28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tản mạn về những người thầy

*Photo:  Mary(n_n)West

 

Người thầy đầu tiên có lẽ là Mẹ ta. Chữ “NGƯỜI THẦY” ở đây nhằm chỉ là người dạy dỗ ta, chỉ chung cho các giới tính, độ tuổi, trình độ. Miễn ai dạy cho ta bất kỳ điều gì đấy mà ta cảm thấy có ích, đáng quý, ta trân trọng thì đó là Thầy. “Nửa chữ” cũng là thầy có lẽ không còn chính xác mà phải nói “không chữ” cũng là Thầy.

Trong cuộc đời, Thầy dạy chữ ta cũng khá nhiều, trải qua các cấp. Mỗi thầy cô một đặc điểm, một cách truyền đạt, một khả năng sư phạm, một kiến thức… khác nhau. Và nhân cách cũng vậy. Dù giáo dục Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Dù vừa thấy đường link nội dung: Con chưa đóng tiền ăn do cha mẹ lục đục buổi trưa ra đứng trước cổng trưởng đầy nắng đói khát làm ta choáng váng, xót xa thì cũng không thể phủ nhận, ta cũng đã được hưởng rất nhiều sự dạy dỗ, tấm chân tình từ thầy cô.

Có ai nhớ không? Bàn tay cô giáo nắm tay ta dìu từng nét viết chì, chuốt cho ta cây bút, nhặt giúp ta quyển vở, đứng cùng ta khi mẹ cha chưa kịp đón? Đấy là gì? Là tình yêu thương! Chắc chắn không phải vì được sai khiến bởi những đồng lương ít ỏi. Mẹ tôi cũng là một nhà giáo đã rất xấu hổ khi nhận cái lốp (vào những năm 90) của một phụ huynh giàu có tặng. Xấu hổ vì sao? Vì em bé nhà giàu kia học rất dốt mà lại quậy phá. Mẹ đã trả lại, cương quyết trả vì chưa làm tròn nhiệm vụ, vì không thể để vật chất làm cái phao cứu thành tích dối trá. Nhưng khi nhận được những bông hoa hường (một loại hoa hồng ta) mấy em nhỏ trong lớp hái tặng thì vô cùng vui mừng. Các em đến nhà cô nếu mời bánh kẹo thì ăn như tằm ăn rỗi, ổi, táo trong vườn vặt đến nhẵn nhụi chưa kể trôi hết cơm gạo nhà cô nhưng có hề gì, cô vui, trò vui, nghèo đã nghèo rồi nên không thể nói vì nghèo mà các nhà giáo đánh mất tất cả. Đáng ra nhà giáo phải được giàu có để đừng bao giờ nghĩ đến tiền. Khi mà bốn năm đại học tiêu tốn của gia đình mấy trăm triệu, ra trường chạy mất hơn trăm tiền biên chế hoặc hợp đồng rồi lại nhận một vài triệu tượng trưng để có một chỗ dạy cho nghề nghiệp cao quý đã được đào tạo. Lỗi của cả một hệ thống, lỗi gì đâu ở nhân cách thầy cô?

Chúng ta đều đã được hưởng những tri thức, tấm ân tình như thế, rất nhiều, rất nhiều… Cô thầy giáo dạy tôi từ nhỏ vẫn dõi theo mỗi bước đường đời của tôi, vẫn chủ động gọi điện mỗi khi nhớ tôi… Không phải vì tôi có gì đặc biệt, cũng không phải vì tôi biếu thầy cô cái này cái kia. Trái lại, tôi thấy mình thật tệ. Câu quen thuộc tôi luôn nghĩ trong đầu: “Chưa, chưa phải lúc thành đạt để thăm trường, thăm Thầy cô”… Có một mẩu chuyện làm tôi áy náy mãi về tuổi học trò quậy phá đó là lớp 12 thầy giáo dạy sinh – môn họ vốn chỉ xem là phụ trong lớp chuyên văn đã chấm vở cho đủ điểm tổng kết. Tôi vốn học tài tử nên chẳng ghi bao giờ. Tôi mượn vở Xuân (một bạn trong lớp) chấm, chấm xong Xuân sẽ lột nhãn và điền tên Xuân vào. Ai dè thầy cầm vở tôi (đi mượn) rưng rưng nói: “Thầy sẽ rất nhớ Em, thầy muốn giữ vở của Em để làm kỷ niệm.” Thế là Xuân mếu còn tôi thì ơ lơ đơ. Tất cả chúng tôi không nhớ bằng cách nào thoát ra khỏi tình huống giở khóc giở cười để đi qua tuổi học trò hồn nhiên đó. Chỉ biết rằng tôi nhớ mãi câu nói của người Thầy đầu tiên – Mẹ tôi: “Thầy cô như những người đưa khách qua sông. Khách qua rồi còn nhớ nữa hay không?”

Rất nhiều người Thầy đã dắt tôi đi qua những đoạn đời, cấp một, cấp hai, đại học, cao học. Thầy cô mỗi người một tính, một cách truyền đạt, lúc này lúc kia nhưng với tôi thì Thầy cô nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Cả những người Thầy nghề nghiệp. Tuy không dạy tôi giờ nào trên ghế nhà trường nhưng lại dạy tôi thật nhiều về Nghề, về đạo đức nghề nghiệp. Và sẽ còn rất nhiều những người Thầy như thế. Có lẽ đến trước ngày rời bỏ nhân gian chúng ta vẫn còn tiếp tục phải học. Học để một ngày làm Người trên thế gian này đáng là Người.

Chiều nay tôi có gửi tin nhắn đến những người Thầy ở xa. Tôi nhận được những tấm chân tình lớn hơn là những tin nhắn thông thường. Ai bảo là họ chỉ cần quà, hoa, vật chất? Tôi cũng biết thông tin về thầy chủ nhiệm lớp Đại học của tôi. Qua biến cố bất ngờ giờ thầy đã vui hơn, khỏe hơn… Thầy đã cầm bút nhiều hơn bao giờ hết. Vì mưu sinh và cũng vì nghề luôn nặng với Nghiệp. Còn viết còn có ích. Còn viết còn là mình. Còn Sống.

Cảm ơn ngày tri ân hôm nay. Cho mọi ngày dành để nhớ ơn, lắng lòng, thăm hỏi những người Thầy trong cuộc đời ta, trong thế gian này.

 

Dương Nữ Khánh Thương

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI