27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Những kẻ ăn xin trong Tình Yêu

*Photo: Unknown. Edit Typo: Jane Doerecovery

 

Tôi là một anti-fan của luật hôn nhân gia đình. Nếu không vì một số sự tiện lợi trong thủ tục hành chính thì vợ chồng tôi đã vứt giấy đăng kí kết hôn vào sọt rác lâu rồi. Hiện nay tôi sống cùng người phụ nữ mà danh từ chung gọi là vợ,và tôi có con cái của mình. Nhưng hôn nhân không liên quan gì đến quá trình đó.

Tất nhiên giờ đây 7 năm sau ngày cưới mà chúng tôi còn ở được với nhau và thấu hiểu lẫn nhau quả là một phép màu. Nhưng dù sao, phép màu cũng đã xảy ra!

Điều tốt nhất mà cả hai chúng tôi đã tỉnh ngộ ra đó là: Yêu thì khác hoàn toàn đi ăn xin!

Ai ai cũng nói tình yêu là nền móng của hôn nhân. Nhưng cái thứ hôn nhân mà mọi người đang nói tới lại chính là thuốc độc của tình yêu. Hai thứ thù địch mà có thể ở chung nhau được sao? Thật là ngược đời nhưng mọi người hình như không đủ thông minh để nhận ra điều đó.

Tôi sẽ giải thích tại sao hôn nhân lại là thuốc độc của tình yêu

Tình yêu thì quá bao la nhưng tôi sẽ chiết xuất ra một vài cái tinh túy nhất mà tình yêu có. Thứ nhất, yêu là sự đồng điệu, hòa làm một của hai con người. Thứ hai, yêu là sự chia sẻ lẫn nhau giữa hai con người. Thứ ba, yêu là sự quan tâm sâu sắc giữa hai con người. Thứ tư, yêu là sự tự nguyện vì người mà ta yêu.Thứ năm, yêu là một cam kết gắn bó hoàn toàn tự nhiên, sự gắn bó đó còn hay tan biến là hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của cả hai đối tượng tham gia. Thứ sáu, yêu là để nhân niềm vui của mỗi cá nhân lên thêm. Thứ bảy, tình yêu tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn cho cả hai người trong cuộc…

Tạm thời liệt kê bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thấy tình yêu đã làm cho mối quan hệ giữa hai người yêu nhau trở nên vô cùng đặc biệt, đặc biệt hơn hết thảy những điều đặc biệt mà chúng ta từng biết. Ai đã từng yêu thì biết rằng khi có tình yêu, cuộc sống của chúng ta bỗng nhiên hoàn toàn khác trước, thế giới xung quanh của chúng ta cũng bỗng nhiên hóa thành một thế giới khác tươi đẹp hơn rất, rất nhiều.

Tình yêu rõ ràng đã làm cho thế giới này, cuộc sống này trở nên tươi tắn, đáng yêu và đầy ý nghĩa. Mỗi khi tình yêu xuất hiện, dường như có một ngôi sao lấp lánh vui vẻ trên bầu trời. Vậy mà dù cho tình yêu đã giúp ích, đã nâng đỡ tâm hồn con người nhiều đến thế thì con người vẫn không cảm thấy đủ. Con người vẫn muốn thêm nữa. More and more.

Con người muốn biến tình yêu thành thứ có thể kiểm soát được, nhốt lại được. Và thế là hôn nhân hiển nhiên tồn tại như một biểu tượng của tình yêu mặc dù khi khoác lên mình biểu tượng đó thì tình yêu bị kéo xuống tận đáy.

Bạn đã bao giờ từng hỏi: Chuyện tình yêu của tôi và anh ấy/cô ấy là chuyện hoàn toàn riêng tư, hoàn toàn mang tính chất cá nhân giữa hai người, vậy thì đó là chuyện của chúng tôi, tại sao chúng tôi phải xin phép pháp luật để chúng tôi được yêu nhau? Một xã hội luôn ca ngợi tình yêu nhưng khi yêu nhau, ở với nhau thì phải xin phép thì đó gọi là loại xã hội gì? Thậm chí bạn sẽ thấy những người mà ban hành, thi hành luật hôn nhân gia đình lại là những người nghèo nàn nhất trong tình yêu.

Ở các nước phương Tây, rồi ở phương Đông gần đây, tình trạng li hôn đã trở nên phổ biến. Nếu chúng ta chịu khó suy ngẫm thì thấy đó cũng là chuyện hiển nhiên thôi.

Khi bị trói buộc vào hôn nhân, tình yêu chết. Khi tình yêu chết thì cả chồng giấy đăng kí kết hôn cũng không thể hồi sinh được, huống gì chỉ một tờ. Một số người chịu không thấu nữa thì li dị. Phần còn lại kéo dài đời mình lê thê qua năm tháng trong cái lồng hôn nhân nghiệt ngã.

Một số ít người, rất ít, nhận ra điều gì đó sai lầm căn bản trong chính tình yêu

Tôi và vợ tôi nhận ra: Chúng tôi đã làm kẻ ăn xin trong suốt gần 30 năm cuộc đời mình, và đau khổ, xung đột là điều tất nhiên. Chỉ khi chúng tôi thôi làm kẻ ăn xin, mọi vấn đề mới tan biến, mối quan hệ mới nảy mầm sống lại. Đó có lẽ là ân sủng lớn nhất trong cuộc đời chúng tôi.

Ăn xin! Tôi muốn nói đến việc ăn xin trong tình yêu

Hẳn bạn chẳng lạ gì những câu ca thán, ỉ ôi của cả các cô gái và các chàng trai hiện nay, tạm lấy vài ví dụ như sau:

– Thời bây giờ tình yêu đẹp chỉ có trong phim.

– Tìm được một chàng trai yêu mình thật lòng khó như lên trời.

– Không có anh ấy/cô ấy thì tôi sống làm gì nữa.

– Anh ấy/cô ấy là tất cả cuộc sống của tôi.

Và bài ca cải lương này còn dài lắm lắm.

Hãy để ý những phát ngôn trên, có người sẽ cảm thấy nó rất đúng trong tình yêu, thậm chí nếu một diễn viên Hàn Quốc nào đó mà thốt lên: Anh ấy/cô ấy là tất cả cuộc sống của tôi thì khối người xúc động! Đó, tình yêu đã bị quy định, đã bị làm sai lệch tới mức nó đã chết yểu từ lâu rồi. Không tin ư, tôi sẽ phân tích tiếp.

Tất cả những phát ngôn trên có chung một điểm: Chỉ muốn nhận mà chẳng muốn cho cái gì cả!

Khi bạn chỉ muốn nhận nghĩa là bạn phụ thuộc. Bạn muốn nhận sự yêu thương thì bạn phụ thuộc vào người ban phát nó. Bạn tuột xuống hạng hai, họ trở nên quan trọng. Khi bạn muốn cho nghĩa là bạn tự do. Bạn cho mà người ta không lấy thì nó vẫn còn là của bạn, có mất mát gì đâu. Bạn trở thành hạng nhất, bạn trở thành số một.

Khi bạn chỉ muốn nhận, tình yêu trở thành sự ủy mị, yếu đuối, cải lương. Khi bạn muốn cho, tình yêu trở thành ánh sáng, thành suối nguồn cho đời bạn.

Tình yêu, theo nghĩa mặc định trong đầu rất nhiều người hiện nay chỉ còn là đòi hỏi, chỉ muốn nhận lấy, chỉ muốn phụ thuộc (hoặc chiếm hữu, chỉ là hai mặt của một đồng tiền), đó là sự u mê không thể nào tưởng tượng nổi. Nhưng u mê có sức mạnh rất khủng khiếp, đó là lí do vì sao điều này đã lan tràn trong xã hội như một căn bệnh dịch không có vắc xin.

Khi bạn chỉ muốn nhận lấy gì đấy trong tình yêu thì đích xác bạn là kẻ ăn xin đáng thương. Bạn sẽ khổ đau nếu người mà bạn kì vọng không đáp ứng gì đó theo mong muốn của bạn. Và theo tôi, đó cũng chả phải tình yêu gì sất, chỉ là sự ngụy trang khôn khéo.

Tình yêu phải là sự cho đi vô điều kiện, chỉ có như vậy thì nó mới đúng là bản chất chân thật của tình yêu. Cho đi vô điều kiện mới là tự do. Hãy nghiền ngẫm đi. Cho đi mà có điều kiện thì vẫn là muốn nhận, vẫn là sự mất tự do.

Người biết yêu theo cách cho đi sẽ luôn sống với niềm vui. Người luôn có cái để cho đi là người luôn dư thừa, dư thừa tình yêu thương bên trong tâm hồn, trong trái tim người đó. Người luôn sống với niềm vui sẽ mang lại hạnh phúc cho người khác. Và đó mới chính là cách mà tình yêu vận hành đúng đắn.

Mối quan hệ của hai con người luôn tràn ngập yêu thương sẵn sàng chia sẻ cho người khác là mối quan hệ vượt ra khỏi thời gian. Tình yêu của họ sẽ không thể chết, cái chết chỉ xảy ra trong thời gian. Một người chết đi thì người còn lại sẽ sống luôn cả phần của người đã chết, một cách tuyệt vời nhất.

Tình yêu đẹp chỉ có trong phim ảnh! Tất nhiên là người nói câu đó đúng, bởi vì họ có làm cái gì để biến tình yêu của họ trở nên đẹp đâu. Họ chỉ biết ngóng cổ lên chờ ai đó mang tới, như một kẻ hành khất chính hiệu.

Khi tôi và vợ hiểu ra tất cả những điều này, chúng tôi mới có cơ hội tái sinh lại chính mình, và điều hay là chúng tôi bắt đầu yêu lại chính vợ, chính chồng mình như một mối tình đầy mới mẻ. Đó chính xác là phép màu!

 

 

Mr. Bow

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

15 BÌNH LUẬN

  1. Bây giờ tỷ lệ li hôn cao vì lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả đang thịnh hành. Cuộc sống vợ chồng có nhiều ràng buộc, thử thách, nếu không đủ nghĩa tình thì làm sao duy trì được! Sống chỉ biết mình thì nghĩa tình đâu ra! Lửa rơm cháy bùng lên rồi khi tàn rụi thì chả còn gì nữa! Nhục dục đã nhạt nhẽo, nghĩa tình chẳng có thì dĩ nhiên là rã đám!!!

    Có thể nhiều người nói tôi cổ hủ nhưng tôi vẫn không tán thành xu hướng sống chung mà không hôn nhân. Một số ít không cần hôn nhân mà vẫn sống được với nhau lâu dài nhưng tôi nghĩ đó chỉ là thiểu số ngoại lệ.

    Tình yêu, hôn nhân là cho và nhận. Nếu một bên chỉ biết cho và một bên chỉ biết nhận thì cũng chả thể lâu dài được. Yêu chứ không phải là nô lệ hay sự lợi dụng!!!

