30 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Sau cái chết của con Họa mi

 

Từ đấy mỗi sớm mình thức dậy cùng tiếng chim Hoạ mi. Tiếng chim Hoạ mi nhanh chóng trở nên thân quen, gần gũi và gắn bó với mình, mỗi ngày nó đem lại cho mình những giây phút thư thái sau biết bao bộn bề bao công việc.

Còn nhớ cái lần đi Hà Giang chơi, hôm ấy cả bọn liên hệ ngủ đêm tại đồn biên phòng Lũng Cú, sau một ngày đi đường, leo trèo mệt mỏi, bữa chiều lại uống rượu cùng mấy chú lính biên phòng, say túy lúy nên đêm ấy ngủ say như chết rồi. Bình minh chưa kịp ló, cánh rừng nhạt nhòa mờ mờ dần hiện ra trong sương mù, bất chợt tôi bị đánh thức không phải là tiếng đồng hồ báo thức như mọi ngày mà là tiếng hót lảnh lót tuyệt hay của một con chim lạ.

Vẫn còn ngái ngủ nên cứ nằm, đầu óc mơ màng, mắt vẫn còn nhắm nhưng tai mình đã tỉnh. Tiếng chim hót phát ra từ phía rừng đào, sát với cánh rừng già cách chỗ chúng tôi nằm không xa, tiếng hót vút lên lanh lảnh từng hồi dài vang xa như đập vào vách núi rồi dội ngược trở lại, lúc lại khoan thai, thánh thót như rót vào tai, rồi bỗng nhiên trầm xuống róc rách như tiếng suối reo… thế rồi như bị mê hoặc bởi giọng hót, mình tỉnh hẳn, ngồi bật dậy lắng nghe, ra đến đầu hồi thấy chú lính biên phòng đang tra nước sôi vào phích, mình chạy ra hỏi: “ Tiếng chim gì hót mà hay thế?” Cậu ta nói: “Họa mi hót đây chú ạ, con này sáng nào cũng về đây hót, cháu cũng đã nghe nhiều họa mi hót rồi nhưng chưa thấy con nào có giọng đỉnh như con này, với chất giọng con này ý à, thì cứ gọi là nó xơi không biết bao nhiêu họa mi cái cho vừa, bọn cháu bẫy cả tháng nay rồi mà chưa bắt được nó.”

Và bắt đầu từ cái buổi sáng hôm ấy, mình bị mê hoặc bởi tiếng hót chim Họa mi.

Sáng hôm sau lên Mèo Vạc, chủ nhật đúng ngày chợ phiên, mình hạ quyết tâm phải tìm mua cho được một con Họa mi đem về Hà nội, bởi nghe nói chỉ có Họa mi vùng sơn cước này là hót hay nhất. Cả chợ chỉ có chừng dăm người xách lồng đi bán chim, mình xà vào chọn nhưng thất vọng quá bởi vì con thì xước mỏ, con lại rách trơ đầu do bị thương khi mắc bẫy, con thì đầu nhỏ, vai hẹp…Mãi rồi cuối cùng cũng tìm được một chú Họa mi của một cu cậu người Mèo xuống chợ muộn, chú này đạt đủ tiêu chuẩn: đầu to, ức rộng, mình dài, viền trắng quanh mắt vừa rộng vừa sắc, và đặc biệt là không bị dính chút thương tật gì khi dính bẫy với giá 400 ngàn.

Về đến Hà Nội, việc đầu tiên là ra Tăng Bạt Hổ sắm cho nó một ngôi nhà riêng, tìm người thạo nghề hướng dẫn cách chăm sóc, từ cách chế biến thức ăn, chế độ ăn hàng ngày, tắm rửa, huấn luyện…và chờ đợi ngày chim hót.

Sau 4 tháng chăm bẵm, cái ngày mình mong chờ đã đến.

Cũng vào một buổi sáng sớm của “ngày tháng Năm chưa nằm đã sáng”. Bất chợt bị đánh thức bởi tiếng hót lảnh lót phát ra từ bancone nhà mình. Tôi bật dậy, rón rén khẽ mở rèm cửa thì thấy con họa mi của đang vươn cổ hót, lúc đầu tiếng hót khẽ khàng tựa hồ như còn ngần ngại gì đó, dường như vừa hót nó vừa nghe ngóng những động tĩnh xung quanh. Bỗng tiếng chim im bặt một lúc lâu, mình lo lắng đứng yên như bất động chờ đợi. Con chim Họa mi vươn ngực, bộ lông màu nâu bạc, trông vẻ bề ngoài bình dị, cũ kỹ. Nó đang nghiêng ngó cái đầu nhỏ nhắn, cặp mắt ánh lên vẻ linh lợi, nó nghển cổ ngóng lên khoảng trời cao vời vợi. Con chim vừa nhảy nhót, xập xoè đôi cánh, vừa ngó nghiêng, nghe ngóng động tĩnh bên ngoài. Rồi như không kìm nén được nữa, nó rướn cao cổ cất lên tiếng hót lảnh lót, diệu kỳ. Mình nín thở lắng nghe chỉ sợ gây tiếng động, nó sợ sẽ không hót nữa. Tiếng hót lúc đầu nghe véo von, vui nhộn tựa như lời giới thiệu, mời chào. Tiếng hót rộn lên giữa không gian tĩnh lặng của buổi sớm bình minh nghe thật trong trẻo lạ kỳ, rồi cứ thế giọng hót vang lên, bay vút vào khoảng không, xa vời, rồi bỗng tiếng chim vút cao nghe réo rắt lạ thường. Mình nghe trong đó như có tiếng reo của gió, tiếng rì rầm của khe suối giữa đại ngàn, lúc trầm, lúc bổng, lúc khoan, lúc nhặt, dập dìu, nhẹ nhàng như gợn sóng lan toả mặt hồ buổi sớm bình minh… mình như lặng đi trước giai điệu mê li, kỳ diệu ấy! Rồi đột nhiên tiếng chim trở nên trầm đục, sau lại oà lên nghe như tiếng thổn thức, nghẹn ngào hoà lẫn sự nhớ nhung, nuối tiếc và cả sự oán thán, xen lẫn bất lực!… Theo dõi con Hoạ mi lúc đó mình thấy chiếc đầu nhỏ nhắn với cặp mỏ nhọn, đôi mắt linh lợi lúc đầu giờ đây không còn ngẩng lên cao nữa mà nó hơi cúi xuống vẻ u uất, nghẹn ngào tựa như nó đang tự sám hối! Cứ thế nó hót chừng nửa giờ rồi ngừng hót…

Từ đấy mỗi sớm mình thức dậy cùng tiếng chim Hoạ mi. Tiếng chim Hoạ mi nhanh chóng trở nên thân quen, gần gũi và gắn bó với mình, mỗi ngày nó đem lại cho mình những giây phút thư thái sau biết bao bộn bề bao công việc.

Rồi vào một ngày mưa gió cuối hè, mình thức dậy mà không hề nghe tiếng chim Hoạ mi hót nữa. Linh tính mách bảo hẳn đã có điều gì đó chẳng lành, mình dụi mắt bật dậy khỏi giường và chạy ngay ra bancone. Một cảnh tượng thương tâm đập vào mắt, con họa mi của mình bị kẹt giữa hai nan lồng, nó đã chết. Cái đầu ngật sang một bên, hai mắt nhắm nghiền giữa đôi viền mi màu trắng xám. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Mấy hôm trước đó nó trở nên lười biếng, không chịu ăn và tìm cách thoát ra ngoài, mặc cho mình hết lòng chăm bẵm, che chắn cho nó. Có lẽ sự giam hãm đã vượt quá sức chịu đựng của nó và rồi chuyện phải đến ắt sẽ đến…

Bất giác trong tôi bỗng nghe thấy tiếng hót văng vẳng của con Họa mi cách đây 6 tháng mà mình đã được nghe nơi miền biên ải dội về, tiếng hót của Họa mi ở chốn rừng sâu khác hẳn với tiếng hót của con chim mà mình đã nuôi mấy tháng qua. Tiếng chim nơi rừng sâu nghe rộn rã lạ thường, nó như tự tin và thoáng đãng, nó là tiếng núi, tiếng sông, tiếng xào xạc của lá, tiếng của sương mù nhẹ nhàng rơi, của mưa, của gió, tiếng của trời, của đất… quyện lại mà thành giọng hót của Họa mi.

Sau cái chết của con Họa mi, mình đã suy nghĩ rất nhiều và đã hiểu vì sao khi hót nó thường ngẩng cao đầu, ngước mắt lên, hướng về bầu trời cao xanh vời vợi… Có lẽ lúc đó nó đang nghĩ tới bầu trời tự do mà một thời nó đã cùng bạn bầy thả sức bay lượn, hót ca… Còn những lúc tiếng hót của nó như nức nở, nghẹn ngào hẳn là nó đang nhớ về bạn bầy của nó nơi chốn rừng sâu! Mình bỗng ngộ ra rằng thì ra đó đâu phải là tiếng hót của nó, mà đó chính là tiếng kêu than đấy chứ!

Nói chuyện với ông bạn hướng dẫn cho tôi cách nuôi con Họa mi khi mới mang về lão bảo: “Chim Hoạ Mi ưa sống tự do. Cho dù có giam hãm, nuôi nấng, chăm bẵm tốt đến mấy nhưng khi được sổ lồng nó vẫn tìm về chốn rừng xanh với bạn bầy của nó và chỉ ở đó nó mới có tiếng hót đích thực mà thôi!” Mình bỗng hiểu vì sao có sự khác lạ giữa tiếng hót của những con Hoạ Mi nơi rừng sâu với tiếng chim bị giam hãm trong lồng. Mình thấy xót xa cho thân phận những con chim bị giam hãm và mình thấu hiểu tự do quí giá biết nhường nào?

Và phải chăng con người chúng ta từ lâu đã quá ngộ nhận về tiếng hót của các loại chim?

 

Ba Tê

*Featured image: JJ Harrison
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI