*Photo: Oksanax
Lần về quê thăm nhà vừa rồi, tôi có may mắn được hội ngộ với hai thằng bạn “dốt đặc cán mai” thời thơ ấu. Hai thằng song sinh, học cùng lớp với tôi hồi đó, với hai cái tên rất ngộ: Rô và Trê. Tên được đặt theo đúng phong tục cổ truyền Việt Nam cho “dễ nuôi”, ít ốm bệnh. Tuy tên ngộ nghĩnh nhưng chẳng có mấy ai dám trêu chọc chúng. Chúng siêu quậy.
Gia đình chúng có hai gác, vì thế có thể được coi là một trong những hộ… giàu có trong làng (thời đó dân tình còn nghèo rớt). Nằm phía sau nhà chúng là hộ nghèo nhất làng. Cơ ngơi của họ, từ nhà đến bếp, đều được làm bằng tre và rơm, như một gia đình từ thế kỷ 17 chẳng hiểu sao vẫn còn sót lại trên mặt đất. Lần đó hai thằng nhóc song sinh nghịch diêm trên cửa sổ tầng 2, làm tàn lửa rơi xuống cái bếp hàng xóm. Vèo một phát, cái bếp biến mất!
Bố của chúng thực hiện một cuộc truy đuổi khắp mọi ngóc ngách trong làng suốt ngày hôm đó, nhưng chỉ thấy thằng anh. Sáng hôm sau, bác Gù hàng xóm bước ra đường tập thể dục thì phát hiện thằng em song sinh lấp ló trên ngọn cây bàng. Nó đã ôm ngọn cây hơn một ngày, xuyên màn đêm lạnh lẽo, không một tiếng ho. Để có được nghị lực như thế, nó phải sợ bố hơn bất cứ điều gì trên thế gian này.
Bởi một khi ông bố đã đánh chúng, thì lên bờ xuống ruộng. Khá tàn bạo và ầm ĩ. Tôi từng tận mắt chứng kiến cảnh hai anh em nó, trần truồng, khóc mếu, tay che trym chạy loanh quanh trên vỉa hè. Ông bố cầm roi đứng gần đó, vụt tới tấp. Sau có người lớn xin xỏ mãi, ông mới chịu thôi.
Bên cạnh đánh đập, ông già còn nghĩ ra nhiều cách tra tấn, đến mức trẻ con hàng xóm chỉ nghe tên ông đã thấy rùng mình. Có giai thoại rằng nửa đêm, ông bắt thằng con cả ra ngoài nghĩa địa, ngồi lên mộ. Ông đứng đằng xa canh chừng. Nó mà rời khỏi mộ là ông xông vào đánh đánh. Thằng con ngồi run rẩy như thế một hồi lâu. Sau khi chán chê, ông bỏ về nhà, khóa trái cửa ngủ, mặc thằng con với cái nghĩa địa lạnh.
Vì hai đứa nó học dốt nên ông bố cũng chẳng kỳ vọng gì, chỉ mong chúng không bị đúp. Về chuyện học hành thì có vẻ như ông bố không tra tấn chúng: Đã có các thầy cô giáo làm thay rồi. Chẳng ngẫu nhiên mà vị trí quen thuộc của hai anh em nhà này là những cái góc lớp.
Hồi mới lớp 1, cô giáo ưa gọi chúng lên bảng làm phép tính. Đương nhiên chúng không thể. Vậy là 2 cái đầu cứ trồi lên thụt xuống liên tục theo nhịp thước của cô giáo. Bởi vậy, lần nào bị cô gọi chúng cũng run. Khi chúng lớn hơn một chút, giáo viên bắt đầu đánh chúng ở vị trí thấp dần xuống. Thường là mông.
Hết lớp 5, chúng thôi học, theo bố mẹ vào Sài Gòn làm thuê. Chẳng thể kỳ vọng gì hơn ở chúng khi có được một ông bố và những giáo viên tuyệt trần như thế.
Mặc dù đã nhiều năm không gặp, nhưng tôi còn mãi ám ảnh với chúng vì độ tàn bạo của… ông già chúng. Nếu là hôm nay, có thể ông ta đã được công an mời đi tâm sự. Nếu là tương lai, có thể ông ta sẽ được khuyến mãi một bộ lịch để bóc dần dần. Nghĩ về điều ấy, tôi bỗng thấy đồn công an và nhà đá mới thơ mộng làm sao! Tôi thấy tiếc vì những viễn cảnh tươi đẹp kia không xảy ra cách đây gần 20 năm.
Bạo lực mà chúng ta vẫn thấy trên trong gia đình và trên học đường mang tính kế thừa. Chúng là sự nối tiếp của truyền thống roi vọt từ quá khứ. Bạo lực Không làm đám trẻ thông minh hơn. Chúng ta phẫn nộ với chúng, nhưng rõ ràng, có thể dành một chút… vui mừng cho tình trạng bạo lực đang diễn ra hiện nay. Vì, không những chịu sự lên án, nó còn đang dần bị dập tắt. Và bởi vì chúng ta đang phẫn nộ với chúng, điều ít khi xảy ra trong quá khứ.
Trong quá khứ, một thằng học cùng khóa với tôi đã bị cả trường xa lánh. Nó bị thầy đánh và gọi gia đình lên giải quyết. Sau đó, bạn bè gọi nó là đồ lắm chuyện!
Vũ Kenzo