27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tại sao chúng ta đọc những quyển sách này?

Featured image: Paperback Castles

Nhìn danh sách những cuốn sách bán chạy được công bố, có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao độc giả Việt Nam lại chọn đọc những cuốn sách này? Cơ chế nào đã hình thành lên những “best-seller” ở nước ta, hay rộng hơn là thói quen đọc đương đại? Rất dễ để trả lời, vì nó giống mọi thứ khác trong xã hội thôi, chính là cơ chế truyền miệng.

Những người đọc sách hẳn không ít người biết đến Publisher Weekly – Tuần báo xuất bản. Nó là tờ tạp chí nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ về xuất bản, và chủ yếu tập trung vào điểm sách. Mỗi năm, nó điểm 7.000 đầu sách. Và chỉ việc tờ tạp chí này đã tồn tại liên tục trong… 142 năm, kể từ cuối thế kỷ 19, đã cho thấy giá trị của nó.

Có một điều thú vị là mục “Phê bình” (Reviews) của tờ tạp chí này – vốn chiếm tới 40 trang báo với cả trăm bài phê bình – trước đây được gọi là mục “Dự báo” (Forecast, từ hay được dùng trong dự báo thời tiết). Bởi vì đó chính là nơi các tác giả, những chuyên gia về sách và thị trường sách, dự đoán cũng như tự tin rằng họ có thể định hướng xu thế đọc của độc giả.

Những nền xuất bản lớn luôn có những kênh uy tín như thế để giúp định hướng người yêu sách. Ngoài Publisher Weekly, ở Mỹ, người ta có thể kể đến Library Journal, tờ tạp chí chuyên về ngành thư viện đã tồn tại 138 năm, với hàng trăm bài điểm sách mỗi tháng. Booklist, tạp chí của Hiệp hội thư viện Mỹ, ra đời từ năm 1905. Tất nhiên, cũng phải kể đến những mục điểm sách của các tờ báo uy tín, như “Sunday Book Review” của The New York Times.

Tất nhiên là không thể khẳng định rằng ai đọc sách giỏi hơn ai, ai có quyền “dạy” ai rằng quyển sách này hay hơn quyển khác. Nhưng những kênh điểm sách chuyên nghiệp có lợi thế của họ. Đơn giản là họ đọc nhiều hơn, có tầm quan sát rộng hơn (chưa bàn đến sâu hơn) và có thể giúp độc giả “nhận diện” được các cuốn sách bằng những bài phê bình của mình. Chúng ta, những độc giả thuần túy, chỉ có thể đi dọc những giá sách ngồn ngộn của các nhà sách, nhận diện chúng bằng gáy sách, giở ra một vài quyển để đọc lướt, trước khi quyết định. Một quá trình không hề hiệu quả. Những kênh điểm sách, vì thế, rất quan trọng, ít ra là trong việc cung cấp thông tin về thị trường.

Nhưng tiếc rằng ở Việt Nam, không tồn tại một kênh điểm sách đủ uy tín. Hoàn toàn không có. Bản thân chuyên mục điểm sách trên các tờ báo có uy tín cũng được làm với một thời lượng rất hạn chế. Và cách duy nhất để xu hướng đọc sách ở Việt Nam hình thành, là “truyền miệng” – hoặc chúng ta sẽ gọi một cách học thuật hơn, là chia sẻ ngang hàng.

Mạng ngang hàng (peer-to-peer) nổi lên trong thời đại của chúng ta như một phương thức thần diệu của việc chia sẻ các tập tin trên máy tính. Không cần có máy chủ, không cần một nhà phân phối, mỗi thành viên của cộng đồng tự chia sẻ với nhau các tập tin của mình. “BitTorrent” – giao thức chia sẻ ngang hàng nổi tiếng nhất, trở thành một từ vựng toàn năng mỗi khi người ta cần phần mềm, trò chơi, âm nhạc, phim ảnh.

Nhưng phương thức ấy không chỉ tồn tại trong mạng máy tính, mà tồn tại trong cả xã hội. Kiến thức cũng được chia sẻ và lan tỏa trong xã hội theo phương thức ngang hàng. Internet, và hẹp hơn là các mạng xã hội như facebook, tạo ra một môi trường hoàn hảo cho cơ chế này. Hãy tạm gọi nó là cơ chế truyền miệng. Những đầu sách hay được cộng đồng “buôn” với nhau, rồi trở nên nổi tiếng mà không cần đến một kênh truyền thông đại chúng nào đó quảng bá.

Tất nhiên là mô hình ấy có lợi. Sẽ có chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” được tạo ra, sẽ có những quyển sách mà nhà xuất bản hay tác giả không có tiền để tiếp thị, được tôn vinh bởi cộng đồng nếu nó thực sự có chất lượng.

Nhưng cũng giống như rất nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, cơ chế truyền miệng kiểu này có thể tồn tại mặt trái – khi mà những độc giả bình thường không thể có đầy đủ thông tin về thị trường xuất bản bằng những người ăn lương để theo dõi nó.

Hãy nghĩ rộng hơn về xã hội: cơ chế chia sẻ thông tin ngang hàng đã từng tạo ra những hậu quả xấu rồi. Ví dụ, người ta có thể phao tin về “trong nồi nước lèo hủ tíu có thịt chuột” hoặc “virus Ebola đã về Việt Nam”. Khởi sinh của vấn đề cũng là không có một kênh thông tin đủ uy tín. Người ta không tin vào công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà chức trách, không tin sự minh bạch về dịch bệnh của ngành y tế,… nên những thứ như thế có thể lan truyền.

Tất nhiên là một quyển sách dở không gây tác hại trực tiếp nghiêm trọng bằng một thông tin như “hủ tíu có thịt chuột” – vốn đã khiến nhiều người bán hủ tíu rong điêu đứng. Nhưng nếu có quá nhiều quyển sách tầm phào trở nên nổi tiếng thì điều đó có thể gây xấu đến thị hiếu đọc, và văn hóa trong một tương lai dài. Nếu những quyển sách giá trị không mảy may được biết đến (chứ đừng nói tới thừa nhận), thì liệu tác giả trong nước có thể thối chí không?

Có một đặc điểm nữa của cơ chế “truyền miệng” này, đó là nó tôn thờ các giá trị bình dân. Cái gì đại đa số hiểu và chia sẻ thì sẽ chiến thắng. Cũng không có gì xấu trong văn hóa bình dân, nhưng nó không thể là sự duy nhất. Trong truyền miệng, nó là duy nhất. Và đôi khi, những quyển sách không-bình-dân cũng xứng đáng được vài vạn người biết đến và tìm đọc (nếu như chúng ta có một vài ấn phẩm như tạp chí Publisher Weekly hay Library Journal).

Bạn có thể lập luận rằng một người đọc sách sẽ tự có cách tìm được những đầu sách hay cho bản thân – nếu ai đó đã tin rằng mình phù hợp với những quyển sách “có chất” thì tự họ sẽ tìm đến, đừng đổ lỗi cho thị hiếu.

Nhưng hãy nghĩ về những người trẻ, những người mới bắt đầu công cuộc tìm hiểu tri thức vĩ đại của mình, những người chưa có kinh nghiệm đọc. Và họ sẽ bắt đầu tìm đọc sách theo cơ chế truyền miệng, sẽ hướng tới những quyển bình dân, dễ hiểu và được nhiều người thừa nhận. Người thanh niên ấy có thể, rất có thể, không-bao-giờ tìm được quyển sách có giá trị cho anh ta bởi đơn giản anh còn chẳng biết đến sự tồn tại của nó.

Đức Hoàng

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

20 BÌNH LUẬN

  1. ở VN để tìm được những quyển sách có giá trị là tương đối khó khăn, khó vì trình độ dân trí còn thấp, ít người bỏ công dịch mà chẳng thể xuất bản vì nhà xuất bản sẽ không xuất bản những quyển sách ít người đọc và không lợi nhuận. Không những thế còn phải qua khâu kiểm duyệt rất gắt gao nếu quyển sách ấy có chút liên quan đến chính trị. Tôi rất thích triết học, vì tôi khám phá ra rằng con người muốn phát triển tư duy và tầm nhìn thì phải dựa vào nó. Nhưng tôi chẳng thể tìm đâu để học nó, đa số các sách xuất bản chỉ thuộc loại “lịch sử triết học” toàn nói qua loa và theo một chiều hướng hướng về cnxh, mà cái tôi muốn theo là cả môn triết học, tức là những quyển sách triết học ở cấp bậc căn bản nhất cho đến nâng cao nhất, đi từng bậc từng bậc, điều này ở VN là không thể. khoản chục năm gần đây VN cũng có xuất bản những quyển chuyên sâu như “phê phán lý tính thuần túy” của Kant mà tôi đã tìm thấy nhưng thú thật là tôi không đọc nổi khi thiếu những bước thấp hơn trên con đường triết học. Những mặc khác cũng vậy, đặt biệt là các môn thuộc về xh, luôn thiếu sự tiếp nối. Chúng ta toàn học theo kiểu nhảy cóc, qua loa toàn bộ quá trình từ bắt đầu đến đương đại, chúng ta tham lam học những cái mới nhất trong khi không có một căn bản, một nền tản vững chắc. Đó là tính tham lam và thiển cận, cái gì cũng muốn có nhưng chẳng chuyên về cái gì cả… À vấn đề có lẽ đã đi xa, quay lại vấn đề trong bài, chúng ta thiếu những trang bình luận uy tín, thường ban đầu cũng có những trang chất lương, nhưng sau khi tạo được uy tín với người đọc thì nó bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận và dùng uy tín đổi thành tiền bạc. vài năm trước lâu lâu gặp một cuốn best thì quý lắm nhưng giờ thì có cả một đống trong nhà sách, cuốn nào cũng như cuốn nào. nó giống như làm kiểm tra toàn là điểm 10, học sinh toàn loại giỏi. nếu cái nào cũng best thì cũng chả có cái nào best cả, ngày nay tất cả các giá trị đều bị lạm phát, người ta chạy theo danh hiệu, đọc sách để được danh hiệu hoặc “à cuốn sách đó rất nổi tiếng, anh/chị/em/cô/chú đọc chưa? chưa à? vậy thì không đi kịp thời đại rồi!” nhưng khi đi truy tìm khởi nguyên của cuốn sách đó thì người ta nhận ra nó nổi tiếng không vì nội dung mà vì công nghệ lăng xê. thành ra sách người ta bảo nhau là hay thì nhiều nhưng có giá trị thật sự lại quá ít. Muốn tìm một quyển thật sự giá trị lại không biết tìm ở đâu, tin vào ai.

    • Bạn có thể ra hiệu sách cũ và tìm đọc những dòng sách trước 75 về Triết học, tất nhiên giá của nó khá đắt vì sách thể loại này rất hiếm, và người bán cũng hiểu được giá trị của những quyển như thế này. Tôi đã tìm thấy những quyển của Kahn và cả nhiều nhà triết học nổi tiếng khác. Còn những quyển đang bán tại nhà sách, tôi lại rất ngại mua vì NXB thường chọn người dịch có văn phong rất dở, nhiều khi 1 quyển sách hay lại thành ra dở bởi chính người dịch.

      • điều bạn nói mình cũng biết nhưng như bạn nói, ngày nay chúng rất đắt. tiếc là 14 năm trước khi bắt đầu lên SG mình lại không biết triết học là gì, lúc ấy sách cũ còn rẻ lắm, cũng mua được một cuốn sách triết học nói về thế giới đại đồng của tác giả người Pháp, cái đại đồng này là sự bao dung chứ không phải đại đồng của CNHX, sau mất cuốn đó tiếc vô cùng. nhưng tôi sẽ thử tìm lại các tiệm sách cũ, vì cái giá phải trả cũng rất xứng đáng.

    • Có nhiều đầu sách nước ngoài rất hay nhưng qua bàn tay dịch thuật của nhà xuất bản…. ôi thì thôi rồi đọc rất khó hiểu…. cuốn sách không còn mang trọn vẹn giá trị như trước nữa.

    • Mình cũng thích tìm hiểu về triết học và nhiều lĩnh vực khác nữa. Sau khi thấy các tác phẩm hay, bổ ích mà mình muốn đọc được dịch ít quá mình đã quyết định học tiếng Anh để đọc luôn bản gốc 🙂

  2. Qua thực trạng đọc sách được tác giả nêu ra trong bài viết, mình hi vọng sắp tới Triết Học Đường Phố có thể tổ chức các cuộc thi viết bài đánh giá/cảm nhận về sách nhiều và thường xuyên hơn. Đặc biệt, có thể tổ chức chuyên biệt về 1 thể loại sách cụ thể nào đó chẳng hạn như các tiểu thuyết kinh điển thế giới, sách khoa học,v.v… để nhiều cuốn sách hay và kén người đọc có thể tình cờ được giới thiệu cho những người có “tâm cầu đạo” nhưng chưa gặp “Thầy”. 🙂

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI