27 C
Nha Trang
Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Triết Học Đường Phố - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Dạy chữ cho con

 Photo: Mental Picture

 

Tư thế thích hợp nhất để nói chuyện với trẻ con là gì? Ta rất hay thấy một người lớn cúi xuống để mặt mình ngang với mặt đứa trẻ, cử chỉ này tuy rất bình thường nhưng thật ra hàm ý rất nhiều; (và ngay cả khi không được ai nói cho biết, ta cũng thường xuyên, theo bản năng, làm như vậy, mỗi khi muốn nói chuyện với một đứa trẻ con) là vì muốn để đứa trẻ con không sợ, ta phải làm cho mình bé đi, sao cho nó có cảm giác hai bên ngang hàng.

Trẻ con chưa phát triển nhiều về trí tuệ và ý thức, nhưng bản năng của nó, nhất là bản năng về nguy hiểm, vô cùng lớn, tôi dám nói là lớn hơn nhiều so với người lớn. Và khi đứa trẻ đang đứng, tư thế thích hợp nhất của người lớn muốn nói chuyện với chúng thật ra không phải cúi người xuống, mà là ngồi quỳ hẳn xuống, lúc ấy cảm giác về nguy hiểm ở đứa trẻ mới thực sự tiêu tan.

Bản năng về nguy hiểm này lớn, nên tôi nhận thấy là sai lầm cái thói quen này, mà tôi từng chứng kiến rất nhiều:

Một đứa trẻ đang có người trông, lợi dụng lúc người kia lãng đi không để ý, nó lỉnh đi mất, vì ham muốn “phiêu lưu” của nó là rất lớn, không kém gì bản năng về nguy hiểm; nó đi lang thang đến một chỗ nào đó, ví dụ gần đến chỗ cầu thang đi xuống, một bước nữa là đến đầu cầu thang; lúc ấy, người trông nó chợt nhận ra sự vắng mặt của nó, quay đầu tìm kiếm, nhìn thấy nó đang như thế.

Rất nhiều người hét lên, trong trường hợp ấy, chính tiếng hét nhiều khi là yếu tố cơ bản khiến đứa trẻ ngã luôn xuống cầu thang, vì nó bị giật mình, giật mình nên đánh mất cảm giác về nguy hiểm; lẽ ra đó đã là một cơ hội để đứa trẻ có trải nghiệm thực tế về nguy hiểm và sau đó bồi đắp rất nhiều bản năng sẵn có, nếu người trông nó cư xử có lý tính hơn, nhưng kết quả lại là một cú ngã. (chắc chắn là rất đau, có khi gãy hay rách cái này cái kia)

Tôi đã chứng kiến tận mắt một cảnh như vậy, một đứa trẻ chập chững bước ra gờ một cái sân, một loạt người hét lên, và nó ngã chúi về đằng trước rồi rơi xuống, may mà bên dưới toàn cát nên nó không sao.

Một sai lầm căn bản nữa là thiếu kiên nhẫn; ngoài bản năng về nguy hiểm, ham muốn phiêu lưu, một nét tính cách rất trội nữa của trẻ con là niềm thích thú được hành hạ người khác.

Điều này thể hiện rất rõ khi bố mẹ cho con ăn

Tôi từng chứng kiến tận mắt, một bạn (nữ) cho đứa con (tầm tuổi con trai lớn của tôi) ăn cháo; bạn này thật ra rất nổi tiếng, đặc biệt rất thường mang con ra khoe, theo nhiều cách; lần ấy, trước mặt nhiều người khác mà có thể thấy rõ bạn ấy căng thẳng, răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra và cực kỳ kiên quyết, đứa trẻ không phải không muốn ăn nhưng nó có nhịp điệu riêng, cộng với ham muốn hành hạ mẹ nó, nhưng cuối cùng nó phải chịu khuất phục trước tốc độ đút cháo mà tôi có thể so sánh với tát nước bằng gàu, nó cực kỳ căng thẳng và sợ hãi, khổ sở đến mức những người khác, không muốn can thiệp chuyện riêng, đều phải đau lòng ngó lơ.

Đúng như tôi dự đoán, mấy năm sau đó, thoáng gặp lại đứa bé gái ấy, nó đã lớn lên nhiều, nhưng đã có một tính cách rất tough.

Thứ ba là vấn đề then chốt này: Bố mẹ đánh con

Ở đây, sau bản năng về nguy hiểm, ham muốn phiêu lưu, niềm thích thú hành hạ người khác (đặc biệt bố mẹ), đứa trẻ còn có một thiên hướng nổi bật về chống đối và phản kháng; một trong những cách giải quyết thiên hướng này, phổ biến vô cùng, là đánh con.

Tôi không hề có ý định đánh giá gì ở đây, và tôi hoàn toàn hiểu nhiều khi người ta đánh con vì bộc phát, vì muốn tốt cho nó, vì không chịu đựng được, vì giận cá chém thớt, mọi điều đều có thể được biện minh trong lĩnh vực này; tôi chỉ muốn nhìn vào điều này một cách hết sức duy lý; tuy nhiên, tôi cũng cần nói ngay một điểm quan trọng: Đánh con tức là đương nhiên vi phạm nguyên tắc quyền bất khả xâm phạm về thân thể; đánh con rồi, tức là bố mẹ đã tự giảm bớt khả năng giáo dục được cho con về nguyên tắc bất khả xâm phạm về thân thể: Đứa trẻ có thể thấy đi đánh người khác là chuyện quá không có gì đáng nói, và đứa trẻ cũng có thể chẳng bao giờ thực sự tự ý thức được rằng thân thể của nó là bất khả xâm phạm: bố mẹ nó làm gì cũng được thì tức là người khác làm gì cũng được

Điều chủ chốt nằm ở chỗ: Một cách duy lý, đánh con đồng nghĩa với hai điều rất dở hơi:

  1. Bạn đánh một người mà bạn thực sự yêu quý, việc đó không thể biện minh được với chính bạn.
  2. Bạn đánh con, bạn sẽ còn đau hơn.

Hai điều trên đây thông thường được biện minh bằng lý luận: Muốn tốt cho trẻ con thì phải nghiêm khắc, đến mức độ đánh đập, tức là rơi thẳng vào điều cơ bản của chủ thuyết mục đích biện minh cho phương tiện.

Đến đây thì, một cách duy lý, chúng ta đã thấy chủ thuyết kia không hề ổn chút nào; ông hoàng của chủ thuyết ấy, Machiavel, không chỉ vi phạm luân lý, mà cùng lúc còn vi phạm trầm trọng luận lý. (tất nhiên đây đang chỉ nói rất bao quát, không có thêm các yếu tố cụ thể)

Như vậy, bốn đặc điểm của trẻ con: Bản năng về nguy hiểm, ham muốn phiêu lưu, niềm thích thú hành hạ người khác, thiên hướng phản kháng, đều liên tục có khả năng tạo ra những phản ứng bất hợp lý từ người lớn.

Nhưng chưa hết, đứa trẻ thật ra hết sức tinh vi, hơn mọi thứ mà ta có thể khái quát dù theo một cách thức đúng đắn đến thế nào, tôi sẽ kể về cuộc chiến đấu của tôi với Chouchou trong lĩnh vực nho nhỏ nhưng cốt yếu trong buổi đầu đời của nó: Đi ngủ (về tắm tôi đã nói nhiều lần, và tôi quan niệm tắm táp quan trọng không kém, thậm chí hơn chuyện ngủ, nhưng dĩ nhiên đứa trẻ phải có giấc ngủ hợp lý thì mới có thể phát triển tốt được; ăn là mục tôi coi nhẹ nhất, hehe)

Cuộc chiến đấu của tôi với nó dài như trường ca Gilgamesh

Chouchou là một đứa bé đủ sức qua mặt bất kỳ ai trong gần như bất cứ chuyện gì, tất nhiên nó cũng biết sợ ở nhiều trường hợp cụ thể, nhưng về cơ bản, nó luôn luôn có thiên hướng phản kháng, theo một cách rất riêng.

Từ lúc còn chưa biết nói, nó đã không thích ngủ, đây là lĩnh vực phản kháng nổi trội nhất của nó. (lưu ý là mỗi đứa trẻ có một lĩnh vực thể hiện sự phản kháng riêng, ở những đứa khác có thể là trong lĩnh vực ăn, mặc hoặc tắm, đa dạng lắm, hoặc kết hợp nhiều thứ một lúc hehe)

Không thể đếm được đã bao nhiêu lần tôi thi gan với nó, nằm bên cạnh nó đợi nó ngủ, và rất nhiều lần tôi đã ngủ trước, thế tức là tôi thua :p tất nhiên đó đã là qua bao nhiêu thử nghiệm, dỗ, dọa, kể chuyện liên tu bất tận, đánh lạc hướng vân vân và vân vân, không gì tôi chưa từng làm, để xem có gì work được không, và nhất là để thăm dò từng phần trong cơ chế hoạt động của não bộ và tinh thần nó.

Bọn trẻ con nằm giả vờ ngủ, không ai còn lạ, chúng sẽ cố gắng nằm thật yên, thở thật đều, nhưng ở mức độ thấp, mí mắt chúng vẫn giật giật, cơ bắp thì cứng đơ ra, ta chỉ cần tý chút nhạy cảm là biết nó chưa ngủ.

Nhưng Chouchou thuộc một cấp độ cao hơn, dần dần nó luyện được mắt không hề giật, người thả lỏng thực sự. Cho đến lúc nó nhận ra kể cả như thế vẫn không qua mặt được tôi, thì nó chuyển sang một cơ chế khác, mà tôi phải thầm thán phục là vô cùng tinh vi.

Nó lỏng người thật, thậm chí nó còn có đầy đủ biểu hiện của một người đã ngủ, nhất là thỉnh thoảng các cơ tay, cơ chân của nó giật giật, biểu hiện rõ nhất của một người đang chìm vào giấc ngủ, các cơ giãn ra để không còn chút energy nào nữa. Nhưng kể cả như thế rồi, hóa ra nó vẫn chưa ngủ hahaha.

Mãi rồi tôi mới lần mò ra cơ chế của nó: Tôi có hai cách giải thích:

  1. Nó luyện thế nào đó mà lên đến đẳng cấp ấy, nhưng cách giải thích này rất khó tin, trẻ con nói thế thôi, làm sao tinh vi bằng người lớn được, trí tuệ của nó chưa hoàn chỉnh, không thể suy nghĩ quá sâu được.
  2. Để tìm cách qua mặt tôi, nó thực sự nghĩ ra một chiêu rất đỉnh: Là nó thực sự ngủ, để một phần tiềm thức (từ này bây giờ không còn lạ với bất kỳ ai nữa, nhưng tôi chẳng tin người ta có thể thực sự hiểu thấu đáo) của nó chìm vào giấc ngủ thật, để tôi thấy được là nó đã ngủ, nhưng ngay khi sự chú ý của tôi giảm đi, nó liền cảm nhận được, và thế là phần tiềm thức còn lại trồi lên, và thế là nó dậy luôn.

 

Đấy, tức là mất rất nhiều năm tháng theo dõi nó sát sao, tôi mới thực sự hiểu được con người nó; đến một đợt chỉ có một mình tôi chăm cả nó và Sura, tôi đã giải quyết được về cơ bản, Sura bao giờ cũng lăn ra ngủ trước (tính cách nó dữ dội nhưng thật ra rất biết điều, nó phản kháng theo cách của nó, bùng lên rồi hết thì thôi, mà cũng dễ ứng phó, không như Chouchou, rất dai dẳng, chầm chậm nhưng quyết liệt theo kiểu riêng, rất khó đối phó), khi ấy thì tôi đã nắm được cơ chế của Chouchou nên tùy hôm tâm trạng của nó thế nào thì hoặc là dỗ hoặc là dọa tí chút, thành ra nó cũng ngủ được ngay, lâu nhất cũng chỉ nửa tiếng sau em nó.

Nhìn hai thằng ngủ chổng cu lên trời, mình thấy thật là cảm khái. :v

Giờ đến câu chuyện chính nhé: Dạy chữ cho con

Khi có đến Sura, tôi bắt đầu có một quan niệm khác hẳn về nuôi trẻ con; Chouchou được tôi chăm bẵm quá nhiều (thật ra cũng vì kiểu tính cách của nó nữa) nên nảy sinh một số điều mãi mới trị được hoặc làm giảm mức độ, còn Sura, ngay từ đầu, tôi nắm bắt rất nhanh nét tính cách và thể chất của nó, thành ra Chouchou thì liên tục đi bệnh viện, còn Sura, nói trộm vía, cho đến giờ phút này, chưa bao giờ đi bệnh viện hết, chỉ độc một lần ra phòng khám để xem cái mũi và một lần tôi bế đi nha sĩ, mà cái lần đi khám mũi cũng chỉ vì tôi không chịu nổi áp lực từ những người khác.

Muốn làm được như thế, bạn phải thực sự cứng rắn, phải chịu được áp lực, và nhất là phải dám chịu trách nhiệm, cả những trách nhiệm bạn sẽ không thể chịu nổi.

Có một lần tôi phải đi công tác vắng, Sura bị ốm nặng, tôi bắt miêu tả rõ mọi thứ, rồi bắt đầu chỉ dẫn từ xa, và kiên quyết không cho đưa nó đi bệnh viện; tôi đã quá rõ bệnh viện ở Việt Nam, trừ khi không thể không đến, tôi không bao giờ chấp nhận cho trẻ con liều lĩnh đặt chân đến đó; sau một đêm, hôm sau nó đỡ dần.

Mới hôm trước cũng vậy, Sura sốt ban đêm, bà nó đo nhiệt độ rồi muốn đút đít hạ sốt, nhưng tôi cản, tôi thấy nó sốt cao nhưng vẫn ngủ được, sờ vào người thấy nóng nhưng không có triệu chứng lạ như giật hay nhăn nhó mặt, tôi cứ ngồi canh nó như vậy đến gần hết đêm, sáng ra đầu nó mát và lại đi học được bình thường, chiều không sốt lại; thật ra, trong lúc trẻ con ốm, yếu tố hàng đầu chính là sự bình tĩnh của bố mẹ, có bình tĩnh thì mới tạo ra cảm giác về chỗ dựa, sự yên tâm đích thực, đứa trẻ bị ốm thấy không nguy hiểm, nó sẽ hồi phục rất nhanh; trẻ con có khả năng hồi phục kỳ diệu lắm, nhưng ta phải thực sự đặt lòng tin vào đó.

Lan man mãi vẫn chưa đến chuyện học chữ đấy :p

Như mọi đứa trẻ sắp học lớp một, Chouchou phải học chữ từ cách đây rất lâu, tôi không can thiệp mấy, chỉ kiên trì quan sát (đây là một lĩnh vực mới mẻ tôi chưa có kinh nghiệm, nên phải quan sát từ đầu để nắm bắt các đặc điểm một cách vô cùng tỉ mỉ), đi họp phụ huynh, nghe các quan điểm của trường, rồi nghiên cứu thêm các thứ, tôi bắt đầu cảm thấy mọi phương pháp thông thường đều sẽ không có hiệu quả với nó.

Chouchou là kiểu thế này: nó muốn là có thể tạo ngay được cho người khác cảm giác nó rất biết nghe lời, ngoan ngoãn, sáng dạ, nói chung là vừa đủ để không bao giờ rơi vào trường hợp cá biệt, bị quá để ý. (năm đầu nó học mẫu giáo, cô giáo nó bảo chưa bao giờ gặp đứa bé nào thông minh như nó, nhưng tôi chẳng quan tâm mấy, tôi biết bởi vì cô giáo ấy dễ chịu và quý nó nên nó cũng đáp lại, làm cô giáo tự hào vì nó, nhưng ở trường hợp khác nó sẽ có cách cư xử khác)

Mấy lần nó khám sức khỏe ở trường, tôi xem bản nhận xét của bác sĩ, và tôi nhếch mép cười, không một bác sĩ nào nhìn đúng được nó, vì khi đó nó đề phòng, nó không thích có sự can thiệp của người lạ, nó thể hiện một cách khác hẳn, không phải nó lúc bình thường; nghĩa là, Chouchou có kiểu riêng của nó, nó qua mặt được bất kỳ ai.

Trừ tôi

Nói tiếp chuyện học chữ: Sau một thời gian dài, nó đã bị bắt học không biết bao nhiêu thứ, nhiều lần tôi cũng mang nó đến một chỗ chỉ có riêng nó với tôi để quan sát được kỹ hơn, tôi chỉ lim dim lơ đãng để nó không thấy đề phòng, nhưng thật ra trong lúc đó tôi quan sát nó hết sức chăm chú.

Về mặt “ra chiêu” tôi cũng không phải vừa, nhưng thật ra năng lực lớn nhất của tôi là “phá chiêu”, tức là gần như đồng nghĩa với phân tích; một trong những thú vui giải trí ưa thích của tôi hồi còn hay đi thư viện là đến bất kỳ đâu tôi cũng quan sát hệ thống bảo vệ, rồi nghĩ cách, nếu muốn trộm sách ở đây mình sẽ phải làm thế nào, làm thế nào để qua mặt được hết mọi sự cảnh giới kia; thường thì chỉ một hai lần là tôi nghĩ ra, những nơi đặc biệt kín kẽ thì phải mất nhiều lần hơn, nhưng chưa hệ thống nào tôi không tìm được kẽ hở. (tuy nhiên, nghĩ ra là tôi đã thỏa mãn rồi, nên chưa bao giờ ăn cắp sách thư viện, nói luôn để các bạn buồn hahaha)

Thật ra hơi giống giải toán, nhưng tôi không coi là giải toán, tôi thấy toán học là thứ tinh vi bậc nhất, nhưng lại thiếu mất một khía cạnh tạo nên sự sinh động của cuộc đời tinh thần: đó là nó thiếu béng mất tính chất timing; bạn giải một bài toán, khó đến đâu thì cứ làm thôi, đến khi nào xong thì xong, nhưng “phá chiêu” khác hẳn, bạn phải sắp xếp, phải tính đúng “điểm rơi”, thời điểm chuẩn, bạn phải nhọc công dự đoán rất nhiều điều; thế nên, những người đặc biệt chuyên sâu toán học tôi thấy đều cực kém sense of timing.

Trong chuyện học chữ, Chouchou hoàn toàn lơ đãng, và sau rất nhiều thời gian bị ép học, chép chữ hết mấy quyển vở, ngồi vào bàn rất ngay ngắn, nó vẫn hoàn toàn không biết gì.

Vì nó quá lơ đãng, vấn đề của nó là sự tập trung, chứ không phải năng lực trí óc, nó ngồi xếp Lego thì thôi rồi, mất nguyên cả ngày cũng được, bao giờ bằng được thì mới chịu thôi, hoặc nếu không làm đúng được, nó có thể phản ứng theo kiểu đập phá hoặc khóc lóc. (trông tôi vậy thôi, nhưng tôi chính là một thiên tài về xếp Lego đấy haha, tôi đã giúp nó xếp không biết bao nhiêu bộ, và cho đến khi nó dùng các mảnh để xếp những hình riêng theo ý nó mà không nệ theo hình mẫu vẽ trong sách hướng dẫn nữa, thì tôi biết giai đoạn Lego của nó đã qua)

Tức là, nó rất lơ đãng với việc học chữ, vì nó không tập trung, nhưng không phải nó không có khả năng tập trung. Tôi biết đã đến lúc mình phải vào cuộc, vì không một ai đủ khả năng dạy cho nó thực sự biết chữ; nói thẳng là nó có học bao nhiêu lâu thì mù chữ vẫn hoàn mù chữ.

Tôi rình mãi, rình mãi một cơ hội; Chouchou không phải dạng trẻ con để bị bắt ép, bắt nó thì cũng được, nhưng đây là chuyện học chữ, tôi không muốn nó học máy móc như con vẹt.

Mãi rồi cơ hội mới chịu đến, vào tuần trước, một cách hết sức tình cờ; tôi chở Chouchou đến trường đi học, nó đang đi lên lớp thì bỗng để ý thấy dòng khẩu hiệu viết rất to trên tường, nó dừng lại nhìn nhìn.

Tôi biết đã đến lúc rồi, thế là tôi cũng dừng lại, hỏi nó từng chữ, chữ nào nó không nhớ thì tôi nhắc, rồi tôi giúp nó đọc hết một nửa cái khẩu hiệu, bốn chữ, và tôi cảm thấy rõ, nó đang bắt đầu thích thú trò chơi mới này rồi. Lúc về buổi chiều, tôi lại dẫn nó ra chỗ đó, làm như buổi sáng, để xử lý nốt nửa đầu cái khẩu hiệu. (bốn chữ nữa)

Sau đó, trên đường về, nó nhắc đi nhắc lại câu khẩu hiệu một cách rất thích thú, chẳng gì thì nó cũng vừa có một trải nghiệm lần đầu tiên trong đời đọc hết được một câu, mấy cái chữ vớ vẩn hóa ra ghép lại thì có nghĩa. (lẽ dĩ nhiên là có sự giúp đỡ của tôi, nhưng cũng dĩ nhiên, tôi giảm thiểu vai trò của tôi đến tối thiểu, nó thực sự cảm thấy mình vừa thực hiện một chiến công oanh liệt, rất là tự hào, tôi cũng liên tục tâng bốc nó để giữ sự cao hứng trên mây của nó hahaha)

Tôi cũng biết ngay rằng sự tập trung này sẽ không kéo dài, tôi phải triệt để lợi dụng nó, và trong đầu tôi lập ngay ra một kế hoạch, Chouchou sẽ phải nắm được một số điều căn bản về đọc và viết chỉ trong vòng bảy ngày.

Về đến nhà, tôi lấy ngay giấy bút ra, bảo nó tại sao con không thử viết lại cái câu con vừa đọc được ấy, nó hơi ngần ngại nhưng tôi bảo thôi phim hoạt hình đợi tí cũng được, tắm cũng đợi tí cũng được, cứ viết đi. Thế là nó viết, tất nhiên rất chật vật và rất lâu, nhưng cuối cùng cũng xong, với sự giúp đỡ (gần như hoàn toàn) của tôi. Ttrong lúc ấy, tôi cũng tự hoạch định một kế hoạch và các nguyên tắc chính

Hôm sau, tôi bảo nó, con thấy đọc được và viết được có sướng không, mà cũng dễ bỏ xừ, nhỉ, rồi bảo tiếp, thật ra nhé, muốn đọc và viết được dễ cực, bố dạy cho, cách của bố đơn giản lắm, không phải gò lưng ra tập viết suốt ngày từng chữ đâu.

Nó ok, thế là tôi tiếp luôn, bắt nó nhớ rằng chỉ cần thực sự nắm vững a, e, i, o, u là xong, sẽ giải quyết được hết, nó hỏi dễ thế à, rồi bắt đầu nhẩm (mấy ngày tiếp theo, tôi tiếp tục bắt nó thuộc năm âm đó, mà tôi chỉ gọi là “âm” chứ không lằng nhằng “nguyên âm” quái gì cả, đồng thời mở rộng các biến thể â ă ê ô ơ ư, tổng cộng nó chỉ cần biết 5 âm chính + 6 âm phụ, tổng cộng 11 âm)

Rồi tôi chuyển sang dạy nó, bất kỳ từ nào mình cũng biết ngay là có cái âm nào trong 11 âm kia, chỉ cần đọc thật chậm thôi, đọc kéo dài ra: Chơi thì thành chơiiiiii, rồi thấy vẫn chưa ăn thua thì tách ra, ch-ơi, rồi ch-ơ-i, càng chậm càng tốt, đọc chậm thì thấy mình đang đọc giống âm nào nhất trong 11 âm kia thì tìm ra được ngay)

Đồng thời, điều này rất quan trọng, tôi đợi nó tự nghĩ ra câu, ví dụ ngày thứ hai, trước khi nó được tôi đưa đi học, bỗng nó nói, “Con mèo trèo lên cây”, thế là tôi bảo nó luôn, chiều nay đi học về mình sẽ viết đúng câu này, con chỉ cần, trong giờ học có lúc nào rỗi thì thử nhẩm xem từng từ có những âm nào, rồi ví dụ “con” thì thành connnn rồi c-onnnn, tức là có âm o.

Điều này hết sức quan trọng, vì với một đứa trẻ lơ đãng, thiếu tập trung, áp đặt từ hay câu nó sẽ rất khó chịu, nhưng một khi được tập viết đúng câu của nó, sự hào hứng và qua đó là khả năng tập trung sẽ cao lên hẳn.

Cứ như thế, ngày nào tôi cũng bắt nó thực hành, với những câu nó nghĩ ra, trong đó dĩ nhiên có những câu rất ngớ ngẩn hehe, ví dụ “Đồ chơi ở trong bãi rác”

Có mấy điều cơ bản tôi đặt ra thành nguyên tắc là:

  • Không để nó có cảm giác từ này khó hơn từ khác, mà phải làm nó hiểu từ quái nào cũng được hết, đọc được hết, viết được hết, dài ngắn chả quan trọng.
  • Thế nên tôi không có vướng mắc mất thời gian với những khái niệm ngôn ngữ học kiểu chữ là gì từ là gì động từ là gì nguyên âm kép nguyên âm ba phụ âm kép các thứ, không cần quan tâm luôn, miễn bỏ dấu đúng chỗ là được, thứ tự các nét của từ nắm cho đúng là xong, tôi không có yêu cầu cao hơn. (mặc dù nếu mà thích tôi có thể thuyết vài ngày không nghỉ về ngôn ngữ học, vì vào một thời điểm bước ngoặt then chốt trong đời tôi đã cực kỳ nghiêm túc nghĩ đến việc theo con đường ngôn ngữ học chuyên nghiệp)
  • Tôi cũng không bắt nó viết cho ngay hàng thẳng lối, vì theo tôi, cho đến giờ phút này, hoạt động dùng bút quan trọng nhất với nó là vẽ, vậy thì cứ để nó có cảm giác không phải đang viết mà đang vẽ, ngoằn ngoèo lên xuống cũng được, xong rồi thì coi như một bức tranh, không phải tập viết.

Tôi cho nó nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật đàng hoàng, chỉ có Chủ nhật đi cắt tóc thì bắt nó thử đánh vần một câu, và quả nhiên nó mày mò một lúc đánh vần được luôn.

Ngày thứ sáu của đợt tập viết, nó đã viết được “Đầu thủy quân lục chiến”. Sau đó tôi cho nó nghỉ một ngày, hôm nay sẽ là ngày thứ bảy, ngày cuối cùng, nó sẽ được viết một câu rất dài mà nó đã nghĩ ra từ hôm trước. Sau đó tôi thôi, chả dạy nữa, để các cô giáo và những người khác hữu trách giải quyết nốt, chỉ vừa đẹp cho nó nắm được các nguyên lý cơ bản của viết và đọc là xong, râu ria nó tự hoàn thiện dần, đời còn dài, gấp làm quái gì, sốt ruột làm gì.

NB. Những điều trên đây là các câu chuyện riêng của tôi, không phải những lời khuyên rộng rãi; những gì tôi làm dựa trên sự quan sát rất cụ thể và tỉ mỉ những đứa trẻ cụ thể có những đặc điểm riêng có; tuy nhiên tôi vẫn viết ra đây, vì điều tôi muốn truyền đạt nhất là cái tinh thần quan sát thật kỹ đứa trẻ của mình, nếu thực sự quan sát kỹ càng, tỉ mỉ, ta sẽ có những biện pháp hợp lý, ít nhất là thích hợp.

 

Nhị Linh

spot_img
Triết Học Đường Phố
Triết Học Đường Phố
"Thà chết cho một ý tưởng bất diệt, còn hơn sống cho một ý tưởng phù du." — Steven Biko

BÀI LIÊN QUAN

4 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài viết của bạn mình cứ đinh ninh bạn là một người phụ nữ trong vai trò dạy con, chứ không thể là một ông bố được.hihi
    Chia sẻ với bạn mình có đứa con trai, chắc cũng trạc tuổi chouchou nhà bạn.Bề ngoài nó rất ngoan, hiền và nhút nhát nhưng thực chất lại vô cùng bướng bỉnh, hay lý sự, có lẽ là thích hành hạ mẹ như bạn nói. Mình cũng phải luôn tìm cách phá những chiêu trò lý lẽ của nó, quả thực nhiều lúc mình hết kiên nhẫn, phải dùng đến biện pháp đánh con. Đánh xong mình còn đau hơn con, rồi lại phải tìm lúc hợp lý để xin lỗi nó. Trong” công cuộc” đưa con vào khuôn khổ,mình cảm thấy không có việc gì mệt mỏi và nhiều thử thách hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

FOLLOW US

62,550Thành viênThích
3,699Người theo dõiTheo dõi
3,900Người theo dõiĐăng Ký
spot_img

BÌNH LUẬN MỚI

XEM NHIỀU

BÀI MỚI