Tháng 7 đến, hè nắng nóng dữ dội cũng như mùa thi năm ấy. Ngày báo điểm, tôi trượt đại học. Tôi ngồi thẫn thờ bên bàn học, như thể không thể tin vào mắt mình nữa. Mọi thứ dường như sụp đổ, tôi tuyệt vọng đến cùng cực. Tâm trạng tôi tuột dốc không phanh, nó cực kì kinh khủng như đám mây mù đen tối bao trùm lên tôi. Lần đầu tiên tôi nếm trải thất bại, mùi vị quả là rất tệ.
Tôi phải thông báo với bố mẹ, những người gần như tin tưởng vào việc tôi sẽ đậu Đại học kết quả ngược lại. Tôi vẫn luôn biết ba mẹ thương tôi nhưng không ngờ họ không một lời trách móc, không tỏ ra khó chịu khi tôi vì thất bại của mình mà trở nên cáu gắt vô cớ. Tôi biết họ cũng đau buồn như tôi nhưng ba mẹ vẫn cố tỏ ra bình thường để không gây áp lực cho tôi. Mẹ ít nói hơn nhưng chăm sóc tôi nhiều hơn trước. Có lẽ mẹ sợ những tư tưởng ấu trĩ của giới trẻ, sợ tôi nghĩ quẩn.
Thực ra tôi cũng từng có ý nghĩ buông xuôi bản thân trong những lúc ngồi trong phòng một mình và thấy bản thân tệ hại và vô dụng. Nhưng nghĩ về ba mẹ mà tôi không thể, họ vẫn còn tin tưởng nơi tôi. Tôi giam mình trong phòng, tự hành hạ bản thân bằng cách nhịn ăn và không thèm nói chuyện với mọi người trong nhà. Những ngày sau khi biết kết quả đại học, tôi cắt đứt mọi liên lạc với đám bạn, thầy cô. Những tin nhắn, những cú điện thoại cứ vang lên nhưng tôi phớt lờ đi.
Và khi tâm trạng bất ổn của tôi giảm bớt đi thì tôi lại phải hứng chịu những cú áp lực từ bên ngoài. Tôi như đứa trẻ con bị bắt quả tang làm chuyện xấu, họ tra hỏi dồn dập, họ liếc nhìn, tắc lưỡi, lắc đầu ngao ngán. Tôi đâm sợ hãi, trốn tránh gặp gỡ mọi người để tránh bị làm phiền. Thật sự tôi không dám đối diện với sự thật là tôi đã rớt đại học. Tôi luôn cứ phải mỉm cười với những người đó. Tôi lấp liếm, nói dối là đã đậu vào một trường nào đó, bởi vì tôi sợ phải thừa nhận thất bại của bản thân, tôi sợ khi người ta biết tin đó sẽ nhìn tôi bằng sự khinh khỉnh, đắc thắng rằng tôi thua kém.
Nhưng một thời gian sau, tôi chẳng thể giấu giếm được nữa. Và cái tin tôi rớt đại học được truyền đi. Tôi phải đối diện với thất bại. Tôi đã biết hóa ra cuộc đời tôi không phải chỉ là của riêng tôi và cũng chẳng thể tự chịu trách nhiệm với nó. Tôi dành được giải này giải kia, tôi được danh hiệu này danh hiệu nọ, bố mẹ tôi được người ta tung hứng. Tôi thi trượt đại học cũng chính bố mẹ tôi lãnh trọn hậu quả. Miệng lưỡi của con người quả là đáng sợ, những người mới hôm qua thôi còn thân thân thiết thiết kéo tay tôi hỏi thăm tình hình học tập, dặn tôi giữ sức khỏe để ôn thi hôm nay đây ném cho tôi những cái nhìn thương hại, thầm thì nói sau lưng tôi những lời mà đôi khi tôi muốn xóa khỏi đầu mình mà không được.
Và tôi lại trốn vào cái thế giới riêng của mình. Ở đó tôi làm bạn với nỗi cô đơn và nước mắt. Tôi như kẻ bị bỏ rơi, bị mọi người quay lưng lại rồi vứt tôi vào một xó xỉnh nào đó với sự gièm pha và chê bai. Đã nhiều lần tôi tự thầm nguyền rủa mình là đứa chả được tích sự gì, một đứa thất bại, một đứa con ngu ngốc của ba mẹ. Để rồi, trong những khoảnh khắc tuyệt vọng và cô đơn nhất đời mình, tôi lên mạng để giết thời gian. Và tình cờ tôi đọc được một bài viết của một chị, giống như trường hợp nhưng chị đã vượt qua nó thế nào. Như một tia sáng phía cuối con đường làm tôi bừng tỉnh và vực tôi dậy.
“Mọi việc tốt đẹp hay xấu đi đều do cách nhìn của bạn về cuộc sống. Nếu bạn nhìn bằng đôi mắt u buồn thì cuộc sống chỉ là một bức tranh xám xịt và đầy rẫy sự phiền muộn. Còn nếu bạn nhìn nó theo một cách lạc quan, tích cực thì hẳn nhiên bức tranh ấy sẽ trở nên đẹp đẽ và tươi mới.”
Tôi không thể cứ hèn nhát trốn mãi trong nhà được nữa! Tôi quyết định xách balo lên và đi tới một vùng đất lạ bằng số tiết kiệm của mình. Tôi xin phép ba mẹ và may mắn là họ đồng ý. Tôi bắt xe tới một vùng đất ở trên Tây Nguyên, tôi xin ở nhờ nhà của một cô, đổi lại tôi phụ giúp cô chăm sóc vườn cà phê và đám gia cầm ở đấy. Thời gian đó, quả thật khiến tâm hồn tôi thanh thản phần nào. Tôi làm quen với con gái của cô, bạn ấy cũng bằng tuổi tôi, dễ mến và tốt bụng. Tôi tâm sự về chuyện của mình cho bạn ấy nghe rồi nhận được sự động viên và an ủi. Tôi không biết bạn ấy có “phép lạ” gì mà sau khi tôi trò chuyện cùng, tôi lại thấy mình có thêm động lực để tiếp tục. Một tháng ở đấy, không quá dài nhưng đủ để tôi trải nghiệm cuộc sống khi mỗi sáng ra rẫy hái cà phê, cho đàn gà mái ăn rồi thu hoạch trứng,… Nhất là tôi có dịp được lắng lòng mình lại và hiểu bản thân đang muốn gì và làm gì. Tôi thấy yêu cuộc sống và lạc quan hơn.
Trở về thành phố, tôi nói với ba mẹ rằng năm sau tôi thi lại, một quyết định khó khăn lấy đi của tôi vài đêm thức trắng. Tôi cũng hoang mang không biết đúng sai ra sao nhưng tôi không muốn bị ghìm chân vì cú vấp ngã này, tôi không thể từ bỏ giấc mơ của mình một lần nữa. Tôi không muốn khi nhắc đến mình chỉ là kẻ thất bại. Trong những phút khó khăn nhất cuộc đời, lý tưởng sống và ước mơ sẽ là cánh tay vực bạn dậy để tiến về phía trước. Tôi tìm lại được ước mơ của mình sau những ngày tháng chán ghét và ghê sợ nó.
Tôi bình tâm lại, thử hỏi chính lòng mình rằng đam mê nó thật sự hay chỉ là yêu thích nhất thời. Nó có đáng để mình theo đuổi nó hay nên tìm nên một con đường khác phù hợp hơn. Và tôi có câu trả lời cho chính mình, tôi sẽ tiếp tục ngành học mà tôi một lần chưa chạm tới được. Tôi nhận ra rằng nếu không có ước mơ, tôi sẽ mãi là kẻ lang thang trong cái vòng luẩn quẩn cuộc đời, không biết đi về đâu tôi rất dễ ngã lòng khi gặp thử thách của cuộc sống. Vậy nên, tôi đã biết học cách suy nghĩ tích cực và vạch ra cho mình một kế hoạch để đi đến cái đích cuối cùng.
Tôi bắt đầu đi học thêm với các em khóa dưới. Suy nghĩ của chúng giống hệt tôi ngày trước khi thấy ai đó ôn thi lại: Chắc học kém nên mới trượt đại học. Tôi chẳng dám phản đối hay biện hộ gì cho mình, cho dù chỉ thiếu nửa điểm, trượt vẫn cứ là trượt. Và rồi, tôi cũng quen dần với việc ấy và tự nhủ việc của mình chỉ cần mình cố gắng, đừng quá để tâm đến những lời người khác nói. Tôi tình cờ gặp một người bạn, cũng có ý định thi lại như tôi. Chúng tôi bắt chuyện và kết thân, như thể có người “đồng hội đồng thuyền.” Chúng tôi tự an ủi lấy nhau, động viên nhau. Qua những tin nhắn, những cuộc gặp gỡ bạn tôi luôn muốn kể cho tôi những thứ hay ho ngoài kia tiếp thêm động lực cho tôi gắng học hành.
Tôi dành thời gian ở một mình chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi bắt đầu tìm những thú vui như học photoshop, học đàn hay chơi một thứ nhạc cụ. Tôi ra ngoài gặp gỡ những đứa bạn thân, tôi không còn che giấu hay tránh né về những câu hỏi thi cử nữa. Tôi đối diện và trả lời đường hoàng như đó là chuyện bình thường. Tôi giải thoát mọi cảm xúc tiêu cực, đặt câu hỏi và viết ra tất cả những điều tôi sợ hãi, lo âu, khát khao. Tôi quan sát tâm tư của mình nhiều hơn. Tôi tận hưởng cảm giác vui vẻ đời thường bằng việc giải trí nghe nhạc, cùng mẹ nấu ăn hay đơn giản chăm sóc con mèo của mình. Tôi dần xóa bỏ tâm lí nặng nề và sống như bao ngày trước đây.
Khoảng thời gian “gap year” ấy, tôi đã đi nhiều, học hỏi được nhiều thứ và nhất là lấy lại niềm tin nơi bản thân. Rằng tôi có thể làm được mọi thứ, vấp ngã chỉ làm tôi thêm mạnh mẽ và học được kinh nghiệm từ lần ngã ấy. Dù đau đớn nhưng không vì thế mà tôi cứ mãi chôn chân ở đó. Tôi đã đứng lên và vượt qua nỗi sợ hãi. Niềm tin nơi mỗi người là thứ quý giá để mỗi lần muốn từ bỏ thì bạn có thêm động lực để bước tiếp. Niềm tin đó chính là sức mạnh cho ta vượt qua tất cả. Nó song hành với ta trong mọi biến cố cuộc đời. Thế nhưng, nếu niềm tin đó bị đánh mất thì trở thành phương tiện giết chết tâm hồn ta. Không có niềm tin, con người sẽ mãi chìm đắm trong sự u uất và tự ti, và cuối cùng bạn chỉ là kẻ thất bại. Chiến thắng bản thân chính là chiến thắng vẻ vang nhất.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp, đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Cuộc sống cũng giống như một bản nhạc, có những nốt trầm, có những nốt bổng. Nhiều khi bạn cảm thấy cuộc sống của mình như một bản nhạc toàn những nốt trầm. Vậy tại sao, chính bạn không tự tạo ra những nốt thanh ngân cho đời mình. Chúng ta cũng có hàng ngàn cách khác nhau để thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực ấy, vấn đề là bạn có làm hay không? Hãy nhìn đời một cách tích cực với đôi mắt của sự lạc quan, yêu đời và yêu cuộc sống.
Mọi người vẫn thường nói “Thôi đừng buồn nữa, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi!” còn bạn thì cười méo xệch “Làm sao mà vui vẻ lúc này cơ chứ?” Người ta chỉ là người ngoài cuộc làm sao hiểu rõ nỗi đau của tôi, đâu phải cứ muốn vui là được. Nói thì dễ đấy nhưng làm thì không. Tất nhiên, không ai có thể vui lên ngay được khi tâm trạng đang buồn đau cùng cực. Thật khó mà lạc quan khi thực tại đang hết sức u ám. Đó cũng chỉ là một cách an ủi quen thuộc của mọi người. Hẳn ai cũng từng trải qua những thời kỳ khó khăn như thế và biết rằng mọi chuyện chẳng hay ho gì.
Thực chất, việc làm cho bạn luôn buồn phiền và cáu gắt chính là vì bạn luôn nhìn vào mặt xấu của mọi vấn đề và chỉ nhìn cuộc sống của mình dưới góc độ tiêu cực. Nhưng sao bạn không thử chia nhỏ nỗi buồn ra, làm vơi nó đi bằng cách nghĩ về những điều tích cực. Hãy nhìn vào mặt khách quan của vấn đề, rằng đó chỉ là một tai nạn nhỏ và bạn có thể khắc phục được. Rằng đó không hoàn toàn là lỗi của bạn và đó là trải nghiệm khiến bạn mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Và khi bạn thôi nhìn nhận mọi chuyện theo hướng bi quan thì mọi thứ đều sẽ suôn sẻ và tốt đẹp, ít nhiều đều giúp bạn nhẹ lòng hơn là cứ đeo mãi gánh nặng bên mình.
Kết quả thi lại của tôi năm đó, tôi đã đậu! Bạn có biết tôi đã mừng rỡ biết chừng nào khi nghe tin đó không. Gia đình, thầy cô và bạn bè đều chúc mừng đến tôi. Hạnh phúc vỡ òa trong tôi khi sau bao cố gắng của bản thân được đền đáp và nhất là tôi cảm thấy tự hào vì đã vượt qua chính nỗi sợ hãi, bi quan của mình trước đây để làm lại một trang mới trong cuộc đời mình.
Hóa ra, mọi chuyện đều có thể xảy ra nếu như bạn cố gắng hết sức. Hãy sống lạc quan lên, mọi chuyện sẽ ổn thôi!
Tác giả: Phong Kha
Cảm ơn em vì đã tham gia cuộc thi nhé!
Bài viết mang tinh thần động viên lớn lao cho các bạn học sinh đang sắp thi vào đại học hoặc những bạn đang có ý định thi lại sau khi trượt đại học. Điều này là rất quý.
Thông điệp về việc nhìn vào mặt tích cực của vấn đề cũng hay, mang tính kinh điển nhưng chính vì mang tính kinh điển nên sẽ rất khó để làm cho nó trở nên nổi bật và lôi cuốn.
Toàn bộ bài viết dùng câu chuyện thi lại đại học làm minh chứng, xét mặt cá nhân người viết thì cũng đủ, nhưng xét trên khía cạnh người đọc thì chưa đủ. Người đọc cần những câu chuyện minh chứng khác nữa về đời sống để cảm nhận được mình là một phần của bài viết, cảm nhận được thông điệp trong bài dành cho cả mình nữa.
Nhưng dù sao chị cũng đọc một lèo bài viết luôn chứng tỏ nó không bị quá nhàm chán và cách hành văn của em cũng dễ đọc, dễ trôi. Mặt trái của dễ trôi là trôi tuột luôn không níu kéo người ta ở lại lâu hơn được.
Dù sao, chúc mừng em vì đã đậu đại học ngày ấy nhé!!!!
Chào bạn Phong Kha, cảm ơn bạn đã tham gia cuộc thi. Chúc mừng bạn đã có những thay đổi sau khi thi trượt ĐH lần đầu, và đã thi đậu lần sau. Chúc bạn thành công trên con đường học vấn và sự nghiệp.
Bài viết này đối với tôi chưa thật sự suất sắc nổi bật. Muốn hay hơn thì cần đầu tư thêm chất xám vào sự sáng tạo trong ngôn ngữ, vì đây là một cuộc thi viết chứ không phải thi thuyết trình kể chuyện.
Tôi chấm 70 điểm.
Xin chào Phong Kha,
Cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện với THĐP. Mình có đôi lời nhận xét về bài viết như sau:
Câu chuyện của bạn diễn biến theo trình tự thời gian nên không có gì khó nắm bắt. Tuy nhiên, xét về tính sáng tạo trong cách dùng câu từ hay cách kể chuyện, bài viết không thể hiện được điều gì đáng kể.
Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc bạn luôn giữ vững sự lạc quan trong cuộc sống.
Thân mến,
Vũ Thanh Hòa