ cao trong khả năng chơi game. Thiết nghĩ, chơi game giỏi cũng là một cái tài mà không phải ai cũng làm được. Kể từ khi liên tiếp thua trong những cuộc “đại chiến”, tôi phát hiện ra, sở dĩ mình luôn thua bọn nó là vì mình quá “lười”. Đó là sự thật, đừng có bảo với tôi là game vô bổ và không dạy cho ai điều gì. Khi chúng ta chơi game, chúng ta bấm “bàn phím” và “chuột” một cách gượng ép khi mà đã mất gần như hoàn toàn hứng thú và năng lượng. Nếu như thế thì đừng chơi nữa, vì chúng ta sẽ không bao giờ bằng được người khác do quá thụ động. Chơi với sự cố gắng và tập trung, và khả năng sẽ được nâng cao mỗi ngày…
Đừng có bảo với tôi là “game” chỉ giành để giải trí, vì tôi đang cố gắng liên hệ giữa “game online” và “game cuộc sống”. Nếu chỉ chơi game để giải trí, chơi game chỉ để cho có với người ta, chơi game như là một thói quen, chơi game như là nô lệ của sự lặp lại chán chường và trốn thoát khỏi thực tế, chơi game “tàn tàn”, thì tôi thiết nghĩ bạn sẽ chẳng bao giờ biết được niềm vui của game nằm ở đâu. Với tôi thì niềm vui của việc chơi game nằm ngay cái lúc mà tôi được bấm bàn phím và nhấp chuột. Đó là lúc mà mọi thứ thật trực quan, tôi được sờ và điều khiển nhân vật của mình theo cách mà tôi mong muốn. Không phải những lúc bàn tán về game với lũ bạn khi đang đi học, cũng không phải những lúc đạp xe về nhà sau khi chơi game làm tôi vui, mà chính là lúc tôi đang được chơi. Lúc đó là điều quan trọng. Và dù rằng có đôi lúc tôi hơi bực mình vì sự thua cuộc hay kém cạnh về trình độ so với các game thủ khác, song, nhìn chung tôi vẫn thỏa mãn được niềm hứng thú của bản thân mình.
Đừng bao giờ chạy trốn sự cô đơn và nỗi buồn.
Tôi thường hay nghe mọi người nói về việc họ cô đơn. Có quá nhiều từ ngữ để người ta biểu diễn được điều này mà theo tôi là họ làm còn chuyên nghiệp hơn khi họ đi học hay đi làm. Tại sao người ta luôn vấp phải vỏ chuối nhưng không nghĩ: Sao nó lại nằm ở đó và làm sao để không trượt vỏ chuối nữa? Tôi thấy rất buồn cười nếu như cứ mỗi sáng mở cửa đón ánh mặt trời tươi mới và lại bị trượt vỏ chuối mà không “khôn” lên được tí nào. Đó có là gì nếu không phải là sự ngu ngốc, thụ động và lười động não?
Thường, người đã từng trải, nhất là ở độ tuổi trung niên trở đi, họ không dùng và không nghĩ đến những từ như “cô đơn”, “cô độc”, “chán”, vẫn có nhưng ít. Những từ ngữ này được dùng phổ biến ở giới trẻ, rất nhiều ở vị thành niên, giữ nguyên mức độ ở độ tuổi teen và giới sinh viên, bắt đầu giảm dần từ tuổi trưởng thành (khoảng 24 hay 25 trở đi). Ý tôi là, chúng ta phải nhìn vào điều đó, vào các thống kê, vào các thực trạng để hiểu tại sao và cách giải quyết cho những vấn đề của bản thân mình. Các vấn đề cá nhân cần được giải quyết, càng sớm càng tốt, không thể lặp đi lặp lại mãi được, vì đơn giản nó không thể “trôi đi đâu mất!”
Hỏi những người từng trải, và họ sẽ trả lời cho bạn biết rằng: Họ cũng có những cảm xúc y chang như bạn khi ở độ tuổi mà bạn đang trải qua. Giới trẻ thường nhanh nhảu, thông minh và năng động, vì thế mà họ làm mọi việc rất nhanh, gồm cả những suy nghĩ. Người trẻ thường cảm thấy cô đơn, trống trải là vì họ “có nhiều thời gian”. Và trong những lúc “một mình” đó, họ suy nghĩ thật nhiều, linh tinh cũng có, xa vời cũng có, mơ mộng cũng có… thế là họ bắt đầu cảm thấy “cô đơn”, “buồn”, “chán”. Có vấn đề gì đó cần phải được hiểu rõ giữa “một mình” và “cô độc”, giữa “cô độc” với “cô đơn”, giữa “khoảng lặng” và “chán”. Nếu chúng ta cứ mãi chạy trốn mà cóc cần biết nguyên nhân tại sao chúng ta mắc phải, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu và cảm nhận méo mó về ngôn từ cũng như cảm xúc bên trong mình.
Đừng chạy trốn, vì bạn sẽ không bao giờ có thể thoát được. Khi bỏ chạy, chúng ta rất hoang moang, mồ hôi nhễ nhại, mệt mỏi, mất bình tĩnh, dễ dàng té và “đo đường”. Bạn có thể liên tưởng tương tự không? Bỏ chạy là cách chúng ta thấy dễ dàng nhất, và đương nhiên cách dễ dàng thì ai cũng làm được, nó chả có giá trị gì nên chẳng hề nổi bật, rồi từ đó chúng ta bắt đầu tầm thường hóa chính bản thân mình.
Chạy trốn với vô vàn kiểu, muôn hình vạn trạng: Một mình thì cảm thấy chán và đi chơi những cuộc chơi nhí nhố. Không ai quan tâm thì thấy buồn và cặp kè những cuộc hẹn hời hợt. Thích ai đó và sẽ bắt đầu sợ họ một ngày nào đó sẽ rời xa ta, từ đó trở nên ích kỷ và mất đi cái cảm giác sung sướng ngày đầu (nếu vì mục đích ngoài sự chạy trốn, thì nó sẽ không nhí nhố và hời hợt nữa). Tóm lại là, tôi không thể liệt kê hết tất cả, nhưng hệ lụy của việc “bỏ chạy” là những kết quả không có gì tươi sáng. Chúng ta sẽ dần “suy thoái” theo cách đó. Đừng tự ái, vì tự ái nghĩa là tôi nói trúng tim đen của bạn rồi đó, và tự ái nghĩa là bạn sắp sửa chuẩn bị những “lý luận phòng thủ” mà tôi gọi là “biện minh” như trên vậy.
Tôi viết bài này dành cho tuổi trẻ. Căn bản là, tuổi trẻ cảm thấy cô đơn (theo tôi thì “một mình” đúng hơn), buồn, chán, thất bại, hay gì đó là điều “hiển nhiên” – nó tất yếu. Vì tuổi trẻ phải trải nghiệm và học! Học tất cả mọi thứ mà trong đó kiến thức khoa học, kiến thức chuyên ngành chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Không ai có thể vừa chạy vừa cầm cuốn sách để học. Theo tôi thì không thể vừa bỏ chạy trong sợ hãi vừa học được. Ví như thế để biết rằng, nếu những cuộc chơi được vạch ra với mục đích “trốn tránh cảm xúc” thì sẽ chẳng bao giờ dạy được cho người trẻ điều gì cả, nếu có thể, chắc chỉ dạy người ta trở nên hời hợt.
Tôi không có ý nói mọi người “nên buồn”. Tôi chỉ muốn nói nỗi buồn trong cuộc sống là cái gì đó rất bình thường, y chang niềm vui mà chả có gì cần phải né cả. Để ý và bạn sẽ trung lập thừa nhận với tôi vào một ngày nào đó, rằng: Chỉ có nỗi buồn, nhưng cảm xúc trầm lắng, những không gian im lặng, những cảm xúc chậm rãi, những trải nghiệm bản thân mới làm người ta trở nên có chiều sâu và có cá tính. Lại nói về cá tính, nó không chỉ là những bộ quần áo mình khoác lên, mà nó phần nhiều nằm ở những lời nói có trọng lượng, tính sâu sắc và một tâm hồn đẹp phong phú…
Ý tôi là, đừng bao giờ chạy trốn cảm xúc, nhất là những cảm xúc đã bị bạn “dán nhãn” tiêu cực. Nó bị dán nhãn là bởi vì định kiến xã hội nghĩ như thế và sự dạy dỗ của xã hội khiến bạn nghĩ như thế. Nhớ lấy, tuổi trẻ, với vô vàn cung bậc cảm xúc, nó phong phú, nó đa sắc màu, nó đẹp, nó bất ngờ và nó không nhàm chán. Nếu nó nhàm chán, có gì đó bất ổn! Nếu nó bất ổn, hãy tìm ra và cập nhật kiểu khác đỡ hơn.
Đừng bao giờ bỏ chạy! Đừng có núp! Trừ khi việc gì đó liên quan tới mạng sống của con người, hãy… chạy thật nhanh và núp thật kỹ cho tui! Còn tất cả những thứ khác đều không có cái cóc gì phải sợ. Nếu tôi lấy ví dụ nỗi sợ là một con ma, thì nó không sai chút nào. Người càng sợ ma, chỉ có càng tưởng tượng càng sợ chứ không cách chi mà hết sợ được cả. Cách hay nhất, đơn giản nhất mà ít ai nghĩ ra, đó là: Đừng Tưởng Tượng Nữa!
Tôi có nghe câu: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của Kim Woo Choong.
Nhiều việc ở đây theo tôi nghĩ: Là trải nghiệm, là tận hưởng, là lý tưởng, là học hành, là theo đuổi, là yêu thương, là rộng lượng, là thiện chí, là bao la, là bát ngát, là cánh đồng, là đại dương… Tại sao như thế? Vì tôi nghĩ: thể xác thì nhỏ bé, nhưng tâm hồn thì khổng lồ. Đừng chỉ nghĩ nó là một bộ óc làm việc, nó có nhiều thứ tuyệt vời hơn thế rất nhiều.
Thế nhé, bạn tôi, các em của tôi, đừng bao giờ than phiền về buồn chán nản, hay bất cứ cái gì mãi. Có quyền được cảm thấy xuống tinh thần và đôi lúc tiêu cực, nhưng chỉ là đôi lúc thôi nhé, chứ còn tôi thì tôi chán nghe những người gọi chung là “trẻ” THƯỜNG XUYÊN ca cẩm bài ca con cá lắm rồi.
Chúng ta sẽ có dịp gặp nhau. Và từ giờ cho đến khi đó, tôi mong là bạn có thể hiểu được những điều tôi nói mà có thể trau dồi cho cái cây tâm hồn của bạn được đẹp đẽ, được cao lớn đến tận trời xanh…
Xin chào, hẹn gặp lại và quyết thắng!
–Lục Phong–
(Kỷ niệm một năm sau ngày tận thế!)
tôi nhìn nhận bài này với một thái độ tích cực bên trong….
Đừng bao giờ chạy trốn sự cô đơn và nỗi buồn. Là điều bám lấy em trong suốt gân 3 tháng sinh viên năm hai này. Và em không hiểu là tại sao? 😀
hay…tôi đang chay chốn…và lạc đường do mất phương hướng…giờ thì tìm lại dc rùi ..cảm ơn nhieu nhé..bài viết này -> ng chỉ đường <3
Nó là 1 điều tất yếu và ai cũng phải trải qua
Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng trải qua nào là "tuổi biết buồn", nào là "tuổi cô đơn" và sau cùng họ đều nhận thấy rằng dù cô đơn hay buồn chán, đó không phải thứ sinh ra để được lấp đầy, mà nó là một khoảng trống, mãi mãi là một khoảng trống như vậy. Cố gắng lấp đầy thì cũng chỉ vô ích. Điều quan trọng là làm quen với nó, cũng nó đi qua những tháng năm tuổi trẻ, rồi một ngày nào đó, khi nhìn lại, chính mình sẽ thấy "Ồ, hóa ra ai cũng cần cô đơn."
Làm gì, nghĩ gì không quan trọng, đừng đầy đọa và quá khắt khe với bản thân mình. Mỗi cảm giác hãy coi như là một trải nghiệm đi.
Dũng Trần Khắc mình ko dám nói ngôn từ đó là tốt hay xấu, là hay hay dở, chỉ là nó hơi cứng quá và… bạo lực quá so với thứ mình thích, dù sao cũng chỉ là sở thích cá nhân 😀
bạn đọc sách của OSHO chưa? mình thấy ngôn từ của Lục Phong có phần giống những ngôn từ mà OSHO dùng, và Lục Phong chính là người đưa mình đến với cách tư duy của OSHO.
hay
Đừng tự ái, vì tự ái nghĩa là tôi nói trúng tim đen của bạn rồi đó, và tự ái nghĩa là bạn sắp sửa chuẩn bị những “lý luận phòng thủ” mà tôi gọi là “biện minh” như trên vậy.
tôi ko thích đoạn này và cũng ko nghĩ nó quá cần thiết
tựu chung tôi đọc qua đại đa số bài của Lục Phong, tư duy lạ, lập luận ok nhưng ngôn từ thì…
hơn nữa bắt đầu có sự lặp lại ko hề nhẹ trong các bài viết của bạn, hay là viết cái gì đó khác hơn là những đấu tranh
đang thử tưởng tượng Lục Phong viết về hoa lá cỏ cây có lẽ sẽ ngộ hơn và đáng chú ý hơn =)