30 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BDT2018] Ẩn số của thất bại

 

Người xưa thường dạy rằng: “Thất bại là mẹ thành công.” Phát biểu này xem ra tích cực và chứa đựng một thông điệp mang lại hy vọng cho tương lai. Nhưng dù sao, nếu nó chưa là kinh nghiệm của riêng tôi, thì thực tế vẫn còn bỏ ngỏ. Hay có người khác phát biểu mang tính thi ca hơn: “Ai chiến thắng mà không từng chiến bại, ai nên khôn mà không dại đôi lần.” Cũng vậy, kinh nghiệm này nằm ngoài tầm ý thức của tôi. Đối với tôi, có một ẩn số của thất bại cần được chúng ta đi tìm.

Chúng tôi là đôi bạn thân từ khi bước vào môi trường đại học. Năm nay đã gần hai mùa hè, con đường đến trường trở nên quen thuộc và quán cà phê nơi góc kín đáo cũng quen mùi tình bạn. Như hai triết gia đường phố, chúng tôi bàn đến những chuyện hệ trọng trong đời: Nào là thất bại và thành công, đau khổ và hạnh phúc, ý nghĩa hiện hữu và ý nghĩa cuộc đời… Chúng tôi trở thành một cặp đôi hoàn hảo khi chơi chung với nhóm bạn. Bạn ấy phát biểu thì tôi đồng lòng, còn tôi phát biểu thì bạn ấy là “đồng minh”. Nhưng khi gặp riêng, chúng tôi thường rút kinh nghiệm bằng cách góp ý cho nhau để mỗi ngày thăng tiến hơn. Khi ai là người nhận nhiều góp ý, phải tự động bao người kia một chầu.

Tuy nhiên, vào một ngày trái gió trở trời, bạn ấy bừng bừng nổi giận từ những góp ý của tôi. Bạn ấy nói trong tức giận: “Thôi, từ nay chia tay, không còn bạn với bè gì nữa!” Đứng lên, trả tiền cho chủ quán, rồi bước đi không thèm quay mặt chào, bạn ấy đi đâu, tôi không biết. Để lại mình tôi với thế giới của mình. Tôi tự nhủ mình là kẻ thất bại trên đường chinh phục tình thân. Thất bại trong tình bạn, chúng tôi trở thành đối thủ của nhau.

Dần dà, tôi cũng nhận ra phần lỗi của mình là đã đi quá xa khi xâm phạm vào thế giới riêng của người khác. Điều này tôi chỉ nhận ra khi tình cờ đọc được mẫu chuyện về những chú nhím. Khi ở trong rừng, lúc đầu chúng đứng cách xa nhau. Đêm về trời lạnh, chúng chợt nhận ra rằng nếu đứng gần nhau thì con nọ sẽ tỏa hơi ấm cho con kia. Và thế là chúng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, khi đứng sát vào nhau, chúng chợt nhận ra rằng chúng đang tự làm đau nhau bởi con nào cũng có những gai nhọn. Chính vì lẽ đó, tôi ngộ ra rằng: Cần đứng đủ gần để nhận hơi ấm từ nhau nhưng cũng phải đứng đủ xa để không làm tổn thương nhau. Có lẽ, tôi đã làm cho bạn ấy tổn thương vì sự xâm phạm này.

Mặc dù đã biết lỗi, nhưng tôi cũng cần thời gian cho cảm xúc tiêu cực của hai bên dần nguôi ngoai. Và trong tâm trí luôn ý thức rằng, để xây dựng một tình thân cần phải đổ máu. Đang trên đường đi học về, bỗng nhận được cú điện thoại của bạn ấy: Nửa mừng nửa lo chẳng biết xử trí ra sao! Thế nhưng, lại nghe giọng một người lạ báo rằng anh đang có một người thân bị nạn, và tôi tình cờ gọi vào số điện thoại này để xin anh đến giúp. Tôi đã lao thẳng đến điểm mà người đàn ông kia báo cho. Đến nơi, tôi phải khua tay giải tán đám đông vô cảm, đến gần đối thủ của mình. Giữa một xã hội vô cảm, ai có tình bạn chân thành là người thành công. Chẳng suy tính gì nhiều, tôi vời ta-xi đến và đưa bạn ấy lên trong tình trạng máu ra quá nhiều. Đến bệnh viện cấp cứu, chúng tôi chờ nhập viện, bác sĩ báo bệnh nhân mất máu quá nhiều nên cần truyền máu sống ngay. Tôi xung phong vào xét nghiệm, may thay chúng tôi cùng nhóm máu. Hóa ra, chúng tôi có một điểm để siết chặt tình thân là cùng chung nhóm máu. Sau khi gọi gia đình bạn ấy đến, tôi đã rút lui nhường sân diễn cho những người máu mủ ruột thịt.

Vài ngày sau, tôi cũng đến thăm bạn ấy với một món quà trên tay. Mọi người thấy tôi đến, đã tự động bỏ ra ngoài, để lại chúng tôi với một thế giới nhiều màu sắc và cảm xúc lẫn lộn. Tôi đã nhanh trí đánh tan những đám mây ngờ nghệch ấy bằng cách mở gói quà ra, với hai cái tách café khuyến mãi, kèm theo dòng chữ: MÌNH SẼ MÃI LÀ BẠN NHAU NHÉ?! Bạn ấy nhận lấy món quà và nói đùa với tôi:

“Tại sao bạn lại đặt dấu chấm hỏi ở đó?” Và nói tiếp, “Tình bạn chân thành là những lúc khó khăn họ thuộc về nhau.”

Chúng tôi đã ôm nhau như những người đang được phát thưởng trên sân khấu khi thành công trong một lãnh vực nào đó. Chúng tôi phát thưởng cho nhau mà không cần một người nào tham dự.

Sau lần kinh nghiệm và trải nghiệm ấy, chúng tôi mỗi người đi theo những lý tưởng của riêng mình, nhưng đó luôn là nấc thang thành công giúp chúng tôi khẳng định bản thân trong cuộc đời này.

Tôi đã tìm ra ẩn số của thất bại là “zero”. Thật vậy, chẳng có cái gì được coi là thất bại trong cuộc đời này đối với những người không ngừng vươn lên và vượt qua. Chẳng có cái gì được coi là thất bại trong cuộc đời khi họ có những tình thân. Có thất bại chăng là đám đông vô cảm để lại một mảnh đời bên đường. Có thất bại chăng là khi con người không nhận ra những giới hạn của bản thân mình để mở ra những tình cảm tương đồng, tương thân, tương trợ, và tương ái. Một khi có trong đời những mối tình tri kỷ, bạn cũng cần loại hạn từ thất bại ra khỏi từ điển trong trí não bạn, vì nó chỉ là con số “zero”. Bạn có thể đặt con số ấy sau những dãy số tiền lương của bạn để nó có thể tăng lên gấp 10 lần, nhờ thế, bạn có thể đủ tiền chi trả cho những buổi café đường phố nhằm siết chặt một tình thân. Tiền bạc không thể mua được tình thân nhưng chi trả cho những ly café đắng giúp mọi người vượt qua những đau thương để đứng vững và lớn lên trên đôi chân của mình.

Tú Đam Mê O.Cist.

*Featured Image: Naveen Kadam
spot_img

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Chào em, cảm ơn em đã gửi bài tham gia cuộc thi này!
    Bài viết có sự lôi cuốn khiến người đọc đọc cho tới tận cùng, đó là một năng khiếu em có thể phát huy hơn nữa.

    Về mặt kĩ thuật, chị thấy thế này:
    – sau những câu đầu về thành công và thất bại, chị cứ tưởng em sẽ viết về kinh doanh cơ. Đột nhiên chuyển qua tình bạn bè nó hơi đột ngột. Chị nghĩ sẽ tốt hơn khi em có một nhịp nối giữa hai cây cầu ấy, ví dụ như là: thành công và thất bại không phải là chuyện chỉ xảy ra trên thương trường mà còn xảy ra ngay cả trong những thứ thân thuộc bình thường nhất: tình thân.
    Hoặc “thất bại tạo nên thành công, kể cả trong thị trường ‘mối quan hệ’ mà tôi từng là một nhân chứng… đại loại là cần một câu dẫn từ chủ đề thành công thất bại sang chủ đề tình thân thì bài viết sẽ mạch lạc hơn.

    Sau đó đầu phần thân bài tốt hơn nên có câu đầu mào như là: Tôi có một người bạn. Hoặc Tôi và X – chúng tôi từng là đôi bạn thân…
    Chứ đùng phát em vào đề “chúng tôi” luôn làm chị cứ tưởng em và “sự thất bại” là đôi bạn thân cơ đấy haha đọc mãi vẫn chả hiểu chúng tôi là ai cho tới khi đọc tới nửa bài về sau.

    Phần câu chuyện cá nhân của em thì chị đánh giá là ổn nhưng phần thông điệp sau câu chuyện thì chị nghĩ là chưa đủ mạnh để gây ấn tượng. Vì cuộc sống này vốn đang được vận hành trên những quy luật rất thực tế như thế: ai cũng quan tâm người thân của mình hơn người lạ, ai cũng quan tâm người thân khi họ gặp sự cố nguy nan hơn là khi họ bình thường. Những điều này là rất bình thường không thể vì chuyện em giúp bạn mà suy ra thông điệp về thất bại hay thành công trong các mối quan hệ được. Chưa đủ đô!

    Chuyện xã hội vô tâm cũng thế. Em có chắc là khi thấy người lạ bị nạn bên đường em sẽ dừng lại giúp ngay lập tức không hay sẽ tìm cách gọi người thân của họ? Rồi chuyện một người gặp nạn những người khác không giúp cũng là có lý do em ạ. Rất nguy hiểm trong việc di chuyển người gặp nạn vì sơ xuất có thể khiến họ gẫy xương, thủng phổi, chấn thương sọ não như chơi ấy. Nên theo chị, không nên vì chuyện không ai giúp bạn mình mà mình đánh đồng họ là vô tâm đâu em ạ.

    Thất bại đáng giá ngàn vàng, đôi khi cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, nó cho người ta những bài học vô giá nên xét chung, chị không đồng tình với thông điệp rằng nó là zero cho lắm hihi có thể đổi lại chút rằng người ta cho rằng thất bại là zero khi người ta chưa hiểu tầm quan trọng của nó. Zero đầu con số là vô nghĩa nhưng zero sau con số sẽ làm con số ấy giá trị gấp 10 lần. Thất bại cũng như thế. Tình thân cũng như thế: trong hoạn nạn tình thân sẽ giá trị gấp 10 lần thậm chí cả trăm ngàn lần. Thông điệp là chúng ta nên làm sao để tình thân luôn có giá trị như thế, không phải chỉ trong hoạn nạn.
    Hoặc: mỗi người là con số 1. Nếu ví thất bại là số 0 thì chúng ta nên đặt thất bại phía sau mình để mà tiến về phía trước. Điều tuyệt vời ở chỗ khi đặt thất bại phía sau thì số 1 bỗng trở thành 10, càng nhiều thất bại thì cs người ta càng giá trị hơn. Như việc em gạt qua cái tôi để trở thành người bạn tốt đã biến số 1 thành số 10 như thế…
    Vân vân.

    Nói chung chị đánh giá cao bài viết trên khía cạnh tính văn chương hơn là tính thông điệp hay truyền cảm hứng. Mong và tin rằng càng ngày em sẽ càng làm tốt hơn.
    Một lần nữa cảm ơn em vì bài viết.
    Thân ái!
    Phi Tuyết

    • Cảm ơn bạn Phi Tuyết vì những góp ý và gợi ý rất đáng trân trọng. Vì xác tín rằng đây là một sân chơi lành mạnh và đối thoại giúp học hỏi lẫn nhau, nên mình cũng mạo muội viết đôi dòng phúc đáp như một người bạn cùng chung đáp mê viết lách.
      Mình xin đưa ra phần nào những dụng ý được đề cập trong bài viết này.

      Phần mở đầuu là hai lời phê bình về câu nói của người xưa như một cách gián tiếp phủ nhận những quan niệm thất bại trước đó, để đi đến việc tìm ẩn số cho thất bại mà chính bản thân kinh nghiệm. Đây cũng được coi là cách tiếp cận “phản diện” của triết học hiện sinh. Nếu xét theo lối văn nghị luận, người viết chưa hề đưa ra phạm vi và giới hạn đề. Nhưng chính hạn từ “ẩn số” là một biện minh có thể chấp nhận được. Còn việc bạn tưởng rằng mình viết về kinh doanh gì đó, chỉ là tiên kiến, vì mình chưa hề bàn đến lãnh vực nào. Còn những gợi ý của bạn khá ổn những nó không hợp cho bài viết mang tính văn chương. Hơn nữa, ngụ ý của người viết muốn khẳng định rằng trong tình thân không hề có thất bại nên nếu mở bài lại nói đến tình thân sẽ gây ngộ nhận và mất đi tính bất ngờ của “ẩn số”.

      Sang phần chính, ngay từ đầu mình đã giới thiệu: “Chúng tôi là đôi bạn thân từ khi bước vào môi trường đại học”. Điều này đã quá rõ khi chỉ định một tương giao giữa hai ngôi vị sao bạn lại có thể nhầm rằng chúng tôi đấy lại chủ thể và thất bại. Nếu chưa đọc kỹ, bạn cũng biết rằng sau đó, mình nói đến hai đứa cùng uống cafe, không lẽ mình uống với thất bại trong sự gặm nhấm bản thân.

      Có một chi tiết bạn nói đến về việc người xung quanh vô cảm, đúng như bạn nhìn nhận đây là một sự chủ quan. Nhưng trong bối cảnh nhân vật chắc mọi người ngầm hiểu rằng chủ thể vẫn ý thức rằng đám đông không hoàn toàn vô cảm vì nếu không chẳng có người đàn ông gọi điện thoại để rồi chàng ra tay cứu bạn mình. Nhưng như bạn Thanh Hòa đã tinh ý nhận định, câu nói: “Giữa một xã hội vô cảm, ai có tình bạn chân thành là người thành công”, mặc dù chủ quan, song, nó nêu bật cảm xúc tức thời của nhân vật (tiếng nói nội tâm) mà bạn Hòa hiểu rằng cách kể chuyện có nội lực (và một số chi tiết nữa !).

      Và có một sự nhầm lẫn quan trọng từ phía bạn khiến đánh đổ mọi nỗ lực của tác giả khi xây dựng tình tiết và nhân vật để nêu bật một thông điệp rõ ràng, đó là con số zero. Tác giả không hề xem nhẹ và phủ nhận giá trị và ý nghĩa của thất bại, nhưng đây không phải là ý hướng khai thác của tác giả. Ẩn số của thất bại là zero nghĩa là không hề có thất bại trong tình huống này. Điều này tác giả cũng lường trước sự ngộ nhận khi giải thích ngay thêm hai câu sau: “Thật vậy, chẳng có cái gì được coi là thất bại trong cuộc đời này đối với những người không ngừng vươn lên và vượt qua. Chẳng có cái gì được coi là thất bại trong cuộc đời khi họ có những tình thân”.

      Cũng từ gợi ý của bạn khi liên hệ con số 0 đặt trước và đặt sau, gợi ý của bạn mang tính văn nghị luận không hợp với văn phong bài viết này. Người viết chỉ muốn nhấn mạnh việc thêm số 0 đằng sau sẽ tăng trị giá gấp 10 lần nhờ đó mà chi trả cho tiền cafe. Điều này không có ý thực dụng nhưng muốn nhắm đến điểm nhấn đầu tiên là quán cafe bên đường và món quà: hai tách cafe khuyến mãi, tất cả chỉ nhằm “siết chặt tình thân’.

      Một chút giải thích của bản thân không ngoài mục đích giúp bạn cảm được phần nào những gì bài viết muốn cống hiến. Thật vậy, có những tầng ý nghĩa nằm sâu dưới chữ viết mà không phải ai cũng khả dĩ cảm nhận được và mình cảm thấy an lòng khi có bạn Thanh Hòa đồng cảm như nhận định rằng: “Bạn nhìn ra được những tầng ý nghĩa sâu hơn ẩn giấu trong những hiện tượng bình thường”.

      Một lần nữa cám ơn Bạn và chương trình đã tạo một sân chơi mà đối với mình khá lành mạnh và bổ ích. Hy vọng chương trình này sẽ lôi kéo thêm nhiều bạn đọc thích khẳng định mình và sáng tạo bản thân để làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.

      Thân ái
      Tú Đam Mê O.Cist.

  2. Chào Tú nhé,

    Cảm ơn bạn đã ủng hộ cuộc thi và chia sẻ câu chuyện của bản thân. Mình có đôi lời nhận xét thế này:

    1. Bạn kể chuyện điềm tĩnh và có nội lực. Câu chuyện đơn giản nhưng rõ ràng mạch lạc, có sự liên tưởng, liên hệ với các hình ảnh tương đồng khác (so sánh) khiến bài viết trở nên thú vị và sống động. Ngay cả câu chuyện của bạn cũng chất chứa những hình ảnh giàu ý nghĩa như “cà phê đắng”, “hộp quà”, “chung một nhóm máu”. Những hình ảnh này giúp nâng tầm sự sáng tạo của bài thi.
    2. Câu chuyện bạn kể không phải là dài nhưng có tính văn chương, nghệ thuật trong đó. Mình cảm thấy bạn có một năng khiếu kể chuyện tự nhiên. Bạn nhìn ra được những tầng ý nghĩa sâu hơn ẩn giấu trong những hiện tượng bình thường nên câu chuyện bạn kể khiến mình thấy thỏa mãn hơn cả so với tất cả các bài dự thi trước đó.

    Mình sẽ chấm điểm sau. Chúc bạn ngày càng vững vàng và phát triển hơn trong cuộc sống nhé.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

    • Chân thành cảm ơn BGK. Đọc qua nhận xét của bạn, mình cảm thấy an tâm, vì những “dụng ý” đã trình bày trong bài viết được bạn ghi nhận. Mình nghĩ rằng những câu nói hay và ý nghĩa sẽ giúp những người thích suy tư quan tâm; còn những hình ảnh gợi hình sẽ tác động đến những người thiên về cảm giác và tình cảm. Ngoài ra, cách dùng những hạn từ “ẩn số”, “quán café bên đường”… sẽ kích thích cho những người thiên về trực giác. (Đó là 4 mẫu người chính mà nhà tâm lý học C.Jung đề nghị: suy tư, cảm giác, tình cảm và trực giác; ngoài ra, yếu tố hướng nội và hướng ngoại chi phối trong 4 mẫu người này).Mình muốn phối hợp chúng để giúp thông điệp của mình truyền tải sinh động hơn.

  3. Đây là bài viết tôi thấy hay nhất trong các bài đã được đăng tính tới thời điểm này, tuy nhiên tôi vẫn hy vọng đọc được bài nào đó hay hơn nữa, có lẽ nhiều người đang chờ tới tuần cuối mới chịu nộp bài. Bạn cũng có chút năng khiếu viết, một vài câu tôi đọc thấy tâm đắc, quoteable. Nếu chịu khó tập đọc, tập viết nhiều hơn nữa để có kinh nghiệm tôi nghĩ bạn sẽ là một tác giả trên trung bình.

    Câu chuyện về loài nhím là một phép so sánh, một ví dụ tốt; lần đầu tiên tôi mới biết tới chuyện này. Tuy mở bài và thân bài chưa có gì đặc biệt, phần kết luận là cái phao đã đã kéo điểm bài này lên. Tôi chấm bài này 81 điểm.

    • Dạ, cám ơn BGK đã có những nhận xét rất tích cực. Đây là động lực giúp người viết cố gắng mỗi ngày để khả dĩ đem lại chút gì đó thông điệp cho cuộc sống.
      Mình cũng thích câu chuyện về loài nhím, nó giúp bản thân nhận ra những tổn thương đôi khi vô tình khiến người khác phải chịu phần bất công. Thật ra, câu chuyện có thể giúp gợi hứng cho mọi người về sự tôn trọng không gian riêng, mà đôi khi, cả những đôi vợ chồng cũng ly tán chỉ vì không tôn trọng điều này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI