Featured Image: Wikipedia Commons
Trí óc con người ta thường lúng túng và lầm lẫn trước vấn đề tự do kinh tế. Trong suốt hai thế kỷ qua phương Tây đã là nơi thể hiện tính ưu việt của tự do kinh tế, nhưng như nhà thần học Michael Novak đã chỉ ra: “Trong lịch sử trí tuệ phương Tây, thóa mạ chủ nghĩa tư bản là một trong số ít đề tài được nhiều người thảo luận nhất”[1]. George Gilder, trong tác phẩm uyên thâm: Wealth and Poverty (Giàu và nghèo), đã buồn bã nhận xét rằng nhiều người có tư tưởng ủng hộ tự do kinh doanh không phải là vì họ đồng ý với những đặc điểm của nó (họ cho rằng đấy là sự suy đồi về mặt đạo đức), mà đơn giản là vì lý do công lợi: Nó tạo ra nhiều của cải hơn là chủ nghĩa tập thể có thể làm[2].
Nhưng, nếu chủ nghĩa tư bản tiếp tục là cái phần đầy sức sống của trật tự thế giới thì ngoài khả năng sản xuất vô cùng to lớn, nó còn phải được coi là có đức hạnh nữa. Những ai muốn coi tự do kinh tế là mục tiêu của sự tiến bộ của nhân loại, mục tiêu của công lý, của việc diệt trừ nạn đói trên thế giới, của bản thân nền tự do, thì họ phải coi chủ nghĩa tư bản không chỉ là nơi thể hiện lòng tham của con người mà chủ yếu là nơi thể hiện những hành vi mang tính đạo đức. Chủ nghĩa tư bản là cách sống không chỉ có thể giúp thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt vật chất mà còn thúc đây sự thăng tiến về mặt tinh thần nữa.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người, trong khi tìm kiếm những giá trị mà họ cho là xứng đáng, lại đang từ bỏ con đường dẫn tới tự do kinh tế và thay vào đó, ủng hộ những biểu hiện của chủ nghĩa tập thể. Nhưng đấy là con đường, như Walter Lippmann từng viết: “Sẽ dẫn tới vực thẳm của chế độ chuyên chế, đói nghèo và chiến tranh triền miên”[3]. Mục đích của tiểu luận này là khảo sát sự ruồng bỏ chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và chứng minh rằng nền kinh tế tự do – phương án thay thế cho chủ nghĩa tập thể – là lựa chọn đầy đức hạnh và xứng đáng cho từng cá nhân cũng như cho các dân tộc.
Nghịch lý của tự do
Nền kinh tế tự do là một đối tượng đầy mâu thuẫn. Người ta chống lại nó trong những cuộc thăm dò dư luận và ủng hộ nó khi cầm một nắm tiền trong tay. Các chính phủ theo đường lối tập thể để nó đứng đầu danh sách những kẻ thù không đội trời chung nhưng lại quay sang nhờ nó cứu chữa những căn bệnh trong nền của mình[4]. Giới tăng lữ bảo rằng tinh thần của chủ nghĩa tư bản là vô luân, nhưng chính nền tảng của thị trường tự do lại phụ thuộc vào cái mà Novak gọi là “việc áp dụng một số tiêu chí đạo đức”[5]. Thị trường tự do dường như đã trở thành một một con điếm xã hội: những người có mức thu nhập khác nhau, trình độ học vấn và văn hóa khác nhau cùng công khai lên án nó vì những tội lỗi mà họ qui kết cho nó đồng thời lại tìm kiếm nó khi có nhu cầu về mặt kinh tế.
Có thể đấy không phải là điều đáng ngạc nhiên. Xét cho cùng thì nền tảng pháp lý và tri thức của chủ nghĩa tư bản: Cá nhân là người tự do, có khả năng (và trách nhiệm) thực hiện những lựa chọn mang tính đạo đức và có một số quyền mà chính phủ không thể tước đoạt: quyền phản đối những giáo lý đã ăn sâu bén rễ vào tư duy mang tính tín tôn giáo truyền thống, tức là những giáo lý đã từng thống lĩnh tâm trí của con người kể từ ngày xuất hiện nền văn minh. Cốt lõi của tư duy truyền thống này – dù nó có được hay không được Plato, Khổng Tử, Rousseau, Castro hay Mao đưa ra thì cũng thế – là khẳng định rằng bản sắc của một người không phải bắt đầu từ chính anh ta mà bắt đầu từ cộng đồng, phường hội, bộ lạc, giai cấp xã hội, được xác định từ trước của anh ta, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là từ nhà nước của anh ta[6].
Trong khi đúng là Thiên chúa giáo (và đặc biệt là đạo Tin lành) đã làm suy yếu tư duy truyền thống – và đã tạo cảm hứng cho sự vùng lên của chủ nghĩa tư bản – thì trong thời Trung Cổ, hệ tư tưởng mang tính tôn giáo của cộng đồng, nhấn mạnh “tính chất quý phái”, trật tự xã hội và những quyền và đặc quyền đặc lợi dành cho người thuộc các đẳng cấp khác nhau đã được chính thức hóa cùng với Thiên chúa giáo. Cuộc cải cách của đạo Tin lành cũng như những học thuyết mà nó tạo ra cũng không thay đổi được ngay lập tức quan niệm về “quý” và “tiện” đã tồn tại trong xã hội từ bao đời nay[7].
Quý là giới tăng lữ, giáo sư đại học, hoàng thân quốc thích, chính khách và sĩ quan cao cấp; còn tiện là nông nô, thương nhân (những người bị khinh khi nhất) và những thị dân không thuộc tầng lớp quý tộc. Người ta có thể tưởng tượng được rằng trật tự “đạo đức” như thế rất được những tầng lớp trên ưa chuộng vì ngoài việc là những người thừa kế tự nhiên địa vị lãnh đạo đối với quần chúng, họ còn có quyền tự do áp đặt những giá trị “cao quý” của họ cho các thần dân và điều đó có nghĩa là áp đặt những đạo luật hạn chế chi tiêu và hàng ngàn điều luật chi phối hoạt động kinh doanh khác[8].
Nhà sử học Arthur M. Schlesinger Jr. chắc chắn là đã đồng cảm với trật tự tiền tư bản khi ông viết về nước Anh thời theo thuyết trọng tiền[i] như sau: “Nắm quyền lực là để áp đặt trách nhiệm, bằng ý thức về nghĩa vụ đối với nhau mà tất cả các giai cấp đều được đưa vào một cộng đồng hài hòa”[9]. Tuy nhiên, như đã thấy, hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân thường xuyên đe dọa nền tảng của chế độ phong kiến, rõ ràng là quần chúng không chấp nhận quan điểm đầy hào hứng của Schlesinger về tình trạng khốn khó của họ. Họ cảm thấy bất mãn, số phận của họ thật là đáng thương. Những tầng lớp dưới lúc đó cũng nghèo xơ xác chẳng khác gì những người nhà quê nghèo khổ nhất trong các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba cùng quẫn hiện nay.
Rất nhiều điều luật nhằm kiềm chế giá cả, ngăn chặn nguồn cung và quá trình sản xuất – mà trước hết là cản trở cạnh tranh – đã trở thành rào cản hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự phát triển về mặt kinh tế. Chỉ có giới quý tộc mới có thể là những người giàu có; nói cho cùng thì tầng lớp thượng lưu tin rằng tài sản là cố định, chỉ có thể đem ra chia chứ không thể gia tăng được. Người ở tầng lớp hạ lưu không thể nào tưởng tượng được là anh ta có thể có của cải. Cho nên trong thế giới cũ, “thế giới trần tục”, như Lippman viết, muốn giàu có thì “phải cướp bóc”[10]. Hàng xóm cướp của hàng xóm, thành phố này cướp của thành phố kia, còn các dân tộc thì thường xuyên cướp bóc lẫn nhau.
Chẳng có gì lạ là các giai cấp thượng lưu quý tộc trong giai đoạn hậu-trọng-tiền ở châu Âu không những không đánh giá được mà còn không hiểu được cuộc cách mạng xã hội và cách mạng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói cho cùng thì khi đọc tác phẩm Tài sản của các quốc gia (The Wealth of Nations) người ta hiểu rằng Adam Smith phát triển quan niệm của Quyền tự do Tự nhiên là để làm lợi cho người nghèo chứ không phải làm lợi cho người giầu.
Giới quý tộc, như Lippmann viết, không hiểu được sự kiện là “Nguyên tắc vàng là nguyên tắc có cơ sở vững chắc về mặt kinh tế”[11]. Họ không tưởng tượng được lợi ích mà các thương nhân tạo ra khi họ được tự do phục vụ những người khác, họ cũng không chấp nhận việc các thương nhân không chỉ làm giàu mà còn có cả địa vị xã hội nữa. Trên thực tế, Cách mạng Công nghiệp là cuộc cách mạng của người bình dân, còn những người có thời từng có tiếng nói quyết định ở chốn công cộng thì nay, trong chủ nghĩa tư bản dân chủ, lại bị tụt lại phía sau.
Và mặc cho sự gia tăng khủng khiếp về mặt tài sản và sức mạnh mà chủ nghĩa tư bản đã đem lại cho thế giới phương Tây, mặc cho những bước tiến vĩ đại trong việc xóa bỏ cảnh nghèo đói từng là hiện tượng phổ biến trong các nước đã công nghiệp hóa, thị trường tự do vẫn bị nhiều người bên ngoài lĩnh vực kinh doanh nguyền rủa – họ là giai cấp mới, đấy là nói theo lời của Kristol, những người đang tìm cách quyết định “chương trình nghị sự xã hội”. Đấy là những người có thái độ thù địch đối với việc kinh doanh, nhưng theo tôi, lý do của lòng thù hận lại ít liên quan tới những bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội hiện đang tồn tại trong xã hội chúng ta.
Nói cho cùng, những xã hội truyền thống mà nhiều người phê phán chủ nghĩa tư bản có cảm tình lại thường là những xã hội nghèo xác xơ, còn bất bình đẳng là chuyện bình thường. Như Kristol đã nói, họ ghét thị trường tự do là vì chế độ tư bản tự do, cá nhân chủ nghĩa, không cho họ nhiều quyền lực chính trị và xã hội[12]. Trong xã hội mà thị trường tư do có thể tồn tại được, quyền lực nằm ngay tại thị trường, và “được phân tán trong rất nhiều người dân chứ không chỉ tập trung trong tay tầnh lớp tinh hoa nắm quyền”[13].
Novak, trong khi bình luận về lòng căm thù chủ nghĩa tư bản mà dường như giới tăng lữ đang nuôi trong lòng, đã viết:
Trong những xã hội truyền thống, những người đứng đầu nhà thờ (dù ở Rome hay ở Geneva thì cũng thế) có quyền áp đặt những giá trị của họ lên toàn thể xã hội dân sự. Trong một xã hội đã phân hóa, những người đứng đầu nhà thờ khó mà có thể đóng được vai trò như thế. Vì vậy mà ta mới thường thấy sự thèm khát bí mật, thấy lòng hoài cổ còn rơi rớt lại về một xã hội được kế hoạch hóa, tức là cái xã hội lại cho phép những người đứng đầu nhà thờ liên kết với những người lãnh đạo dân sự nhằm buộc toàn bộ xã hội phải chấp nhận những giá trị của họ. Quan điểm của ông vua La Mã thế kỉ thứ IV[ii] lại tái xuất với tên gọi là chủ nghĩa xã hội và nhà nước tập quyền trong nền kinh tế hỗn hợp[14].
Chế độ dân chủ trên thương trường
Những người phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là những người có những thành kiến mang tính gia trưởng của giai cấp mới mà Kristol nói tới, đơn giản là không thích chế độ dân chủ vốn là một thành phần cố hữu trong hệ thống thị trường. Giới quý tộc không bao giờ tin các định chế dân chủ, đặc biệt là trong thời kỳ tiền tư bản; hậu duệ của họ – mặc dù có thể phải chấp nhận niềm tin vào quyền bình đẳng trong chế độ dân chủ – giống như cha ông họ, cũng không mấy tin tưởng vào quyền tự do lựa chọn. Vì vậy, khi họ nói về quyền bình đẳng thì họ không nói về sự bình đẳng trước pháp luật mà nói về sự bình đẳng do pháp luật tạo ra. Tôn giáo của họ đòi hỏi rằng bình đẳng là do giới tinh hoa cầm quyền ban phát.
Quan điểm như thế về pháp luật – ngăn chặn một số người và thả lỏng một số người khác – không phải xuất phát từ tinh thần bình đẳng được chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX tuyên xưng mà là xuất phát từ não trạng chuyên chế của tinh thần bộ lạc cổ xưa. Vì vậy mà kết quả của hệ thống pháp luận bình đẳng hiện đại do tình trạng ép buộc tạo ra – trong đó có thuế lũy tiến, tái phân phối thu nhập, trợ cấp nhà ở, tem phiếu lương thực thực phẩm và những chương trình phúc lợi xã hội khác hay kết quả khủng khiếp của chủ nghĩa tập thể mà ta chứng kiến trong suốt 50 năm qua ở Liên Xô và ở châu Á – phản ánh không phải là lòng từ bi xã hội hiện đại mà là cú nhảy giật lùi trở về thời đại của những ông vua tự cho mình là đang cai trị bằng luật lệ của Chúa trời[15].
Cần phải nhấn mạnh rằng não trạng như thế đã bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa tự do về quyền bình đẳng trước pháp luật rồi. Vì ở đâu mà sự bất bình đẳng trước pháp luật trở thành phổ biến thì ở đó bóng ma của chế độ chuyên chế, của bạo ngược, nghèo đói, và mất tự do cá nhân sẽ trở thành phổ biến.
Henry Hazlitt, Gilder, Kristol và những người khác đã khẳng định một cách đầy trí tuệ rằng những chương trình chống nghèo đói của chính phủ dựa trên sự bất bình đẳng hợp pháp thực ra là rào cản trước những lợi ích kinh tế tiềm tàng mà người nghèo có thể nhận. Nhưng họ vẫn chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa sự tập trung vào tay nhà nước và tinh thần gia trưởng của thời cổ đại. Đây chính là điều mà các nước có thể học được từ quá khứ vì sự kiện lịch sử rõ ràng là sự bất bình đẳng trước pháp luật, tình trạng cô lập ép buộc về kinh tế (gọi là tự cấp tự túc) và việc điều tiết thị trường đã dẫn đến không phải là những mục tiêu đáng mong ước mà ngược lại.
Chỉ có phân công lao động một cách tự do, thị trường tự do và bình đẳng trước pháp luật mới có thể dẫn người ta tới tự do và phát triển kinh tế mà thôi. Con người truyền thống đã phải đấu tranh rất lâu trước sự lựa chọn tự do hay là bánh mì, nhưng trải nghiệm tự do đã cho thấy điều ngược lại. Tự do làm cho người ta có nhiều bánh mì hơn và có nhiều thứ khác nữa.
Cuối cùng, cả tự do lẫn thịnh vượng tức là những tính chất cố hữu của chế độ dân chủ tư sản đã làm cho những người vẫn bám vào những lý tưởng xưa cũ của xã hội không tin vào thị trường tự do. Vì tự do trong chế độ này tạo điều kiện cho những người đã từng phải làm việc dưới quyền của những bạo chúa được tự cai quản lấy mình, còn thịnh vượng do thị trường tự do mang lại thì tạo điều kiện cho những người đã từng là những người khố rách áo ôm tự nuôi sống được mình và không còn phụ thuộc vào thói đỏng đảnh mang tính gia trưởng của tầng lớp quý tộc nữa. Lippmann đã từng nhận xét về những người đang đi tìm trật tự cũ như sau:
. . . công cụ thúc đẩy tiến bộ duy nhất mà họ tin tưởng là những biện pháp cưỡng bức của chính phủ. Họ không thể tưởng tượng nổi một cái gì khác hơn, họ cũng không thể nhớ được rằng rất nhiều điều mà họ coi là tiến bộ lại là kết quả của sự giải phóng khỏi quyền lực chính trị, của sự giới hạn quyền lực, của việc giải phóng năng lực cá nhân khỏi uy quyền và sự cưỡng bức mang tính tập thể”[16].
Và Frederic Bastiat đã tiên đoán một cách đầy thuyết phục kết quả sẽ đến với những người tìm kiếm cưỡng bức dưới chiêu bài tự do:
Đồng vốn – dưới tác động của học thuyết đó – sẽ ẩn nấp, trốn tránh và bị phá hủy. Còn người công nhân, những người làm việc cho những kẻ thề nguyền là yêu thương họ một các chân thành và sâu sắc nhưng vô minh đó, sẽ như thế nào? Họ có được ăn uống tốt hơn khi sản xuất nông nghiệp ngưng trệ hay không? Họ có được mặc tốt hơn khi không còn ai nghĩ đến việc xây nhà máy nữa hay không? Họ có nhiều công ăn việc làm hơn khi đồng vốn không còn hay không?[17]
Cho và nhận
Người cho bao giờ cũng được tôn trọng hơn là người nhận,và quan điểm truyền thống bao trùm thời đại là chủ nghĩa tư bản đơn giản là nền kinh tế nhận, nghĩa là người nghèo thì làm còn người giàu thì nhận. Do đó quan điểm của ông John C. Bennett, chủ tịch danh dự của Trường thần học, là nền kinh tế tự do, nếu không được chính phủ cải tạo, là “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”[18]
Tự do kinh tế, như đã được chứng minh suốt hai thế kỷ qua, đã đưa đến sự phát triển chưa từng có về mặt tài chính, đã mang tới cho các dân tộc thực hành nó số tài sản vượt xa ngay cả những vương triều giàu có nhất thời cổ đại. Nhưng các nhà phê bình vẫn coi tinh thần của tự do kinh tế là “lòng tham kiếm lời vô giới hạn của các doanh nhân”[19]. Schlesinger, một người ủng hộ nổi tiếng cho nền kinh tế kế hoạch hóa, coi triết lý tự do kinh doanh là tín điều vô chính phủ: “mọi người phải tự lo và khôn sống mống chết”[20]. Còn Ronald J. Sider, tác giả cuốn Về những người Thiên chúa giáo giầu có trong thời đại đói nghèo (of Rich Christians in an Age of Hunger), thì cho rằng sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đơn giản chỉ là sản phẩm của lòng tham mà thôi:
Người ta không thể đọc câu chuyện ngụ ngôn về một người ngu ngốc giàu có [trong Kinh Tân Ước] mà không nghĩ tới xã hội của chúng ta. Chúng ta hăm hở làm ra thật nhiều món đồ tinh xảo, xây những ngôi nhà cao hơn và to hơn, chế ra những phương tiện vận tải nhanh hơn không phải vì những đồ vật đó làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn mà vì chúng ta bị ám ảnh là phải sở hữu ngày một nhiều hơn. Lòng tham – phấn đấu để càng ngày càng có nhiều đồ vật hơn – đã trở thành thói xấu chủ yếu của nền văn minh phương Tây[21]
Những lời kết án như thế – nhiều lời kết án đến nỗi người ta buộc phải đặt ra những câu hỏi hiển nhiên như sau: Sự cải thiện to lớn về mặt vật chất, những loại thuốc cứu người, nền giáo dục đại chúng, không còn nạn đói, việc xóa bỏ những cơ cấu đã từng nô dịch những người nghèo khổ và quan niệm về quyền tự do cá nhân, đều xuất phát từ lòng tham, từ sự thèm muốn, từ ước muốn làm hại những người đồng bào của mình hay sao? Phải chăng lợi ích kinh tế do hậu duệ của những người đã từng là nô lệ thu được trong hai trăm năm qua chỉ là vết chàm về mặt đạo đức?
Xin để cho độc giả tiểu luận này tự trả lời những câu hỏi đó. Nhưng quan điểm của tôi là: Chủ nghĩa tư bản đã mang lại những cải thiện kinh tế to lớn cho những dân tộc thực hành nó; đấy là điều không thể tranh cãi. Nhưng, nếu nhiều người – đặc biệt là những người có quyền đưa ra chương trình nghị sự cho xã hội – coi thị trường là môn bài của lòng tham, sự đồi bại và phá sản về mặt đạo đức, thì các dân tộc sẽ tiếp tục lao vào chủ nghĩa tập thể và sự can thiệp của nhà nước và thị trường tự do sẽ thoái hóa thành lừa đảo, hối lộ và tham nhũng, đấy là chợ đen[22].
Trong khi thiết lập những tiêu chí đánh giá chủ nghĩa tư bản, tôi tin rằng thị trường tự do phải vượt qua được hai cuộc kiểm nghiệm. Thứ nhất, nó phải phù hợp với Nguyên tắc Vàng được vinh danh từ thời cổ đại; thứ hai, xã hội tạo ra hệ thống tư bản chủ nghĩa phải là xã hội đức hạnh đáp ứng được một số nguyên tắc đạo đức nhất định.
Sống với Nguyên tắc Vàng
Trong nền kinh tế cướp bóc, khó mà thực hiện được Nguyên tắc Vàng: “Cái mình không muốn, chớ làm cho người[iii]”. Nếu chỉ có thể giành được tài sản bằng cách moi của người khác thì rõ ràng là người ta không thể trở thành giàu có mà vẫn có thể sống theo Nguyên tắc Vàng được. Người ta hoặc là phải ăn cắp (mặc dù không ai muốn bị gọi là kẻ cắp) hoặc là phải sống trong cảnh nghèo nàn (đấy là lý do vì sao nghèo lại được tư tưởng tôn giáo truyền thống coi trọng đến như thế). Tư duy truyền thống tuyên bố rằng xã hội được chi phối bởi Nguyên tắc Vàng phải là xã hội nghèo nàn; và dễ hiểu vì sao một đầu óc bị chi phối bởi những tư tưởng như thế sẽ coi xã hội tư bản là xã hội cướp bóc.
Nhưng như Lippmann, Mises, Gilder và những người khác đã biện luận, sự thịnh vượng của thị trường tự do không phải là kết quả của trộm cắp mà là kết quả của sự hợp tác và sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau. Luận điểm của Lippmann về xã hội tốt đẹp là xã hội đức hạnh, xã hội hợp tác, một xã hội chỉ có thể trở thành hiện thực khi thực hành những nguyên tắc của thị trường tự do. Ông viết như sau:
Tất cả chuyện này [sự thịnh vượng của phương Tây] không phải là do sự khai sáng tự phát hay sự bốc đồng của lòng tốt. Bản tính của con người không thể thay đổi một cách đột ngột được. . . . . Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người con người tìm được biện pháp làm giàu, trong đó vận may của của tha nhân lại làm gia tăng vận may của chính họ. Khi David Hume có thể nói (1742) … “Tôi xin đánh bạo mà nói rằng, không chỉ như một người bình thường mà như một thần dân của nước Anh, tôi cầu nguyện cho nền thương mại thịnh vượng của nước Đức, nước Tây Ban Nha, nước Italy và thậm chí của chính nước Pháp nữa” thì đấy là thời khắc vĩ đại trong lịch sử chinh phục, cướp bóc và áp bức kéo dài. Trước khi Nguyên tắc Vàng trở thành hợp lí về mặt kinh tế, nhiều người đã không nghĩ như thế[23].
Muốn làm giàu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, như Gilder nhận xét, trước tiên người ta phải cho chứ không phải là nhận. “Quà tặng của chủ nghĩa tư bản tiến tiến trong nền kinh tế tiền tệ được gọi là đầu tư . . . . Món quà đó sẽ chỉ thành công trong chừng mực nó mang tính vị tha và xuất phát từ việc nhận thức được nhu cầu của tha nhân”[24]. Mises viết:
Phục vụ người tiêu dùng là cách làm giàu duy nhất. Nếu không đầu tư vào những dây chuyển có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu của xã hội thì nhà tư sản sẽ đánh mất vốn liếng ngay lập tức[25].
Trong hệ thống tự do như thế, người ta chỉ nhận được thù lao khi người bên cạnh cũng nhận được thù lao. “A” được chỉ lợi — đấy là nói khi tự do lựa chọn thắng thế – bằng cách cung cấp cho “B” sản phẩm hoặc dịch vụ mà “B” cảm thấy là đáp ứng được nhu cầu hay sở thích của mình[26]. Nếu tương tác này không còn thì mạng lưới hợp tác phức tạp làm nhiệm vụ củng cố hệ thống tư bản cũng sụp đổ ngay lập tức. Nếu không tin vào nhà sản xuất thì người bán sẽ không bán, nếu không tin vào sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có thì người tiêu dùng sẽ không mua. Không thể đầu tư nếu những người có thể tiết kiệm và đầu tư không còn tin cũng như chẳng còn quan tâm tới tương lai nữa.
Như Leonard Read đã chứng minh trong bài báo – “Tôi, một chiếc bút chì”, công bố hồi năm 1958 – rằng ngay cả những sản phẩm sơ đẳng được sản xuất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng là kết quả của sự hợp tác của hàng ngàn người, thậm chí kể cả những người do tín ngưỡng hoặc chỉ nhìn thấy thôi mà có thể ghét nhau rồi. Đấy là sức mạnh của thị trường tự do. Không phải ngẫu nhiên mà, như Hans Sennholz đã chỉ rõ, thế kỉ XIX, một thế kỉ từng bị những người phê phán coi là một trăm năm bóc lột lại là thế kỉ hòa bình nhất trong lịch sử loài người[27].
Nền tảng của đạo đức
Vào năm 1776, khi Adam Smith trình bày luận điểm của ông trong tác phẩm Tài sản của các quốc gia (The Wealth of Nations), ông đã nhận ra rằng trật tự thị trường tự do không xuất phát từ những người hám lợi, tham lam và ác ý mà xuất phát từ xã hội, trong đó những giá trị đạo đức được coi là quan trọng, xuất phát từ xã hội, nơi óc sáng tạo, sự đồng cảm, tính tiết kiệm và trì hoãn thỏa mãn trong hiện tại để được tưởng thưởng trong tương lai, được mọi người coi là đức hạnh. Trật tự như thế đã được hình thành ở New England theo Thanh giáo, đấy là nơi mà đức hạnh – có vai trò sống còn đối với sự hình thành thị trường tự do – đã trở thành nền tảng cho khu vực tạo ra tinh thần Tự lực cánh sinh của Mĩ[iv].
Thanh giáo ban phước lành cho việc theo đuổi những lợi ích như thế (làm việc, tiết kiệm và kinh doanh) và chỉ rõ rằng ý Chúa – thông qua việc làm hàng ngày của mỗi người – có thể có lợi cho xã hội nói chung… Đấy là do người Thanh giáo… sẵn sàng trì hoãn sự thỏa mãn mà tư bản mới được tích lũy còn đầu tư thì tạo ra những sản phẩm mới[28].
Ngược lại, người ta có thể nói rằng những xã hội chỉ muốn trục lợi và có ít những phẩm chất đạo đức được mô ta bên trên cũng là những xã hội có ít, thậm chí không có tương lai kinh tế nào. Vì như Novak đã tuyên bố một cách đầy thuyết phục rằng chủ nghĩa tư bản không phải là kết quả chung cuộc cuộc của chủ nghĩa duy vật. Mà chủ nghĩa duy vật là khát khao vô độ, muốn được thỏa mãn ngay lập tức – trái ngược với thị trường tự do. Ông viết như sau:
Phát triển kinh tế một cách bền vững không chỉ là sự dư thừa về mặt vật chất; nó xuất phát từ và tiếp tục đòi hỏi người ta phải có một số phẩm hạnh. Nếu những phẩm hạnh như thế không còn thì sự phát triển bền vững cũng sẽ tiêu ma. Nền văn hóa hưởng lạc, chỉ nghĩ đến mình, có vẻ như sẽ không đầu tư cho tương lai của chính nó hoặc không chịu thực hiện những hi sinh cần thiết cho sự thịnh vượng của chính nó[29].
Phát triển kinh tế là kết quả của tự do
Mặc dù tốc độ phát triển kinh tế ngoạn mục đã xảy ra cách đây hơn 200 năm, nhưng nếu đặt hai thế kỷ đó trong dòng chảy hàng triệu năm của lịch sử nhân loại thì đấy cũng chỉ như là một chớp mắt mà thôi. Mức sống của những con người mà số phận là phải sống trong đói nghèo và áp bức đã gia tăng nhanh chóng, có thể là quá nhanh đối với phần đông những người đã tham gia hay bị lôi kéo vào trật tự tư bản chủ nghĩa. Tự do kinh tế đã mang đến cho người ta nhiều lợi ích, nhưng ít người hiểu được vì sao sự thịnh vượng lại gia tăng một cách bất ngờ đến như thế. Những người sẵn sàng đi theo những triết lý truyền thống đã bám chặt vào đầu óc của họ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ rao bán chủ nghĩa tập thể và ép buộc, coi đấy là con đường dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn.
Nhưng bóng ma của tự do đã thoát ra rồi và con người, ngay cả khi không hiểu rõ làm sao mà tự do lại tạo cho họ cơ hội kinh tế, cũng đã được nếm hoa thơm trái ngọt của nó. Vì từng cá nhân đã được tự do, gông xiềng – từng một thời trói buộc người nô lệ, và thậm chí trói buộc cả những ông vua chuyên chế của họ nữa – trong thời tiền tư bản ít nhất là đã tạm thời được tháo bỏ. Vì thế mà người ta có thể ước mơ về một đời sống tốt đẹp hơn ở ngay chính nơi mà tổ tiên của họ từng phải chấp nhận tình cảnh nghèo khổ.
Kinh nghiệm của nền kinh tế tự do làm cho người ta vừa lạc quan lại vừa bi quan. Lạc quan là vì, như đã thấy trong suốt 200 năm qua, tự do mang đến cho tất cả mọi người một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không còn thế lực có thể làm người ta phải sợ hãi. Nhưng người ta cũng bi quan vì có quá nhiều người không hiểu được những đức tính tốt của nền kinh tế tự do và vì vậy mà họ quay sang chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa quốc gia với hi vọng rằng áp chế sẽ giúp họ thực hiện được những giấc mơ của mình.
Nền kinh tế tự do tạo điều kiện cho người ta trở thành những người đức hạnh, tạo điều kiện cho người ta thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng trung thực và được tưởng thưởng vì có những đức tính tốt đó, làm cho những người đồng bào của mình có một đời sống tốt đẹp, giúp cho thế giới thoát khỏi dịch bệnh, đói nghèo và những tai họa khác đang săn đuổi những kẻ yếu đuối nhất trong chúng ta. Nó thúc đẩy hợp tác chứ không phải là xung đột, nó khuyến khích hòa bình chứ không phải là chiến tranh.
Khi Lippmann hô hào những đồng sự của mình quay lưng lại với cuộc vận động trở về với chủ nghĩa quốc gia trong những năm 1930 thì ông đã bị nhiều bạn bè, thuộc phái “tự do” chế giễu và tuyên bố là “tên phản động”. Nhưng hóa ra nhiều quan điểm thấu triệt của ông lại là đúng đắn và nhiều dự đoán của ông về cuộc chiến tranh sắp tới là chính xác. Hiện nay cũng vẫn còn đúng.
Thông điệp của Lippmann và cũng là thông điệp mà 200 năm tự do từng tuyên bố là: Xã hội tốt, một xã hội trong đó người dân có thể đấu tranh cho công lý, đức hạnh và một đời sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người chỉ có thể trở thành hiện thực khi người ta hành động nhằm “bảo vệ và đấu tranh nhằm hoàn thiện sự tự do của thị trường”[30].
Đấy không phải là một giấc mơ không tưởng vì những người tin vào không tưởng thì cũng là những người tin rằng có thể ép buộc con người để họ trở thành hoàn thiện hơn. Tôi không thể chấp nhận ý tưởng cho rằng vì một lý do nào đó con người sống trong cái thế giới mà chúng ta đang thấy sẽ không còn muốn phạm tội nữa. Nhưng thị trường tự do sẽ giúp đỡ con người – với sự bất toàn của họ – xây dựng được một thế giới thịnh vượng hơn, dễ chịu hơn, công bằng hơn và đức hạnh hơn.
[themify_box style=”purple rounded” ]Bill Anderson giảng dạy kinh tế học tại Covemant College in Tennessee.[/themify_box]
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: The Morality of Capitalis. Edited by Mark W. Hendrickson.
The Foundtion gor Economic Education, Inc. Irvington-onHudson, New York 10533.
http://bookhunterclub.com/vien-canh-kinh-te-nao-sau-khung-hoang-cua-kinh-te-tan-tu-do/
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 người ta đã cất chủ nghĩa kinh tế tự do vào tủ sách rồi bạn ơi. Nó chỉ đẹp trên lý thuyết thôi. Bạn đọc cuốn “23 vấn đề họ không nói với bạn về chủ nghĩa tư bản” của Ha-Joon Chang chẳng hạn! Quyển này vạch trần luận điệu của các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do đấy!
“Ha-Joon Chang is a hack.”
http://www.reddit.com/r/Anarcho_Capitalism/comments/25upza/economics_is_politics_says_hajoon_chang/chl00t1