Hãy nhập vào ô tìm kiếm với từ khóa “Tuổi trẻ của John Lennon” Xem trọn bộ phim để hiểu hơn về tuổi trẻ của người tôi đang muốn nhắc đến. Liệu bạn sẽ nghĩ gì về tuổi trẻ của mình khi xem hết bộ phim. Tôi không chắc là bạn sẽ đồng điệu được với tôi trong bài viết này. Vì mọi sự bao giờ cũng dừng lại ở quan điểm chủ quan của riêng tôi.
John Lennon, thành viên và cũng là người sáng lập nên ban nhạc nổi tiếng đến từ nước Anh mang tên The Beatles. Một cái tên không còn xa lạ với người yêu âm nhạc trên toàn thế giới. Bên cạnh âm nhạc, John Lennon còn là một nhà hoạt động hòa bình tích cực với những phong trào phản đối chiến tranh và yêu chuộng tự do.
John Lennon từng gây tranh cãi với câu nói “The Beatles nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus” vào năm 1966, và chính vì quá nổi tiếng nên đã bị ám sát. Chapman, người thực hiện vụ ám sát đã khai rằng hắn muốn giết John để được nổi tiếng. John Lennon là một thần tượng, một người thành công, một người được cả thế giới trọng vọng và ngưỡng mộ, còn hắn ta không có gì nổi bật. Chapman nói “Vì John Lennon vĩ đại hơn Chúa Jesus nên hắn giết John Lennon để khiến John là của riêng hắn.”
Một cậu bé phải sống xa cha mẹ từ năm 4 tuổi. Mặc dù được chị gái của mẹ cậu nuôi dưỡng và người chồng của bà hết mực yêu thương chăm sóc, nhưng cậu vẫn không thể thoát khỏi cảnh lớn lên với vấn mắc tại sao cha mẹ lại bỏ rơi mình. Một tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương cha mẹ đã biến cậu thành một cậu bé mà sau này John Lennon đã phải thừa nhận:
Một phần trong tôi muốn được chấp nhận bởi mọi thành phần của xã hội chứ không phải trở thành một nhà thơ hay nhạc sĩ mất trí to mồm. Tôi không thể trở thành một gã không đúng với con người tôi. Tôi là một đứa nhóc mà mọi cha mẹ nào khác, kể cả bố của Paul ( là người cùng John Lennon sáng lập ra ban nhạc) sẽ phải nói “Tránh xa nó ra.” Họ đều biết rằng tôi chỉ là một đứa gây phiền phức, một đứa không lành tính và có thể gây ảnh hưởng xấu tới lũ trẻ như tôi vốn vậy. Tôi vốn làm mọi thứ để đập phá nhà của lũ bạn…một phần vì ghen tị mà tôi không có cái gọi là nhà… nhưng tôi đã từng có…Vậy nên tôi muốn tiêm nhiễm vài điều vào đầu óc mấy cậu nhóc khác. Tôi nói với chúng “Cha mẹ không phải là các vị thánh bởi vì tôi vốn đâu được sống với họ.”
Đối với John Lennon, tuổi trẻ có lẽ phải là việc quậy phá và sử xự như mấy thằng choai choai. Là những lần trèo lên nóc xe buýt, lén lún làm tình, là việc cậu từng bị đình chỉ học khi cho một bà già trên xe buýt xem hình khiêu dâm…
Có lẽ người lớn lúc nào cũng cho rằng tuổi trẻ như vậy là một thế hệ thoái hóa, sống không biết ngày mai, hút thuốc phê pha, rượu chè bê tha…Tôi tin rằng tuổi trẻ sẽ chấp nhận hết tất cả những từ ngữ miệt thị với một nụ cười không biện hộ. Người lớn không bao giờ hiểu rằng tuổi trẻ thật ra chỉ là những đêm đánh chén chém gió cùng bạn bè, những lần bỏ nhà đi hoang lang thang, tuổi trẻ phải úp mặt ngồi khóc thở than, muốn nhảy tõm xuống dòng sông để nó cuốn trôi mình đi… Tuổi trẻ không phải là tương lai ngày mai, không phải là tri thức lý lẽ trong những phiên tòa, tuổi trẻ không phải là những ngày cắm mặt kiệt quệ trên đống sách vở.
Thưở nhỏ, John Lennon cũng thường vẽ truyện tranh và thỉnh thoảng được đăng trên tờ báo của trường, nhưng kể cả khi Lennon đã thể hiện rõ thiên hướng nghệ thuật, nhà trường vẫn tỏ thái độ không hài lòng. “Học trò này chắc chắn theo con đường sa ngã, vô vọng, chỉ giỏi làm gã hề trong lớp, làm mất thời gian của các trò khác.”
Trước khi trở thành một ban nhạc lớn nổi tiếng mang tên The Beatles thì ban nhạc do John Lennon thành lập cũng chỉ là tập hợp những tay chơi nhạc què quặt, chỉ là những gã đã cùng cậu quậy phá trong trường. Thậm chí còn không biết đến cả nhạc cụ mình phải chơi. ”Nó là cái gì? Một cái thùng trà, có một cái cần và một sợi dây. Không sao! Cậu không cần đánh nhiều đâu.” Đó là cuộc trò chuyện trong nhà vệ sinh mà John đang muốn khởi sinh về ý tưởng thành lập ban nhạc, các bạn có thể nghe thấy khi xem phim.
Khi xem đến đoạn này, tôi nghĩ phải chăng tuổi trẻ thì không thể lén lút đuổi theo sau cuộc đời. Tuổi trẻ phải là con người tiên phong. Những bước chân tuổi trẻ mới là kẻ dẫn lối đưa ta đến con đường bất khả. Chẳng có ánh sáng nào soi lối cho tuổi trẻ, vậy nên tuổi trẻ cần phải tự phát ra thứ ánh sáng có thể chiếu sáng chính mình để kẻ thù phải khiếp sợ. Đó là tia sáng chiếu soi thấu tâm can tiếng lòng của tuổi trẻ. Tuổi trẻ phải nhớ rằng tia sáng êm dịu nhất phải là tia sáng cay đắng nhất.
Chính mẹ là người đã mang âm nhạc đến với cuộc sống của John Lennon. Bà là người đã dạy đàn cho John và tặng cậu cây đàn guitar đầu tiên. Chính mẹ đã cho John nghe thứ âm nhạc đầu tiên của Elvis khiến cậu phải thốt ra “Sao Chúa không biến con thành Elvis chứ?” Nhưng bà đã nói với cậu “Vì Chúa sẽ biến con thành John Lennon.”
Một tuổi trẻ có quá nhiều đớn đau khi phải sống xa cha mẹ. Và ngay cả khi vừa tìm lại được mẹ thì John lại phải một lần nữa gánh chịu nỗi đau rời xa bà mãi mãi vì một tai nạn ô tô. Bạn sẽ thấy rằng có khi tuổi trẻ đứng trước một cuộc đời đã bị tách xa khỏi những con người thân thuộc, tách xa khỏi xã hội trong những khoảng thời gian lâu vời vợi.
Nhưng tuổi trẻ cần biết rằng con đường nhiêu khê hiểm trở nhất, đó là con đường mà tuổi trẻ nào cũng cần bước qua. Than ôi tuổi trẻ, phải bắt đầu cuộc lữ hành cô độc của mình.
Từng bị dập tắt niềm đam mê âm nhạc vì dì của cậu không bao giờ tin rằng John có thể nổi tiếng bằng con đường âm nhạc, bà muốn cậu bé Lennon sẽ phát chán với nó khi nói rằng “Cây guitar thì rất tốt, nhưng mà John, cháu không bao giờ có thể kiếm tiền được với nó.”
Hình ảnh người dì của John chẳng còn xa lạ với tất cả tuổi trẻ. Bạn sẽ luôn bắt gặp những bậc phu huynh, những người trưởng thành dùng lý lẽ và kinh nghiệm để dạy bảo tuổi trẻ. Họ tự cho rằng mình khôn ngoan và già đời. Nhưng phải chăng tuổi trẻ chúng ta không cần đến những thứ ấy và sẽ chẳng bao giờ thèm đụng chạm đến. Vì thế tôi muốn cầu xin họ hãy mang tất cả sự hồn nhiên của tuổi trẻ trả lại hết cho chúng ta. Đừng dọa dẫm và áp đặt. Đừng làm điếc tai chúng ta bằng những kinh nghiệm người lớn đã đi qua vì chúng ta cũng tự biết cách đi qua chúng bằng chính đôi chân chứ không phải đi bằng hai lỗ tai. Kinh nghiệm là gì mà không phải là những thói quen người lớn đã bám víu vào đó như những tên hèn nhát. Có lẽ thật vô lễ nếu nói ra những lời này nhưng sự thật kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người lớn nhiều khi chỉ là sự rách việc đối với tuổi trẻ.
Tôi muốn bạn gặp gỡ John của những năm tháng tuổi trẻ, trước khi trở thành thành viên của ban nhạc danh tiếng The Beatles. Vì tôi muốn các bạn tin rằng bất kể là một con người tầm thường hay vĩ đại, ai cũng đã từng phải trải qua một tuổi trẻ như thế.
Lặn ngụp thật sâu vào đau khổ và chạm đáy giới hạn của hố thẳm. Tuổi trẻ sẽ học được cách ngoi ngóp lên khỏi những vũng bùn lầy. Đó chính là số mệnh của bất kỳ tuổi trẻ nào. Nơi thấp nhất mới chính là chốn cao vời vợi nhất mà tuổi trẻ đã may mắn đi qua. Ẩn tích đó được ghi hằn trên những vết thương đã liền sẹo chi chít bên trên hình dáng tuổi trẻ.
Đối với tôi, bất kể kẻ nào thuộc dòng giống tuổi trẻ đều không thể tránh khỏi giây phút đó. Chỉ khi bạn bắt đầu bước đi trên con đường tuổi trẻ. Là khi đó đỉnh cao và hố thăm bắt đầu cuộn xoáy vào nhau. Đó mới chính là con đường cao nhã tạo nên giá trị cuộc đời tuổi trẻ. Đó chính là hạnh phúc và khổ đau, niềm vui nỗi buồn, đó là thiên đàng và địa ngục. Tuổi trẻ phải đi sâu vào hỏa ngục thì tuổi trẻ mới có thể mỉm cười nhìn lại tất cả cuộc đời đã đi qua. Nơi nguy hiểm tối hậu nhất mới chính là nơi ẩn náu tối thượng.
Tôi luôn tin rằng sẽ đến lúc tôi vẫy tay tạm biệt dĩ vãng của một thời tuổi trẻ nông nổi sẽ đi qua, nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn bây giờ, hãy sống phó mặc chúng, bạn phải hiểu rằng chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời bạn mà không thuộc về bạn. Tuổi trẻ chỉ việc bước đi, không có lầm đường lạc lối vì sau cùng tuổi trẻ sẽ tự biết cách đưa ta trở về. Rồi sẽ có ngày bản ngã riêng tư của chúng ta cùng những trưởng thành đã đi hoang trong suốt tuổi trẻ, phân tán giữa những sự việc tình cờ và ngẫu nhiên tự biết cách tìm ra cho mình một con đường.
Tôi rất yêu quý âm nhạc của The Beatles, yêu quý con người tự do của John Lennon. Nhưng có lẽ vẫn còn quá nhiều bạn trẻ Việt Nam xa lạ khi ai đó gọi tên John Lennon. Tất nhiên nếu chỉ bằng vài ba chữ hạn chế và vốn kiến thức hạn hẹp, tôi khó có thể để các bạn hiểu hết về con người này. Và thực tình tôi cũng không có ý ngồi liệt kê một bảng sơ yếu lý lịch của một con người vĩ đại mà nếu bạn muốn hiểu rõ, bạn chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính rồi gõ cái tên đó vào google thì cả cuộc đời anh ta đã hiện ra trước mắt bạn. Bài viết chỉ là tình cảm riêng tôi, là sự đồng điệu trước tuổi trẻ của một con người tự do. John Lennon là một con người vĩ đại nhưng sự vĩ đại đó cũng chỉ được xây từ những viên gạch tầm thường.
Tôi đã học được rằng người lớn có thể chê cười tuổi trẻ của chúng ta. Bởi tuổi trẻ của họ đã chết, nhưng tuổi trẻ chúng ta chỉ vừa mới khởi sinh. Tuổi trẻ cần phải sống cùng nỗi cô đơn vô hạn, nhưng là đứng thẳng và nhìn thẳng, không phải là sự cúi đầu và vênh tai ngóng lên những kinh nghiệm từ người lớn. Tuổi trẻ kiêu hãnh vô biên, chúng ta không cần sự giúp đỡ từ những người đã chết đi xây dựng lại cuộc đời của chúng ta. Chỉ có tuổi trẻ đơn độc tạo dựng lên ngôi nhà chính mình và thổi linh hồn vào đó. Bất kể tương lai là gì thì cũng không thể dừng bước chân hôm nay, chân trời mới vẫn đang chờ đợi. Dù thế giới có lên tiếng ngăn cản thì tuổi trẻ này ta cũng chỉ cần sống một cuộc đời mà mình đã cưu mang sẵn trong tự thân.
Tôi thực sự rất cảm động khi xem xong bộ phim và hiểu hơn về cuộc đời tuổi trẻ của John Lennon. Tôi mong bài viết này sẽ là một ngọn hoa tiêu dẫn lối bạn tìm về tuổi trẻ trong bạn. Chúng ta, cả bạn, tôi hay những con người vĩ đại. Cũng chỉ đang đứng cùng một vạch xuất phát, nhưng chúng ta có thể chạy bao xa. Tất cả là tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta. Nếu bạn vẫn đang loay hoay chưa tìm được lối ra, đừng lo sợ. Vẫn còn những tuổi trẻ khác chẳng có gì tốt đẹp hơn bạn?
Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Wikipedia và những chi tiết tôi đã xem được trong phim Tuổi trẻ của John Lennon.
Tác giả: Ni Chi
Edit: Triết Học Đường Phố
No bro. Tôi tôn trọng những gì bạn nói. Nhưng việc bạn viết như sau:
“Tôi đã học được rằng người lớn có thể chê cười tuổi trẻ của chúng ta. Bởi tuổi trẻ của họ đã chết, nhưng tuổi trẻ chúng ta chỉ vừa mới khởi sinh. Tuổi trẻ cần phải sống cùng nỗi cô đơn vô hạn, nhưng là đứng thẳng và nhìn thẳng, không phải là sự cúi đầu và vênh tai ngóng lên những kinh nghiệm từ người lớn. Tuổi trẻ kiêu hãnh vô biên, chúng ta không cần sự giúp đỡ từ những người đã chết đi xây dựng lại cuộc đời của chúng ta.”
Tôi khá không đồng tình vì ý kiến này của bạn khá một chiều vì cho rằng tất cả những ý kiến của người lớn hay những giá trị truyền thống đều là những thứ không đáng nghe và không đáng xem xét.
Có thể những giá trị đó phần nào không còn chính xác với thực tế thời đại, nhưng nó đã được đúc kết qua hàng ngàn tuổi trẻ, bao nhiêu mồ hôi và trí tuệ, không thể phủi tay như vậy được.
Thanks for reading!
Great day
Bài viết hay. Liệu tuổi trẻ có như lời tác giả.