Mới hôm qua thôi tôi còn ngán đến tận cổ khi nghĩ về cô đơn. Tôi khá chắc chắn mình sẽ chẳng viết được một chữ nào về chủ đề xưa ngang ngửa vụ nổ Big Bang này.
Bởi vì tôi đã sống với nó, viết về nó đủ nhiều để thấy “cô đơn” không gì hơn là một trạng thái đỏng đảnh của một cô nàng có tính khí thất thường, vòi vĩnh cho bằng được thứ mình muốn nhưng bị ngăn cấm thế là giãy nảy lên khiêu chiến để giành lấy quyền quyết định. Và khi nắm trong tay quyền quyết định cô lại lên tiếng thở dài.
Chẳng có gì mới mẻ, thật sự, cô đơn ấy, nó chẳng có gì kích thích óc tò mò của tôi nữa. Viết về cô đơn như thể đang đếm cừu cho dễ ngủ ấy. Nhưng thế lực thần bí nào xui khiến tôi, một lần nữa, viết về cô đơn?
Bảy phần là rảnh. Hai phần là vì mỗi ngày mà không viết được vài trăm chữ thì cái khả năng văn vở của tôi sẽ rỉ sét. Một phần còn lại chính là vì khi đề cập đến cô đơn ở thời điểm hiện tại, tôi dần nhận ra người trẻ không còn nói về cô đơn như một nỗi sợ cần tránh nữa. Mọi người biết mà phải không, họ đang nói về cô đơn như một trào lưu thịnh hành.
Càng sợ cô đơn người ta càng thích cô đơn, muốn được đắm mình vào cô đơn?
Như tôi đã ví dụ, cô đơn như một cô nàng đỏng đảnh tính khí thất thường. Nhưng chính sự thất thường đó lại là nét cuốn hút trái tim những kẻ si tình thích chinh phục. Cô đơn cổ quyến rũ đến độ chẳng cần trái tim chú đơn nữa làm gì. Vì đã có cả một thế hệ sẵn sàng đồng hành cùng cô.
Thật sự, bất kỳ khi nào có cơ hội, tôi lại lôi ra được một mớ chất liệu cô đơn ẩn đằng sau câu thoại của bất kỳ ai giao tiếp với tôi. Dĩ nhiên rồi, không nhiều lắm. Bởi vì tôi tự thấy mình nhạt thếch, không còn đủ thú vị để ai đó bắt chuyện. Và bởi vì tôi cũng chẳng đủ năng lượng để đầu tư vào chuyện người ta đang nghĩ gì, nghĩ như thế nào, tại sao họ bận. Con kiến cũng bận đấy thôi, vấn đề là họ bận cái gì để phải cô đơn các kiểu… hiểu nôm na là từ lâu tôi đã thôi tò mò về con người theo cách đó.
Nhưng nó cứ quẩn quanh trước mắt tôi. Tôi đành phải chú ý. Dù hơi chán cách phần đông mọi người vận hành tính người nhưng tôi vẫn thích ngắm nhìn họ. Vì dù sao tôi cũng khác gì họ đâu. Chúng ta là một cả ấy mà.
Theo thói quen, cứ đủ duyên gặp gỡ và giao lưu văn hóa văn minh với một người, cứ như một tên trộm nghiệp dư, tôi lại nhoẻn chân, rón ra rón rén lén lút trộm lấy một vài khoảnh khắc ngẫu nhiên hiển thị qua đôi mắt họ. Bạn biết tôi phát hiện ra điều gì không? Vâng, ẩn đằng sau lớp áo tính cách lấp lánh ấy, ngoài phức cảm cô đơn ra thì chẳng có gì hết trọi.
Ra vẻ bí mật cho vui vậy thôi chứ bằng cách này hay cách khác các bạn cũng hét lên trên cõi mạng hết trơn rồi. Thói quen xã hội hiện đại ấy mà. Nếu cô đơn là trạng thái bắt đầu câu chuyện như cách để thu hút sự chú ý của đám đông thì kiểu gì người ta cũng sẽ ướp mình trong trạng thái đó để nói về nó.
Cho nên cô đơn, với người trẻ hiện giờ không phải vì không ai bên cạnh, cũng không phải vì không thể thổ lộ điều thầm kín mà là vì xét cho sâu thì cô đơn coi bộ cũng ngầu. Phải cô đơn thì người ta mới có cơ sở để hòa nhập với thế hệ cô đơn. Phải cô đơn để thấy rằng cô đơn là một hiện tượng duyên dáng.
Không biết nên vui hay buồn
Bởi vì cứ cái đà này, tôi e là trước sau gì người ta cũng sáng tạo ra cả một hệ thống ý thức “cô đơn học” như một nhánh tri thức trọng tâm của bộ môn phân tâm học. Và như mọi môn học na ná khác dạy ta phân tích chi li về sự sống – thứ khiến bản thân người sống thêm hoang mang với chính họ hơn. Triết học là một ví dụ. Cho đến nay, triết học là nhánh tri thức thúc đẩy con người đến nhận thức sâu rộng, nhưng không phải là môn học giúp con người thức tỉnh để có góc nhìn minh triết và toàn diện về chính mình. Triết học cần thêm đồng minh là thần học, khoa học và tâm linh….
Như vậy, để vượt lên cô đơn, chúng ta không chỉ nói về cô đơn, chúng ta phải hợp nhất chính mình trong trạng thái cô đơn cho đến khi chúng ta không còn phân biệt giữa cô đơn và người đang trải nghiệm cô đơn.
Nếu bạn thắc mắc tại sao, tôi có thể mượn góc nhìn của triết gia Alan Watts.
Trong cuốn Minh triết về nỗi bất an, ông có nhấn mạnh với đại ý rằng bạn không thể đảm nhiệm cùng lúc hai trải nghiệm song song đồng thời nhận biết về chúng. Nếu bạn đang quan sát một trải nghiệm ở hiện tại thì bạn sẽ không nhận biết được đối tượng đang quan sát trải nghiệm. Chẳng hạn khi bạn đang đọc tới dòng này thì bạn sẽ không nhận biết được chủ thể đang đọc nó – là bạn. Nếu bạn đang trải nghiệm cái suy nghĩ “tôi đang đọc dòng chữ này”, liệu bạn có thể nghĩ về việc bạn đang nghĩ chính suy nghĩ này?
À, có phải bây giờ bạn đang có một trải nghiệm tiếp theo “tôi nghĩ rằng tôi đang đọc dòng chữ này” không. Thế thì bạn đã dừng lại cái trải nghiệm của ý nghĩ trước rồi. Tôi đoán là bạn sẽ nảy ra ý tưởng rằng mình có thể xử lý cả ba trải nghiệm trên cùng một lúc. Nếu thật thế thì xin chúc mừng, bạn đã bị lừa… bởi chính bộ não của mình rồi.
Bạn đang ăn cơm nhưng ai đó hỏi bạn đang làm gì và bạn nói “tôi đang ăn cơm” thì lúc đó bạn đang hồi tưởng trải nghiệm ăn chứ bạn không ăn và không nhận biết được người đang thực hiện trải nghiệm ăn.
Bạn hiểu ý tôi rồi chứ, khi bạn cảm nhận cô đơn thì bạn sẽ hoàn toàn không nhận biết được chủ thể trải nghiệm cô đơn, khi bạn nói “tôi cô đơn quá!” và lý giải “tôi cô đơn là vì…”, tức bạn đang trải nghiệm cái suy nghĩ cô đơn chứ không phải bạn trải nghiệm cô đơn, cảm giác ấy đã kết thúc sau khi tâm trí bạn nhảy đến cái trải nghiệm của việc triết lý và hồi tưởng rồi.
Như cách mà triết học hiện sinh vẫn có thể làm cho con người ta khủng hoảng hiện sinh, càng hồi tưởng và triết lý về cô đơn, thì cảm giác cô đơn sẽ khiến con người ta gục ngã. Thay vì thấu rõ trạng thái cô đơn thông qua nhận biết bằng cách hợp nhất toàn bộ tâm hồn và thể xác thì họ lại mắc kẹt vào những diễn dịch về cô đơn trong tâm trí và tự phân chia chính mình.
Vậy nên, chừng nào bạn cô đơn đến mức không còn phân biệt được ai là chủ thể của sự cô đơn này và không luyên thuyên về cô đơn nữa thì bạn sẽ hết tò mò về cô đơn và lẳng lặng tận hưởng cô đơn nếu thích.
Cảm ơn các bạn kiên nhẫn đọc đến đây, hi vọng bạn cũng sẽ hứng thú và thiền với câu này từ Kinh thánh (nhưng tôi viết lại từ cuốn Minh triết về nỗi bất an):
“Nếu mắt ngươi chỉ có một thì cả thân thể ngươi sẽ ngập tràn ánh sáng” (Matthew 6:22)”
Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: THĐP
I do not even know how I ended up here but I thought this post was great I do not know who you are but certainly youre going to a famous blogger if you are not already Cheers
Lâu lâu em hay lôi ra đọc lại =))
Nhà anh cũng có quyển sách của Alan Watts mà chưa đọc nữa, hehe.
Alan Watts là đỉnh cao của minh triết, mình cảm thấy lời nói của ông rất đơn giản và dễ hiểu nhưng lại chứa đựng một sự sâu sắc đến lạ kỳ