>> [THĐP Translation] (Phần 1) 5/10 điều bullshit nhiều người theo đuổi “tâm linh” dễ mắc phải
6. Cường điệu hóa “sự tích cực” để né tránh những vấn đề trong cuộc sống của họ và thế giới
Phong trào “tích cực” đã bùng nổ tại các nước phương Tây những năm gần đây. Mạng Internet tràn ngập những bài viết, memes, lặp đi lặp lại thông điệp sáo rỗng: “Suy nghĩ tích cực!” “Just be positive!” “Đừng tập trung vào mấy chuyện tiêu cực!”
Tư duy này quên mất một điều quan trọng: Những góc tối của thế giới sẽ không tự nhiên biến mất chỉ vì chúng bị ngó lơ. Thực tế là nhiều vấn đề từ vi mô đến vĩ mô sẽ càng tệ hơn, phức tạp hơn khi chúng bị trì hoãn.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên gánh vác trách nhiệm cứu thế giới trên vai mình và luôn cảm thấy bất lực, nặng nề, chán nản. Thật ra thì theo nhiều chỉ số quan trọng, thế giới đang khá hơn mỗi ngày, nhận ra điều này để có cảm giác lạc quan là một thái độ lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân bằng giữa sự lạc quan đó và thái độ sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thật sự trong cuộc sống của mình, của cộng đồng, và thế giới.
7. Kiềm nén những cảm xúc không phù hợp với những đạo lý “tâm linh” của họ
“Không đời nào, tôi không thể nào bị trầm cảm hay cô đơn hay sợ hãi hay lo lắng. Tôi rất yêu cuộc sống, và tôi quá [thông tuệ/anh minh/giác ngộ] để cho phép những thứ này xảy ra.”
Tôi vấp phải vấn đề này khi tôi di chuyển đến Hàn Quốc để làm một giáo viên Anh ngữ trong một năm. Tôi đã nghĩ rằng mình đã đạt đến được đẳng cấp chill bất khả lung lay theo phong cách vô vi của Lão Tử, cứ “thuận theo tự nhiên”, như một cái phao bập bềnh giữa những con sóng của định mệnh.
Rồi tôi gặp phải những cú sốc văn hóa, nỗi cô đơn khủng khiếp, và cảm giác nhớ nhà sâu sắc, và tôi đã phải thú nhận với chính mình rằng tôi chẳng phải là một bậc thầy về Zen (Thiền tông) hay gì cả. Nói đúng hơn là tôi biết khả năng “thuận theo tự nhiên” và chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình là một đạo lý luôn có giá trị, nhưng đôi khi điều đó sẽ có nghĩa là chấp nhận thành thật với cảm xúc của mình. Chỉ khi tôi biết thành thật với bản thân tôi mới có thể nhìn rõ được sự thật trong những trải nghiệm, hoàn cảnh và có trách nhiệm giải quyết chúng.
8. Cảm thấy căm ghét bản thân khi những góc tối trong người bộc lộ
Tôi nhận ra được việc này trong chính mình không lâu sau khi biết về khái niệm né tránh tâm linh. Việc tự cho mình là người trí tuệ đã giác ngộ được những chân lý “cao hơn” đã gây ra một sự méo mó khủng khiếp trong nhận thức của tôi. Tôi trách móc phê phán bản thân, cảm thấy tủi nhục hổ thẹn mỗi khi có một hành động thiếu đức hạnh.
Khi bạn bắt đầu có xu hướng tâm linh, rất dễ thần tượng những người như Đức Phật hoặc Đạt Lai Lạt Ma, và nghĩ rằng những người này hoàn hảo, luôn hành động trong ý thức tuyệt đối và từ bi. Thực tế thì việc này hầu như không phải. Thậm chí rằng nếu như thật sự có những người đã đạt đến một trình độ siêu việt, luôn hành động đúng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần nhìn nhận rằng con số đó cực hiếm.
Thực tế mà nói, chúng ta là những con người dễ sa ngã, và chúng ta sẽ phạm nhiều sai lầm. Nhiệm vụ gần như là bất khả khi để sống một vài tuần mà không vi phạm một sai lầm nào, có thể chỉ là những sai phạm nhỏ nhặt. Nhìn rộng ra nhiều năm, sẽ có những sai lầm lớn. Nó xảy ra với mọi người, không sao. Tha thứ bản thân. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là rút kinh nghiệm từ những sai lầm và không bao giờ ngưng cố gắng.
9. Rơi vào những tình huống xấu vì tin người quá mức và không có trực giác nhìn người
Đây là tôi, 100%. Trong một thời gian dài, tôi luôn giữ quan niệm rằng mỗi người đều xứng đáng được đối xử bằng tình thân ái và tử tế. Cho đến giờ tôi vẫn không phản đối ý tưởng đó, nhưng tôi đã nhận ra rằng có nhiều trường hợp tôi tạm thời cần phải cân nhắc đến những yếu tố khác chứ không phải chỉ biết mặc định dùng lòng từ bi đối xử với mọi người.
Khi sống ở những nước khác, tôi đã rơi vào nhiều tình huống nguy hiểm đến tính mạng bởi vì tôi đã quá cả tin những người tôi không biết, hoặc đối xử tốt với những kẻ khả nghi. May thay tôi vẫn chưa phải vào nhà thương lần nào, nhưng tôi đã bị cướp và lừa gạt vài lần. Lúc đó tôi đã tin rằng bản chất họ là những người “tốt” và cũng sẽ đối xử tốt với tôi nếu tôi đối xử tốt với họ. Tư duy này cực kì ngây thơ, và tôi đã hiểu được rằng trong một số hoàn cảnh thân thiện không phải là câu trả lời.
Một sự thật đáng buồn là đại đa số mọi người trên thế giới này vẫn còn phải vật lộn mưu sinh kiếm sống. Rất nhiều người đã lớn lên từ nghèo khổ, môi trường đầy tội phạm, và họ chỉ học được rằng cách duy nhất để sống sót là săn những con mồi yếu hơn. Tôi cho rằng ít nhất 51% dân số trái đất không có tư duy kiểu này, nhưng nếu bạn đi đến một thành phố hay đất nước còn kém phát triển, nghèo khổ còn tràn lan, bạn nên biết được những phương án phòng thủ cơ bản như:
- Không đi một mình khi trời đã tối.
- Hạn chế đến những nơi vắng vẻ.
- Đừng dừng lại và tiếp xúc với những người muốn bán cái gì đó.
- Quan sát hành vi của những người mình tiếp xúc xem họ có như đang bị drug ảnh hưởng không, có tỉnh táo, nhây lì, nguy hiểm không…
10. Hoàn toàn bác bỏ khoa học
Nhiều người trong cộng đồng tâm linh có khuynh hướng phản bác khoa học, anti-science; tôi nghĩ đây là một chuyện đáng xấu hổ. Họ bác bỏ khoa học vì những niềm tin và phương pháp tu tập được người khác cho phản khoa học, unproven. Unproven hay pseudoscience chỉ có nghĩa là nó chưa được xác thực thông qua các thí nghiệm có thể lặp lại trong phòng lab. Không có nghĩa rằng nó không đúng hay không có giá trị.
Phương pháp khoa học (Scientific method) là một trong những công cụ tốt nhất chúng ta có để hiểu về cách vận hành máy móc của vũ trụ khả quan; nó cho phép chúng ta khám phá ra được những bí ẩn trong sinh học, quan sát được nhiều thứ cách xa trái đất tỉ năm ánh sáng, kéo dài mạng sống của loài người, và vô vàn lợi ích khác… Hoàn toàn bác bỏ khoa học là chúng ta đã mất đi một trong những lăng kính quyền năng nhất cho việc thấu hiểu thực tại.
Như Carl Sagan1 đã nói rất hay (tạm dịch):
“Khoa học không những tương thích với tâm linh, nó còn là một nguồn mạch sâu thẳm của tâm linh. Khi chúng ta nhận ra vị trí của mình trong sự vĩ đại được tính bằng năm ánh sáng và trong sự chuyển dời của thời đại, khi chúng ta nắm bắt sự tinh vi, cái đẹp và tinh tế của sự sống/cuộc đời, thì cảm giác vút tận trời cao, cảm giác phấn khởi kết hợp với sự khiêm hạ, nó chắc chắn mang yếu tố tâm linh. Cũng như cảm giác của chúng ta trước nghệ thuật đỉnh cao hay âm nhạc hay văn chương, hay những hành động can đảm vô ngã vì tha nhân của những người như Mohandas Gandhi hay Martin Luther King Jr. Ý niệm cho rằng khoa học và tâm linh loại trừ, xung khắc với nhau chỉ gây tổn hại cho cả hai.”
1 Carl Edward Sagan (9 tháng 11 năm 1934 – 20 tháng 12 năm 1996) là nhà thiên văn học, vật lý thiên văn, vũ trụ học, sinh học vũ trụ, tác giả sách, nhà phổ biến khoa học và là nhà phát ngôn khoa học người Mỹ. Đóng góp quan trọng nhất của ông là cho việc khám phá nhiệt độ bề mặt rất cao trên Kim Tinh. Tuy nhiên ông lại được biết đến nhiều nhất trong những nghiên cứu khoa học về sự sống ngoài Trái Đất, bao gồm cả việc chứng thực thí nghiệm tạo amino acid từ các chất hóa học cơ bản nhờ phóng xạ. Sagan đã thu thập những tin nhắn đầu tiên để gửi vào không gian: tấm thông điệp Pioneer và đĩa ghi âm vàng Voyage, các lời nhắn được gắn trên các con tàu vũ trụ để phòng trường hợp người ngoài Trái Đất có thể tìm thấy và xem chúng. (Wiki)
Tác giả: Jordan Bates
Phóng dịch: In Ra
Edit: Triết Học Đường Phố
Bài này hay lắm luôn ạ, em rất cảm ơn THDP :3
Mình cảm ơn bạn dịch nhiều ha