28 C
Nha Trang
Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Tư tưởng làm… thuê cho nhà nước

Featured Image: Alex Proimos

 

“Nó học xong thì nói cho tao biết, tao sẽ xin cho nó vô ngân hàng Nông nghiệp huyện mà làm. Ấm cả đời mày ơi, nhưng cũng phải chi ít tiền đấy nhe!” – Người bạn của ba tôi lên tiếng. “Vậy, khoảng bao nhiêu?” – bố tôi hỏi. “Tầm hai trăm gì đấy.” Trời ơi, hai trăm triệu đồng để vào làm cán bộ tín dụng của một ngân hàng ở huyện, trong khi tài sản cả nhà cộng lại không biết có đủ số tiền đó. Tôi tức giận lẫn chán ghét cái cơ chế đang hiện hữu, và thầm nghĩ chắc chỉ có huyện mình như thế.

Câu chuyện thấm thoắt đã hơn chục năm, mà tôi nhớ như ngày nào, ba tôi từng bảo: “Con cố học cho giỏi đi, rồi sau khi ra trường, ba gắng chạy cho con vào nhà nước mà làm. Con mà vào được biên chế thì ba không còn phải lo lắng gì nữa.”Thế đấy các bạn, tôi đã bị tiêm nhiễm tư tưởng làm… thuê cho nhà nước đến thời điểm bây giờ. Tư tưởng này dường như thấm nhuần vào phần lớn gia đình Việt Nam. Giờ đây, tôi đã là giảng viên khối ngành kinh tế thuộc một trường của nhà nước. Có thể bạn sẽ nghĩ, tôi đã mất bao nhiêu tiền cho vị trí đó? Xin trả lời, không một xu nào bỏ ra nếu bạn từ bỏ đi tư tưởng mà tôi từng bị tiêm nhiễm.

Trở lại câu chuyện, nếu tôi nghe theo sự sắp xếp và trở thành cán bộ tín dụng của một ngân hàng huyện thì diễn biến sự nghiệp sẽ như sau:

  • Mất hai trăm triệu để chung chi.
  • Bổ nhiệm vị trí cán bộ tín dụng.
  • Mất vài năm phấn đấu để vào biên chế.
  • Trong thời gian làm việc phải tìm cách để gia tăng thu nhập, đấy là cách gọi khác của cụm từ “lấy lại vốn”.
  • Mọi động lực để làm việc chỉ nằm ở 2 từ “tiến thân” lên vị trí cao hơn.

Nhưng đáng sợ hơn nữa, nếu ở đó, tôi sẽ trở thành tù nhân bị giam hãm bởi tư tưởng làm thuê cho nhà nước với một cuộc sống an nhàn. Và thế hệ tiếp theo lại tiếp tục bị gieo cấy hạt giống tư tưởng to lớn đó.

Không biết cái ghê gớm của hệ tư tưởng đó như thế nào, nhưng đến hiện nay số lượng công viên chức làm việc ở cơ quan nhà nước đã lên đến 6 triệu người. Một con số rất lớn so với tổng dân số và cũng khá cồng kềnh so với các quốc gia khác trên thế giới. Còn tính hiệu quả ra sao chắc ai cũng biết.

Chính vì vậy, tôi muốn thay đổi, thay đổi từ chính bản thân rồi thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh. Nên mỗi khi giảng bất kỳ lớp nào, tôi đều đặt câu hỏi: “Sau này ra trường bạn muốn làm gì?” Thật đáng buồn, hơn 95% đều trả lời: “Em cố gắng xin vào ngân hàng làm thầy ạ, nếu có thể sẽ xin vào ngân hàng của nhà nước.”Phải chăng các em cũng bị tiêm nhiễm thứ tư tưởng mà tôi xém trở thành nạn nhân.

Muốn nhanh thì phải từ từ, điều này luôn đúng cho sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi ý thức hệ. Trước hết, tôi phải thay đổi hệ tư tưởng của chính mình. Có người từng hỏi: “Thầy có tính phấn đấu làm trưởng khoa hoặc cao hơn là hiệu trưởng không?” Tôi trả lời ngay: “Tại sao bạn không nghĩ, tôi sẽ mở trường và thuê bạn làm hiệu trưởng.” Và: “Thầy ơi, ước muốn trở thành giám đốc chi nhánh ngân hàng có lớn lao không?” Tôi nói: “Lỡ rồi, sao em không ước mình là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng luôn.”

Đến đây, các bạn cũng biết tôi dần thay thế bằng hệ tư tưởng nào rồi, hệ tư tưởng làm chủ. Nhưng làm chủ cái gì? Đầu tiên, bạn hãy làm chủ bản thân, biết rõ mình cần gì ở cuộc sống và phát hiện niềm đam mê thông qua phát triển điểm mạnh của chính mình (điểm mạnh là công việc bạn càng làm càng cảm thấy mạnh mẽ, và càng làm càng thấy thời gian sao trôi qua nhanh quá hoặc bạn hạnh phúc khi làm xong công việc.). Sau đó, hãy làm chủ “thời gian“ của người khác. Bởi bạn nên nhớ, người nghèo thì luôn bán thời gian của mình, còn người giàu luôn tìm cách mua thời gian của người khác. Bạn muốn mua thời gian hay bán thời gian?

Cuối cùng, cái gì của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar, cái gì của kinh tế thị trường sẽ trả về thị trường. Đã đến lúc, tư tưởng làm thuê cho nhà nước sẽ khó tồn tại trong thời đại siêu cạnh tranh ngày nay. Mà thay vào đó, hãy làm chủ bản thân lẫn mọi thứ xung quanh bạn và phát huy hết tiềm lực để phát triển sự nghiệp của chính mình. Thiết nghĩ, chỉ có tài mới ở địa vị cao, chỉ có đức mới hưởng bổng lộc nhiều và chỉ có làm chủ mới tạo dựng được sự thịnh vượng.

 

Châu Đình Linh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

22 BÌNH LUẬN

  1. Vào nhà nước để có thời gian làm ngoài. Vẫn tư duy, vẫn sáng tạo, vẫn cống hiến cho xã hội.
    Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chung quy cũng tại do mình cam chịu sức ì thôi.

  2. Thấy nhà nước ta đang thực hiện cải cách giáo dục toàn diện: dạy kỹ năng mềm, phương pháp giảng dạy … Hy vọng đời con chúng ta được dạy theo cách mà chúng ta mơ ước.

  3. Tư tưởng này còn lâu mới thay thế được khi nhà nước còn cái gọi là Biên chế. Không phải ai cũng có lựa chọn để bước vào chỗ khó khăn khi quen được bảo vệ rồi. Xa hội Việt Nam từ hệ tư tưởng đến giáo dục đã có một ý định thiên về sự ổn định, ít mạo hiểm, an phận… nuôi tư tưởng ấy từ trong trứng nước thì tới lúc trưởng thành cũng sẽ theo “Lối mòn” mà thôi.

  4. Tôi đồng ý với bài viết này, tuy nhiên với những người có mục tiêu lý tưởng thì quan trọng gì trong nhà nước hay ngoài nhà nước. Người thật sự chăm chỉ và năng động thì ở đâu cũng vấn là người chăm chỉ năng động chắc chắn sẽ thành công. Và ở đâu cũng vậy không nỗ lực sẽ chẳng có gì

  5. Ở cái nơi mà người ta sợ sự khác biệt, cần sự thay đổi từ từ, cần có cơ chế,… Người ta chỉ muốn an toàn, mọi người đều nói con đường này an toàn, vậy tại sao tôi lại chọn con đường chưa ai đi gồng ghềnh, chắc chở, thậm chí có thể mất mạng để theo đuổi thứ mà con người tôi hằng khảo khát.
    Thế giới tư bản đề cao sự tự do, thế giới còn lại đề cao sự kỉ luật, khuôn phép “tiên học lễ, hậu học văn” ở đó con người bị ràng buộc bởi ý chí của kẻ khác, người không sống cuộc đời họ. Người khác sẽ bảo bạn dũng cảm nếu bạn dám làm cái điều mà họ không dám…

  6. Em rất thích bài viết của anh và cực kỳ ghét cái tư tưởng lúc nào cũng vào nhà nước ổn định mà sướng, vào nhà nước chỉ làm thui chột sự sáng tạo của con người, cũng nhu làm chết mòn ý chí phấn đấu của tuổi trẻ mà thôi, một môi trường mà chỉ có lừa lọc, dối trá, nịnh hót dẫm đạp lên nhau để mà leo cao hơn thu hồi “vốn”.

    • Hôm nay mình mới học xong :)) Đại học là môi trường tạo ra tri thức chủ yếu nhưng sinh viên xem đó là thời gian hưởng thụ nhiều nhất của mình :)) Ra trường bỏ ” vốn ” ra rồi chờ thời gian ” thu vốn ” …

    • sáng tạo thì cứ sáng tạo thôi. Mình nhà nước nè, vẫn sáng tạo bình thường..hjhj! quan trọng có dám sáng tạo hay không hay bạn không biết định nghĩa thế nào là sáng tạo..hj! Thân

      • cái khái niệm sáng tạo thực ra bản thân mình cũng không hiểu hết được bạn ạ, nhưng trong thời gian qua những công trình sáng tạo nghiên cứu của người Việt Nam mình như lò đốt rác sản sinh ra điện, hay tàu ngầm mini Trường sa tự chế đều bị cấm đoán của các cơ quan nhà nước lẫn bộ nghành khi được đưa ra thực nghiệm, mà trong khi đó Malaysia và Nhật Bản đã nhìn thấy tiềm năng và tính hữu ích của 2 công trình này và ngỏ ý định mua về thì bạn phải biết có dám cũng phải chờ ý của các ông “to” ấy nếu không lại bị đập ra thành đồng nát như lò đốt rác sản sinh ra điện chẳng hạn 🙂

  7. Rất cảm ơn anh vì những trần tình và đóng góp rất có giá trị.
    Tư tưởng làm thuê cho nhà nước không những chỉ ở nông thôn mà cả phố thị cũng vẫn còn khá nặng. Tựu trung lại là cập bến an toàn cho thân nhàn hạ về sau, vô hình trung làm thui chột sức trẻ phấn đấu trên những “mặt trận” mới của những lớp thế hệ về sau, hay cũng từ đây làm nảy sinh những tiêu cực do bởi “khôn lỏi” trong cơ chế nặng nề, nhiêu khê mà lắm kẻ hở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI