27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDTT8] Rừng Na-uy – Ai trong chúng ta cũng thấy một chút gì đó của riêng mình trong từng nhân vật

Featured Image: Bìa sách “Rừng Na-uy” phiên bản tiếng Anh

 

“Không ai trên đời đọc cùng một quyển sách.” – với bài giới thiệu này, tôi nghĩ đây là cách phù hợp nhất để mở đầu, vì tác phẩm mà tôi đang nói tới có lẽ không còn xa lạ gì với độc giả trong nước và quốc tế. Cá nhân tôi cũng từng đọc những bài review và thử hỏi ý kiến của người thân xung quanh về cuốn sách này, sau cùng tôi rút ra được kết luận cho bản thân: Nếu bạn thích Rừng Na-uy, thì bạn sẽ rất thích, còn nếu bạn không thích, thì tuyệt nhiên bạn sẽ không hiểu nó hay ở điểm nào. Mà có thể điều này không chỉ đúng với “Rừng Na-uy”, mà dường như nó đều đúng với tất cả các tác phẩm của Haruki Murakami.

Dựa trên những luồng ý kiến mà tôi thu nhận được, cách mà mọi người tiếp nhận tác phẩm này – dù yêu hay ghét – đều mang những sắc thái riêng khác nhau, hoặc nói một cách khác – mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi người. Đối với cá nhân tôi, đó là những tháng ngày vật lộn với cái Tôi của tuổi trẻ, là những nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, là sự hoà quyện giữa những tầng sâu thẳm của mất mát và những điều tinh tuý, đẹp đẽ nhất của cuộc sống, và quan trọng hơn cả – có lẽ đối với bản thân tôi – “Rừng Na-uy” là một tác phẩm mà ở đó, những linh hồn lạc lõng, khiếm khuyết tìm thấy nhau, sưởi ấm cho nhau giữa dòng đời luôn không ngừng biến đổi.

Có lẽ ở “Rừng Na-uy”, ai trong chúng ta cũng thấy một chút gì đó của riêng mình trong từng nhân vật, dù đôi khi họ mang những tính cách hoàn toàn đối lập nhau; riêng bản thân mình, tôi tìm thấy sự cô độc đến đáng ngại của Naoko, từ tâm lý đến thể xác, chúng cộng hưởng với những mất mát về tinh thần, hoà thành một khối u tối đặc quánh đè nặng lên tâm hồn và khả năng dàn trải chúng ra thành lời nói, ngôn ngữ của cô.

Nhưng đồng thời, tôi cũng tìm thấy mình trong Midori, và thậm chí điều này còn mạnh mẽ hơn cái mảng u tối kia. Ở cô có sự vô tư, một nguồn năng lượng tươi mới, như nắng vàng trong buổi trưa hè, như một đoá hoa tinh nghịch đung đưa trong gió. Cô kì quặc một cách dễ chịu lạ lùng, đó thực sự là những gì tôi cảm nhận về cô, một cô gái nhỏ với sức sống mạnh mẽ tiềm tàng. Và điều khiến tôi đồng cảm với Midori nhất, có lẽ chính là hoàn cảnh tuổi trẻ mâu thuẫn, trớ trêu mà không biết có nên gọi rằng bất hạnh hay không, và cách mà cô tiếp nhận nó, chính xác là lạc quan một cách quái đản.

“Muốn nấu món hầm cho anh mà không có nồi.
Muốn đan chiếc khăn cho anh mà chẳng có len.
Muốn viết một bài thơ tặng anh mà không có bút.”

Và cả Kizuki, Reiko, Nagasawa, Hatsumi, Quốc-xã và dĩ nhiên không thể thiếu Toru Watanabe. Nếu nói về sự đồng cảm của bản thân với từng nhân vật, có lẽ nói cả ngày cũng không hết được, tôi chỉ có thể nói rằng, tất cả những bức chân dung đó, không chỉ khắc hoạ hình ảnh những con người trẻ những năm 1960 đầy biến động ở Nhật Bản, mà đó là bức tranh toàn cảnh của những con người trẻ ở khắp mọi ngõ ngách trên thế giới, ở mọi thời đại. Họ có thể chìm đắm trong quyền lực, sa ngã trong dục vọng, nghiện ngập hay tự dày vò bản thân bằng nỗi đau của mất mát, hay họ cũng chỉ là những con người trẻ bình thường với những suy nghĩ bình thường, nhưng tất cả những số phận đó, họ đều có nỗi đau rất riêng, một nỗi đau mang tính chất thế hệ.

Cũng đừng vội kết luận rằng tuổi trẻ rất đau đớn, rất khó khăn, dù với một số người nó thực sự như thế. Tôi cũng không khuyến khích, hay cổ suý cho những suy nghĩ tiêu cực, nhưng đồng thời tôi cũng không có quyền lên án điều đó. Tôi cũng chỉ là một con người trẻ, với một khối óc trẻ, chính bản thân tôi cũng đang phải đấu tranh từng ngày không chỉ với cuộc đời, mà với chính bản thân mình.

Cũng như bao người trẻ khác, tôi cũng đứng trước những chuyển biến mạnh mẽ của thế giới xung quanh, của xã hội; trăn trở và suy nghĩ về một tương lai không tưởng. Chúng tôi phải đấu tranh, phải lựa chọn giữa những điều từ to lớn như luồng tư tưởng, con đường sự nghiệp, mục đích cho sự tồn tại của bản thân cho đến những thứ lặt vặt như nhận dạng tính chất sự việc qua thông tin báo đài, sự thật giả trong các mối quan hệ, cách để hoà nhập xã hội… Và tất cả chỉ mới là sự bắt đầu.

Chấp nhận tất cả là những điều mà tôi có thể làm ở hiện tại. Cũng như tôi chấp nhận rằng tình yêu giữa Naoko và Toru không là mãi mãi, tôi chấp nhận cái chết của những con người trẻ trong “Rừng Na-uy” một cách nhẹ nhàng, và dường như nó không có gì là quá khó hiểu đối với bản thân tôi. Tôi chấp nhận rằng thế giới này đầy khiếm khuyết, từ nhỏ bé cho tới những khuyết điểm không chữa trị nổi, tôi chấp nhận rằng bản thân mình cô độc và khó có thể hoà nhập với xã hội, tôi chấp nhận rằng bản thân mình cũng có những điểm xấu xí. Tôi không cam chịu, tôi chỉ học cách chấp nhận những thứ mà tôi không có khả năng thay đổi.

Và tôi học cách tận hưởng cuộc sống này hết mức mà mình có thể, chỉ là những điều giản dị nhất, như được ở bên cạnh người mình yêu quý, cùng nhau đi dạo, hay nuôi một chú cún, hay đùa với một đứa trẻ, được lặng người nhìn ngắm một khung cảnh thật đẹp, nấu một món ăn thật ngon cho gia đình, nghe một bản nhạc thật hay…

Tôi viết ra những dòng này, trước là để chia sẻ những cảm nhận cá nhân của mình, sau là muốn nói với những người trẻ như tôi, nếu như họ cũng đang lạc lõng, cô độc giữa xã hội mà những chương trình quảng cáo luôn ra rả rằng “mọi thứ thật hoàn hảo” kia, giằng xé giữa những khoảng u tối và những gì đẹp đẽ nhất trong tâm hồn, giữa những tư tưởng, mang những nỗi niềm về ý thức bản ngã, hay thậm chí họ có thể nghĩ đến cái chết; thì tôi cũng chỉ muốn nói rằng “Tôi hiểu.

“Rừng Na-uy” không hẳn là cuốn sách mà tất cả mọi người nên đọc, nhưng tôi nghĩ những con người trẻ đang đứng giữa lưng chừng sự non nớt của tuổi thơ và những khó khăn để trưởng thành thực sự cần cuốn sách này. Đối với cá nhân tôi, dù đã đọc gần như tất cả các tác phẩm của Haruki, tôi vẫn quay về với tác phẩm đầu tiên của ông mà tôi tình cờ đọc được, chính là “Rừng Na-uy”.

Ở tác phẩm này của ông, tôi luôn cảm thấy như mình được ngồi trước lò sưởi vào một ngày giá lạnh, trong căn phòng chỉ có ánh sáng từ ngọn lửa đang bập bùng cháy toả ra, dù từng trang sách có lẽ đều lấp đầy những nỗi niềm đau đáu, nhưng tuyệt nhiên cá nhân tôi thấy nó ấm áp đến lạ lùng. Cảm giác như gặp được người bạn tri kỉ lâu năm, như được ai đó quan tâm, vỗ về khi ta ốm.

Tôi nghĩ, một trong những điều ý nghĩa nhất mà “Rừng Na-uy” mang lại cho tôi, không chỉ là sự đồng cảm, mà là ý thức về sự tồn tại của bản thân, và thay đổi quan niệm thông thường giữa tồn tại-không tồn tại, giữa sống và chết. Có những tâm hồn đã chết nhưng vẫn đang sống, và dù đã chết nhưng vẫn sống mãi. Kizuki mãi mãi là một cậu bé 17, và Naoko mãi mãi sống ở tuổi 20. Con người ta thường sợ hãi, tránh né và xem cái chết là một điều xấu xí, không tốt đẹp, nhưng họ lại không thể ngờ rằng đôi khi những điều đẹp đẽ nhất lại sinh ra từ những mất mát đó, chúng ta học từ cái chết, chứ không phải tránh né nó.

“[…] ‘Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống.’ Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết.”

 

Huệ Minh


Cuộc thi hân hạnh được tài trợ bởi ThachPham.com (website hướng dẫn tạo blog), Phi Tuyết, hai thành viên giấu tên, Karmi Phuc (developer chính của THĐP)

Các bài viết dự thi tháng 8

Bảng điểm và nhận xét các bài thi

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Nhận xét của BGK (còn cập nhật)

    Nguyễn Hoàng Huy: Bạn viết khá, chững chạc, tuy nhiên có nhiều câu còn chưa gãy gọn, sử dụng quá nhiều chữ “mà” không cần thiết, một điểm trừ lớn. Đôi khi chững chạc quá nó cũng biến thành khô cứng, hết ngây thơ, tươi trẻ. Có vẻ như mình không có cảm tình với bài này bằng bài kia, cũng cùng giới thiệu tác phẩm này. Câu đầu tiên nằm trong ngoặc kép khiến mình thắc mắc không biết ai nói vì không thấy bạn ghi ra. Chấm điểm: 71/100

    Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo: Điểm nổi bật của bài viết này là cảm nhận và suy nghĩ của tác giả về quyển sách. Bài viết gọn gàng, đầy đủ, trôi chảy, không có lỗi chính tả và không gây khó chịu cho người đọc. Có một số từ ngữ và cách miêu tả hay, thú vị.

    Bạn giới thiệu rất tốt những giá trị tinh thần mà tác phẩm mang lại, tuy nhiên đó là dưới góc nhìn của riêng bạn, chưa giới thiệu nội dung câu chuyện hay một vài tình tiết hấp dẫn hoặc một số lưu ý cần có (về sex và cái chết hay tính bi kịch trong suốt tác phẩm). Tóm lại đọc qua bài giới thiệu của bạn mình không tưởng tượng được trong tác phẩm sẽ có cái gì.

    Mình thích đoạn nhận xét của bạn “Rừng NaUy không phải là cuốn sách mà mọi người nên đọc…”. Bài viết tốt nhưng chưa thật sự xuất sắc. Chấm điểm: 77/100

    Đoàn Minh Hằng: Chị đã đọc cuốn sách này được một nửa và chị hiểu những gì em muốn nói. Đây thực sự là cuốn sách cho lứa tuổi 20. Có một điều duy nhất, hơi nguy hiểm, nếu ai đó cho rằng đọc xong cuốn sách này coi sự chết là một sự nhẹ tênh. Tuổi trẻ có thể làm mọi điều rồ dại, sai lầm, sống trong trạng thái cô độc, chênh vênh, điên cuồng, nhưng làm ơn xin đừng coi cái chết là một sự nhẹ tênh. Và làm ơn đừng chết. Chị cũng đã đi qua những năm tháng rất khó khăn của tuổi trẻ, và đều cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều. Và cái may mắn nhất trong cuộc đời này là chúng ta được sống. Khi được sống, Chúng ta tạo ra nhiều giá trị hơn sự chết. Đừng ca ngợi những cái chết như trong truyện. (Xin lỗi vì không bàn đến toàn bộ bài viết. Vì đọc đến đoạn cuối chị hơi hoảng hốt.) Cái chết chỉ thực sự là trọn vẹn nếu người ta sống trọn vẹn thôi em. Nếu 20 tuổi đầu đã chết vì tự tử và chúng ta tôn vinh cái chết đó, cho rằng đó là sự chết đẹp, thì chưa chắc đã là một tư tưởng nên có. Bài viết khá. Chấm điểm 70/100

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI