28 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Bàn về cải cách giáo dục

Photo: David Jones

 

Bài viết nhỏ đóng góp cho chủ đề giáo dục đang nóng hiện nay.

Mục đích của giáo dục không phải là đào tạo ra những con người làm được việc cho xã hội, mục đích của nó giống như việc nuôi trồng các cây con, làm cho nó lớn và trưởng thành, đúng với thiên hướng của nó. Thật khó để tất cả các loại cây có các đặc tính khác nhau lại có thể cùng phát triển tốt nhất trong một môi trường và điều kiện nuôi dưỡng như nhau, giáo dục cũng vậy, điều quan trọng là phải biết đặc tính của từng loại cây để nuôi trồng cho thích hợp. Trong điều kiện rất khó có thể phân biệt ra như thế, ta vẫn nên có một nền giáo dục được coi là phù hợp nhất cho tất cả, ở đây ta nói về cái chung không đi sâu vào cái riêng cụ thể từng người, từng điều kiện riêng biệt.

Ta thấy hầu hết mọi người đều kêu ca nền giáo dục của Việt Nam và mong muốn được giáo dục ở một nơi khác có cách thức tốt hơn. Điều đó là một ước vọng chính đáng, tuy nhiên dù được giáo dục ở những nơi được coi là tốt nhất thì chắc chắn vẫn có những điều ta cũng không thể hài lòng, tôi không hoàn toàn đánh giá cao nhưng cũng không hạ thấp nền giáo dục của họ, chỉ thấy họ có ít hơn những khuyết điểm so với chúng ta chứ không phải không có, họ vẫn buộc phải có những cải cách lớn theo thời gian, và còn nhiều sự phàn nàn ở ngay cả những nơi được coi là tốt nhất thế giới. Nước Đức vào cuối thế kỷ XIX được coi là một trong những nền giáo dục tốt nhất thời đó, sản sinh ra rất nhiều nhà khoa học và văn hóa tầm cỡ thế giới, tuy nhiên, khi xem lại tư liệu hay hồi ký của những người đó ta mới thấy nền giáo dục còn nhiều hà khắc và khiếm khuyết to lớn.

Nhắc lại ý đầu tiên, mặc dù ít người hiểu và nói ra, mục đích của giáo dục thường là để đào tạo ra những con người phục vụ cho quốc gia, nội dung giáo dục hoàn toàn dựa vào từng hoàn cảnh điều kiện của từng quốc gia. Ví dụ từ xưa đến nay, khi quốc gia đang có nhu cầu trao đổi giao thương với nước ngoài thì các môn học như địa lý, hàng hải, đóng tàu biển, văn hóa các nước khác được ưu tiên dạy học, khi quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh, nhu cầu đào tạo khoa học kỹ thuật phục vụ chiến tranh là cấp thiết hơn cả. Ngày nay cũng thế, khi nhu cầu vật chất đang tăng lên cao, kinh tế phát triển thì đa số lại chọn học các ngành liên quan đến kinh tế, mặc dù các ngành khác cũng có nhưng ít hơn. Ở đây tôi muốn nói, giáo dục tuy được các quốc gia chỉ định, nhưng phải chính bản thân mình (hay người định hướng cho mình) mới là nhân tố quyết định cách giáo dục tốt nhất cho chính mình. Xét một cách cá nhân, giáo dục trước hết không phải phục vụ cho ai đó mà phục vụ cho chính mình. Đứng để một cái cây chưa đủ lớn đã bị ép phải có quả, đừng để một bông hoa vốn dĩ màu vàng phải khoác lên sắc đỏ, điều đó có thể sẽ tốt cho xã hội nhưng thường là không tốt cho bản thân.

Do đó, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến cả nhân để lạm bàn về vấn đề nhạy cảm và khó khăn này, những thứ đã tốt ta không nhắc lại ở đây. Tất nhiên ta thừa hiểu để cải cách giáo dục không phải là chuyện một sớm một chiều, không thể chỉ bằng một hai bài luận ngắn như thế này, không phải chỉ riêng bộ giáo dục. Ở đây tôi chỉ dám nói phác qua một số vấn đề mà thực sự cần thiết nên thay đổi tư duy giáo dục này ngay, tôi đưa ra các ý như những gạch đầu dòng chứ không xuyên suốt theo từng chặng. Trước tiên ta sẽ nói về giáo dục bậc trước đại học đã, bởi từ đại học trở đi mới là bước nhảy vọt to lớn hơn cả trong việc giáo dục một con người.

Bí quyết quan trọng trong giáo dục là làm sao cho những sự luyện tập thân thể và rèn luyện trí óc luôn để việc này dùng để giải lao cho việc kia. Tức là các môn học về trí óc và rèn luyện thân thể luôn đi song hành cùng nhau, có thể là tỉ lệ 50 – 50, hay là lệch nhau nhưng không nên quá nhiều. Một trí óc minh mẫn thường ở dưới một cơ thể cường tráng khỏe mạnh và ngược lại, vậy mà nền giáo dục của chúng ta tỉ lệ rèn luyện thân thể so với trí óc là 10 -90, thậm chí ít hơn nữa. Chưa nói về vấn đề học thêm ngoài hay học buổi tối, chỉ tính riêng thời lượng học chính khóa, một tuần ở cấp học phổ thông chỉ có hai tiết học thể dục trên khoảng hơn hai chục tiết học về trí óc khác, và thể dục cũng chỉ được coi là môn rất phụ, ít được coi trọng. Vậy nên đề xuất đầu tiên là nên đưa môn thể dục, các môn rèn luyện về thể chất và nghệ thuật thành một môn học quan trọng bắt buộc.

Tôi cho các môn rèn luyện thân thể bao gồm có thể dục thể thao, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa), công nghệ (học nghề, sẽ được nói ở sau)… vì ta thấy các môn rèn luyện trí óc có mục tiêu là tiếp nhận, còn các môn này là giải tỏa. Tôi không nghĩ trong một con người bình thường lại không có một chút năng khiếu nào về nghệ thuật cả, chỉ là chưa có hoặc không có điều kiện để khai phá thôi. Vậy mà các môn như âm nhạc, mỹ thuật chỉ còn được dạy trong một vài tiết ngắn ngủi ở cấp tiểu học, hay ở một số lớp học ngoài, lên đến cấp trung học đã hoàn toàn biến mất. Khảo sát các trường có nền giáo dục tốt thường là họ rất đề cao những môn này. Thực tế cho thấy, những vĩ nhân hay các nhà khoa học trong những giờ phút căng thẳng, họ luôn tìm đến nghệ thuật để giúp cân bằng lại đầu óc, họ coi đó là một thứ giải trí tiết kiệm nhất mà đạt kết quả tốt nhất. Vậy mà tại sao ta lại không đưa nó trở thành một môn học chứ, một môn học về thưởng thức, cảm nhận. Khả năng cảm thụ âm nhạc hay cảm nhận vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên giúp cho đời sống tinh thần con người trở nên phong phú và đẹp hơn.

Từ ý trên nảy sinh ra một số vấn đề, khi đưa các môn này lên thì phải giảm bớt những môn nào? Toán, lý, hóa, văn, anh, sinh, sử, địa… môn nào xét cho cùng cũng thấy quan trọng cả, và chẳng môn nào chịu bớt đi. Ta nhận thấy xã hội ngày nay đào tạo theo chiều ngang chứ không theo chiều sâu, cái gì hầu như cũng biết nhưng ít khi được hiểu, não con người không thể nào tiếp thu được một số lượng quá lớn các thông tin, đặc biệt là các thông tin chỉ có trên lý thuyết, mà lý thuyết là thứ nhanh chóng bị quên lãng hơn cả, đó chẳng phải là một sự phí phạm thời gian to lớn hay sao. Ta sẽ nói về vấn đề này dù chắc chắn sẽ gặp những ý kiến phản đối của người đọc, tôi không muốn đi quá chi tiết, bởi nếu nói ra từng chi tiết thì chắc chắn phải dài vài trang.

Ở cấp phổ thông, một tuần có khoảng 4-5 tiết học môn toán (đại số + hình học), có rất nhiều thứ để học, rất nhiều định luật xem ra là có lợi sau này, nhưng khi được hỏi tích phân được học để làm gì? Các định luật này được áp dụng vào cái gì? thì đa số đều không trả lời được. Các môn lý, hóa cũng vậy, nhiều em học xong phổ thông cũng chưa biết cách lắp một cái bóng đèn cho sáng. Vậy nên thời lượng các môn tự nhiên như toán, lý, hóa chỉ nên còn một nửa thôi, không nên dạy quá nhiều bài học và những bài học quá cao siêu, các thứ đó phải được dạy ở bậc đại học. Mục đích của cấp phổ thông đôi khi cũng chỉ đơn giản chứ không cần các em phải biết tích phân, vi phân, tính độ phân rã hạt nhân, phóng xạ… nếu có dạy, tôi tin chắc các em chẳng hiểu gì đâu ngoài những con số được áp dụng theo công thức. Ở bậc trước đại học, ta chỉ nên coi là đang xây dựng nền móng cơ bản, khi mà chiếc móng được xây trên cơ sở vững chắc thì nó có thể chịu được tải trọng rất lớn của ngôi nhà to lớn sau này, những chiếc móng được đắp lên quá cao hay nhồi nhét nhiều thứ nhanh chóng bị gãy đổ trước sức nặng đè lên trên. Các môn khoa học xã hội cũng rất quan trọng, nhưng như phân tích ở trên, không nên học quá nhiều.

Về cách học và cách dạy, một ngày học thường có 4-5 tiết là 4-5 môn khác nhau, đang học môn này lại phải chuyển sang môn kia, kiến thức chưa kịp ngấm đã phải học cái khác, thực tế chẳng ai có thể nhớ được gì cả. Như tôi đã nói, con người khó có thể tập trung được khi bị phân tán bởi nhiều thứ, do vậy tôi đề xuất sẽ học trọn bộ một chương của môn học trong một thời gian quy định (có thể bao gồm một môn rèn luyện thân thể đi kèm), ví dụ như khi học về chương điện trong vật lý, trong tuần đó sẽ chỉ học và thực hành theo nội dung chương đó, xen kẽ vào đó là những giờ phút giải lao rèn luyện thân thể, như vậy chắc sẽ ghi nhớ nội dung bài học lâu hơn. Chắc chắn cũng sẽ quên nhưng khi lục lại bài học thì nhanh nhớ lại hơn. Học phải đi đôi với hành, điều đó là hiển nhiên đúng, nhưng do điều kiện và tính chất của nền giáo dục ta, thực hành và thực tế chỉ là một phần quá nhỏ so với những bài học lý thuyết. Khi dạy một đứa trẻ về con gà, dạy rằng nó có hai chân, hai cánh và có một chiếc mỏ, nó sẽ chỉ biết con gà trên trí óc tưởng tượng của nó, nhưng nếu ta dẫn nó ra vườn, chỉ vào con gà và nói đó là con gà, nó sẽ dần hiểu thêm ra, rằng con gà không phải là con chim vì nó không biết bay lượn, nó cũng không phải là con vịt vì không biết bơi… lúc đó nó sẽ tự khám phá ra chứ không cần phải do sách vở dạy thế. Một giờ lao động, thực hành còn hơn một ngày giảng giải, vậy nên điều quan trọng của giáo dục là thực hành và kích thích sự tò mò, sáng tạo.

Môn công nghệ luôn bị coi là môn học phụ, nếu nó chỉ có lý thuyết thì đều đó đúng, nhưng nếu có thực hành thì phải coi nó là một môn quan trọng, ngang những môn tự nhiên hay xã hội. Ta thấy cả năm trời đi học cũng chỉ có một hai bài thực hành công nghệ, mang lên một vài con ếch để mổ nghịch chơi, hay mang bộ sản phẩm từ nhà không rõ ai làm lên chấm điểm… thì rốt cuộc cũng chẳng để làm gì cả. Tôi xếp môn công nghệ là môn rèn luyện thân thể như đã nói ở phía trên. Tôi đề xuất, trong những giờ thực hành, học sinh (hoặc nhà trường chuẩn bị) mang những đồ dùng, dụng cụ vào phòng thực hành, làm trực tiếp các bài thủ công mà giáo viên yêu cầu, bài làm phải có một yêu cầu cao, giáo viên ở đó sẽ hướng dẫn và quan sát từng người, cách này giúp cho học sinh trở nên khéo léo, nhẫn nại và yêu thích công việc chân tay, còn gì vui sướng hơn khi chính tay mình làm ra những sản phẩm thiết thực, thay vì những điểm số vô nghĩa được chấm. Tôi coi nó giống như môn học nghề, có thể phát huy được hết khả năng của con người, nhưng không có môn công nghệ thông tin trong đó, mục đích là tạo ra con người toàn diện chứ không phải con người chỉ biết để làm việc đơn thuần.

Các buổi đi dã ngoại và thực tế là rất cần thiết, ta dạy học sinh về lòng thương người nghèo khổ nhưng người nghèo khổ không gặp bao giờ thì thương thế nào được, ta dạy học sinh về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng xung quanh chúng toàn nhà cửa to lớn, xe cộ đường phố bụi bặm làm sao chúng biết thế nào là đẹp. Đến những nơi chúng chưa từng đến, chúng sẽ tò mò, thích thú khám phá, đi bộ nhiều giúp chúng rèn luyện đôi chân săn chắc, hít thở không khí trong lành giúp đầu óc chúng minh mẫn. Những chuyến đi rừng giúp chúng hoàn thiện kỹ năng sống để chống chọi với tự nhiên khi gặp điều kiện bất lợi. Về vấn đề này ta thấy học sinh ở nông thôn và học sinh ngày trước là có nhiều kỹ năng sống và mạnh khỏe hơn.

Tuy chúng ta rất chiều theo sở hướng của học sinh nhưng vẫn cần phải đặt một thứ gọi là kỷ luật lên hàng đầu. Có câu kỷ luật là sức mạnh quân đội, và kỷ luật cũng là sức mạnh của trường học, không thể không ép những đứa trẻ còn non vào kỷ luật được, nếu không chúng sẽ dễ hành động theo bản năng gây hại về sau này, tuy nhiên cũng không nên đặt kỷ luật quá ngặt nghèo. Nước Đức nổi tiếng là đất nước có kỷ luật cực cao ở quân đội và giáo dục, tuy vẫn có những tiêu cực nhưng lại sản sinh ra rất nhiều tài năng. Ta thấy những ai tuân theo những kỷ luật tốt (chí hướng) thường thành công hơn những người khác, và các giáo viên nào nghiêm khắc lại thường đào tạo ra nhiều học sinh ưu tú hơn. Tình trạng học sinh hỗn láo với giáo viên xảy ra rất nhiều hiện nay, phụ huynh giao con cho nhà trường nhưng nhà trường lại không có nhiều quyền để dạy dỗ dẫn đến việc nhờn tính. Thiết nghĩ, khi học sinh đã được gửi vào nhà trường và giáo viên thì họ có toàn quyền dạy bảo, đa số trường hợp mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh xét một cách sâu xa chủ yếu là do học sinh, bởi cái lứa tuổi này nông nổi và bồng bột, ưa tự do và nhận thức còn chưa chín. Vậy nên gia đình phải tìm hiểu kỹ giáo viên và giáo viên cũng vậy, phải tìm hiểu học sinh trước khi nhận dạy.

Giáo viên trên trường phải phải là người được cha mẹ lựa chọn, và ngược lại cũng có quyền lựa chọn học sinh. Như cách cha ông ta ngày trước, người nhà có một sự sát hạch (hoặc danh tiếng) với thầy giáo và người thầy cũng có sự sát hạch với học sinh của mình trước khi dạy, nếu không cảm thấy thích hợp thì thôi không dạy nữa. Đây là một vấn đề khó, vì đòi hỏi một sự tìm hiểu kỹ càng của cả hai bên trong vô số bộn bề của cuộc sống hiện đại này. Tuy nhiên nếu muốn con mình có một sự giáo dục tốt đẹp thì hãy làm theo cách này, còn không hãy cứ làm như bình thường. Với cách này, những biến tướng hay mâu thuẫn sẽ giảm bớt.

Cái quan trọng nhất để giáo dục tốt một con người phải là từ phía gia đình. Gia đình và nhà trường là hai mắt xích quan trọng và thay phiên nhau dạy dỗ, tuy nhiên tôi vẫn đánh giá gia đình cao hơn. Phần lớn gia đình hiện nay đều giao toàn bộ con cái cho nhà trường nhưng lại không cho nhà trường cái quyền mạnh tay đối với con cái mình, và mong muốn con mình được dạy dỗ tốt, đó không phải là một sự mâu thuẫn lớn sao? Người cha phải là người dạy dỗ chính đứa con mình, nếu người cha nào mà kêu ca là không có thời gian hay do công việc bận rộn thì hẳn đó là một người cha tồi và vô trách nhiệm. Người mẹ nuôi dưỡng, người cha dạy bảo, người thầy chỉ dẫn, được như vậy là tốt nhất. Và điều quan trọng nên nhớ đối với bậc phụ huynh và giáo viên, muốn đào tạo một người khác, trước hết bản thân mình phải tự làm người cái đã.

Phải cho con cái mình chịu đựng quen với khổ cực, không nên quá nuông chiều bởi nuông chiều là giết con, ai cũng biết thế nhưng ít ai dám làm, đặc biệt là các bà mẹ. Một đứa trẻ cả đời được nằm trên chăn êm nệm ấm sẽ không thể ngủ ngon trên chiếc giường cứng, càng không thể ngủ trong rừng. Chính gian khổ mới tạo nên được ý chí con người, chỉ có kinh qua sự đau khổ thì con người mới đạt đến hạnh phúc, và khi đã quen với cuộc sống khắc nghiệt thì lại tăng gấp bội cái cảm giác dễ chịu.

Người cha là người thầy đầu tiên, giáo viên trên trường là người thầy thứ hai, có thể có thêm người thầy thứ ba, họ là những người xung quanh, hay họ hàng của đứa trẻ. Khi đọc xong quyển Trí tuệ Do Thái, ta thấy một cách giáo dục rất hay của những người Do Thái, một đứa trẻ luôn có một người thầy hướng dẫn trong một khoảng thời gian dài, người thầy này có thể là người anh lớn tuổi, một người trong họ, hay người khách mà cha mẹ đứa trẻ biết mời về hướng dẫn con mình. Cứ mỗi tuần, người đó sẽ đến ăn cơm một lần, nói chuyện và truyền tải kiến thức, sau một thời gian gặp gỡ và hiểu hơn về năng khiếu đứa trẻ, họ định hướng những môn học, những kiến thức nên có bằng những kinh nghiệm đã qua của mình. Cứ thế truyền lại cho lớp sau, như vậy chắc chắn sẽ nhanh hơn việc học một mình mò mẫm trong mớ kiến thức vô tận. Đây là một điểm ta nên học theo người Do Thái. Cũng có thể người thầy thứ ba là bạn bè, nhưng khi hai người cùng tuổi nhau sự phân biệt về kiến thức và kinh nghiệm chưa rõ ràng, cho nên bạn bè đồng tuổi thường nên là mối quan hệ dựa trên tình cảm là chính.

Sự so sánh hay cạnh tranh có thể tức thì giúp những đứa trẻ trở nên tốt hơn nhưng chắc chắn sẽ làm hại chúng về sau này. Tôi rất không tán thành việc so sánh những đứa trẻ với nhau, phần lớn con người thất bại là do sợ hãi dư luận, những đứa trẻ sẽ mặc cảm hoặc là tự cao về bản thân nó trước những lời khen chê của người khác. Bởi mỗi đứa trẻ, mỗi con người đều có những đặc điểm riêng không ai giống ai, người mạnh về thân thể, người giỏi về tư duy, nếu đặt lên bản cân thì thực là khập khiễng. Vậy mà phần lớn cha mẹ, giáo viên luôn lấy đối tướng khác để so sánh với chúng, quả là một sai lầm nghiêm trọng.

Không nhất thiết cứ phải đến trường mới nên người, nhưng không đến trường thì không có tấm bằng, một tấm “vé thông hành” để bước những bước tiếp theo. Đây là một vấn đề nan giải, ta sẽ bàn ở phần sau do bài viết đã quá dài.

Phần sau:

  • Giáo dục đại học, độ tuổi thích hợp, định hướng khi vào
  • Giáo dục trẻ em khi còn nhỏ, thần đồng
  • Điểm số, bằng cấp, trường lớp chuyên
  • Triết học, thần học

 

Đời Thừa

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

5 BÌNH LUẬN

  1. Mình đọc đến câu: “Trước tiên ta sẽ nói về giáo dục bậc trước đại học đã, bởi từ đại học
    trở đi mới là bước nhảy vọt to lớn hơn cả trong việc giáo dục một con
    người.” là mình quyết định không đọc nữa, hoàn toàn không tán thành ý kiến này.
    Đến tuổi 18 nhiều thứ đã được định hình lắm rồi, giáo dục con người là phải ngay từ khi còn nhỏ, tư tưởng , tình cảm, kỹ năng được dạy từ nhỏ đến năm 18 muốn thay đổi là rất khó.
    Đồng ý với quan điểm giáo dục phải căn cứ vào sự khác biệt của từng cá nhân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI