Ngăn kéo được mở ra, lọ thuốc vẫn luôn nằm lăn lóc ở đấy. Tôi cảm thấy những viên thuốc đang được nuốt trôi vào cổ họng mình một cách dễ dàng. Chỉ là những viên kẹo nhỏ chẳng có gì ý nghĩa. Chỉ cần cho hết chúng vào miệng, ngủ một giấc thật sâu và tôi sẽ không cần phải tỉnh dậy nữa. “Ta sắp tự do.” Tôi nói và cười lớn.
Người ta sẽ chết khi đang tuyệt vọng. Không có một ai đang sống hạnh phúc lại đi nghĩ đến cái chết. Tất cả mọi người đều tự tử vì cái lý do đó. Tôi đã sống một cuộc đời quá đỗi tầm thường và giờ đây lại sắp chết một cách tầm thường. Chẳng khác nào những viên kẹo cao su đã được cho vào mồm nhai ngấu nghiến rồi khạc nhổ đầy vỉa hè, chính tay tôi đã nhặt chúng lên rồi lại nhai. Sống là một kẻ vô danh và chết đi cũng kém sang trọng.
Gia tài lớn nhất tôi có chỉ là cái đam mê chết tiệt. Khát vọng trở thành một nhà văn là một con quỷ. Một con quỷ với ánh mắt vàng vọt đã nuốt trọn linh hồn tôi. Không thể mua chuộc nó bằng tiền bạc, không danh vọng, không bạn bè.
Tôi không biết phải cho bao nhiêu viên thuốc vào miệng mới có thể chết. Một cái chết viên mãn chứ không phải dọa dẫm như trong lời tác giả một quyển sách tôi vừa đọc hôm qua. Ông ta bảo đàn bà chỉ luôn dùng cái chết để dọa dẫm mỗi khi nàng phát điên vì người đàn ông nàng yêu. Nàng sẽ không dại dột để dùng thuốc quá liều. Các nàng biết cách để biến cái chết của nàng thành một cái chết hụt. Ông ta nói đúng quá, tôi cũng đã từng như thế. Nếu lại thêm một lần tự tử nửa vời, đã sống thất bại và chết cũng kém sang.
Tôi không thể chết thế này được. Phải là một nỗi sợ kinh hoàng bao trùm toàn thân, mọi ham muốn đều trở nên chán ngán mệt mỏi. Nhưng tôi chẳng cảm thấy gì ngoài ham muốn được có một cái chết thật phong cách. Tôi nhún vai và bỏ lọ thuốc vào lại vị trí ban đầu.
Tôi ngắm nhìn căn gác xép lụp xụp, trần nhà đã gỉ sét. Chiếc bàn gỗ nằm cạnh chiếc nệm. Chiếc máy tính đặt trên bàn cũng những quyển sách mệt mỏi đang nằm vật vã. Lật nắp máy tính rồi khởi động, một tệp lưu trữ bản thảo đang viết và một vài bản thảo khác dang dở nằm rải rác khắp màn hình. Một nỗi day dứt cuộn trào sôi sục lên trong lòng khi cảm thấy quá tuyệt vọng trên con đường văn chương. Chẳng lẽ nào tôi sẽ mãi thất bại. Không một phản hồi từ nhà xuất bản, là do ngôn từ tôi viết ra dở tệ hay đích thực như những góp ý trước đây từ các ban biên tập. Thứ văn chương cực đoan lột trần nội tâm sẽ không bao giờ có thể đến gần với độc giả. Họ không bằng lòng với lối suy nghĩ tô vẽ màu đen trong đời sống giới trẻ. Họ cần những gam màu sặc sỡ và tươi tắn.
Tôi đã từ bỏ tất cả dưới đồng bằng để lên nằm vùng cao chuyên tâm viết lách. Muốn tạo ra được nghệ thuật, tôi bắt ép bản thân phải sống chẳng khác gì một nghệ sĩ. Nghệ sĩ trong tâm trí tôi phải đích thực là một kẻ nghèo nàn. Bởi họ không thể làm một điều gì khác hơn là chuyên sâu vào tác phẩm của mình. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng kén chọn khán giả, không có nhiều người có thể đồng điệu, họ không được nhiều khán giả ủng hộ, con đường của họ trắc trở lắm gian nan. Vậy nên họ sẽ sống chẳng khác nào một kẻ ăn mày. Nhưng đó mới là một người nghệ sĩ đích thực. Sống để làm nghệ thuật mới khó, làm nghệ thuật để sống chỉ là cái cớ cho mấy gã nghệ sĩ giả mạo. Chính vì thế mà tôi luôn nhìn mấy gã tự nhận mình là nghệ sĩ, đi xe hạng sang, ở biệt thự triệu đô, trên người đính toàn trang sức lấp lánh bằng con mắt khinh thường. Bây giờ thì rõ ràng là tôi đã quá đuối sức khi ôm ấp lý tưởng cao cả. Nghèo nàn cực khổ quá, lấy đâu ra sống để làm nghệ thuật.
Từ trên căn gác xép bước xuống cầu thang, những bậc thang bằng gỗ cũ kỹ khó leo. Rồi bước sang góc bếp, một gian phòng chật hẹp, tường vách ẩm mốc dường như đã tróc hết lớp sơn mặt ngoài để lộ da thịt. Đun sôi một ấm nước nóng trong khi bòn vét số ít cà phê còn sót lại trong lọ. Trong lúc chờ đợi những giọt cà phê tí tách rơi nhỏ xuống đáy cốc, chợt nhớ sáng nay có độc giả quen thuộc vừa gửi thư hỏi thăm. Tôi quay lại căn gác cùng với ly cà phê vừa pha, mở hộp thư đến rồi ngồi chăm chú đọc.
Đó là một lá thư dài chia sẻ về một nhà văn cũng là nhà triết học nổi tiếng. Phạm Công Thiện còn được cho là một thần đồng ngôn ngữ từ thuở bé. Trong thư anh ta kể cho tôi nghe về cảm nhận của anh ta sau khi đọc xong quyển Ý thức mới về văn nghệ và triết học. Đó là một quyển sách tuyệt vời. Đôi lúc anh phải dừng lại không phải vì nó không hay mà do không dám đọc tiếp. Vì sợ rằng nó tiếp tục đào sâu vào tiếng lòng của anh, nó lột trần anh. Nhưng ngày hôm sau anh ta lại tiếp tục. Đối với nhiều người không cùng suy nghĩ như Phạm Công Thiện, thì sách của ông tuy cuốn hút nhưng có gì đó thật sự khó hiểu và thập cẩm. Và người nào đó nhìn vào cũng sẽ yêu cầu ông đi điều trị tâm lý như đã từng có một vài độc giả khuyên can khi đọc bài tôi viết. Anh ta gửi cho tôi một vài lời an ủi động viên, tỏ ý sẽ luôn ủng hộ tôi vì anh ta yêu quý những gì tôi viết ra.
Có người bảo tôi sống vị kỷ. Họ nói những điều tôi viết ra chỉ ôm ấp vỗ về cái tôi của tôi. Nhân loại này không thể sống ích kỷ và hẹp hòi như tôi. Họ cần một cái gì đó cộng đồng và xã hội hơn, phải là một tinh thần tương thân tương ái, kêu gọi siết chặt vòng tay. Đôi khi tôi cảm nhận tôi yêu nhân loại này đến mức tôi mơ ước vứt bỏ tất cả những gì tôi có. Tôi không muốn trở thành một Napoleon, Hitler hay một nhà chính trị cách mạng. Tôi không muốn một cuộc cách mạng máu nào sẽ đổ thành sông, chảy cuộn trào vào đời sống nhân loại. Tôi muốn làm một cuộc cách mạng tâm hồn. Đó mới là cội rễ căn nguyên của tất cả cuộc chiến. Tôi đã chọn ngôn từ làm vũ khí, không một điều gì tôi viết ra mà không phải là sự chân thật trong tôi. Khi tôi bắt đầu mơn trớn các con chữ, tôi thấy trong mình tuôn trào một nguồn sức mạnh vô biên. Tôi biết họ xem những điều tôi viết chẳng ra gì. Đôi khi họ còn chửi bới thậm tệ. Nhưng tôi đã thề nguyện cống hiến cuộc đời mình cho sự viết. Tôi không viết vì tiền, vì sự nổi tiếng, tôi chỉ luôn viết ra những điều chân thành nhất trong trái tim dù tôi biết nó méo mó. Đó không phải là thứ tốt nhất nhưng chắc chắn đó là thứ chân thành nhất tôi có. Tôi đã sống những ngày tháng đau khổ dằn vặt vì thứ mình viết ra không ai thấu hiểu. Tôi yêu thương nhân loại, đời sống này, những đau khổ mà con người đang phải mang vác, tôi sẵn lòng quỳ gối ôm hôn vào những vết thương trong trái tim họ. Tôi không biết tôi có đủ kiên nhẫn hay tôi sẽ sớm phải gục gã trước những tổn thương. Tôi không mong họ đọc xong rồi trầm trồ khen ngợi, mà ngược lại họ còn quay lưng chửi bới thậm tệ, không quý trọng và không biết đến tâm huyết tôi gửi gắm, quát mắng rồi đòi hỏi những điều thô lỗ.
Tôi ngồi xuống và bắt tay viết thư hồi âm. Nhưng viết xong, tôi lại bấm nút xóa đi vì thấy lời lẽ có vẻ gượng ép miễn cưỡng. Tôi không thể đáp trả lại tấm lòng chân thành ấy bằng câu từ hời hợt thế này. Tôi viết một bức thư khác, lại cảm thấy nó thiếu cảm xúc quá, nên cũng lại xóa nốt. Tôi không biết chàng trai trong bức thư là ai. Hình dáng mặt mũi anh ta trông ra sao. Điều duy nhất tôi hiểu về anh ta duy nhất đó là sự chân thành trong tất cả những lá thư anh ta đã viết cho tôi, luôn dài lê thê và cảm xúc chân thành. Đó là một sự hiếm có mà không phải ai cũng có thể may mắn có được. Tôi nghĩ về anh ta trong tất cả nỗi cô đơn mà chúng tôi đang có. Tại sao anh ta lại viết thư cho tôi mà không phải là một ai khác hiện diện trong cuộc sống của anh ta. Có phải anh ta quá cô đơn trên con đường tìm đến tiếng nói chung trong những người thân thiết và khi anh ta nhận ra có sự đồng cảm nào đó ở câu văn tôi thì anh ta muốn được chia sẻ. Cảm giác được bày tỏ nỗi lòng trước người có thể lắng nghe mình thật sung sướng. Tôi biết chứ, biết cảm giác lời lẽ mình nói ra không thể lọt lỗ tai người nghe. Đó là căn nguyên của mọi nỗi cô đơn trên thế gian.
Cũng sắp bước qua tuổi hai mươi sáu, ở độ tuổi mà tất cả bạn bè của tôi đều hầu hết đã lập gia đình. Cả đến những đứa nhát gan rụt rè nhất hồi còn cắp sách đến trường cũng đã sửa soạn lên xe hoa về nhà chồng, vậy mà một đứa như tôi thì vẫn còn chưa có lấy một đối tượng nào ưa nhìn. Về mặt kết hôn lập gia đình, nói chung có ba lý do. Thứ nhất tôi sợ mất tự do, đó là tâm trạng chung của tất cả những kẻ bơ vơ đã quen với đời sống độc thân. Thứ hai là tôi nghĩ mình không đủ khả năng làm vợ và nuôi dạy con cái. Thứ ba đồng nghĩa với việc sự nghiệp văn chương của tôi có thể sẽ chấm dứt.
Không thể chết cũng chẳng thể trả lời thư. Tôi bực bội đóng nắp máy tính rồi lao nhanh ra đường với bộ vẻ yêu đời. Tôi bước đi trên con đường đất đỏ nhỏ hẹp, rộng chừng một mét. Làn không khí ẩm đục và lạnh lẽo của Đà Lạt chợt khiến tôi nhớ đến cơn mưa phùn ướt át của Huế ngày xưa. Hồi ấy tôi vẫn thường oán thán về những cơn mưa dai dẳng âm ỉ. Tôi từng muốn trốn Huế rồi bỏ nhà đi thật xa chỉ vì quá căm ghét cái không khí ảm đạm đìu hiu. Vậy mà giờ đây tôi lại yêu thương Đà Lạt. Một xứ sở mù sương buồn bã. Tôi yêu cái cô đơn hiu hắt trống vắng ở đây. Yêu những ngày tháng lang thang suốt nửa đêm dưới ánh đèn vàng trong mưa. Ngày ấy tôi sợ hãi cô đơn, nhưng giờ đây chén rượu kia đã cạn và không còn ai rót cho tôi nữa.
Bỗng dưng tôi muốn cười khinh bỉ vào cái ý chí muốn chết lúc nãy vì tôi nhận ra tôi còn quá yêu Đà Lạt. Đôi khi tôi muốn đốt hết tất cả thế giới này, nhưng tôi sẽ để dành lại Đà Lạt và Huế. Tôi không biết còn có nơi nào chứa chấp tôi mà không phải Đà Lạt. Huế thì là báu vật mà tôi không thể nào đánh mất. Ở Huế, đó là thời kỳ thơ mộng.
Tác giả: Ni Chi
Minh họa: NHP
Edit: THĐP
📌 Nội dung tiểu thuyết được đăng tải trong tạp chí Aloha Volume 3. Mua membership để đọc tạp chí Aloha (48k/1 volume, 999k/1 năm, 24 volume) ➡️ http://bit.ly/THDPmembership
📌 Mời Triết Học Đường Phố và các tác giả một ly cafe ➡️http://bit.ly/donateTHDP
- Chuyển tiền qua ngân hàng Việt Nam
Người nhận: Vũ Thanh Hòa
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội
Số TK: 0451000409314 - Chuyển tiền qua Paypal
Người nhận: Huy Nguyen
Địa chỉ: https://paypal.me/huythdp
📌 Tham gia viết bài cùng Triết Học Đường Phố, bài viết nổi bật sẽ có nhuận bút/tip. ➡️ http://bit.ly/2KTJCN2
Vừa lướt tới và đọc bài viết này, mình lại nhớ đến Henry David Thoreau 😃. Chẳng biết có phải do ngôn từ của mình còn nghèo nàn hay do mình còn đọc quá ít mà thấy ngôn từ tác giả sử dụng quả thực có chất rất riêng. Có lẽ, chất rất riêng ấy đến từ sự cô đơn mà tác giả hằng mong muốn.