28 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp – Những góc cạnh và những hình chiếu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời được hơn một tuần và ngày hôm nay bắt đầu chính thức là lễ quốc tang cho ông. Chỉ trong khoảng thời gian một tuần ngắn ngủi đó, nhiều khía cạnh đa dạng của cuộc sống muôn màu đó đã bộc lộ ra một cách rõ nét hơn qua phản ứng của công chúng về cái chết của ông.

Có lẽ tất cả mọi người đều phải thừa nhận rằng: ông cùng với những người đồng chí đương thời của mình đã bước lên vũ đài lịch sử và làm thay đổi nước Việt Nam này, còn sự thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực đối với đất nước thì lại không giống nhau trong quan điểm của nhiều người, bởi vì mỗi người trong chúng ta đứng ở các góc độ khác nhau nên có cái nhìn khác nhau, và điều mà chúng ta tiếp nhận từ cái di sản mà lịch sử để lại (trong đó Võ Nguyên Giáp là một tác nhân tạo ra cái di sản ấy) ấy là không giống nhau. Trong những tiếng nói được cất lên những ngày vừa qua (ở ngoài đời và trong thế giới mạng) có cả sự sùng kính ngưỡng mộ, căm ghét hận thù, và có sự mỉa mai châm biếm. Có những tiếng nói chân thật từ đáy lòng, có lời chỉ là chót lưỡi đầu môi giả tạo, những câu từ sáo rỗng sách vở, có những thứ “sinh ra từ hiệu ứng đám đông”. Có những cái mặt nạ đeo lên, gỡ xuống rồi lại đeo lên…. Dùng hiểu biết của cá nhân mình để đánh giá về ông thì tôi cho rằng không nên có một đánh giá chung về ông cho mọi phương diện mà cần đánh giá ông trên hai phương diện tách biệt : phương diện con người và phương diện lịch sử.

Con người

Về mặt con người Võ Nguyên Giáp hội tụ được đầy đủ những phẩm chất của một người ưu tú: có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lý tưởng và hoài bão phụng sự và cống hiến cho dân tộc, gan dạ mưu trí “trước kẻ thù”, ý chí kiên định và nghị lực sắt đá (đó là những phẩm chất đưa ông vào con đường làm cách mạng và trở thành nhà cách mạng-quân nhân chuyên nghiệp) , ngoài ra ông còn sống rất chan hòa gần gũi giản dị đối với đồng đội, với những người lính của mình, và với những phẩm chất ấy ông xứng đáng là “một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”. Tuy nhiên đã là con người thì không thể hoàn hảo mọi mặt được, những điểm người ta chê Võ Nguyên Giáp về mặt phẩm cách con người đó là ông “hèn” trước tổ chức và đồng chí của mình trong những cuộc tranh đấu trong nội bộ đảng.

Cũng giống như Bành Đức Hoài-người đồng cấp của mình bên Trung Quốc (bộ trưởng bộ quốc phòng-nguyên soái quân giải phóng nhân dân Trung Hoa) là một vị tướng oai hùng trên mặt trận được binh sĩ yêu mến kính nể nhưng lại thúc thủ trong cuộc chiến chính trị, trong cuộc chiến đó cả hai đều bị cô lập và đánh mất vị thế của mình. Bành Đức Hoài không hèn trước đồng chí, trước tổ chức, dám công nhiên thách thức Mao Trạch Đông ở hội nghị Lư Sơn nên ông có kết cục rất bi thảm, còn Võ Nguyên Giáp ông chưa bao giờ thách thức tổ chức và đồng chí của mình, ông rút lút ngay từ đầu. Và ngay cả khi ông có cơ hội quay trở lại chính trường vào thời điểm rất nhiều người kỳ vọng ở ông, muốn ông đứng ra nắm giữ chức chủ tịch nước sau đại hội 6 nhưng ông đã bỏ trống mặt trận, nhiều người đã thất vọng về ông khi đó. Cá nhân tôi thì cho rằng ông cũng nhận ra được điểm mạnh và điểm yếu của mình và biết cái tầm của mình ở đâu, khả năng của mình chỉ đến thế thôi nên rút lui, ông là võ tướng, chiến tranh là nơi ông có thể phát huy tài năng của mình, còn về mặt chính trị ông không giỏi ông phải rút lui và nhường chỗ cho người khác , như thế có thể bảo toàn được thanh danh, có lao vào tranh đấu chính trị nữa thì vinh quang của ông cũng khôg thể hơn được. Nhưng cũng sẽ có ý kiến cho rằng ông làm thế cũng là hèn vì đặt thanh danh cao hơn vật mệnh đất nước, trong lúc đất nước nguy khốn đứng trước nguy cơ kiệt quệ mà ông người được nhân dân kỳ vọng lại không có hành động gì. Ai mà không có tì vết, những anh hùng khác trong lịch sử dân tộc mà ngày nay người ta vẫn tôn thờ có tì vết không? Câu trả lời là: Trần Hưng Đạo lấy cô ruột của mình là Thiên Thành công chúa sau một vụ cướp dâu trong đêm tân hôn của người khác (vì Thiên Thành công chúa đã được gả cho Trung Thành Vương). Lý Thường Kiệt tự chấp nhận hoạn mình để được sung làm “Hoàng môn chỉ hậu ” theo đề nghị của Lý Thái Tông. Lê Lợi giết hàng loạt trung thần sau khi lên ngôi. Lịch sử cũng có đầy những vụ scandal khác.

Cho nên lựa chọn “công thành thân thoái ” của Võ Nguyên Giáp vẫn còn là một lựa chọn tích cực. Liệu có phải vì thấu hiểu đạo “giữ mình“ mà ông có thể sống đến tận ngày hôm nay khi đã 103 tuổi. Ông lập thêm một kỳ tích nữa đó là trở thành vị tướng có tuổi thọ cao nhất thế giới. Xét cho cùng thì ông đã sống một cuộc sống rất đáng tự hào, có thời tuổi trẻ tranh đấu sôi nổi, những năm tháng chiến trận hào hùng, thăng trầm vinh nhục của vận mệnh chính trị, vui vẻ chan hòa giữa anh em đồng chí,với những người lính của mình, mọi cung bậc thăng trầm của cuộc sống. Cuộc đời như thế chắc ai cũng mơ ước có được một lần sống.

Lịch sử

Xét về phương diện lịch sử, với tôi thì Võ Nguyên Giáp cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người đồng chí khác của họ lúc sinh thời là những người đã chiến thắng trong một sự nghiệp rất lớn nhưng lại thất bại trong một sự nghiệp lớn hơn. Cái sự nghiệp mà họ chiến thắng chính là sự nghiệp đánh bại hai cường quốc hàng đầu thế giới là Pháp và Mỹ, nói về lịch sử chiến tranh chưa có quốc gia nào làm được điều này. Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không hề thắng vì tổn thất phía Việt nam lớn hơn nhiều so với Pháp và Mỹ, nhưng chiến thắng không kể là bên nào tổn thất nhiều hơn mà là ý định, mục tiêu ban đầu của các bên có thực hiện được hay không. Rõ ràng Pháp không thể duy trì ách thực dân của mình ở Việt Nam, còn Mỹ thì buộc phải rút lui và không thể ngăn chặn được “làn sóng đỏ”. Còn những Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình đã thực hiện được điều ban đầu mà họ đề ra dưới tên gọi “Độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc”.

Còn cái sự nghiệp lớn hơn mà họ đã thất bại đó chính là di sản mà họ để lại không phải là một quốc gia hùng mạnh, giàu có thịnh vượng. Ngược lại cho đến tận ngày nay sau gần bốn mươi năm kể từ khi thống nhất, Việt nam vẫn là một quốc gia lạc hậu với đầy những nguy cơ đói nghèo, bệnh tật, tham nhũng, đạo đức xã hội xuống cấp, lòng tin bị khủng hoảng trầm trọng, một xã hội không có định hướng, không biết đi về đâu khi mà những người cầm lái không phải là những đại diện ưu tú của dân tộc mà chỉ là những người được thừa hưởng cái di sản từ “chiến thắng vĩ đại” và có được tính chính danh để cầm quyền. Về thất bại này thì có thể khẳng định và nó được đảm bảo bằng lời nói của chủ tịch Hồ Chí Minh “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì ”. Chiến tranh giành độc lập chỉ có ý nghĩa khi mục đích tối hậu là độc lập tự do đạt được còn nếu không thì cuộc chiến ấy sẽ có nguy cơ trở thành vô nghĩa.

Võ Nguyên Giáp chắc sẽ không hài lòng khi những người lính “Phàng Sao Vàng” từ Điện Biên phóng xe máy về Hà nội (hình ảnh của ông được công động mạng truyền tụng và ca ngợi như một sự mẫu mực của tình người giản dị, hòa lẫn sự thành kính tôn nghiêm đối với Võ Nguyên Giáp) phải xếp hàng để viếng ông trong khi những người khác lại có cơ hội được đặc cách đi thằng vào nhà ông vì đơn giản họ là ca sĩ nổi tiếng. Chắc ông sẽ không chiến đấu để lập nên một xã hội như thế. Một xã hội mà những khẩu hiệu độc lập-tự do-hạnh phúc cùng với lý tưởng bình đẳng chỉ xuất hiện trên giấy tờ.

Trong hồi ký của mình cũng như qua các lần phỏng vấn Võ Nguyên Giáp thường nhắc tới sự thành công của quân đội do ông chỉ huy là dựa vào sức mạnh của chiến tranh nhân dân và một yếu tố đó nữa là “tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội”. Điều đó là đúng hay sai?

Do thói quen nghề nghiệp của mình tôi vẫn hay nhìn mọi thứ qua lăng kính nghề nghiệp (viết phần mềm) tôi cũng lý giải điều này trên quan điểm nghề nghiệp của mình. Những lý thuyết mà người ta áp dụng vào trong xã hội cũng giống như phần mềm của xã hội đó, lý thuyết nào tác động đến nền tảng của xã hội quyết định việc vận hành của xã hội đó thì nó là một loại “hệ điều hành xã hội”, và chủ nghĩa xã hội cũng là một loại hệ điều hành như thế. Vậy hệ điều hành này là tốt hay xấu?

Đối với phần mềm mà nói người ta chỉ có thể kết luận nó tốt hay không khi đã đem ra chạy thử, chạy thử mà các chức năng mượt mà, tốc độ nhanh thì là tốt, còn không người dùng sử dụng vài bước lại gặp lỗi thì nó là phần mềm kém chất lượng cần sửa chữa, còn nếu như bị lỗi nhiều quá và thuộc về hệ thống không thể khăc phục thì chỉ có cách đập bỏ thay bằng cái khác.

Nhìn trong thực tiễn lịch sử thế giới thì những nước nào đã sử dụng những phần mềm này trong những cuộc chiến tranh lớn? Có thể kể ra vài ví dụ điển hình đó là Liên Xô , Trung Quốc, Việt Nam. Một thực tế đều chỉ ra rằng chính quyền Soviet đã đánh bại can thiệp của liên quân 14 nước, đập tan quân bạch vệ, đánh bại phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2, hồng quân Chu Mao (Chu Đức, Mao Trạch Đông) đánh bại quân đội Tưởng được trang bị và hậu thuẫn của Mỹ. Còn Việt Nam đã đánh cả Pháp và Mỹ với ưu thế quân sự vượt trội mà không ai nghĩ là có thể đánh thắng được. Trải qua được những Unit test và Acceptance Test thực tế (mượn thuật ngữ của ngành phần mềm) khốc liệt như vậy thì chứng tỏ rằng hệ điều hành này rất tốt trong giai đoạn chiến tranh và có lẽ đây chính là “tính ưu việt của CNXH” mà Võ Nguyên Giáp đã nhắc tới, nó đúng với thực tiễn của ông, nhưng thực tiễn của ông đơn giản chỉ là thực tiễn chiến tranh mà thôi. Chiến tranh đòi hỏi sự thống nhất cao độ, không có sự phân hóa chia rẽ trong nội bộ, gạt bỏ những khuynh hướng bất đồng đề cao vai trò độc tôn của một khuynh hướng duy nhất để đảm bảo sự tập trung nguồn lực cao nhất có thể để chống lại kẻ địch bên ngoài. Khi mà cả xã hội, cả dân tộc có chung một mục tiêu thì hệ điều hành “CNXH” đáp ứng được tất cả các tiêu chí đó. Nó là một công cụ vô cùng powerful để điều hành chiến tranh.

Khi xã hội chuyển sang thời bình thì hệ điều hành ấy đã trở nên hỏng hóc và trục trặc thế nào thì tất cả mọi người bằng con mắt trần tục của mình đều có thể chứng kiến chứ không cần phải viện dẫn đến bất cứ lý thuyết cao siêu nào khác. CNXH là một hệ điều hành tồi trong việc xây dựng kinh tế và phát triển xã hội, nó đã được thay thế ở các nước viết ra phần mềm đó. Nhưng cái phần mềm ấy vẫn còn là di sản mà những người như Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc. Đây thực sự là một sự trớ trêu của lịch sử, trên con đường đi tìm lối ra cho phong trào giải phóng dân tộc, những người xuất thân từ tầng lớp bình dân như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tất nhiên phải đi tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài khi mà nguồn lực trong nước còn yếu, con đường họ đến với hệ điều hành mà nước Nga (nước lớn duy nhất ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc thời điểm đó) đang sử dụng là lựa chọn tất yếu, họ không có địa vị của tầng quan lại cao cấp trong chính quyền An Nam thuộc địa để có tính chính danh đại diện cho Việt Nam khi đi ra quốc tế nên dù muốn hay không muốn thì việc tiếp cận và đưa những hệ điều hành khác về đều là không khả thi. Có một giai đoạn ngắn ngủi năm 45 dù họ đã tìm cách bắt tay với Mỹ nhưng rốt cuộc Việt Minh lại bị từ chối khi Mỹ phát hiện ra đối phương đã sử dụng một hệ điều hành khác, và người Mỹ đã không ủng hộ những người dùng hệ điều hành khác với mình, họ quay sang ủng hộ cho lực lượng đang đặt ách áp bức đô hộ lên Việt Nam bằng cách viện trợ vũ khí và hàng hóa cho Pháp (những người sử dụng hệ điều hành giống với họ). Sự trớ trêu này chuyển thành bi kịch cho 30 năm tiếp theo làm nhân dân Việt nam trải qua kiếp nạn chiến tranh. Bi kịch ở chỗ bất cứ người yêu nước nào cũng muốn chống lại Mỹ vì sự can thiệp của Mỹ là sự can thiệp vào “phần cứng” vào mảnh đất ông cha truyền lại từ ngàn đời nay, vào quê hương Việt Nam trong tim mỗi người, nên đa số người dân nghe theo tiếng gọi của lòng yêu nước chống lại sự can thiệp của Mỹ vào “phần cứng” của Việt Nam bằng cách ủng hộ những người lãnh đạo VNDCCH ( trong đó có Võ Nguyên Giáp ) sử dụng hệ điều hành “CNXH” như một công cụ để chống lại sự can thiệp ấy. Kết quả là hệ hiều hành đó vẫn tiếp tục là hệ điều hành vận hành xã hội hiện nay vì sau khi chiến thắng người ta đã dùng kết quả test của giai đoạn chiến tranh để kết luận về tương lại xây dựng phát triển kinh tế trong hòa bình. Tuy nhiên điều kiện đã thay đổi, những kỹ thuật áp dụng cho môn chạy 100 m không thể áp dụng cho môn chạy marathon.

Lịch sử đã xảy ra và quá khứ không thay đổi được, con đường phía tươi sáng phía trước vẫn chưa hề ló rạng cho nhân dân Việt Nam. Trong cái bối cảnh u ám ấy dòng người dài lê thê nối đuôi nhau đi viếng Đại Tướng có thể lý giải theo nhiều khía cạnh khác nhau. Như đã nói từ đầu bài, trong hiện tượng ấy cùng lúc đan xen nhiều yếu tố phức tạp “hai ,ba trong một thậm chí là năm, sáu trong một”. Có những người có quen biết, gắn bó hoặc có kỷ niệm với tướng Giáp, nhưng cũng có những người chưa từng gặp ông một lần. Có người đến với vẻ mặt thành kính nghiêm trang, có người với khuôn mặt bình thản, có người khóc lóc. Tất cả các hình ảnh sống động rõ nét đó đều được đưa lên mặt báo, người ta không biết vô tình hay cố ý đã miêu tả ông như một vị thánh. Những fanpage trên facebook mới lập đã đạt được con số mấy chục ngàn người like chỉ trong vòng vài giờ, rõ ràng là tất cả những điều đó đã tạo nên một hiệu ứng xã hội, tạo ra một sự lan tỏa rất lớn tác động đến tâm tư tình cảm của nhiều người. Điều đó có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Tích cực

Mặt tích cực là giữa cuộc sống bộn bề lo toan này, sự kiện Võ Nguyên Giáp ra đi làm người ta đột nhiên dừng lại, sống chậm lại, người ta nghĩ về một thời đã qua, có gì đó rất khác với hiện thực ngày hôm nay, một thời kỳ mà đất nước rất nghèo vốn vật chất, nghèo vốn tài chính nhưng lại rất giàu vốn xã hội, thời người ta gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào” , chỉ bằng từ đó thôi mà hai người xa lạ có thể cảm thấy có thể rất tin cậy nhau. Cái dĩ vãng ấy chưa hẳn đã xa xôi vì những con người của thời đó vẫn còn đây, hôm nay họ nắm tay nhau (như miêu tả của giới truyền thông) đi trong lặng lẽ để tưởng nhớ về một con người bình dị, nhân cách cao đẹp, trong khi ông có sự nghiệp rất lừng lẫy, một con người tuy “địa vị có vẻ cao sang” nhưng lại rất gần gũi trong tâm thức họ, gần như những người dưng khác nhưng được gọi bằng hai tiếng “đồng bào”. Đây là cơ hội để người ta nhìn lại về những giá trị sống, định hình lại phướng cho cuộc sống trong khi cái guồng máy xã hội đang quay với một trật tự hỗn loạn như giao thông Việt nam.

Tiêu cực

Nếu ai đã xem phim Inception (tiếng Việt là, Kẻ Cắp Giấc Mơ) thì đều biết đến khái niệm projection (hình chiếu của nhân vật trong tâm thức của con người, trong thế giới của những giấc mơ). Thực ra thì đối với đa số người dân đang xếp hàng đi tưởng niệm tướng Giáp bây giờ thì đúng là thành kính thật sự, họ thương cảm thật sự, cảm xúc từ trong tim họ mà ra, nhưng cảm xúc ấy là về projection (hình chiếu) của Võ Nguyên Giáp trong tâm thức của họ, là hình chiếu của con người Võ Nguyên Giáp ngoài đời thực vào trong ý thức,font tình cảm của họ chứ không phải bản thân con người Võ Nguyên Giáp. Người ta biết đến ông qua những bài báo được trích dẫn, những câu chuyện của những người từng gặp ông kể lại chứ mấy ai nghiên cứu lịch sử để biết ông xây dựng chiến lược thế nào, chỉ huy các trận đánh ra sao ( Với tình hình dạy và học sử hiện nay thì có thể khẳng định điều này ) để đánh giá tài thao lược của ông thế nào. Ông cho họ cảm giác hãnh diện của người dân một dân tộc nhược tiểu lại có những nhân vật tầm cỡ thế giới, họ ở đây tưởng niệm một anh hùng mà họ cảm thấy rất gần gũi (gần gũi với một nhân vật tầm cỡ thế giới cũng giống như chạm vào một tầm cao, được kết nối với thế giới, với cái toàn thể, có thể so sánh nó với tâm lý của những người theo tôn giáo được kết nối với chúa Trời, với thánh Ala của họ) điều đó xoa dịu được những tự ti và mặc cảm trong đời sống.

Song trong giới trí thức, những người có học vấn và có lương tri đều sẽ kính trọng Võ Nguyên Giáp như một anh hùng giống bao anh hùng khác của dân tộc trong lịch sử nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ coi ông ấy là thánh như báo chí đang cố gắng miêu tả, vì hình chiếu của Võ Nguyên Giáp được xây dựng bằng nhận thức độc lập tự chủ trong đầu họ gần với hiện thực hơn là hình chiếu đã được thi vị hóa, khuếch đại và tô điểm trong tâm lý của đám đông, được tạo ra từ hiệu ứng đám đông.

Một đất nước mà càng có nhiều thần thánh và càng nhiều thần tượng để tôn thờ càng chứng tỏ dân tộc đó chưa trưởng thành, có những chỗ khuyết thiếu trong đời sống tinh thần. Người ta khóc lóc đau thương “một bề trên” vì họ cảm thấy mồ côi. Chỉ những nước thông tin bị bưng bít vào giáo dục nhồi sọ từ tấm bé như Bắc Triều Tiên người ta mới khóc lãnh tụ như cha chết mẹ chết, vì họ cảm thấ mồ côi lãnh tụ không khác gì mồ côi cha mẹ. Ở Việt Nam những người khóc vì tướng Giáp khác với Triều Tiên (huy động cả bộ máy chính trị với đầy đủ các công cụ mỵ dân) nhưng cũng có những điểm giống một phần nào đó.

Hình ảnh của thần tượng chẳng qua là những mong muốn kỳ vọng về cuộc sống mà họ chưa thực hiện được, họ mong có những con người như vậy để che trở cho họ, dẫn đường cho họ trong đêm tối . Con đường để đi đến văn minh của những đất nước như thế vẫn còn dài vì người dân vẫn còn có tâm lý trông cậy ở người khác, vẫn mong có những cứu tinh có những anh hùng thay vì tự mình hành động, tự thân khai sáng. Quốc gia chỉ độc lập thực sự khi mọi người dân có tinh thần độc lập, mà tinh thần độc lập trước tiên phải là trông cậy ở chính mình chứ không phải trông cậy nơi người khác. Người ta vẫn mong có người thứ 3, thứ 4 sau chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân khóc thương khi ra đi, còn tôi thì lại không hy vọng điều đó xảy ra, xã hội càng văn minh tiến bộ thì người dân càng có khả năng tự giải quyết các vấn đề của mình và của xã hội cộng đồng chứ không chờ đợi ở những cá nhân kiệt xuất đến và đi trong một thời điểm lich sử nhất định rồi ra đi để mọi người khóc thương, vì với tôi cá nhân kiệt xuất là những phần cứng “đắt tiền” khó mua được, chỉ có giải pháp phần mềm mới là giải pháp bền vững cho sự phát triển của xã hội văn minh.

Kết bài cũng muốn nói lời từ biệt với cụ Giáp (tôi gọi theo đúng lễ nghi thứ bậc về tuổi tác trong xã hội trên quan điểm một con người cụ thể không trên quan điểm người quan sát và phân tích). Cụ năm nay đã trên 100 tuổi rồi, theo tục lệ thời xưa các cụ truyền lại thì những người trên trăm tuổi mà mất thì được gọi là “hỷ tang” , gia đình không kèn trống khóc lóc đưa tiên, cũng không chit khăn xô, không đeo tang trắng mà trang hoàng màu đỏ, mọi người đến đám cũng không khóc lóc mà vui vẻ vì người quá cố đã được hưởng tuổi trời, nay về với cõi thần tiên. Tôi không tiếc thương cụ mà vui cho cụ vì đã sống cuộc đời đáng sống mà bao nhiêu người mơ ước. Dù vậy cũng ngả mũ kính trọng cụ như bao vị anh hùng khác của dân tộc. Hôm nay trên các group trên facebook tôi làm Admin đều thay hình ảnh page bằng hình ảnh lá cờ rủ và chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp với comment bên dưới

Nhóm sẽ đổi ảnh wall trong 2 ngày quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp để tỏ lòng kính trọng với một “người con ưu tú của dân tộc Việt nam” chứ không phải là một “vị thánh của Việt Nam”.

 

Thành Nguyễn

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI