27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Đôi chân trần

Featured image: weruninhalflight

 

Lưng cha thì đội nắng gầy, ôi tóc bạc tựa trăng soi. Cả cuộc đời, và cả cuộc đời, đôi chân trần…”

Tôi nghe bài hát “Đôi chân trần” (Y Phôn K’sor)  từ hồi còn học đại học. Cũng như các bài hát đậm chất Tây Nguyên khác, tôi thích nghe nó được thể hiện bởi các ca sĩ xuất thân từ nơi đây – các ca sĩ người dân tộc thiểu số, như cố nghệ sĩ Y-Moan chẳng hạn. Bởi chỉ họ mới có thể truyền được “cái chất Tây Nguyên” tới tâm hồn người nghe. Và một cách rất tự nhiên, mỗi lần nghe bài hát này, tôi lại nhớ cha tôi!

Cha tôi không đi “lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm”, không “đi lượm từng hạt thóc cho con một bữa cơm chiều”. Cha tôi là một người nông dân ở vùng đồng bằng, ông đi cày, đi bừa cả ngày ngoài ruộng để lo cho con cái ăn, cái mặc, học hành tử tế. Nhưng có một điểm chung, đó là hình ảnh về “đôi chân trần”. Mỗi khi đi ra đồng, ông thường đi chân đất. Bàn chân cha tôi to lắm, “đôi chân cồng kềnh”, nó bè ra giống như cái lá bàng ấy, màu đỏ cháy.

Tôi thích ngắm nhìn tình yêu thương của cha dành cho tôi. Tình thương của ông không nằm ở những lời nói, ở đôi mắt chứa chan tình yêu thương luôn nhìn tôi âu yếm như mẹ. Ông cũng chưa bao giờ khen tôi trước mặt dù chỉ một lời. Tình thương của ông thể hiện ở sự dõi theo khi con cái đi xa, thể hiện ở sự lo lắng cho cuộc sống từng đứa con của mình, nhưng không bao giờ để lộ ra.  Tình thương của ông vừa trầm ấm, dịu dàng lại vừa lạnh lùng nhưng đủ để tôi có thể cảm nhận được.

Tôi luôn nằm lòng câu nói “Học cái tinh túy của người Bắc, học cái phóng khoáng của người Nam, học cái ý chí của người Trung”. Ở những vùng đất tôi từng đi qua, từ Bắc tới Nam, tôi chưa thấy nơi nào khí hậu khắc nghiệt, người dân khổ cực như ở miền Trung quê tôi. Nắng tới khô cháy từng đôi mắt, lạnh thấu xương, cây lúa được chăm chút nâng niu tới kỳ trổ bông thì bị lũ quét, mưa bão, phủi trắng bàn tay của người nông dân vốn đã trắng trơn. Nhưng có một thứ của người miền Trung mà không thế lực nào có thể lấy đi được: Ý chí! Cái ý chí kiên cường, ý chí làm lại mọi thứ từ con số không…

Và cha tôi – một người dân miền Trung mang trong mình những tính cách đặc trưng của mảnh đất này: giàu ý chí, tình cảm, chịu thương chịu khó, sống có trách nhiệm, đôi lúc hay nóng nảy… Ký ức của tôi khắc  ghi hình ảnh đôi chân cha đi thoăn thoắt trên cánh đồng dưới tiết trời se lạnh, dưới những cơn mưa phùn mùa đông khi đi bới khoai, dưới cái nắng đổ lửa mùa hè khi cha đi gặt lúa… Đó là những hình ảnh đẹp nhất mà tôi thấy được về cha, nó không màu mè, ấn tượng nhưng sẽ in sâu mãi mãi trong tâm trí của tôi.

Ai cũng có một người cha, cũng có những hình ảnh về người cha của mình, và tất nhiên không ai giống ai. Nhưng đó là những hình ảnh đẹp nhất mà họ từng biết. Tôi tin như vậy! Người thì nhớ về cha qua dáng đi, người nhớ về cha qua giọng nói, hoặc qua cái ôm phóng khoáng và rắn chắc… Riêng tôi, tôi nhớ về cha mình qua hình ảnh “đôi chân trần”, đôi chân đã in dấu qua từng bờ ruộng quê mình.Cũng nhờ đôi chân đó mà tôi có được ngày hôm nay. Tự đáy lòng, tôi luôn biết ơn và tôn thờ đôi chân đó!

Ôi thời gian, hãy quên đi, đôi chân cồng kềnh, cha đi giữa rừng hoang vu…”

 

Ngựa Hoang

* Những dòng in nghiêng trong ngoặc kép là lời bài hát “Đôi chân trần” của Y Phon K’sor.
spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI