Featured Image: Chiot’s Run
Uống sữa có tốt cho người Việt không? Ngày nay, có rất nhiều thông tin gây tranh cãi về vấn đề này. Để giúp hiểu rõ hơn, tôi muốn đề cập về lịch sử và những ảnh hưởng đến sức khỏe của sữa. Trước tiên, con người uống sữa từ khi nào và vì sao?
Khoảng 8000 năm trước đây, cùng thời gian với người dân Đông Á học cách trồng lúa và làm rượu gạo, những người Bắc Âu đã uống sữa bò và ăn phô mai cùng các sản phẩm từ sữa. Ở Đông Á, chúng ta trồng lúa nước, uống rượu gạo bởi cùng lý do với người Bắc Âu uống sữa, ăn phô mai: Tại cả hai nơi, những động vật có vú lớn nhất đã biến mất vì săn bắn quá mức và thay đổi khí hậu, vì vậy tình trạng đói khổ hoành hành. Khi những người châu Á đầu tiên uống rượu bị say vì dùng quá nhiều thì những người Bắc Âu đầu tiên thử uống sữa cũng bị vấn đề về tiêu hóa bởi họ thiếu gen sản xuất ra lactase, một loại enzyme giúp tiêu hóa đường lactose có trong sữa.
Trước đây, tất cả các loài động vật có vú đều mất lactase trong thời kỳ trưởng thành, nhưng ở một vài nơi trên thế giới, con người cuối cùng đã biến đổi về gen để cho phép họ và con cái tiêu hóa sữa tốt hơn. (Cũng như vậy, nếu sữa được ai đó uống đủ một thời gian dài thì sẽ xuất hiện sự thích ứng ở ruột trong việc tiêu hóa sữa, sẽ làm tăng men tiêu hóa lactose và sản sinh ra ít khí hydro hơn).
Hơn 80% dân số ở quần đảo Anh và Scandinavia khi sinh ra đã có enzyme lactase và có thể tiêu hóa được sữa vào tuổi tuổi trưởng thành). Ở Bắc Ấn Độ, khoảng 63% dân số có lactase, ở phía Nam Ấn Độ, tần suất là từ 10 đến 20%. Ở Đông Phi và Trung Đông, sữa bò và lạc đà đã được uống từ hàng ngàn năm, vì thế, tỷ lệ dân số có enzyme lactase là cao.
Ở phía đông Địa Trung Hải, tần suất có lactase là khoảng 15% (trong lịch sử, người ta có ăn pho mát dê). Ở Tây Phi, Đông Á và Tân Thế Giới, rất ít người có lactase vĩnh viễn. Người Mông Cổ cưỡi ngựa và dùng sữa của nó, trong khi đó ở Trung Đông, người Bedouin uống sữa lạc đà, thậm chí người nghèo Bedouin sống lệ thuộc vào sữa là chủ yếu. Sữa trâu được uống thường xuyên ở Nam và Đông Nam Á. Thông thường, phô mai, sữa chua và bơ để được lâu hơn sữa và dễ dàng tiêu hóa hơn.
Nhìn chung, cứ hai trong số ba người trên thế giới không có khả năng sản xuất ra lactase. Nói cách khác, sữa không phải là một phần quan trọng của chế độ ăn uống truyền thống cho hai phần ba dân số thế giới.
Bây giờ sữa bò phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, chúng ta có nên uống sữa?
Câu trả lời của tôi là không, vì ba lý do sau:
Thứ nhất, có một vấn đề về các yếu tố sinh trưởng tương tự insulin (viết tắt là IGF-1), một loại protein điều chỉnh sự tăng trưởng. Uống sữa làm tăng IGF-1. Trẻ em uống nhiều sữa có xu hướng tăng chiều cao hơn. Chiều cao có giá trị trong xã hội loài người, tuy nhiên uống sữa để tăng chiều cao cũng chứa đựng những nguy cơ bệnh tật như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, đại tràng và phổi. Sữa cũng liên quan tới mụn trứng cá: Một loạt nghiên cứu trên diện rộng (47.355 người tham gia mỗi nghiên cứu) được tiến hành bởi Đại học Harvard cho thấy sự liên quan giữa lượng sữa tiêu thụ và mụn trứng cá ở tuổi vị thành niên.
Thứ hai, người Việt không nên uống sữa vì lượng canxi trong sữa cao. Các công ty sữa thường thuyết phục chúng ta rằng có nhiều canxi sẽ tốt cho xương. Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta thực sự cần bao nhiêu lượng canxi trong mỗi bữa ăn? Tiêu chuẩn ở Mỹ và Canada về canxi cho người lớn nên tiêu thụ là 1.000 mg canxi mỗi ngày; ở châu Âu, mức tiêu thụ là 800 mg, còn tại Nhật Bản là 500 mg.
Thật là nghịch lý, từ nhiều năm nay người ta đã thấy rằng, tại các quốc gia nơi người dân tiêu thụ nhiều canxi trong khẩu phần ăn, bệnh gãy xương hông trở nên phổ biến. Bổ sung nhiều canxi dường như tăng nguy cơ gãy xương hông. Vượt qua ngưỡng tiêu thụ 400 mg canxi mỗi ngà dường như chẳng giúp gì cho xương của chúng ta mà còn làm vấn đề tồi tệ hơn. Trong bữa ăn truyền thống Việt Nam, mọi người đã có đủ canxi từ rau có lá xanh đậm.
Khi tôi đi du lịch ở Papua New Guinea, người dân ở đây không uống sữa hàng ngày ngoài sữa mẹ trong giai đoạn phôi thai, nhưng họ rất chắc khỏe. Papua Guinea là một trong những nước có tỷ lệ gãy xương hông thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ gãy xương hông cao nhất xảy ra ở những người Bắc Âu cao lớn, ưa thích uống sữa. (Sữa đậu nành, trái lại, lại làm giảm tỷ lệ gãy xương hông ở phụ nữ, có lẽ do ảnh hưởng của kích thích tố nữ hoặc vitamin K tìm thấy trong các sản phẩm đậu nành lên men). Dùng canxi hàng ngày cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cũng được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.
Lý do thứ ba khiến tôi nghĩ sữa không cần thiết với người Việt là chúng ta đã có lối ăn truyền thống không cần tới sữa. Ở Bắc Âu và một vài nơi của châu Phi, Trung Đông, Nam và Trung Á, sữa có một lịch sử lâu đời và là một phần quan trọng và ngon lành trong bữa ăn của họ, như tôi được học khi tôi đi du lịch qua Thụy Điển và Iceland. Nói họ dừng uống sữa có khác nào bảo người Việt dừng ăn cơm hay nước mắm. Còn ở Việt Nam, chúng ta có một lối ăn ngon lành dựa trên rau, gạo, cua, cá, trái cây, trứng gà vịt, thịt heo, bò, đậu nành, nước mắm chứ trước đây chúng ta không dùng tới sữa bò. Không có lý do gì khiến chúng ta phải dừng những thức ăn truyền thống cũng như không có lý do gì phải bắt đầu việc uống sữa.
[themify_box style=”purple rounded” ]Stephen Le được đào tạo về Sinh nhân chủng học. Anh lấy bằng tiến sĩ của Đại học California, Los Angeles (UCLA) và hiện là giáo sư thỉnh giảng của Khoa Sinh học, ĐH Ottawa. Trong hai năm nay, anh đã viết một cuốn sách về lịch sử thức ăn, chuẩn bị được NXB Picador USA and HarperCollins Canada xuất bản trong năm 2015. Anh là người Việt, sinh ra ở Canada và đã trở về Việt Nam nhiều lần. Anh cũng sống và du lịch tới 40 nước trên thế giới với cơ hội chứng kiến và thảo luận về văn hóa ăn uống tại nhiều quốc gia.[/themify_box]
Trước đây mình có tham dự khoá học của tiến sỹ y khoa Ấn Độ, người giữ kỷ lục Châu Á về thể lực và trí lực. Ông cũng khuyên con người ko nên uống sữa, vì canxi trong sữa chúng ta thật sự ko hấp thụ dc bao nhiêu mà sẽ bị dư thừa trong cơ thể, dẫn đến sạn thận, bàng quang… Thay vào đó, canxi trong thức ăn lại là nguồn hấp thụ tốt nhất như trong các loại rau xanh đậm, tôm cá, đặc biệt VN mình có cua đồng, rất tốt, trong trái cây thì trái sung và trái vả cung cấp lượng canxi tương đương ăn hải sản nhưng hấp thụ tốt hơn. Vấn đề thể chất của người VN thật ra đến từ chất lượng bữa ăn hàng ngày là chính, dù nhà nghèo hay nhà giàu đều ăn 1 cách mất cân bằng dinh dưỡng.
Mẹ mình hầu như không bao giờ uống sữa mà giờ ngoài 70 tuổi vẫn đi lại nhanh nhẹn. Bản thân mình cũng hầu như không uống sữa!
Sữa là một thức uống rất bổ dưỡng dành cho những chú bò con
Các bác xem thêm bài này nhé:
http://yeudongvat.org/su-that-toi-te-ve-sua/
Đọc bài viết của bạn làm mình nhớ đến câu nói vui của Tommy trong bộ phim Snatch (không biết nó có nói đúng không) : “Bò mới chỉ được con người ta nuôi khoảng 8000 năm trở lại đây thôi, trước đó tụi nó chạy hoang như chó dại ấy, hệ tiêu hóa của người chưa hợp với sản phẩm sữa đâu”.
tôi đọc bài này cảm thấy không có tính thuyết phục
Bài viết của anh làm liên tưởng đến phương pháp Macrobiotic của Ohsawa, nó cũng có thể giải thích vì sao không nên dùng sữa.
Bạn có giải pháp thay thế không?
Sữa là nguồn cung cấp canxi cân đối và dễ hấp thụ nhất cho cơ thể con người. 1 sự thật đáng buồn là dù muốn hay không thì người Việt cũng đang thiếu thốn nguồn canxi từ sữa, đó cũng là 1 trong số nhiều lý do khiến sau hơn 30 năm tầm vóc của người Việt chỉ cải thiện một cách chậm rãi so với các quốc gia Châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Sing…Bởi thế, liệu 1 bằng chứng nghiên cứu bạn đưa ra có ý nghĩa hơn những chứng cứ thực tế đang diễn ra hay không, 1 giáo sư về Nhân chủng học thì có đủ chuyên môn khi bàn về dinh dưỡng học hay chưa. Hy vọng sẽ gặp những bài viết giá trị của bạn.
Thông tin rất bổ ích (hi vọng thông tin đúng sự thật). Thực phẩm nào cũng có 2 mặt, các cụ đã nói bệnh từ miệng, lạm dụng thức ăn gì cũng sẽ có tác dụng phụ. Với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay thì ng Việt không nên ăn uống bất cứ thứ gì để tránh bệnh tật.
Ngoài lề chút: Sữa khá là dễ uống, nhất là đối với trẻ con biếng ăn thì sữa là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng tốt, nhanh gọn. Uống 1 cốc sữa nhanh hơn nhiều so với ăn 1 bát cơm 😀
Mong tác giả cho dẫn chứng nguồn số liệu cụ thể. Nếu không có thì đối với mình bài viết không có tính thuyết phục.
Tác giả ơi,bạn có xem chương trình cơm có thịt bao giờ chưa ? Cơm ăn còn bữa no bữa đói,cứ đi về vùng cao vùng xa sẽ thấy dân mình nghèo tới mức nào,có nơi còn phải bắt nòng nọc nấu canh,bắt chuột ăn thêm chút thịt vì ko có bất kỳ lựa chọn nào chứ ở đó mà uống sữa hay ko uống !
Ngược lại dân thành phố lại quá chuộng sữa các thể loại, ko tiếc tiền mua các loại sữa kể cả nhập ngoại giá rất đắt (chắc do ảnh hưởng của quảng cáo) nên thông tin này cũng bổ ích với họ đấy bạn.
Nếu tác giả cho thêm nguồn tham khảo thì tốt. Đối với mình thông tin nào không kiểm chứng được thì không có giá trị.
Cho mình hỏi là, vậy mình thay thế sữa bằng thực phẩm nào mà lợi ích nó mang lại vẫn không thay đổi? Ngoài trứng ra.
sữa chua nhiều dinh dưỡng hơn sữa bò bạn nhé , nhưng tránh lạm dụng nhiều
Vẫn là sản phẩm từ sữa mà bạn?