Featured Image: Cris Romagosa
Ngày nào thiếu vắng đi tiếng cười, hay chỉ là một nụ cười chợt hé trên môi, đó chắc chắn là một ngày u ám trong tâm hồn.
Ai đã lấy đi nụ cười của ta? Ai đã mang bầu trời xám ngoét đến bên ta? Đừng nói là tại thời tiết hôm nay xấu, vì ông A, bà B nói lời khó nghe, bởi cái chuyện không đâu tự dưng quàng vào làm ta bực mình… Không. Không ai có thể bắt ta phải vui hay buồn mà chính ta tự nguyện ôm lấy những cảm xúc bực bội, phiền não, chán ngán vào người. Cũng chính ta tự đánh mất đi nụ cười của mình khi ta chỉ tập trung vào những cảm xúc đen tối đang vần vũ trong đầu khiến nụ cười sợ hãi trốn biệt tăm, mất dạng.
Chính ta để cho những cảm xúc tiêu cực cuốn ta vào càng lúc càng sâu hơn cái vòng rối ren, càng nghĩ càng rối, càng rối càng muốn đổ lỗi cho người, cho đời, càng nghĩ tới lỗi của người khác càng muốn hờn trách, lỗi lầm cứ thế chất chồng lên lỗi lầm…
Vậy ta phải làm sao? Ai chẳng có lúc buồn? Ai chẳng có lúc gặp xui xẻo?
Đúng vậy. Nếu ta nghĩ đời vốn không công bằng với ta thì ta sẽ luôn thấy thiệt thòi, luôn bất ý với chính mình. Nếu ta nghĩ đời vốn công bằng, thì hôm nay nếu ta cảm thấy chưa được may mắn lắm, ta cũng sẽ tin ngày mai may mắn sẽ tìm đến với ta.
Cuộc đời vốn vẫn thế thôi. Có những điều không công bằng, có những điều rất công bằng. Nếu đời chỉ toàn là công bằng – chắc chỉ có trong Thượng Giới, hoặc trong sách vở – thì có đâu chiến tranh, giết chóc, tai họa… xảy ra mỗi ngày như cuộc đời ta đang sống. Vì đời thực là như thế, nên con người luôn phải hướng đến những luật lệ, những quy tắc để cho đời công bằng nhất có thể, mà thực ra cũng chỉ là tương đối thôi.
Bởi vậy, nếu ta biết mọi việc trên đời xảy ra đều có nguyên do của nó, mọi việc xảy ra với riêng ta lại càng là những thứ liên quan trực tiếp tới ta, do những thói quen hành xử, do tính cách và số phận của ta định đoạt, thì ta sẽ đối diện với mọi vui buồn thật nhẹ nhàng. Nó xảy ra bởi vì… nó là điều phải xảy đến với ta.
Với mỗi sự kiện tác động mạnh tới tâm trí và cảm xúc, ta nên là người tự quyết định, nắm thế chủ động nên vui hay nên buồn, nên tiếp tục suy nghĩ tìm giải pháp hay cho qua. Thay vì để cho những sự việc bên ngoài, những người khác tác động, điều khiển cảm xúc của ta, còn ta lại là người chỉ biết phản ứng, lại càng bị cảm xúc u mê, tối tăm dẫn dắt đi rất xa, rất mệt mỏi.
Vui cũng vui vừa đủ, buồn cũng buồn vừa độ. Là người, sao cứ phải gồng mình lên thế, khổ lắm? Không. Vui thì cứ vui, buồn vẫn cứ buồn chứ. Vui thì dễ rồi. Cứ vui tự nhiên thôi. Nhưng buồn thì khác một chút.
Những khi buồn là những khi ta nên lắng lòng, chiêm nghiệm lại những gì đã và đang xảy đến với ta. Nhìn thật sâu vào bản thân, ta sẽ nhận ra ta đã sai lầm ở một điều gì đó. Nếu thực sự ta không có lỗi, nỗi buồn tự thân nó không có chỗ để tồn tại trong ta mà sẽ tan biến đi rất nhanh.
Khi đã nghĩ đủ chín, ta sẽ nhìn ra rất rõ vấn đề của mình. Nỗi buồn vì thế cũng sẽ tự vơi dần và trôi qua lúc nào chẳng biết.
Trong những lúc cảm xúc nóng giận bùng phát, ta thường để cho bản năng làm chủ tình thế. Những lúc đó, hãy cố gắng đẩy lý trí ra mặt trận làm vị tướng điều khiển trận mạc, đưa cảm xúc vào vị trí nghỉ ngơi. Hít thật sâu, bỏ đi chỗ khác, hay chỉ là cố gắng giữ im lặng, không nói gì, không làm gì cả.
Khi đã lấy lại bình tĩnh, lúc đó suy nghĩ logic đã trở lại, ta sẽ nhìn ra vấn đề thực ra rất đơn giản mà trong khi khởi bùng cảm xúc ta đã bị che mắt, không thấy gì ngoài những đám khói lửa nóng bỏng đang ngùn ngụt dâng trào.
Những lúc buồn, cứ thả tâm trí cho cảm xúc chạm tới tận cùng nỗi buồn, nghe cô đơn dâng trào trong tim để từ từ gặm nhấm và cảm nhận. Thế giới đông người ồn ào bên ta dường như im vắng quạnh hiu, không thể kéo ta thoát ra khỏi nỗi buồn đau thấu tâm can. Đó chính là lúc tâm hồn ta, bản thể của ta tìm thấy chính nó. Nó lên tiếng bởi vì lúc này là lúc tâm hồn bị tổn thương ghê gớm và đây chính là lúc nó cần được yêu thương, cần che chở, cần nâng niu vỗ về biết bao.
Trong sâu thẳm, con người chúng ta thực ra vô cùng yếu đuối, sợ cô đơn, sợ thế giới quay lưng lại. Bởi vậy, chúng ta sợ bị tổn thương là như thế. Ta sợ vậy đó, nhưng làm tổn thương người khác thì dường như chúng ta lại vô tình đến không ngờ.
Nghe những bản nhạc ta thích nghe, xem bộ phim ta thấy vui, đi ra ngoài trời, về với thiên nhiên, không nghĩ gì cả… Đó là những cách rất dễ làm cho ta nguôi ngoai cảm giác lạc lõng, cô đơn và mau chóng đón cảm xúc tích cực quay trở về. Dĩ nhiên còn vô vàn cách khác, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi người mà chọn cho phù hợp, nhưng những cách trên vô hại nhất, ít hao tốn và cũng đỡ mắc thêm sai lầm. Ví dụ như buồn tí ti nhưng lại tiêu xài mất nhiều tí ti, hay ăn uống quá đà lại mất công ép xác sau đó…
Hãy yêu tâm hồn mình, đừng phó thác nó cho người khác quyết định quyền cho nó được vui hay buồn. Cứ cố nặn ra những nụ cười, kể cả trong lúc buồn chán nhất, dù chỉ là hơi hướng của nụ cười, thì ta cũng nhẹ lòng hơn. Hoặc nghĩ tới những người còn đang bất hạnh hơn ta nhiều, những người còn vất vả mưu sinh, hay số phận không may chẳng bao giờ được nhìn thấy cầu vồng bảy sắc…
Không hiểu sao tôi lại yêu nỗi buồn, vì nỗi buồn đối với tôi thật xa xỉ và cũng thật hiếm hoi. Bởi vì khi gặp vấn đề, tôi thường tập trung tìm ra giải pháp xử lý vụ việc, hơn là thả cho nó rơi tự do. Chuyện gì nhỏ, không đáng thì cho qua. Chuyện thấy cần phải giải quyết thì chờ tới lúc bình tâm rồi tiếp cận ‘mục tiêu’. Khi mình thiện chí xây dựng, chắc chắn ‘mục tiêu’ cũng thiện chí theo.
Một ngày chỉ có 24h, tôi không thể phung phí nó cho những nỗi buồn không tên, vô cớ. Cuộc đời này còn biết bao điều thú vị chưa trải nghiệm qua, còn bao việc ý nghĩa muốn làm, cần làm… còn chưa đủ thời gian.
Tôi cũng thường cho phép mình đi tới tận cùng nỗi buồn, nếu một lúc nào đó cảm thấy chơi vơi, cảm thấy chống chếnh…trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nhanh chóng thôi. Đó chính là lúc những cảm xúc thực nhất dâng trào, là lúc tôi cảm nhận thật sâu sắc tôi đang trôi qua cuộc đời này với những vui buồn cuộc đời mang lại. Có lẽ tôi cũng hơi bị ‘dở hơi’, khi lại thích đắm chìm trong những cảm xúc mênh mang đó, đủ để ngộ ra những điều hay lẽ phải trên đời, đủ để ngấm những bài học đã nếm trải, đủ để mở lòng ra với người, với đời, bớt sân si.
Dở hơi vậy, nhưng nó còn có nghĩa là ở cái góc trái ấy có một thứ thực sự không phải là gỗ, đá chỉ trơ lỳ, vô cảm J.
Buồn xong thì tự thưởng cho mình một nụ cười. Đời rất ư nhẹ nhàng. Biết là có người thiếu vắng đi nụ cười của mình cũng trở nên chông chênh thì nụ cười ở đâu bỗng dưng quay trở lại .
Ngày mai nắng lên. Bầu trời u ám đã tan…
Đừng quên cười mỗi ngày, bạn nhé.
Julia Le