30 C
Nha Trang
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

[BTD2018] Khủng hoảng tuổi 40

 

“…Tam thập nhi lập

Tứ thập nhi bất hoặc…”

Câu nói này của Khổng Tử, có thể hiểu: Bước sang 30 tuổi, con người có thể tự lập mọi sự, còn sang 40 tuổi, người ta có thể hiểu biết lý hữu của vạn sự. Nhưng từ khi nhà tâm lý học Carl Jung xác định con người phải trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, thì con người mới ngộ ra rằng còn nhiều điều mà với sự giới hạn của nhận thức con người chưa thể thấu đạt.

Nay tôi vừa bước sang tuổi 40, một tiến trình dài đã giúp tôi hình thành một nhân cách được coi là tạm ổn. Mặc dù, đã trải qua một giai đoạn đen tối trong hành trình tâm linh nhưng không có nghĩa là tôi đã hoàn thành. Cuộc sống vẫn tiến về phía trước, nhưng đôi khi cần những “cú thắng” trong đời để bản thân ngộ ra một chân lý nào đó mà trước kia tôi đã tìm được trong sách nhưng không hiểu. Nếu chiến thắng trên mọi mặt trận dễ ru ngủ con người thì những thất bại đôi khi lại mang đến cho chúng ta một tầm nhìn mới về thực tại đời sống; khi ấy, tôi ngộ ra: Cuộc sống thật tươi đẹp và ý nghĩa. Đó là nguyện vọng của tôi khi trình bày cho các bạn cuộc chiến của chính mình. Hy vọng mỗi người cũng tìm ra một chút ánh sáng nếu đang sống ngưỡng tuổi trung niên, còn nếu bạn trẻ hơn, hãy biết rằng đến lượt bạn cần trải nghiệm sự thật này để cảm nhận cuộc đời đáng sống và dấn thân cho những điều tốt đẹp nhất.

Có thời gian vì quá mê đọc sách triết học mà tôi đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của các triết gia được coi là vô thần. Chẳng hạn, ông P. Sartre đã dõng dạc tuyên bố: “Tha nhân là hỏa ngục.” Tôi cảm thấy chúng thật đúng trong tâm trạng của một kẻ bị thất bại trong tình bạn như tôi. Chính tư tưởng này dẫn tôi vào cuộc khủng hoảng nội tâm.

Cũng như bao người khác, tôi rất tự tin với những tài năng của mình khi có cơ hội khẳng định bản thân trước đám đông, từ đó, luôn đề cao thần thái và đẳng cấp trong mọi lãnh vực từ lối ăn mặc đến cách giao tiếp, từ việc sử dụng các phương tiện đến việc tạo phong cách chững chạc bên ngoài. Vô hình trung, những thứ đó làm rào cản cho cuộc tìm kiếm bản thân; những màn “diễn sâu và diễn lâu” khiến tôi đánh mất chính mình trong con mắt người đời. Và rồi, mọi sự đã thay đổi từ khi tôi đánh mất đi một tình bạn được coi là tri kỷ. Từ đó, tôi đã trở nên trầm tĩnh hơn và không thích mở rộng nhiều mối quan hệ nữa; tôi rơi vào tình trạng trầm cảm nhẹ.

Dường như tha nhân là hỏa ngục trong mắt của tôi. Từng ánh mắt của người ấy như xé tan nỗi bần cùng và yếu thế trong tôi. Từng bước đi của người ấy như muốn giẫm nát sự kiêu ngạo và ngông cuồng trong tôi. Mọi lời nói của họ như tố cáo cái mặt nạ nơi tôi. Mọi hành động của họ như muốn lật đổ tất cả thành công trong đời tôi. Tắt một lời, chúng tạo nên một thứ lửa đốt cháy mọi thiện chí và ý chí tiến thủ trong tôi. Đến khi tôi gặp được một câu nói:

“Mọi sự thế nào tùy vào đôi mắt của người nhìn.”

Với khuynh hướng thường hay đổ lỗi cho người khác, tôi không thể chấp nhận câu nói này, nhưng nó cứ ám ảnh tôi như thể có một ma lực nào đó, khiến ý thức tôi không thể rời xa nó; “khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” là vậy! Tình trạng này tồn tại một thời gian mãi đến khi tôi được nghe một người bạn nói xấu về người thứ ba; trong khi mọi sự việc ấy chính tôi đã mục kích, và biết rằng bạn này đã sai lầm khi đánh giá người kia. Vì thế, tôi đã cố hết sức bảo vệ cho người kia. Cuối cùng, tôi lại bị người bạn này hiểu lầm.

Trong khoảnh khắc tĩnh lặng, tôi đã nhận ra hình ảnh bản thân trong người bạn kết án kẻ khác. Rằng chính tôi đã sai lầm khi vội lên án người khác chỉ vị một sự nghi kỵ nào đó. Đây là bài toán mà tôi đã giải đáp được khi ý thức rằng mình đã phóng chiếu sự tối tăm của mình lên người kia; tha nhân không phải là hỏa ngục mà tôi là hỏa ngục cho chính mình.

Sau đó, tôi đã viết một bài tự sự trên dòng thời gian của mình để gởi đến mọi người để vơi đi nỗi buồn và tránh tình trạng trầm cảm nặng hơn. Không ngờ, facebook lại là người trung gian trung thực nhất nối kết một tình thân tưởng chừng như vô vọng. Dẫu rằng, tình bạn đã được nối kết, nhưng không vì thế, tôi đã có thể tìm lại được chính mình. Đây là cuộc chiến khởi đi từ nhận thức sai lầm của tôi. Có thể nói, biến cố này chỉ là phần hiện tượng hời hợt bên ngoài hay là phần tảng băng mắt thường có thể quan sát. Đúng hơn, chúng là cơ hội giúp tôi đi vào tận bên trong.

Tôi đã sai lầm trầm trọng khi đồng hóa những chức năng và vai trò của mình trong gia đình và xã hội làm căn tính của mình. Một khi tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt không khoan nhượng, tôi đã tự làm cho mình bị tổn thương. Rồi tôi đi vào đêm tối như một con vật bị thương, cố liếm láp vết thương mong sớm được chữa lành. Từ đây, tôi bắt đầu sắm cho mình một cặp mắt kính đen để nhìn đời và nhìn người. Tôi chủ động cự tuyệt mọi tương giao và quay quắt trong nỗi cô độc và trống rỗng của mình. Thoạt nhìn, mọi người có thể tưởng rằng tôi đã ngộ ra sự phù du của kiếp sống làm người để rồi buông bỏ và thanh thoát mọi sự. Nhưng có biết đâu: tôi phải đối diện với một sự “hư vô hóa” chính mình. Những gì xưa kia là thần thái, là đẳng cấp thì nay chỉ là những thứ mặt nạ đang dần được lột ra và hiện nguyên hình. Những gì xưa kia là thành công, là tỏa sáng thì nay chỉ là cách tôi xa rời lý tưởng và ý nghĩa cuộc đời. Tất cả là hư vô và trống rỗng. Để có thể nhận ra thực trạng của bản thân như thế, tôi đã mất nhiều thời gian để phản tỉnh và hồi tâm.

Trước kia, tôi đã từng thực hành thiền để tập kiểm soát hơi thở, nhưng nó chỉ như thói quen tốt mà bản thân hành động không đủ ý thức. Bây giờ, tôi lại tiếp tục thực tập buông xả và kiểm soát hơi thở nhưng với một động lực sâu xa là tìm ra căn tính của mình: Tôi là ai? Thật vậy, tôi hít vào cả một bầu trời mới cho đi vào từng đường gân thớ thịt, thấm vào tận xương tủy máu hồng, và thở ra những gì là cặn bã và tối tăm để tẩy sạch vùng ký ức đau buồn, đồng thời, để tâm trí được thoáng đãng phiêu diêu vào vùng đất mới.

Dần dà, tôi nhận ra có hai thực tại cùng đang sống trong tôi: Một cái tôi đang quan sát và một cái tôi đang hít thở. Có một cái tôi đang quan sát mọi hành động của tôi. Có một cái tôi đang đánh giá và lượng giá mọi tư tưởng phát sinh trong đầu của tôi. Và theo Michael R.Kent tác giả của cuốn Falling in Love with Yourself: The Principles and Practices of Self-love, thì cái tôi đang quan sát, đánh giá hay lượng giá…mới thực sự là căn tính của tôi. Từ đây, tôi bắt đầu tập cười với chính mình. Một khi đã nhuần nhuyễn trong việc thực tập và kiểm soát hơi thở, tôi bất đầu chủ động và làm chủ phần nào mọi tư tưởng, cảm xúc, lời nói và hành động bản thân. Mặc dù vẫn còn sai lầm (lẽ thường của phận người) nhưng tôi dễ dàng quay về để thực hiện: Điều hòa thân tâm.

Tất nhiên, những vẻ thần thái hay đẳng cấp hoặc thành công không vì thế mà bị lãng quên, song, chúng có một vị trí giới hạn trong ý thức của tôi. Từ đây, bậc thang giá trị đã thay đổi: Mọi ưu tiên cho đời sống nội tâm và khẳng định căn tính của mình, còn tất cả chỉ là tùy phụ (nay còn mai mất), chỉ có một cái tồn tại vĩnh cửu và lớn hơn bản thân tôi: Cái tôi là. Một khi tôi đã ngộ ra chân lý này tôi an nhiên tự tại và sáng tạo cuộc đời mình.

Các bạn thân mến, tôi đã dắt bạn đi từ cái bên ngoài đi vào bên trong. Một cú thất bại bên ngoài của tình bạn đã là cơ hội giúp tôi đi vào bên trong sâu thẳm lòng mình. Từ đây, tôi đã nhận ra thực trạng đánh mất chính mình để bắt đầu một cuộc thay đổi triệt để và hoàn toàn. Thay vì phủ nhận quá khứ đau thương, tôi tập chấp nhận mọi sự như chúng là. Thay vì gặm nhấm những vết thương, tôi đã tập cười với chính mình. Chính thái độ sống tích cực này là cách tôi thực tập yêu thương bản thân. Chẳng ai chấp nhận tôi nếu chính tôi không chấp nhận và vui nhận hình ảnh chính mình. Chẳng ai yêu thương tôi nếu chính tôi không biết cách chăm sóc bản thân một cách lành mạnh và hiệu quả. Và sau cuộc hành trình khám phá bản thân, tôi đã rút ra được hai điều:

1. Mất tình bạn có thể cũng đáng kể, nhưng thất bại lớn nhất đời người là đánh mất chính mình.

2. Thành công đáng kể nhất trong đời người là chiến thắng bản thân.

Những gì tôi đã vượt qua là nhờ vào việc không ngừng đọc sách và trau dồi kiến thức tâm lý để khám phá bản thân và việc quan sát những cuộc chiến của người khác. Có những người bước vào cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, nhưng thay vì trở về với lòng mình, họ đi tìm bù trừ những thứ tình dục và tình yêu bất chính bên ngoài. Hay có những người khác, thay vì chấp nhận tình trạng bản thân để khắc phục và chữa lành, họ đi tìm một không gian mới, một cộng đoàn mới… Tắt một lời, họ muốn thay đổi thế giới mà không muốn thay đổi chính mình.

Để kết thúc xin gởi lại bạn những người đang trải qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên hoặc sẽ trải nghiệm một ngày nào đó, một câu chuyện để đời:

Tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Westminster nổi tiếng thế giới ở Luân Đôn, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Kỳ thực, đây chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, nó được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất bình thường. Xung quanh nó là những tấm bia mộ của vua Hery III đến George II và hơn hai mươi tấm bia mộ của những vị vua nước Anh trước đây, cho đến Newton, Darwin, Charles Dickens và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế nó trở nên bé nhỏ và không được để ý tới, trên đó không có đề ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.

Mặc dù là tấm bia mộ vô danh như vậy, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mọi người mỗi khi đến nhà thờ Westminster, họ có thể không tới bái yết những ngôi mộ của các vị vua đã từng có những chiến công hiển hách nhất thế giới, hay mộ của Dickens, Darwin và những của người nổi tiếng thế giới khác, nhưng không ai là không tới chiêm ngưỡng bia mộ bình thường này. Họ bị xúc động bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này. Trên tấm bia mộ này có khắc một đoạn văn tự:

Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”

Tác giả: An Mai Đỗ

*Featured Image: jplenio 

 

 

spot_img

BÀI LIÊN QUAN

6 BÌNH LUẬN

  1. Xin chào anh Đỗ Xuân Tú,

    Cảm ơn anh đã gửi bài dự thi về THĐP. Em xin có đôi lời nhận xét về bài viết như sau:

    1. Anh viết rất chân thật, nhưng không suồng sã. Bài viết có tính văn chương nhưng không màu mè, sáo rỗng. Anh nói vừa đủ. Đạt đến điểm vừa đủ này không phải chuyện đơn giản. Em cảm thấy một sự vững chãi, kiên định và cân bằng trong từng câu từng chữ anh sử dụng. Em thấy nhiều câu hay cụm câu anh viết có tính đối xứng. VD: Hình ảnh bên ngoài – thế giới bên trong, thương mình – thương người, đánh mất tình bạn – đánh mất mình, v.v… Em đánh giá cao điều này.
    2. Văn phong của anh đã cộng hưởng rất mạnh với những gì anh trải nghiệm. Điều này làm cho bài viết càng có sức thuyết phục. Trong cuộc thi, có những tác giả viết rằng mình đã đi qua đau khổ, nhưng giọng văn của họ vẫn đầy sự căng thẳng, cay đắng. Giọng văn của họ tự phản lại chính họ.

    3. Bài viết của anh có đầy đủ các nội dung cần thiết khi kể về mội trải nghiệm thất bại. Anh cũng có những ví dụ mình họa rất rõ ràng. Nhiều câu trong bài thi này có thể dùng làm trích dẫn được.

    Điểm thi sẽ được công bố sau. Chúc anh mạnh khỏe và tinh tấn.

    Thân mến,
    Vũ Thanh Hòa

    • Xin chào bạn Thanh Hòa.
      Cám ơn bạn vì những nhận xét như đọc được những dụng ý mình dùng trong bài viết này. Cũng như những nhận xét của bạn trong bài trước, mình cảm thấy an lòng vì ít ra có một người hiểu được những tầng sâu của ngôn từ và thông điệp ngầm mà tác giả muốn truyền tải. Hy vọng với sự nhạy bén và trực giác này sẽ giúp bạn thành công hơn nữa. Rất mong một ngày sẽ gặp bạn trực tiếp để có thể chia sẻ vốn sống và học hỏi những trải nghiệm của bạn.
      Thân ái.
      Đỗ Xuân Tú.

      • Xin chào anh Tú,

        Em cảm ơn anh vì đã dành cho em lời khen tặng. Em thấy rất vinh dự vì được đọc và chấm những bài dự thi của anh. Hy vọng rằng trong tương lai, THĐP sẽ tiếp tục may mắn nhận được sự quan tâm và ủng hộ của anh như trong cuộc thi này. Sự hiện diện của anh và những thông điệp anh truyền tải thật sự có sức mạnh. Em cũng mong có thể gặp anh trực tiếp vào ngày nào đó để cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm. Cảm ơn anh một lần nữa.

        Thân mến,
        Vũ Thanh Hòa

        • Mình cũng thương xuyên viết bài gởi các trang mạng Công Giáo với bút danh là EYMARD An Mai Đỗ O.Cist. Do bản thân là một tu sĩ cũng có một vài ưu tư về vấn đề xã hội nhưng cách tiếp cận vấn đề, có lẽ không thích hợp với trang mạng.
          Cái duyên mình đến với cuộc thi là do một đứa em chia sẻ trên facebook. Sau đó, tìm hiểu thêm mình thấy đây là sân chơi khá lành mạnh nên mình quyết định tham gia. Viết được một bài lại có hứng, viết thêm bài nữa.
          Nếu được, bạn có thể gởi số điện thoại qua email, có dịp mình sẽ gặp trực tiếp để trao đổi những vấn đề tri thức vì đó là đam mê của mình. [/spoiler]/strong>[spoiler title=” “]

  2. Chào anh Đỗ Xuân Tú, đã cho mọi người biết tuổi thì có lẽ tôi cũng nên thay đổi cách xưng hô cho phải đạo. Cảm ơn anh đã gửi thêm một bài dự thi cho cuộc thi này. Lúc đầu tôi không nghĩ là anh đã 40 tuổi, vì đa số thành viên và độc giả của THĐP chỉ khoảng từ 18-35. Anh có văn phong giản dị, bình dân, chân thật, không cầu kì màu mè bay bổng phức tạp. Nhiều người sẽ thích đọc những bài viết như vậy. Vũ Thanh Hòa thích bài viết của anh và bảo tôi anh viết chắc tay, tôi cũng thấy thế.

    Ưu điểm của bài viết này là nó bám sát nội dung đề bài muốn hỏi, không lạc đề, hay không lan man như một số bài dự thi khác. Thông điệp trong bài viết của anh tôi đọc thấy rất zen, mang nhiều ý niệm tôn giáo tâm linh, tất cả đều là những thông điệp quan trọng.

    Với trách nhiệm là một giám khảo, tôi sẽ cho bài viết này 85 điểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI