27 C
Nha Trang
Chủ Nhật, 24 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Chuyện đi giày của người khác

Featured Image: Willy Pogany

 

“Này, cậu sẽ làm gì nếu chỉ còn một ngày để sống?”

Chưa bao giờ người ta hỏi nhau câu này nhiều đến vậy.

Cuộc đời bộn bề trôi vùn vụt, người khóc, người cười, người đau đớn, kẻ mãn nguyện… tất cả đều bị cuốn vào cái guồng máy sôi động nhưng không kém phần khắc nghiệt; cái guồng máy mà đối với người này, nó là thất bại, gian truân, nhưng lại là trái ngọt, là hạnh phúc đối với kẻ khác; cái guồng máy mà nếu ta chậm một bước, ta sẽ chỉ là kẻ đi sau, là thứ đồ bỏ không theo kịp bước tiến chung của cỗ máy hà khắc phát triển như vũ bão; cái guồng máy cuộc sống.

Bất chợt một ngày, người ta chứng kiến sự ra đi của những con người ngày qua còn mang trong mình dòng máu nhiệt huyết của tuổi trẻ, những đứa con xa quê mỏi mòn chờ ngày về đất mẹ, những đứa trẻ mới chập chững, bi bô cất tiếng nói đầu tiên… Người bàng hoàng nhận ra sự vô thường của cuộc sống, và bất chợt cảm thấy bản thân thật bất lực, thật nhỏ bé. Cái thành trì trong người phút chốc lung lay, những giá trị mà lâu nay người theo đuổi bỗng trở nên tầm thường vô nghĩa. Người trở nên nghi hoặc chính bản thân mình, nghi hoặc chính cái guồng máy mà người đã gắn bó từ lúc lọt lòng.

“Rồi ngày nào đó ta đi, và chẳng thể kéo theo chi, bỏ lại đời với đam mê, rồi một mình bước quay về bên kia thế giới
Nhìn lại mình bấy lâu nay, làm nhiều điều ngẫm ra không hay, liệu ngày nhắm mắt xuôi tay, kịp để nói hết với ai rằng xin tha thứ?” – Ưng Hoàng Phúc

Chẳng ai mong ngày mình phải về với bụi đất

Chính những lúc như thế này, người tạm quên đi những lo lắng muộn phiền thường ngày để tìm về sự yên bình nội tại. Ngồi lại và suy ngẫm để tìm về cái bản thể của chính mình, khắc khoải tìm cho ra câu trả lời về mục đích sống của chính mình. “Vì cuộc đời quá ngắn…’’ Quá ngắn cho những mong muốn, cho những dự định, và cho cả những yêu thương. Và cũng quá dài nữa, quá dài đối với những điều mình đã học được về cuộc đời. Và Người khóc, giọt nước mắt tiếc thương cho chính mình, và cho cả guồng máy.

Vì đời đa đoan nên người đa mang

Nhiều người lên tiếng rằng, thông tin, công nghệ càng phát triển, tâm hồn người lại càng tách xa nhau, mối quan hệ cũng biến chuyển theo những cách vô cùng phức tạp, khó ngờ; điều hoàn toàn đi ngược đối với những mục đích khởi thủy của công nghệ thông tin. Con người ngày càng giấu mình đi trong những tâm sự ưu phiền chất chứa. Ai cũng ít nhiều mang trong mình những nỗi âu lo cô độc vô hình. Sự cô đơn tựa như một thứ thuốc phiện, biết là không tốt nhưng vẫn chẳng thể dứt ra nổi. Ai cũng núp sau những lớp hóa trang dày cộp, giờ đây thật khó để tìm cho mình một tâm hồn đồng điệu.

Và vì ai cũng đeo lớp hóa trang của riêng mình để che giấu những giá trị mà xã hội cho là lỗi thời, tất cả đều giấu đi những suy nghĩ sâu thẳm của riêng mình. Vậy là thành ra người không hiểu nổi nhau. Đám con cháu nói người già cổ hủ, không hiểu chuyện. Người già gắn liền lớp trẻ với văn hóa lai căng, tạp nham làm lu mờ văn hóa dân tộc. Kèn trống mỗi bên một phách, người đứng giữa hoang mang rồi lại giấu mình một góc gặm nhấm sự trống rỗng thẳm sâu mong kiếm tìm chút yên thân.

Hôm nay trên báo nói về niềm tin tôn giáo đang bị lung lay bởi những cái sạn không đáng, ngày mai báo lại đăng về những vụ tham nhũng nghìn tỉ, những chính sách trên trời; ngày kia là tin về cô ca sĩ nọ từ bỏ con đường ca hát đang sắp tàn để đi buôn sắc bán hương… Mỗi ngày một chút, những tin như vậy lại góp phần cộng hưởng vào bản giao hưởng buồn đau chất ngất, đẩy cao sự sợ hãi ngày một chồng chất và làm gia tăng sự hoài nghi về Guồng Máy. Những tin đủ làm người phấn khích tựa như nốt giáng trong dàn hợp xướng, chẳng thể đủ lấp đầy hố sâu tâm tưởng.
Và cứ thế. Người tiếp tục sợ hãi. Tiếp tục nghi ngờ. Và rồi lại uể oải đeo cái lớp hóa trang dày cộp lên mặt.

Và chối bỏ yêu thương

Chính những suy nghĩ đa đoan là bức tường vô hình mà chắc chắn chia cắt tâm hồn con người. Chính thói vị kỷ, sự nghi hoặc mơ hồ đã khiến người ta chối bỏ những giá trị chân thiện mỹ. “Sống không vì mình, trời tru đất diệt” Người nghĩ vậy, và cho rằng nếu mình không tấn công, có ngày chính mình là kẻ thất thế của guồng máy. Vậy là lấn át, chà đạp, đè bẹp xuất hiện xen lẫn những yêu thương đùm bọc trước nay vẫn là chuẩn mực.

Chúng ta thường ca thán thế giới không hiểu mình. Thực ta không phải người ta không hiểu mình, mà là chúng ta không chịu hiểu nhau. Cứ núp mình sau lớp hóa trang dày đặc và không chịu biểu lộ suy nghĩ của mình, vậy sao dám đòi người ta phải hiểu? Giấu mình trong ốc đảo đa đoan, sao có thể mong nhận được sự cảm thông? Sự vị kỷ, tự mãn khiến con người nghĩ mình là một cá thể đặc biệt duy nhất, để rồi nhìn người khác bằng một ánh mắt trách móc khinh miệt. Tại sao không thử một lần đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ thay vì lên án họ? Muốn người ta hiểu mình, trước hết, ta cần hiểu người đã.

Tôi luôn mang trong mình suy nghĩ, nếu trong các quan hệ xã hội, mỗi người chịu đi giày của người khác, cuộc sống hẳn sẽ dễ thở hơn. Đi giày của người khác, (tiếng Anh: to put oneself in others’ shoes) hay tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, giúp chúng ta hiểu rõ căn nguyên hành động của mỗi người xung quanh chúng ta. Ở khía cạnh cá nhân, việc thấu hiểu này khiến ta đồng cảm với mọi người, dần dà lớp hóa trang sẽ dần trôi, mỗi chúng ta sẽ trở về với cái bản ngã trong sạch của mình. Sẽ không còn những hiểu lầm đáng tiếc, đau khổ nghi kị ít nhiều cũng bị dẹp bỏ. Ở khía cạnh khoa học, nó giúp cho các nhà khoa học hiểu được đối tượng nghiên cứu để đưa ra những biện pháp đối phó tốt nhất.

Việc các nhà tâm lý học đặt mình vào bối cảnh sinh trưởng và biến cố cuộc đời của những tên tội phạm giúp họ dự đoán được động cơ của tội ác và đưa ra phương án ngăn chặn, đó chẳng phải là kết quả của việc “đi giày người khác” hay sao? Ngoài ra, trên khía cạnh doanh nghiệp, việc đi giày này giúp nhà đầu tư hiểu được thị hiếu khách hàng và đưa ra những sản phẩm phù hợp nhất. Người mua được hàng hóa khiến mình thỏa mãn, người bán thu được lợi nhuận, vậy là tiện cả đôi đường. TRÊN HẾT, khi đi giày của người khác, chúng ta tìm lại được cái TÔI của chính mình thông qua việc đi sâu vào thế giới nội tại của những người xung quanh.

Tôi thích nhạc Trịnh. Thích những triết lý sâu xa trong các nhạc phẩm của ông, những triết lý mà có khi đi hết cả đời tôi cũng không thể hiểu thấu. Chúng khiến người thành người hơn, và đời trở nên đời hơn. Trịnh Công Sơn đã từng nhắn nhủ chúng ta hãy yêu nhau đi.

“Yêu nhau đi quên ngày u tối.
Dù vẫn biết mai này xa lìa thế giới.
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời…”

Tôi không dám mong tất cả mọi người yêu nhau, nhưng tôi thực sự mong muốn người hiểu nhau, xóa đi bức tường ngăn cách bấy lâu. Để rồi dù chỉ còn một ngày để sống, ta vẫn mãn nguyện vì đã sống trọn vẹn yêu thương. Ngày cuối cùng để sống, người sẽ ngồi lại trò chuyện, thú tội cho những ngây dại thuở nào, và tiễn nhau đi bằng tâm hồn thanh sạch.

“Ngày xưa khi ta sinh ra chào đời bằng tiếng khóc, vây quanh đón ta là nụ cười niềm vui.
Có lẽ nên sống sao khi trở về với đất, người ta khóc còn ta mỉm cười.” – Ưng Hoàng Phúc (Bước qua thế giới)

 

Quỳnh Giao

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI