28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Huyền Chip, Đỗ Nhật Nam… và câu chuyện về văn hóa phản biện

“Cuốn sách và Huyền Chip là chuyện nhỏ nhưng “văn hóa phản biện” mới là chuyện lớn.”
– Osin Huy Đức

Chưa bao giờ Việt Nam có một không gian trao đổi, thảo luận và cả cãi nhau, mỉa nhau, chửi nhau rộng mở đến thế. Từ các diễn đàn như VOZ, Webtretho cho tới các mạng xã hội như Facebook, Tầm Tay hay cả dưới chân các bài báo như của VietnamNet, Dân Trí. Từ ngày ra đời, các đơn vị tổng hợp tin tức đã thúc đẩy và tạo ra thói quen comment mạnh mẽ dưới mỗi tin tức mà ví dụ điển hình trước đây là linkhay và nay là Tạp Chí Chim Lợn.

Cá nhân tôi cho rằng đây là một xu hướng chung của xã hội, nơi những nhu cầu được thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mỗi cá nhân là rất lớn. Thật sự khó có sự tiến bộ và phát triển nơi những ý kiến của vạn người lại “giống y như một”, hay nếu chỉ có sự phát ngôn một chiều từ một hay một nhóm thế lực thì cũng thật nguy hại cho sự tiến bộ của xã hội.

Thế nhưng, chúng ta đã dần có được quyền tự do ngôn luận (tôi chỉ dám nói từ dần, bởi rõ ràng còn nhiều vấn đề vẫn còn chưa được tự do), chúng ta cũng đã có nhiều không gian cho các phát biểu, thế nhưng tôi cho rằng “văn hóa phản biện” hay những tư duy mà người tham gia trong các cuộc “‘trò chuyện”, một yếu tố rất quan trọng lại còn thiếu nặng nề ở Việt Nam.

Không khó để nhận ra là các “comment” (xin lỗi vì tôi không thích dùng từ bình luận) qua lại trên mạng đều chẳng góp ích nhiều cho sự trao đổi quan điểm, sự phát triển của thế giới quan hay tạo ra một bức tranh rõ ràng về sự việc, chúng giống như kiểu “Đổ dầu vào lửa” hơn. Những người tham gia bình thường, phần lớn phát biểu cảm xúc hay chỉ đơn thuần là một “khẳng định” nào đó mà chẳng hề diễn giải sự hợp lý của nó. Điều này kiểu như “phán”, kiểu như bạn là một ông quan to, nghe xong câu chuyện của 2 ông kiện nhau rồi phán luôn một câu “cả hai đều có tội”.

Thậm chí có những người comment khi họ còn chưa đọc hết cả bài viết.

Những người ủng hộ nhân vật chính thì bị gọi là “bênh vực”, “ăn tiền”, “nịnh hót”, “bao che”, “mù quáng”…Những người phản đối thì bị gọi là “GATO”, “ném đá”, “thiển cận”, “ăn không ngồi rồi” ….

van hoa tranh luan

Những nguyên nhân

 1. Suy nghĩ hời hợt

Tôi cho rằng nhiều khán giả thường không thực sự dành thời gian để tự “tranh biện” với bản thân về sự việc sau khi họ tiếp nhận thông tin. Họ ngay lập tức chọn cho mình một quan điểm và bị gắn chặt với nó. Rõ ràng việc tìm hiểu thông tin nhiều chiều, xác định độ tin cậy của tác giả, tự hỏi và tự trả lời là một quá trình dài và khá “hại não”, những quá trình tìm hiểu thông tin và tư duy này đánh bại phần lớn khán giả. Chúng ta cảm thấy sung sướng hơn khi chỉ cần “đồng tình” hay “phản đối” một quan điểm nào đó.

2. Bị định hướng

Báo chí và các kênh truyền thông ở Việt Nam, tôi cho rằng lập lờ rất nhiều giữa cung cấp thông tin về sự việc và cung cấp quan điểm về sự việc. Có thể vô tình hay cố ý, những bài viết có đưa quan điểm/cảm xúc chủ quan của tác giả sẽ khiến người đọc có xu hướng đồng tình nhiều hơn là phản đối với bài viết đó, nguyên nhân vì trong bài báo thường đưa thông tin và dùng những từ ngữ có lợi cho quan điểm đó.

Lấy ví dụ về bài viết về bài kiểm tra văn bị điểm 2 với lời phê được đưa lên TCCL.

http://tccl.info/vui/1636/bai-kiem-tra-2-diem-bi-phe-‘kho-thanh-nguoi-tu-te’.html

Có những bình luận trái chiều về vấn đề này, nhưng bài báo này trích dẫn toàn những quan điểm bất bình của cư dân mạng thay vì cân đối chúng.

3. Bị đánh lừa bởi ngụy biện

Trong số rất nhiều các ngụy biện, có một số ngụy biện nếu được sử dụng tốt sẽ rất nguy hiểm vì nghe rất thuyết phục, nhưng lại hoàn toàn ẩn dấu đi nhưng sai lầm về mặt logic hoặc chúng đánh vào bẫy tâm lý của người nghe khiến họ cảm thấy nó rất có lý. Cá nhân tôi cho rằng nhiều ngụy biện được sử dụng như một bản năng tự nhiên, xuất phát từ lỗi tư duy của chính người phát biểu, nói cách khác, chính họ cũng bị ngụy biện của họ thuyết phục.Hãy đi sâu hơn vào các lỗi ngụy biện nguy hiểm này.

3.1 Công kích cá nhân

Các phép công kích cá nhân thông thường nhất là “chửi”, tuy nhiên cách này rất lộ liễu, hiệu quả của nó lại có thể rất khả quan trên quy mô lớn. Khi tiếp nhận 1 lượng cực lớn câu chửi trong một thời gian ngắn, người tiếp nhận có thể cảm thấy bị áp lực rất mạnh về tâm lý và dễ dẫn đến kích động, phản ứng tiêu cực hoặc hành động thiếu suy nghĩ.

Phép công kích cá nhân cao siêu hơn, thường được áp dụng bởi những người có học hơn. Họ sẽ đào sâu vào tiểu sử của người phát biểu ví dụ như Cô ta học trường nào? Quê ở đâu? Có bê bối gì hay không? Gia đình cô ta làm nghề gì?…

Trong vụ việc của Huyền Chip, việc Huyền không đi học, xuất thân từ nông thôn, xa gia đình sớm được lấy làm cơ sở cho suy luận rằng cô “thiếu giáo dục”, “không có văn hóa tranh luận” của một blogger… hay cách phát âm tiếng Anh của PGS Hoàng Ánh cũng như lịch sử học tập, công tác của bà bị lôi ra làm trò cười, mỉa mai trên một diễn đàn khác.

Trong câu chuyện này, một trích dẫn rằng Việt Nam nhiều GS, TS nhưng ít bằng phát minh cũng được lấy làm dẫn chứng cho việc kết luận GS Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ là một GS rởm.Bài báo về TS Nguyễn Đức Thành sau đây được coi là một ví dụ rất rõ ràng về việc phân tích quan điểm của ông đã dần bị thay thế hoàn toàn thành việc chứng minh ông chỉ là “tiến sĩ giấy”http://www.webtretho.com/forum/f26/ts-nguyen-duc-thanh-vnd-yeu-thi-kinh-te-se-manh-dan-len-1563669/

Cách phân tích về công kích cá nhân của anh Trần Ngọc Thịnh, FB Thích bỏ xừ được nêu ra như sau:

Thứ ba, văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên tranh luận cần phải tôn trọng lẫn nhau. Tức là không được mạt sát nhau, không được công kích đối phương bằng việc quy chụp, chụp mũ, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ. Sử dụng từ ngữ vô văn hóa để kết luận đối phương bằng những từ như: ngu, đần, thần kinh, dở hơi…Trừ khi họ đúng như thế thật =)) Sự tôn trọng và lắng nghe từng luận điểm và dẫn chứng của mỗi bên để đưa ra những tranh luận đúng đắn và hợp lý.

Vâng, câu in đậm và icon cảm xúc đằng sau đó trong đoạn phân tích này khiến tôi cảm thấy khó hiểu về thái độ thực sự của anh trong vấn đề này. Không hiểu anh có thực sự nghiêm túc và hiểu thế nào là “ngụy biện công kích cá nhân” hay không. Mọi quan điểm chỉ nên được phản bác bằng các phân tích và dẫn chứng mà không phải là cảm xúc của cá nhân với người phát biểu quan điểm đó.

Bạn có thể ghét cô Huyền Chip và cho rằng cô ta chém gió, ghét cô Huyền Anh và nghĩ là cô ta thích thể hiện, ghét Đỗ Nhật Nam vì cậu ta tinh vi nhưng bạn không thể dùng nó như những bằng chứng hay lập luận để công kích quan điểm của họ.Thực sự, bạn có thể cảm thấy khó tiếp nhận việc phải tranh luận với một người mà bạn tin rằng kẻ đó là ngu ngốc, nhưng nếu đó là kẻ ngu ngốc thật thì người xem sẽ tự cảm thấy điều đó chứ nếu bạn sau một hồi tranh luận lại hô lên “Cô là một con ngốc, nói chuyện với cô thật là phí thời giờ” và rồi tìm kiếm sự đồng tình của người xung quanh thì đó không phải là một văn hóa tốt đẹp.

Một trong những cách công kích cá nhân khác chính là việc ghép ảnh kiểu “Thánh ăn vạ” “Thánh ngực” hay các thể loại châm biếm khác.

Việc anh Trần Ngọc Thịnh phong cho một loại người kiểu thành các “Cử nhân ngụy biện”, gọi ai đó là “giáo sư rởm” hay “tiến sĩ giấy” chính là một cách công kích cá nhân kiểu này.

3.2 Lợi dụng cảm tính và đám đông

Đây là nhóm ngụy biện rất nguy hiểm, nguyên nhân vì tự chúng ta đều thường cảm thấy bị thuyết phục bởi các ngụy biện này và cũng dễ rơi vào việc sử dụng nó. Rất nhiều giá trị như Tổ quốc, gia đình … khi được nêu ra sẽ dễ dàng thu hút được sự ủng hộ của đám đông, điều này có phần giống như đánh lạc hướng trọng tâm của câu chuyện.

Ví dụ, việc cho rằng “Cuốn sách của HC có thể sẽ làm cho nhiều đứa trẻ tưởng nhầm rằng đời chỉ toàn màu hồng, chúng sẽ ra sao nếu cũng xách ba lô lên và đi mà không có sự chuẩn bị gì cả?” hay “Huyền sẽ nghĩ sao nếu quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ bị ảnh hưởng bởi việc vượt biên hay trốn vé” hay “Hình ảnh người VN sẽ bị xấu đi bởi những cô gái đi phượt mà còn thiếu ….”

Đây là một loại ngụy biện dựa vào dùng những chữ mang cảm tính cao để gắn một giá trị đạo đức vào một đề nghị hay một câu phát biểu. Tất cả những khái niệm “hình ảnh quốc gia”, “tương lai của giới trẻ”, “quan hệ ngoại giao” đều khiến người đọc dễ dàng nghiêng về phe của người phát biểu.

Một ví dụ khác là kiểu “Nếu đi mà làm bố mẹ buồn thì đi như vậy có ý nghĩa gì? Nếu bố mẹ có ra sao thì ai chịu trách nhiệm?”. Một ví dụ khác là phát biểu kiểu “Đến Việt Nam là quê hương mình còn chưa đi hết, lại còn đi nước này nước nọ làm gì?”

Bạn sẽ dần cảm thấy sự phi lý của các lập luận kiểu này nếu thử mở rộng việc áp dụng nó với tất cả các trường hợp. Bạn sẽ không bao giờ được nói điều gì tiêu cực về bất cứ nước nào vì có thể nó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước, bạn có thể sẽ phải tìm hiểu về tất cả phong tục tập quán và lịch sử Việt Nam trước khi ra nước ngoài nếu không bạn có thể làm xấu đi hình ảnh của VN, và bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ được làm điều gì trái ý với bố mẹ bạn vì có thể nó sẽ khiến bố mẹ bạn buồn.

3.3 “Lí luận lươn trạch” kết hợp với “Ảnh hưởng không đáng kể”

Đây là 2 ngụy biện thuộc 2 nhóm khác biệt nhưng lại hay được dùng đi kèm với nhau. Lí luận lươn trạch là kiểu một sự việc có hại xảy ra, các sự việc có hại khác cũng sẽ xảy ra.

Ví dụ: Cô Huyền viết sách sai sự thật ==> Những người khác cũng sẽ bắt chước cô Huyền ==> Giới trẻ sẽ khủng hoảng khi họ cũng xách ba lô lên và đì

Và “ảnh hưởng không đáng kể” là kiểu phóng đại các hậu quả của một việc. Ví dụ như “Cuốn sách của Huyền làm giới trẻ lầm tưởng về những nguy hiểm của du lịch bụi”. Có thể đây là một phát biểu đúng, nhưng ảnh hưởng của nó rất khó có thể đánh giá xét trên toàn bộ giới trẻ hoặc kể cả trên số lượng những người đã đọc cuốn sách của cô Huyền. Điều này tương tự như việc coi hình ảnh của Bà Tưng sẽ “làm hỏng cả nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”

Việc nâng cấp câu chuyện của cô Huyền và suy ra thành các hậu quả kinh khủng về “tương lai đất nước” hay “quan hệ ngoại giao” là những ngụy biện kiểu này.

3.4 Lợi dụng quần chúng

Ngụy biện này được hiểu rất đơn giản: Cái gì được nhiều người ủng hộ thì cái đó đúng.

Ngụy biện này có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau kiểu: “Hãy nhìn lại số like và những comment khác đi !!!!” (thực tế thì hãy quay trở lại minh họa đầu tiên, bạn cảm thấy comment đầu tiên được hơn 300 like kia là 1 comment giá trị sao?)

Hay theo cách khác: “Tất cả mọi người đều yêu cầu như vậy, đây là quyền lợi chính đáng của tất cả chúng tôi”.

Thực tế thì giá trị của 1 quan điểm không thể dựa vào số người ủng hộ nó, thực tế lịch sử cho thấy đám đông hoàn toàn có thể tạo ra những sai lầm to lớn.

 

Hoàng Đức Minh

*Featured image: Jack Teagle
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

  1. Ối giời ơi ! Đi đâu cũng thấy Huyền Chip lô hàng thế này,hót thế.
    Nhưng tại sao cứ vụ Huyền Chip nhai đi nhai lại mãi vậy ?
    Từ ngày đọc THĐP thì lâu lâu lại có một bài nhai lại vụ này,có đáng hao phí sức vì chuyện ko đáng nói ko ? Buông tha cho em nó đi,các bác !
    Lúc đầu thì cũng thấy tạm được,nhưng giờ thì mình xếp Huyền Chip cùng với mấy vụ cướp hiếp giết cho khỏi mất công nhức đầu.

  2. Vâng tôi không giởi tự hỏi, tự tranh biện với bản thân vì nhiều khi tôi còn chẳng biết mình đang nghĩ gì.
    Tôi chỉ thắc mắc 1 điều sau bài viết này: Tại sao có rất nhiều ví dụ, nhưng người viết bài chỉ chọn những ví dụ từ những người "công kích" (cách dùng từ của người viết) Huyền Chíp?

  3. Văn hóa mạng nó thế. Ng ta ít khi nào chịu trách nhiệm về câu nói của mình. Cho dù có bị chửi ngu thì cái tiếng ngu nó cũng không chạm đến lỗ tai mình dc.

  4. Mỗi người đều có những mục tiêu, mục đích trong cuộc sống, nhưng cái cách để đạt được nó sẽ nói lên giá trị con người bạn. Sự việc Huyền chíp có ủng hộ, có phản đối, kHông phủ nhận những giá trị tích cực khi nhìn vào hành trình và nỗ lực dần thân của Huyền, nhưng cách phản ứng trước những GATO của dư luận khiến mình cũng ko còn tin nhiều vào những điều Huyền viết. (ở đây không bàn tới chuyện mua hay ko mua sách)

  5. Công bằng mà nói Huyền chíp nó vẫn là người dám thử thách, dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi mục tiêu và kiên trì giữ gìn quan điểm đến cùng. Tôi thấy tất cả những gì mấy ông đang hoài nghi hay bới móc chỉ phản ánh 1 phần sự đố kị hoặc cũng chỉ bợ đỡ cho 1 ý đồ nào phía sau thôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI