*Photo: Ibai Acevedo
Hầu hết chúng ta đều được học qua tác phầm “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Qua đó, ta hiểu được rằng cuộc sống không đơn giản như vẻ bề ngoài của nó. Cũng có những góc khuất đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng hay xấu xa của một vấn đề. Hãy nhìn sự việc một cách sâu xa và đa diện hơn, hãy tìm đến những gốc rễ của một vấn đề để có cách giải quyết hợp lí nhất.
Đó là một quan niệm nhân sinh mà hầu hết ai cũng hiểu nhưng để thực hiện nó lại là một điều không hề dễ dàng. Bạn biết đấy, có những người gần đi hết cuộc đời mà vẫn có những hành động nóng nảy, thiếu suy nghĩ, nhìn phiến diện về một sự việc nào đó; cũng có những người tuy rất trẻ cũng đã có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi việc. Có thể khắng định việc nhìn nhận vấn đề nói dễ thì cũng đúng nhưng nói khó thì cũng không sai.
Ở trường, ta được học thế nào là đúng và như thế nào là sai, hành động nào là có đạo đức và hành động nào là vô giáo dục và làm gì là tốt, làm gì là không tốt. Luôn có một ranh giới rõ ràng cho mọi chuyện và mọi việc. Nhưng khi các bạn bước ra cuộc sống thì những giới hạn giữa đúng và sai, đôi lúc lại mong manh và thậm chí có thể trộn lẫn vào nhau. Nhiều việc tưởng chừng như đúng đắn, thật đáng tuyên dương nhưng bên trong nó cũng có những điều sai lầm và ngược lại. Những câu chữ này có lẽ quá trừu tượng, hãy cùng tôi suy ngẫm về một sự việc có tính thực tế hơn.
Hồ Duy Trúc – tội phạm cầm đầu băng nhóm “chặt tay cướp SH”, được lãnh bản án tử hình trong sự vui mừng của mọi người. Việc vui mừng không hề sai hay không nói là quá đúng. Nhẫn tâm chặt tay người ngay giữa đường thì tử hình là một bản án xứng đáng cho tội ác của hắn và răn đe mọi người. Nhưng có một người không vui, không cười và cũng không hạnh phúc… Mà khóc, quỳ lạy, van xin thậm chí chửi mắng mọi người và cả người bị hại.
Chắc bạn cũng biết đó là ai? Vâng, đó là mẹ của phạm nhân. Đúng thật những hành động của bà quá xấu xí, thô lỗ, vô lí và bênh vực con mình một cách quá đáng. Dư luận phẫn nộ và mọi người “phán” ngay câu “mẹ nào con nấy” hay đại loại “mẹ thế thì làm sao nuôi dạy con tốt được.” Có thể việc bà chưa dạy dỗ con mình thành một người tốt cũng thật đáng trách. Nhưng xin hãy đặt mình vào vị trí của bà, bạn sẽ nhận ra những điều có lí đằng sau những sự vô lí. Một người mẹ nghèo, hằng ngày phải bươn trải, vất vả giữa muôn vàn gian khổ của cuộc sống; con người gầy gò, chai sạn với những bão tố của cuộc đời. Có phải cuộc đời cho bà sinh ra trong một gia đình giàu có và đầy đủ học thức thì chắc chắn rằng con bà đã không đến nông nỗi thế.
Nhiều người trong chúng ta hằng ngày sống trong sự nuôi dưỡng đầy đủ về vật chất đâu hiểu được còn bao người vất vả kiếm sống ngoài xã hội. Khi ta nằm trên một chiếc đệm êm trùm chăn ngủ trong ấm áp thì cuộc sống vẫn còn biết bao người rung người trong chiếc áo mỏng manh mà vẫn tiếp tục làm việc kiếm sống. Tôi không bênh vực cho bà và con bà, thậm chí còn lên án chúng nhưng tôi hiểu cho những việc làm “xấu xí” của bà. Một người mẹ khi nghe con mình chịu án tử hình, tức bà phải chịu cảnh mà mọi người vẫn gọi là đau lòng nhất “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”.
Hành động ấy thật sai trái và đáng trách với khi đứng lên lập trường của một công dân nhưng cũng rất hợp lí, dễ dàng thấu hiểu khi đạt trên cương vị thiêng liêng của một người mẹ. Suy cho cùng chúng xuất phát từ sự thất học của bà mà thôi. Bà thật đáng trách, đó là một điều hiển nhiên nhưng ngẫm kĩ bà cũng rất đáng thương.
Các bạn ạ, mọi vấn đề phát sinh đều do sự tác động của một yếu tố nào đó. Chúng ta đừng vội vàng đánh giá chúng qua vẻ bề ngoài, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, hãy bới móc những góc khuất đằng sau một sự việc bạn sẽ có một cách giải quyết tốt hơn. Một vấn đề xã hội thường bị ràng buộc trong nhiều mối quan hệ phức tạp. Đứng trên góc độ này là đúng, nhưng trên khía cạnh khác lại sai lầm.
Hãy đặt mình vào vị trí của những đứa trẻ nghiệm game online, có phải trước đây thì hầu như chuyện không diễn ra, suy cho cùng chúng cũng là nạn nhân của việc bùng nổ công nghệ thông tin và phát triển kinh tế. Khi nhiều nhà được xây dựng thì không gian đâu dành cho các em vui chơi. Những khu công viên chỉ đếm trên đầu ngón tay mà những tiệm game mọc khắp các đường phố. Đừng trách tại sao các em chỉ tối ngày đâm đầu vào việc chơi game vì “Ngoài chơi game ra em chẳng biết làm gì” – tâm sự của một em. Thay vì lên án, cấm đoán như nhiều người vẫn làm hãy tạo cho các em một không gian vui chơi và việc làm có lẽ sẽ khả thi hơn.
Vẻ bề ngoài của một vấn đề có lẽ ai cũng nhìn thấy được. Nhưng nó chỉ phản ánh một mặt nào đó của vấn đề. Muốn hiểu được trọn vẹn một sự việc hãy chịu khó suy xét những việc ở đằng sau chúng. Không chỉ có Phùng hay Đẩu (Hai nhận vật trong truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa) mà chúng ta cũng sẽ “vỡ ra” những điều chưa biết sau bề ngoài của một việc. Và nó là việc mà không phải ai cũng làm được.
Sep Virgo
Để có một cách ứng xử “hoàn hảo” nhất có lẽ là không có, nhưng cách hợp lí thì có thể, trải nghiệm nhiều và đặt bản thân con người vào nhiều tình huống khác nhau thì mình sẽ có cách xử lí tình huống tốt hơn.
Đây là chút quan điểm cá nhân của mình : Thực sự thì mình thấy XH hiện nay nhiều giả tạo quá, người lắm tiền có thể nói gì được nấy, Đối với phạm nhân nói trên , XH vũng vùi dập người ta quá….nhưng có rất nhiều cách để kiếm tiền và nuôi sống bản thân, chẳng qua con người ta bản tính tham lam, thích nhàn nhưng lười biếng, lại chọn ngay con đường sai trái……và thành thật mà nói, bản án dành cho cậu ta là hợp lí ( nếu nạn nhân là một người thân với mình, mình cũng sẽ rất hả giận …) nhưng xét về khía cạnh của người mẹ thì XH thật tàn nhẫn và họ nên nhìn lại bản thân mình khi nói ra những lời nói nghiệt ngã như vậy, xét về khía cạnh tâm lí thì khi con người túng quẫn thì lời nói ấy là phản xạ tự nhiên, bất chấp tất cả khi họ mất tất cả là chuyện bình thường nhưng cái XH này có dung tha đâu !
Bởi thế, bản chất con người là tham lam và ích kĩ, những tình huống như trên sẽ còn mãi khi còn có con người vậy thôi!
Bài viết của bạn nên có nhiều người đọc và nghĩ nhiều hơn ^^!.