Featured Image: Sean Curran
Nếu có ai đó bảo tôi rằng đừng bao giờ so sánh mình với người khác thì xin trả lời ngay rằng tôi chịu. Không so sánh sao được, khi rõ ràng là người ta thông minh, xinh đẹp, tài giỏi hơn mình. Người ta cũng có xuất phát điểm như mình mà giờ đã là thạc sĩ, tiến sĩ còn mình chỉ có mỗi chữ “sĩ” to tướng trong đầu. Không tủi thân, tủi phận sao được khi thấy người ta tiêu tiền như nước còn mình lúc nào cũng dè sẻn từng đồng, người ta nhà cao cửa rộng, còn mình nhà chật cửa hẹp… Xã hội đi lên mỗi ngày, còn mình cứ dậm chân tại chỗ mãi được ư?
Từ nhỏ đến lớn, từ lớn tới bây giờ, từ hồi nảo hồi nào, chẳng cần ai dạy, tôi đã biết so sánh mình với người khác như một bản năng. Lúc bé thì thấy mình không có nhiều đồ chơi, quà bánh như các bạn. Lúc đi học thì thấy mình không học giỏi bằng đứa bạn thân. Có mỗi cái danh hiệu học sinh giỏi mà cứ chới với mãi. Bao lần khóc thầm ấm ức vì nó chỉ hơn mình tí xíu nhưng tờ giấy khen khác nhau một trời một vực, bố mẹ nhìn vào, người hỉ hả mặt mũi, người cau có, ủ ê. Lớn lên chút nữa thì buồn vì mình có một chiều cao khiêm tốn đến mức không dám so sánh với ai, đã thế lại có đứa bạn vừa cao vừa xinh lúc nào cũng đi bên cạnh, hu hu… Lúc đi làm thì thấy công việc của mình không sang, không chảnh, không kiếm được nhiều tiền như mọi người.
Ngay lúc này đây, lại thấy bài viết của mình hời hợt, nông cạn làm sao so sánh được với những bạn khác trên Triết Học Đường Phố.
Túm lại một sự thực không thể phủ nhận, bôi đen, hay tô hồng là tôi luôn thua kém mọi người về mọi mặt. Biết rằng so sánh với người khác làm mình tự ti, chán nản, buông xuôi, dễ đánh mất khả năng của mình, thậm chí còn nảy sinh một tâm lý xấu là ghen ghét, đố kỵ. Nhưng tôi vẫn so sánh…
Vì tôi chỉ là một con người bình thường, không dễ dàng khống chế tình cảm tự nhiên của mình: khi buồn thì khóc, khi vui thì cười, khi thua kém người khác thì đau khổ. Tôi gọi đấy là “nỗi đau khổ có tự trọng”, nó cũng góp phần làm mình phải suy nghĩ, phải hành động để làm một cái gì đấy chứng tỏ bản thân là ai. Nhìn các cô cậu học sinh bây giờ lên bảng không thuộc bài, nhận điểm một, hai vẫn tươi cười hớn hở ra vẻ ta đây không cần gì, tôi thấy sợ quá.
Vì tôi là người tham lam, quá nhiều ham hố. Khi đau thì chỉ ước mình khỏi đau, khi bệnh chỉ ước mình khỏi bệnh nhưng khi khỏe rồi lại ước nhiều điều khác nữa. Phải chăng là con người thì không bao giờ dừng khát khao, tham vọng có được cái tốt đẹp hơn.
Vì mỗi lần so sánh với người khác là một lần tôi nhìn ra điểm yếu của mình. Nếu không có cái hơn của người khác thì tôi đâu biết mình yếu ở chỗ nào. So sánh giúp ta biết mình ở đâu trong thế giới này để còn biết đường học hỏi, phấn đấu, hoàn thiện bản thân nhằm theo kịp sự phát triển của xã hội. Nếu chỉ so sánh với mình của ngày hôm qua thôi thì ta rất dễ bằng lòng với những tiến bộ nhỏ nhoi, dễ ru ngủ bản thân với những ước vọng giản đơn. Đành rằng một chút tiến bộ cũng đáng ghi nhận, một ước vọng giản đơn cũng là đáng quý nhưng chúng ta vẫn cần phải nhìn xa hơn chứ.
Một ví dụ hơi khập khiễng về nền kinh tế nước ta chẳng hạn, so với thời mới mở cửa thì đã có những chuyển biến chóng mặt, nhà cửa, xe cộ, hàng hóa nhiều không kể hết, thời bao cấp có nằm mơ cũng không dám hình dung đến. Trong các bản báo cáo tổng kết cuối năm, thành tựu kinh tế năm sau bao giờ cũng bằng hoặc vượt năm trước. Nếu chỉ nhìn vào đấy đã vội vui sướng ăn mừng, tưởng rằng Việt Nam sắp hóa hổ, hóa rồng ở khu vực thì nhầm to. Vì than ôi, thực tế trong bảng xếp hạng chung của thế giới, ta vẫn là một quốc gia đói nghèo, lạc hậu, khó phát triển. Mình tiến được một bước, có biết đâu ngoài kia họ đã tiến hai, ba bước rồi. Nói như vậy để thấy so sánh cũng có mặt tốt, nó giúp ta biết mình là ai, biết phải đặt mình ở đâu trong mối quan hệ với cái chung, cái tổng thể.
Bạn có bao giờ so sánh mình với người khác không? Nếu câu trả lời là không thì tôi xin bái phục và chả tin tẹo nào. Bởi làm gì có ai thấy bằng lòng tuyệt đối với mình. Người thành công lại so sánh với người thành công hơn mình, người tài giỏi thì so sánh với người taì giỏi hơn nữa, cứ như thế tiếp diễn… Ai mà chẳng có ít nhất một lần trong đời so sánh mình với nguời khác, thèm muốn khát khao được là người khác dù chỉ chốc lát thôi. Suy nghĩ ấy có thể đã định hình sẵn trong đầu hoặc mới thoáng qua, dù sao thì vẫn cứ là so sánh. Nếu cảm xúc so sánh xuất hiện, có nhất thiết phải triệt tiêu nó?
Tôi nghĩ là không. Hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bản thân, để so sánh với người khác. Đừng né tránh nó, cũng đừng quá bi ai về nó. Nếu bạn có tư tưởng cầu thị và biết chắt lọc cái gì đáng để so sánh thì nó sẽ phát huy tác dụng không ngờ, thúc đẩy sự tiến bộ từ chính bên trong con người bạn. Và nữa khi nào thói hờn ghen, đố kỵ thường tình được thay thế bằng cảm xúc ngưỡng mộ, khát khao chân thành thì lúc ấy bạn đã trưởng thành lên một bước rồi đấy.
Phương Liên
Thấy người ta hơn mình cái này thì mình lại hơn người ta cái khác. Tuy vậy cũng có lúc suy sụp mất hết lòng tin vào giá trị thực của mình. Nhưng những đợt thử thách khủng khiếp đó rồi cũng qua, lại tiếp tục vững bước trên con đường độc đạo mà số phận đã đặt mình vào (không phải do mình chọn nhưng càng ngày càng nhận ra đó là con đường phù hợp nhất cho mình). Như một người bạn xem tay cho mình năm xưa rồi phán: Cái gì dở cho chị bây giờ thì về sau lại thành tốt cho chị. Kiểu Tái ông thất mã ấy mà. Tóm lại thấy mình là người lạc quan và ít so bì (tuy cũng có so sánh nhận xét). Sống thế cho đời thanh thản. Đời đôi khi đặt mình vào những hoàn cảnh chẳng biết là Phúc hay là Họa. Tưởng là họa mà hóa ra lại là phúc và ngược lại.
Bởi lẽ con người vốn dĩ là một sinh vật tham lam mà. Con người chẳng bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có cả. Âu cũng là một tâm lý rất đỗi bình thường..
Em cảm thấy bài viết rất tuyệt vời 🙂
Nói thật thì tôi rất thích những bài viết của bạn, bởi vì trong đó mang sự trung thực với cuộc sống và những gì diễn ra quanh nó. Suốt cả đời tôi là cả một chuỗi dài của những so sánh, tôi có gì và người ta có gì, đôi khi là sự tủi nhục, đôi khi là niềm tự hào, đôi khi là những khát vọng… Cái sự so sánh đó sẽ không bao giờ ngừng lại, ban đầu là bộ quần áo của những bạn cùng lớp, sau đó là ngôi nhà ta đang sống, sau là chuyện điểm số trong lớp, là được mọi người yêu mến, là sự hấp dẫn với các cô gái, rồi bằng cấp, tiền lương, và cho đến những năm sau này thì chính là sự hiểu biết và tầm nhìn. So sánh là cái tất yếu tồn tại trong mỗi con người, nhưng như bài viết đã nói, thái độ mới là quan trọng. So sánh để biết ta đang đứng ở vị trí nào trong xh và trong đời sống, so sánh để ta biết ta cần phải học gì và làm gì để tiến lên. Dù từng người có thừa nhận hay không việc họ so sánh thì việc đó vẫn luôn luôn diễn ra, đôi khi nó không phơi bày rõ ràng mà ẩn dấu trong sự tham lam và thói ganh tỵ. Nhưng tất nhiên, càng tiến lên trên thì có lẽ sự so sánh càng ít đi và sự đam mê học hỏi càng nhiều hơn, những giá trị so sánh càng cao quý hơn những sự tăm tối trong tâm hồn càng ít hơn (tôi đoán thế hi hi, vì đi chưa tới). Cuối cùng thì chẳng cần so sánh nữa vì ta đã biết cách đạt được những điều ta cần, khi ấy chỉ cần trả lời cho một câu hỏi duy nhất “ta cần gì?” là được.
À! bài hay hoặc dở là do cái nhìn của từng người thôi, số lượng cũng không nói lên được điều gì lớn lao cho lắm, mà hay cũng có nhiều phương diện của cái hay như cách diễn đạt, mô tả hiện thực, sự lý luận, lòng chân thành… Vì thế sự so sánh chỉ khách quang khi mình thật sự hiểu mình và hiểu người so sánh thui 🙂
ôi ,bình luận của bạn cho bài viết của mình hay quá, cứ như bạn đọc được suy nghĩ của mình vậy, Cảm ơn nhiều nhiều.
Thấy bạn nói rất đúng, nhiều lúc (mà đa số) mình phải so sánh với người khác.
Để thấy mình hơn cái gì rồi tự hào, mình kém cái gì để mà phấn đấu. Nếu không so sánh thì sao biết ta đang đứng ở đâu?
Nhưng đôi lúc cũng đừng vội so sánh, ví dụ như mình vừa đạt được một cái gì đó mà phải rất cực nhọc để đạt tới, khoan hãy so sánh, hãy hài lòng rồi so sánh, để hạnh phúc nhỏ nhoi ( hay lớn lao) của mình không bị những thành công lớn của người khác vùi lấp hay kiềm chế.
Nhiều khi người ta cũng so sánh nhưng chỉ hời hợt và tìm hiểu chưa kĩ, chưa biết những chông gai, trắc trở mà người khác đã trải qua. cũng giống như so sánh mình với vũ trụ này vậy, cảm thấy mình thật nhỏ bé. Nhưng ta có suy nghĩ cho rằng vũ trụ đã trải qua hàng triệu, hàng tỉ năm để có được như hôm nay.
Nhưng mình nghĩ quan trọng nhất là nhận ra một điều huyền diệu rằng ta là một thực thể đặc biệt giữa 7 tỉ người đông đúc, để thấy cuộc đời thật khủng khiếp và tuyệt mĩ biết bao nhiêu, để thấy may mắn khi ta là một bản thể đặc biệt biết nhường nào.
Những thành công của người khác chẳng liên quan gì tới hành trình của chính bạn, có chăng chỉ là những cái đích để ta vươn tới thôi, rồi khi đạt được ta lại muốn đạt tới một cái đích mới nữa, nên so sánh với người khác có bao giờ là đủ?
Mỗi người là 1 cá thể hoàn toàn riêng biệt và đi kèm nó là những năng khiếu sở thích cũng rất khác nhau. Vậy thì tại sao phải mang ví dụ con cá ra để so sánh với con chim xem con nào bay nhanh hơn ?? ( Thậm chí con cá đâu có bay được ???!!! ) Vấn đề bạn đưa ra là hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bản thân, đừng né tránh nó và so sánh với người khác thì nó đã rất mâu thuẫn rồi. Nếu thực sự bạn muốn đi tìm chính mình, vậy thì hãy luôn đặt cho mình những câu hỏi , mình chưa tốt chỗ nào, ưu nhược điểm mình ra sao ?? Hãy kiếm cách khắc phục nó, cái bạn cần dũng cảm đối diện là cái này nè, chứ không phải là hơn ai thua ai, chiến thắng bản thân mình mới là chiến thắng lớn nhất. Lúc này bạn sẽ bận rộn tới mức không có thời giờ để luôn nhìn vào những cuộc đời của người khác. Con người hay có xu hướng đem những thứ yếu kém của mình để so sánh với thứ tốt nhất của người khác. Điều này về mặt tâm lý chỉ làm bạn yếu hơn và cảm thấy chông chênh hơn, cảm xúc tiêu cực luôn chiếm ngự trong đầu óc bạn. Tất nhiên mọi sự vật đều có 2 mặt. Tương đối sẽ tốt hơn cho cuộc sống chúng ta !!
À mà tớ bật mí cho bạn cái này nữa nè, đôi lúc những thứ ta nhìn thấy tốt đẹp về người khác là những thứ người ta cố tình cho mình thấy đấy, đôi khi nó chưa hẳn là sự thật đâu. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, bạn nhỉ ? Hãy tập trung vào ước mơ của bạn và thực hiện nó đi !!
Tui đã từng được nghe 1 câu rất hay , tặng bạn luôn : ” Nếu bạn muốn có thứ gì thì hãy đến mà lấy nó ” .
( Bài bình luận dưới tớ viết không đủ nên tớ bổ sung thêm đoạn này ) ( Không liên quan nhưng mà chữ SỬA to đùng thế mà cũng không thấy ) 😀
Mỗi người là 1 cá thể hoàn toàn riêng biệt và đi kèm nó là những năng khiếu sở thích cũng rất khác nhau. Vậy thì tại sao phải mang ví dụ con cá ra để so sánh với con chim xem con nào bay nhanh hơn ?? ( Thậm chí con cá đâu có bay được ???!!! ) Vấn đề bạn đưa ra là hãy dũng cảm nhìn thẳng vào bản thân, đừng né tránh nó và so sánh với người khác thì nó đã rất mâu thuẫn rồi. Nếu thực sự bạn muốn đi tìm chính mình, vậy thì hãy luôn đặt cho mình những câu hỏi , mình chưa tốt chỗ nào, ưu nhược điểm mình ra sao ?? Hãy kiếm cách khắc phục nó, cái bạn cần dũng cảm đối diện là cái này nè, chứ không phải là hơn ai thua ai, chiến thắng bản thân mình mới là chiến thắng lớn nhất. Lúc này bạn sẽ bận rộn tới mức không có thời giờ để luôn nhìn vào những cuộc đời của người khác. Con người hay có xu hướng đem những thứ yếu kém của mình để so sánh với thứ tốt nhất của người khác. Điều này về mặt tâm lý chỉ làm bạn yếu hơn và cảm thấy chông chênh hơn, cảm xúc tiêu cực luôn chiếm ngự trong đầu óc bạn. Tất nhiên mọi sự vật đều có 2 mặt. Tương đối sẽ tốt hơn cho cuộc sống chúng ta !!
Ta không thể so sánh hai con người với nhau, nhưng ở một số khả năng và khía cạnh thì có. Những dẫn chứng bạn đưa ra trong bài chỉ là về một phần cái – đếm – được mà thôi. Giống như việc chọn nghề nghiệp, một bên là đam mê và một bên là “giàu có hơn”, không thể đem đam mê (không đếm được) mà đi so sánh với “giàu có hơn”(đong đếm được). Bài viết của bạn đã phạm vào lỗi từ trong cốt của chủ đề rồi.