Nếu bóng râm kia là nỗi buồn, ngày nắng kia là niềm vui, tôi chọn ngồi trong bóng râm, yên tĩnh với nỗi buồn một lúc để biết mình đang được hay đang mất.
• • •
“Ngồi trong bóng râm vào một ngày nắng đẹp và nhìn ngắm cây cỏ xanh tươi là sự tĩnh dưỡng hoàn hảo nhất.” – Jane Austen
Tôi vốn là người sống không thật. Nhiều lúc không vui, nhưng vẫn cố tỏ ra vui vẻ để làm hài lòng người đối diện. Với bản thân, tôi không cho phép mình… buồn, không cho phép cái đầu được nghĩ tiêu cực, không cho phép giác quan nghỉ ngơi khi chưa xong việc (mà công việc thì có bao giờ xong? Nó là chuyện cả đời)
Phải nói rằng, sống như vậy khổ sở lắm, phải gồng mình lên, phải ngược đãi các giác quan, đàn áp cảm xúc của mình.
Em có đang như tôi không?
Tự nhiên ban cho con người 7 thứ cảm xúc cơ bản: vui, buồn, yêu, ghét, sợ, muốn và tức giận. Công bằng mà nói, 7 thứ cảm xúc này phải được luân chuyển, hài hòa trong mỗi con người thì mới gọi là người có đời sống tinh thần bình thường. Nhưng chúng ta thường có xu hướng níu giữ những niềm vui, và né tránh nỗi buồn, để đôi khi tự giam mình vào một thế giới cảm xúc không thật hoặc tìm một lí do nào đó vui vẻ để lý giải cho nỗi buồn. Chẳng ai muốn đối mặt với nỗi buồn.
Thỉnh thoảng, tôi chứng kiến người ta giao tiếp với nhau vô cảm, xuề xòa… Những câu chuyện mà chẳng có ai … buồn.
Hai thằng bạn học cùng đại học, chung một mơ ước, sau nhiều năm lăn lộn kiếm sống, tình cờ gặp nhau trên đường, hỏi han nhau:
– Mày khỏe không, giờ làm ăn sao rồi?
– Tao ổn, công việc hiện tại nhìn chung khá, cũng vui mày ạ.
– Uh, vậy là OK rồi mày. Hôm nào rảnh cafe hen.
(Trời ơi! Ai chẳng biết mày vừa nghỉ việc, cuộc sống đang khó khăn, sao mày không nói thật để tao chia sẻ với mày. Sao mày không nói, mày đang… buồn?)
Thời còn đi học, tôi biết một cô bạn rất đáng yêu và có năng khiếu văn nghệ. Em bảo tôi sau này, em mơ ước trở thành đạo diễn, hay đơn giản chỉ là một người viết, được viết, thế là hài lòng. Năm ngoái, tôi gặp lại em. Em giờ đã là một nhân viên ngân hàng, đã có gia đình, an phận. Bây giờ em bảo, em vui vì cuộc sống tạm ổn định, người chồng em dù là do ba mẹ sắp xếp cho em, nhưng đối xử với em rất tốt. Em nói vui mà mắt em nhìn xa xăm lắm, chẳng nhìn được thẳng vào tôi. Còn tôi nhìn em tiều tụy mà thấy trống vắng trong lòng một khoảng cũng xa xăm lắm. Tôi đâu cần em vui thế này? Sao em không nói với tôi là em đang… buồn, để tôi nhắc lại em ngày xưa tươi tắn, đầy sức sống đến thế nào?
Sao em không dành thời gian để… buồn?
Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu như ai đó chạy đến tôi mà nói: T ơi, mình đang buồn! Tôi thật cảm ơn biết nhường nào?
…
Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mĩ, Jane Austen từng nói: “Ngồi trong bóng râm vào một ngày nắng đẹp và nhìn ngắm cây cỏ xanh tươi là sự tĩnh dưỡng hoàn hảo nhất.” Mọi người đón nhận câu nói này đơn giản là một cách nghỉ ngơi, tìm một bóng râm và nhìn ngắm hoa cỏ rực sắc trong nắng. Còn với tôi, có lẽ tôi cố suy diễn nó theo cách nghĩ của riêng mình. Nếu bóng râm kia là nỗi buồn, ngày nắng kia là niềm vui, tôi chọn ngồi trong bóng râm, yên tĩnh với nỗi buồn một lúc để biết mình đang được hay đang mất.
Tôi là người có nhiều mơ ước, mơ ước lớn nhất của tôi là Hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc là gì?
Cuộc sống Saigon tấp nập, dường như chẳng còn phút giây để hít thở một hơi dài cho trong veo cái đầu. Có thời gian cao điểm, tôi 9 tiếng một ngày ở văn phòng làm việc, 4 tiếng về nhà buổi tối cũng làm việc nốt. Tuần này, xong việc, thư thả. Tối về tôi có thời gian đọc sách, chơi nhạc, ngồi lặng ở ban công ngắm đêm, nghe âm thanh thành thị từ xa vọng lại.. Xong xuôi, tôi ngủ một giấc no tròn cùng đêm.
Hạnh phúc.
Cuối tuần nào cũng vậy, tôi rời Saigon, trở về nhà. Một trưa, tôi đang ngồi viết trong căn phòng nhỏ thời thơ ấu của mình, mắt đăm chiêu nhìn ngọn tầm xuân ngoài cửa sổ thì mùi bữa trưa thơm phức – mùi ký ức vọng đến từ dưới bếp. Tôi tưởng tượng ra bàn tay mẹ tôi đang bày biện các món ăn vào mâm, ít phút nữa bà sẽ gọi lớn: T ơi, xuống dọn cơm, rồi mời ba về ăn cơm đi con!
Hạnh phúc.
Người vô gia cư ngoài phố mùa đông, nhìn ánh đèn hắt ra từ cửa sổ một gia đình mà mơ: mơ một nơi chốn để về, mơ một không gian mình có quyền sắp xếp đồ đạc theo ý thích, mơ chiếc bàn viết nhỏ cạnh cửa sổ, mơ một giá sách tinh tươm, một khung ảnh gia đình đặt trên..
Hạnh phúc.
Tôi nhận ra rằng, để mơ ước cho những điều lớn lao, ta cần điểm tựa tinh thần, cần niềm tin vào cuộc sống. Niềm tin ấy đến từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày, mà nếu không dành thời gian cho nó, có lẽ chẳng bao giờ ta có được.
Tôi nhận ra rằng, chính nỗi buồn chứ không phải niềm vui mới quan trọng. Buồn không phải là buồn thảm mà là nỗi buồn tích cực. Nỗi buồn cho người ta cảm giác hy vọng, vì nó mà vươn lên, cố gắng hơn, sống tốt hơn.
…
Em nói với tôi, mỗi ngày em sẽ hát lên câu hát yêu đời của ông Trịnh Công Sơn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” – Cuộc sống tràn ngập niềm vui như thế thì còn gì hạnh phúc bằng! Thế nhưng, nếu một ngày, nỗi buồn đến với em, mong em cũng đừng né tránh nó. Hãy thấu hiểu nó, sống với nó, từ nó mà lớn lên, dạn dĩ, thương yêu.
Cuối cùng, tôi thành thật xin lỗi nhạc sĩ Đỗ Bảo vì đã mượn cách nói Thời Gian Để Yêu của anh, để nói thành Thời Gian Để…Buồn. Tôi chỉ muốn điều gì đó công bằng cho nỗi buồn.
Nếu em đã dành Thời Gian để Vui, Thời gian để Yêu… thì cũng hãy dành Thời Gian để… buồn. Em nhé.
Đông Thụ – Biên Hòa 27.10.2013
Ừ thì buồn, cũng có sao… Cuộc sống này nỗi buồn lúc nào chẳng sẵn hơn niềm vui. Nói về ánh nắng và bóng râm, chẳng phải khi đứng trong bóng tối ngta luôn nhìn rõ hơn khi đứng ngoài sáng đấy sao! Thế nên cứ bình thản mà đối mặt với nỗi buồn đi.
Cảm ơn tác giả! 🙂
hì ! đọc xong cảm thấy thật nhẹ nhàng. Cho phép chuyển đoạn đầu thành thơ nhá 😀
Tôi đâu cần em vui như thế này
Sao không nói, rằng em đang buồn lắm
Để nhắc lại, em ngày xưa tươi tắn
Đầy sức sống, mãnh liệt đến thế nào
cám ơn anh vì bài viết, qua đó em cảm thấy như nói ra được gì đó về suy nghĩ của mình mà không thể dùng ngôn ngữ viết ra được 🙂
cảm ơn về bài viết này, Lúc sáng, có một cô nhóc lớp 12 hỏi tôi rằng ” chị học đại học có khó không?”. Tôi là sinh viên năm nhất, và trả lời rằng ” ờ, không khó lắm”. Tôi băn khoăn tự hỏi sao chưa có ai hỏi tôi ” học thấy vui không con, thích không con, có hứng thú không…?” Họ đâu biết rằng. cứ mỗi lần trả lời thì đôi mắt tôi nhìn xa xắm lắm, mang một nỗi buồn tựa như hơi thở, cứ diễn ra đều đều… Buồn để mà vươn lên, nhưng khi ta không thể làm chủ nỗi buồn, tức là nô lệ cho nó 🙂
🙂 Mình hiểu cảm giác của bạn, hồi mình trải qua năm nhất đại học, có lúc mình cũng mất phương hướng, buồn bã…nhưng vẫn phải giấu gia đình, không biết chia sẻ với ai. Nhưng đến một ngày, mình nhận ra, đó là nỗi buồn của hy vọng, khi những điều ta mong ước còn chưa làm được, ta tiếp tục buồn bã, hy vọng để vươn tới nó.
🙂 Nó hoàn toàn khác với nỗi buồn thảm, không có lối ra bạn ạ.
Chúc bạn luôn vui. 🙂
ờ thì ai cũng có nỗi buồn riêng của bản thân mình. Có hay không quyết hành động để nỗi buồn ấy là động lực. Cảm ơn những dòng chia sẻ từ anh.
;D
Cam on ban. Bai viet rat giau cam xuc va chieu sau.
Minh muon thac mac them mot chut: Jane Austen trong bai la nguoi viet cuon ‘pride and prejudice’, ‘sense and sensiblity’ phai khong ? Neu dung vay thi ba ay la nguoi Anh do.
Cảmơn bạn đã chia sẻ. Mình vừa đọc lại thông tin thì thấy Jane Austen là tác giả người Anh. 🙂 Mình sẽ sửa thông tin trong bài viết. 🙂