  2. Bản thân con người luôn mâu thuẫn, cho dù họ quảng đại thế nào, sẵn sàng cho đi nhiều đến mức nào nhưng nếu sự cho đi hoàn toàn bị đáp trả bằng những điều tệ hại, thì họ sao dễ thoát khỏi thất vọng và mất niềm tin. Điều căn bản là nếu xui rủi rơi vào trường hợp ấy, chúng ta mất bao lâu để thoát khỏi cảm giác bi quan và lấy lại niềm tin vào người khác! Chúng ta cho phép mình bi quan, vì đó dường như là phản ứng tự vệ nhất thời, nhưng quan trọng là chúng ta không cho phép mình bi quan lâu, vì như vậy sẽ mất đi những cơ hội tốt đẹp hơn đến với mình sau đó

  3. Nếu đã yêu nhau thực lòng thì người ta không bao giờ cân đo , đong đếm kiểu cho bao nhiêu cho vừa và nhận bao nhiêu cho đủ . Chỉ là yêu , là đem đến cho nhau niềm vui , hạnh phúc dù trong cuộc sống không mấy suôn sẻ với rất nhiều người …

  4. Theo tôi thì như thế này;Khi mình đón,nhận TÌNH YÊU của ai đó thì mình cũng phải có trách nhiệm duy trì,phát triển TÌNH YÊU đó.Làm được như vậy thì ổn thôi mà(không nên nói ANH/EM yêu EM/ANH mà nên nói rằng CHÚNG MÌNH YÊU NHAU ANH/EM NHÉ thì hay hơn)

    • Mình cũng đã từng nói câu nói đó với người mình yêu , nhưng đáp lại là sự im lặng , à mà không , nói im lặng cũng không đúng , phải nói là : anh thích nhất chữ : ” Yêu ” . vậy thôi !

  5. Trên khía cạnh tình cảm thì bài viết có lý, nhưng có phải hơi bồng bột khi phản đối việc kết hôn của con người. Mặc dù bản chất của con người không phải là mối quan hệ 1-1 (bản năng đàn ông muốn truyền giống khắp nơi) nhưng việc lập gia đình có nhiều lợi ích
    – Quản lý xã hội dễ dàng hơn (1 đơn vị gia đình sẽ dễ quản lý hơn, rồi các trách nhiệm về những đứa con mà anh đã góp phần tạo ra, sự yếu đuối và bất lực của phụ nữ trong và sau khi sinh)
    – Nếu để cho việc kết đôi được quá tự do, sẽ nảy sinh trường hợp những người đàn ông và phụ nữ không “đặc biệt”, “giỏi giang”, “đẹp đẽ” sẽ không có cơ hội duy trì nòi giống. Nói cách khác, hôn nhân là để nhu cầu kết đôi được phân bố tương đối đồng đều. Nếu không, chọn lọc tự nhiên sẽ vào cuộc ngay. Tôi e rằng cái đó không được gọi là nhân văn.

    Vấn đề sinh học và tâm lý học của tình yêu thì luôn có sự đánh giá bạn tình trước rồi, tôi không có ý xới móc vì tôi nghĩ rằng tôi hiểu ý bạn muốn nói. Khi một người bạn rất yêu rời xa bạn, chúng ta chỉ mất con người, chứ không mất tình yêu của bản thân mình, không có gì sai ở việc yêu một người khác cả. Mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi.

  6. Bạn nói bạn yêu một người, rồi bạn nói vì bạn yêu người đó mà bạn đã CHO ĐI RẤT NHIỀU, rồi bạn lại nói KHÔNG NHẬN LẠI ĐƯỢC GÌ!
    Bạn tự quan sát thử xem mô hình tâm lý đó là gì vậy?
    Ai cần bạn cho? Bạn làm như người bạn yêu cần những thứ mà bạn cho lắm vậy, nếu người đó có sự tự trọng thì họ sẽ không cần, nếu người đó quá khôn ranh thì bạn sẽ bị moi cho đến tờ 10k cuối cùng vì bạn quá u mê!
    Tình yêu bản thân nó đã là vô điều kiện, tôi viết tình yêu vô điều kiện cho dễ nghe, dễ liên tưởng thế thôi. Tình yêu là vô điều kiện, bản chất của nó là thế. Bất cứ cái gì khác đều không phải là tình yêu, chỉ là thứ giả mạo. Cái mà đang gây đau khổ cho loài người khắp nơi hiện nay không phải là tình yêu đâu.
    Tình yêu có sự kiêu hãnh của nó. Đó là khả năng cho đi bất tận, không bao giờ có thể lấy hết. Đó tuyệt đối không phải là sự u mê ảo tưởng khi nghĩ cho vật chất là cho, hay chiều chuộng người mà bạn yêu, hay thỏa hiệp với những mê lầm sai trái của người đó. Niềm kiêu hãnh của tình yêu là vô tận, nó không cần sự đền đáp vì chắc chắn nó sẽ được đền đáp, không từ người này thì từ người khác. Cái sự CHO ở đây có nghĩa là sự sẵn sàng chia sẻ, là sự lan tỏa yêu thương từ ái của mình ra xung quanh, như một đóa hoa nở thơm ngát trong vườn thế thôi. Ai cần, ai thích hương hoa thì sẽ cảm nhận được.
    Khi tình yêu thực sự xuất hiện bên trong bạn, bạn lập tức hiểu rằng nền tảng của cuộc sống của bạn chính là nó, nó vững vàng theo cách lạ thường. Nó không phải là cảm xúc bị lôi cuốn, bị hấp dẫn bởi người khác phái, cảm xúc đó chẳng là gì hơn ngoài các phản ứng sinh học, sinh lý vốn thuộc về thế giới vật chất. Những cảm xúc đó là bình thường và tốt cho cuộc sống, cho sự sinh sản sinh tồn nhưng không phải là tình yêu đâu.
    Chúng ta lầm lẫn quá lâu rồi, hãy quan sát, xem xét, nghiền ngẫm kĩ xem. Tôi không ép ai phải nghe hay đi theo trải nghiệm của tôi. Nhưng biết đâu!

    • Tình yêu không có định nghĩa chung nào cả. Có 1 học giả định nghĩa:”Nhu cầu của tâm hồn sinh ra tình bạn, nhu cầu trí tuệ sinh ra lòng kính trọng, nhu cầu thể xác sinh ra sự ham muốn. Cả ba nhu cầu này sinh ra tình yêu chân chính”, tuy nhiên đối với một số người tình yêu không cần đầy đủ ba nhu cầu này vẫn là tình yêu chân chính.
      Có chắc rằng có tình yêu thực sự không? Nếu suốt đời bạn chỉ cảm thấy “yêu” một người thực sự thì là tốt, nhưng tôi nhận thấy rằng hầu hết đều không có cái “tình yêu thực sự”, cho dù là các bậc được nhiều người kính trọng. Khi 20 tuổi ta yêu say đắm một cô gái, nhưng vì lý do gì đó ta phải chia tay và nghĩ đó là tình yêu thực sự, đến năm 30 tuổi ta lại gặp một cô khác, ta nhận thấy đây mới là tình yêu thực sự của mình. Chưa hết, cho dù đến 50 tuổi ta lại phải thốt lên rằng:”Ôi, đây mới là tình yêu thực sự của đời ta, đáng tiếc…”. Vậy nên theo tôi chẳng có tình yêu thực sự đâu, chỉ có giai đoạn hay thời điểm của tình yêu thôi, nếu ta không định nghĩa được tình yêu cho chính mình thì không bao giờ ta tìm được tình yêu. Chính vì thế, xã hội có cái gọi là hôn nhân. Mục đích của hôn nhân không phải là tình yêu, nó giống như một khế ước(của 2 người yêu nhau hoặc không yêu nhau) nhưng hai người phải tuân thủ theo. Nhiệm vụ của hôn nhân là để đảm bảo cho cái trách nhiệm đối với gia đình của những người thực hiện cái khế ước đó, bởi cứ cho tình yêu là đẹp đẽ đi, nhưng sự vĩnh cửu là không có trong tình yêu, lúc đó cái khế ước hôn nhân là thứ để bảo vệ họ khỏi những tranh chấp không đáng có khi hết yêu.
      Rất mừng nếu bạn có một thứ tình yêu mà bạn cho là tốt đẹp như vậy, nhưng góp ý chút xem có ý kiến nào bạn chấp nhận được không.

  7. Tôi là người đã từng CHO ĐI RẤT NHIỀU trong tình yêu, và KHÔNG NHẬN LẠI ĐƯỢC GÌ, và kết quả của mối tình đó là chia ly. Tôi đã yêu “vô điều kiện” như bạn đã viết, vì nếu “có điều kiện” thì tôi đã chấm dứt nó ngay từ đầu rồi, nhưng sau đó tôi nhận ra là có lẽ tôi đã vô điều kiện với người không xứng đáng. Nói chung là tôi đồng ý với Ka Ka (nghe giống Đại Ca). Có thể là bạn đang nghĩ rằng mình yêu vợ vô điều kiện, nhưng thực chất, nếu cô ấy không phải là người xứng đáng bạn có yêu không? Hay bạn có thể yêu được bất cứ một cô gái ngẫu nhiên nào bạn gặp ngoài đường không? Nếu câu trả lời là có thì chúng ta mới có thể loại bỏ được chữ “xứng đáng” hay “không xứng đáng” ở đây.

    Nhiều người có suy nghĩ rằng “có điều kiện” cũng chẳng khác gì “ăn bánh trả tiền”, nhưng theo tôi thì nó khác đấy. Cụm từ “có điều kiện” rất dễ làm cho người ta hiểu lầm, “có điều kiện” đối với tôi giống như tôi lo việc kiếm tiền, em lo việc nhà cửa… 2 việc không thể so sánh giá trị với nhau, vì cả hai đều cần thiết. Đơn giản vậy thôi. Ông bà ta có câu: “Có qua có lại mới toại lòng nhau.” Có qua có lại không có gì xấu, nó tốt hơn việc CHỈ có qua, hay CHỈ có lại.

    Tình yêu là lực đẩy, không phải lực hút. Hai người yêu nhau không thu hút nhau, họ đẩy xuyên qua nhau. Nếu chỉ có một người đẩy thì tình yêu đó sẽ không mạnh bằng hai người cùng đẩy. (Hiểu theo nghĩa bóng, đừng hiểu theo nghĩa đen (tối) nha). Ka Ka nói ngắn gọn mà tôi phải nói dài dòng quá :v

  8. Chúc mừng vợ chồng bạn. Tình yêu nên vô điều kiện, không sai, nhưng chỉ nên vô điều kiện vớing xứng đáng. Tinh yêu hai chiều luôn hạnh phúc hơn tình yêu một chiều.

    • Tình yêu vô điều kiện mà cần tới người xứng đáng thì nó cũng là có điều kiện rồi! Khi còn phân biệt tình yêu 1 chiều, 2 chiều thì cũng nằm trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát kia thôi. Khi tình yêu thực sự xuất hiện, nó chẳng cần tới 2 chiều, 1 mình nó là đủ! Chính vì vậy để chạm tới tình yêu thực sự là việc rất khó, khó lắm thay.

      • Trước giờ mình chưa thấy mối tình một chiều nào có được một kết quả đẹp, hoặc là nó ngắn ngủi hoặc là nó đau khổ. Hai vợ chồng bạn yêu nhau như trong bài viết mình cung nghĩ không thể nào là một chiều được, không thể nào mà chỉ có một người yêu, còn người kia thì không. Cái bạn nói mình nghĩ trên lý thuyết thì nghe hay lắm, nhưng không đúng với thực tế đâu.

        Một ví dụ về tình yêu vô điều kiện đó là tình mẹ, có thể đứa con không yêu mẹ nó nhưng mẹ vẫn luôn yêu con. Giả sử hai trường hợp: 1. Con không yêu mẹ. 2. Con có yêu mẹ. Thử hỏi trường hợp nào mối quan hệ sẽ hạnh phúc hơn? Ý mình nói về tình yêu hai chiều là vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI