Featured Image: Swarat Ghosh
“Dân hai nhăm triệu không người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”– Tản Đà
Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những hạn chế rất lớn của người Việt, đó là chúng ta luôn mang trong mình các tố chất của một đứa trẻ và mãi không chịu lớn hoặc chỉ chịu lớn dậy khi có các đe dọa hay bị xâm lăng, đô hộ. Khổ một nỗi, sau khi gồng mình lên để đẩy lùi các thế lực ngoại bang thì chúng ta không chịu lớn tiếp mà lại khoái quay trở về thân phận một đứa trẻ.
Minh chứng đầu tiên của việc chúng ta luôn là một đứa trẻ có lẽ bắt nguồn từ truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng, tuy đã ba tuổi mà không biết đứng biết đi hay biết nói. Nó phản ánh một phần tính cách bàng quan và thiếu trách nhiệm với thời cuộc của phần đông dân chúng trong thời bình. Đứa trẻ đó có lẽ sẽ mãi không chịu lớn nếu đất nước không bị ngoại bang xâm lấn; và cũng thật lạ kỳ, cũng vẫn chính là đứa trẻ ấy nhưng chỉ vừa nghe lời hiệu triệu cứu nước, đã có thể vươn mình đứng dậy, trở thành một thanh niên cường tráng khỏe mạnh, giúp đánh tan giặc ngoại xâm và ra đi không một lời từ biệt.
Có lẽ người xưa không thể để Thánh Gióng ở lại trần gian được, bởi vì nếu như vậy thì Ngài sẽ như thế nào nếu không phải trở lại vai trò của một đứa trẻ – vốn không được hay ho cho lắm sau khi đã lập được bao kỳ tích.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta luôn muốn mình mãi là trẻ con! Bởi vì là trẻ con chúng ta đươc phép sai và không phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Là trẻ con, chúng ta được “người lớn” che chở và hay được khen ngợi mỗi khi làm một việc gì đó “được cho là phải” hay “chịu khó nghe lời”. Trong thế giới của trẻ con, mọi chuyện đều có thể xảy ra và được chấp nhận mà không bị đặt câu hỏi hay nghi ngờ. Chỉ khi là trẻ con, chúng ta mới hay “ảo tưởng sức mạnh” mà không bị chỉ trích hay bị phê phán về sự non kém trong khoa học hay quản trị.
Là trẻ con, chúng ta luôn hồ hởi đón nhận những cái mới, tham gia các trào lưu mới và thử nghiệm các mô hình mới mà không cần phải phân tích bối cảnh, sự phù hợp cũng như tác động của chúng đối với cộng đồng. Là trẻ con chúng ta không phải chịu trách nhiệm giải trình trước người lớn về các việc mình làm và nếu có gì sai sót thì người khác cũng dễ thông cảm theo kiểu “trẻ con ấy mà”.
Cũng chỉ có trẻ con mới tin vào “ba điều ước” và tin vào các câu chuyện hoang đường mà không cần phải chứng mình bằng khoa học thực nghiệm. Là trẻ con, chúng ta được phép mơ mộng một chút. Nếu làm người lớn, nhiều lúc cuộc sống không cho phép chúng ta mơ mộng, đặc biệt là trong những quyển sách có ảnh hưởng đến tương lai. Sự mơ mộng có chăng cũng chỉ là tô hồng thêm chút ít các kết quả sẽ đạt được vốn dĩ có thể được đảm bảo bởi các chiến lược đúng đắn trong thực tại.
Nhưng là trẻ con, chúng ta không nhất thiết phải có các hành động cụ thể thời hiện tại nhưng vẫn có quyền mơ mộng một “đông phương hồng” ở tương lai.Cũng bởi vì ai cũng thích được mơ mộng mà không phải làm gì cả nên nhiều người chọn cách không phải lớn để mãi là trẻ con.
Trong khoảng trên một thế kỷ qua, đã có nhiều người, với lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, đã tìm nhiều cách giúp dân tộc chúng ta thoát khỏi thân phận một đứa trẻ để một ngày có thể trở thành một thanh niên cường tráng. Không thể phụ nhận một thực tế rằng với các nỗ lực đó, chúng ta đã lớn lên chút ít. Từ một cậu bé gầy gò, ốm yếu và chỉ biết một ít Tam Tự Kinh, chúng ta đã có một bước tiến dài và phổng phao lên rất nhiều trong mấy chục năm qua.
Đã có lúc, nhiều người tin tưởng rằng với đà này, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ lần đầu tiên thoát khỏi quy luật của lịch sử dân tộc để trưởng thành cả về hình thức lẫn nội dung. Than ôi, cũng có thể là do phúc phận của chúng ta chưa đến, khi sắp chuyển mình để chuẩn bị dậy thì, chúng ta đã không vượt qua được sức ì của tâm trí và bóng đè của lịch sử, văn hóa để cho cơ hội bị trôi qua khiến cho không biết đến bao giờ mới có thể lớn lên được nữa.
Là trẻ con, chúng ta thích được sống trong một xã hội mang màu sắc kiếm hiệp, nơi những thường dân yếu thế có thể được các “hiệp sĩ” bóng đêm hay “người dơi” bảo vệ trước những bất công; nơi luôn có những người sẵn sàng “lộ kiến bất bình bạt đao tương trợ”; nơi công lý thỉnh thoảng được bảo vệ bởi một ông Bộ Trưởng vi hành. Ở nơi đó vai trò nhà nước bị lu mờ trong con mắt của người dân.
Trong lịch sử của mình, người Ấn Độ liên tục bị các tộc người khác (người Aryen, Hung Nô, Hôi và Châu Âu) xâm chiếm và đô hộ. Do yếu tố tôn giáo và khí hậu, họ trở nên suy nhược và không có khả năng chống trả. Để giải thoát cho mình, họ phải đi tìm niềm vui và sự an ủi trong tôn giáo – nơi đó tâm hồn họ được giải phóng bất chấp thực tại là kẻ bị thống trị.
Khác với họ, chúng ta trẻ hơn rất nhiều và cũng nông cạn hơn nhiều trong cách nghĩ, hơn nữa chúng ta luôn lớn dậy mỗi khi có ngoại xâm và luôn giành chiến thắng. Điều này khiến cho lòng kiêu hãnh của chúng ta quá lớn – lớn đến nỗi nó lấn át tất cả các thứ khác mỗi khi chúng ta bị đe dọa. Khi đó, tính cách của một đứa trẻ bộc lộ rõ nét nhất trong từng cá thể của người Việt.
Lòng kiêu hãnh không cho phép chúng ta nhượng bộ hay thỏa hiệp. Bất kỳ ai đi ngược lại nguyên tắc này sẽ bị coi là “thỏa hiệp” “cải lương” hay “nhu nhược”. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến dân tộc chúng ta nổi tiếng anh hùng trong chiến trận nhưng hay bị thất bại trong các bước ngoặt lịch sử.
Các bậc Tiền Bối đã là tâm khổ tứ để giúp dân tộc ta lớn dậy. Tuy không được như ước nguyện, nhưng ít nhiều ngày hôm nay chúng ta đã phổng phao hơn rất nhiều. Đây có thể là thời cơ để chúng ta vươn mình đứng dậy bằng các biện pháp đồng bộ về văn hóa, thể chế và giáo dục.
Bạn sẽ làm gì và làm khi nào để sau 4000 năm Quốc Tổ Lạc Long Quân không còn thắc mắc về sự chăm lớn của con cháu?
Tuấn Trần
về tính trẻ con của dân mình thì đã từng nghĩ tới, nhưng cách hiểu truyền thuyết Thánh Gióng theo cách của tác giả thì lần đầu được nghe, thật sự rất đặc biết, xin hỏi là do tác giả tự nghiệm ra hay học được từ người thầy nào vậy
Cảm ơn bạn đã quan tâm về vấn đề này. Để mình đăng thêm một bài về Chử Đồng Tử nữa thì bạn sẽ thấy là những cái này là do cách hiểu riêng của mình!
Tôi thấy người việt mình có 1 tính rất xấu đó là không dám chịu trách nhiệm, không dám mạo hiểm dấn thân để khám phá dẫn đến làm gì cũng theo sự chỉ đạo ,phân công từ cấp trên.Cầm tay chỉ việc thì học nhanh nhưng tự mình làm thì không dám làm gì cả ,lâu ngày dẫn đến lười suy nghĩ ,tư duy ,không chịu học hỏi, tiếp thu những cái mới chỉ thích sự ổn định và rất sợ sự thay đổi
cách đây rất lâu, sau những that bại trong cuộc song tôi đã đi tìm chính mình, tại sao mình lại như vậy, và trên con đường đó tôi cũng tìm được vài điều cho mình. Thường thì để tìm ra câu trả lời xác đáng ta phải truy ngược về quá khứ để biết những nguyên nhân nào tạo nên cái tôi lúc này.
một đứa trẻ muốn trưởng thành thì điều cốt lõi nhất là nó phải được học hỏi những bài học có giá trị, đồng thời phải trải qua những va chạm trong thực tế để có một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc song, sau đó bang những gì học được và kinh nghiệm thức tế nó sẽ đúc kết cho mình những gì là tốt và là cần thiết để phát triển. sự trưởng thành không phải tự nhiên có mà phụ thuộc vào hoàn cảnh song.
VN ta nằm ở một vị trí khá đặt biệt là rìa của châu Á, bao quanh nước ta là một vùng núi non trùng điệp, đó là một thành lũy thiên nhiên bảo vệ chúng ta khỏi sự xâm lăng các quốc gia khác cũng như văn hóa của các dân tộc khác trừ TQ – một quốc gia đồ sộ. cũng chính cái thành lũy đó cũng ngăn cách chúng ta vươn ra ngoài thế giới để học hỏi những điều quý giá. Khi bị TQ xăm lược, ta ôm cái thành lũy để tự vệ và thường dành được chiến thắng, cũng chính điều này đã hình thành tâm lý an phận, nó giống như một đứa trẻ được cha mẹ cưng chìu quá mức nên sinh ra ỷ lại. với cái tâm lý đó dân tộc ta cứ mãi là một đứa trẻ không lớn.
nhưng khi khoa học kỹ thuật phát triển, biên giới của các quốc gia bị kéo gần lại, cái thành lũy thiên nhiên mà ta có lại trở nên vô dung và that bại thảm hại trước vài ngàn quân của Pháp. khi ấy một thế giới mới được mở ra, nhưng sự lạc hậu do sống trong cái ao của mình quá lâu khiến ta bất lực và không biết phải làm gì. Nhưng chúng ta vẫn không thiếu những nhân tài, những người ấy đã bước ra thế giới để nhìn, ở đó họ thấy được sự phát triển rực rỡ của các nền văn minh, rồi họ quay lại chỉ cho điều hay lẽ phải mà có ai chịu nghe. bạn có thấy chúng ta going như câu chuyện “cái hang” của Platon không? bạn có thấy kinh ngạc khi câu chuyện ngụ ngôn đó đã sinh ra cách nay mấy nghìn năm, chúng ta đi sau người ta bao lâu nhỉ? cách biệt quá xa.
Tự bản than chúng ta thiếu cái năng lực để cứu mình, vì thế trong những người ra đi cũng có được một người thành công để quay về giải thoát cho dân tộc khỏi kiếp nô lệ. Nhưng…bên ngoài cái thế giới kia cũng tràn đầy bẫy rập, có rất nhiều thứ để chon lựa và chon cái nào lại phụ thuộc vào suy nghĩ và tầm nhìn của người chon. À… đến đây thì khó mà nói tiếp hen, nên tôi lượt bỏ ý này, chắc ai hiểu thì sẽ hiểu.
có một điều then chố ở đây là sự ỷ lại, ngày trước ta ỷ lại vào thành lũy thiên nhiên thì ngày nay ta ỷ lại vào cái công cụ giúp ta thoát gong xiềng. thay vì ta xem nó như một công cụ phục vụ mình thì ta lại biến mình thành công cụ phục vụ nó. Với xh thì con đường nào là tốt nhất? chẳng có con đường nào cả, chỉ có con đường phục vụ tốt nhất cho xã hội mới là tốt nhất. một con người nhìn xa thì biết lấy nơi này một it cái cái tốt, nơi kia một it cái tốt để gom lại thành cái tốt nhất cho mình sữ dung.
Nói thì dễ nhưng để làm được thì cần một nền tản trí tuệ và học thức uyên thâm. mà chúng ta thiếu điều đó nhất. Mỗi nền văn minh, mỗi một quốc gia phát triển đều có một triết thuyết cho chính họ còn chúng ta thì không. chúng ta toàn bắt chước và vay mượn và vì thế chúng ta luôn đi sau.
Triết học! triết học! triết học! Chúng ta cần một nền triết học thực thụ, không phải nền triết học “thuộc lòng”. có ai hiểu nó quan trọng đến thế nào đối với dân tộc ta không?
@matdoi:disqus, bạn có những phân tích rất thú vị và có nhiều điểm tương đồng với bài viết mới đây của mình. Sẽ chia sẻ với bạn trong vài ngày tới.
Mình chờ đọc bài của bạn, khi đó chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn về đất nước chúng ta. 🙂