Featured Image: Kafka Bookstore
Có gì trên ngọn núi ấy?
Thomas Mann đã nói trong cuốn sách này rằng: thời gian là một bí mật. Người ta cố gắng nhốt kín thời gian và đong đếm nó bằng tiếng tích tắc của các thể loại đồng hồ, nhưng người ta chưa bao giờ điều khiển được nó. Ngược lại, nó điều khiển ta và đo lường cuộc đời ta. Người ta chạy trốn thời gian bằng những cuộc xê dịch, mà cụ thể ở đây là một cuộc đào thoát đồng bằng lên núi cao, nơi người ta trả tự do cho thời gian để giải thoát cho chính mình khỏi nỗi ám ảnh của những cột mốc, của những đơn vị ngày tháng. Nhưng rồi, bằng một cách nào đó, thời gian vẫn lao đi và cuốn tất cả theo dòng chảy bất kham của nó để đối diện với một cột mốc duy nhất của đời người: cái chết.
Hans Castorp đã đối diện với cái chết khá sớm, khi những người thân lần lượt bỏ chàng ra đi. Đối với Hans, chết là một cuộc chia ly linh thiêng và trang trọng. Nhưng sau này, khi Hans lên sống ở Sơn trang, chàng mới hiểu rằng có vô vàn khuôn mặt của cái chết cũng như chừng ấy thái độ của sự biệt ly. Và vì thế dần dần chàng đánh mất đi sự tôn kính của mình dành cho sự kiện đặc biệt ấy, để trơ lì đối diện nó bằng một cái nhún vai. Rốt cuộc thì, dù người ta có muốn đối diện với nó vì quá chán ngán chốn hồng trần, hay muốn trốn chạy nó vì quá lưu luyến hồng trần, thì cái chết cũng sẽ đến dưới bàn tay quyết định của thời gian chứ không phải của chúng ta. Vô vọng, dường như là câu trả lời cho tất cả.
Và bởi vì con người không quyết định được cái chết của mình, nên họ bằng mọi cách sống một cuộc đời như mình mong muốn. Ngọn núi Davos, nơi đóng đô của An dưỡng đường Sơn trang, nơi thời gian tự do một cách toàn năng và bất kham, nơi bốn mùa bất chấp luật lệ thích ghé lúc nào thì ghé, nơi người ta miễn cưỡng đến ở để chiến đấu cho cuộc sống của mình. Ở đó, không có một bầu không khí tang thương ngự trị, hoặc nó vẫn ngự trị nhưng nó đã bị ngó lơ, hoặc khỏi cần ngó lơ mà người ta tự luyện cho nó thứ nội công thâm hậu có tên là vô cảm. Bằng mọi giá, họ đấu tranh cho lý tưởng, cho ước mơ, cho quan điểm sống và cho tình yêu. Cả Sơn trang là một hợp chủng quốc ngồi chờ đợi giây phút cáo chung, nhưng vẫn không thôi va chạm nhau bằng những cuộc cãi vã liên hồi kỳ trận.
Cuốn sách là những cuộc hành trình, không chỉ riêng cua Hans Castorp. Những nhân vật khác trong này cũng hết sức đặc sắc, từ Settembrini đến người đồng minh thù địch Naphta, từ Joachim đến cô nàng người Nga Clawdia Chauchat, họ đều trưởng thành trên hành trình đi đến cái chết, bằng những nụ cười trên môi như sự lựa chọn sau cùng cách thức đối diện với số phận của mình. Với Settembrini là nụ cười ý vị thâm trầm, với Hans là nụ cười hồn nhiên nông nổi, với Clawdia là nụ cười kiêu kỳ, họ đều cười với cuộc đời tiếng cười của chính mình, một cách để chạm khắc vào thời gian vô định những dấu ấn, trước lúc nó kịp xoá sổ tất cả…
Núi thần, đúng như tên gọi của nó, là một ngọn núi đồ sộ và vĩ đại. Tuy nhiên nó không đòi hỏi ở người khác một phẩm chất cao siêu để vượt qua. Nó, cũng như một vài cuốn sách được liệt vào hàng kinh điển khác, chỉ chờ đợi ở bạn một sự kiên trì, một nỗ lực bền bỉ để đi hết hành trình. Bù lại, nó sẽ dành tặng bạn thứ văn chương hảo hạng, một bản hoà âm đẹp đẽ của triết lý, chất thơ và tình yêu, nó tặng bạn những đoạn văn tả cảnh đẹp rụng rời đến mức bạn chỉ ước ao gì mình được ở đó – là con bệnh cũng được, nó tặng bạn những cuộc tranh luận đầy tính triết học nhưng rất dí dỏm hài hước, tặng bạn bức tranh sinh động về cả thế gian. Cuối cùng, nó tặng bạn những nụ cười, như một cách tiêu xài cuộc đời mà không hề hối tiếc…